Này cô Hai, cha chả, tội nghiệp chửa? Thì đó, cứ nghe ca khúc này thử xem sao: “Bởi tui thất nghiệp nên về tầm vuông tui cấm câu, bắt con nhái bầu, móc ngang cái ngầu, chờ cho nước lớn để cá ăn câu, sao em nỡ vội quên lời thề xưa em hỡi em”. Tìm một văn bản khác, so sánh thử để xem “tầm vuông” là gì? Có phải danh từ riêng? Nếu thế, nó ở đâu? Chẳng quan trọng, vì rằng, nếu đổi qua Cần Thơ, Trà Vinh… thì cũng đặng, miễn phù hợp với tâm trạng của người hát/ người nghe. Còn “cái ngầu” là cái gì? Không rõ. Thôi thì, hãy cứ để đấy, tính sau. Thiên hạ vẫn hát ầm ầm đó thôi, cứ khảo sát từ Google thì rõ.
Tội nghiệp ở chỗ “sao em nỡ vội quên lời thề xưa em hỡi em”. Lại thất tình nữa rồi. Chẳng khác gì, tâm sự của anh chàng bán chiếu ở Cà Mau: “Chiếu này tôi chẳng bán đâu/ Tìm cô không gặp, hò ơ…/ Tôi gối đầu mỗi đêm/ Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy/ Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào?”. Xét kỹ lại, tội nghiệp nhất vẫn là chàng trai đó? Không. Yêu nhau, bỏ nhau, rồi thất tình, dẫu có buồn tỉnh gì đó thì ráng chịu.
Cơn cớ gì con nhái/ nhái bầu bầu phải “chịu trận” trong vụ này?
Con nhái đó, lại có vế đối từ thời chiến tranh, nghe đâu phổ biến ở Quảng Bình nay vẫn chưa có câu đối lại:
Nhái cóc ra nhái, chẫu chuộc như ngóe, xanh đít nhái lại ểnh ương ngồi trơ mắt ếch;
Còn có câu khác:
Nhái vào bắt cóc, cóc bắt được ai, bị trói bén, ngồi trơ mắt ếch.
Ấy là “ngẫu hứng sinh tình” từ tình huống của người nhái: “Người được luyện tập bơi lội thật giỏi và có mang hai bàn tay, bàn chân giả như ếch, dùng trong việc quân sự” (Việt Nam từ điển, 1970); “Người được trang bị đồ bơi hình chân nhái và máy lặn để hoạt động dưới nước” (Đại từ điển tiếng Việt, 1999). Chúng được gọi là người nhái biệt kích, đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển phía Bắc, bị dân quân tóm gọn. Trong Nam, “người nhái” còn gọi “người ếch”.
Trong hai vế đối đó, tội nghiệp nhất là nhái/ con nhái chăng? Không. Đáng đời. Ráng mà chịu. Vậy, tội nghiệp nhất là con cóc? Tội nghiệp cái quái gì, con cóc đâu có xuất hiện trong ngữ cảnh này? Vế đối đó, cô Hai ơi, đọc kỹ lại đi. Ứ chịu chứ gì? Dứt khoác là phải có con cóc. Ừ, cứ cho là thế. Thế thì, ta hãy đọc lại bài thơ này:
Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Chép miệng dăm ba con kiến gió,
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.
Ai lại lẫy lẫy lừng lừng đến thế kia? Xin thưa, chỉ là… con cóc qua cái nhìn (tương truyền) của vua Lê Thanh Tôn. Có con cóc rồi đó, hài lòng chửa? Áo sồi là loại áo may bằng loại hàng dệt bằng tơ ươm không đều, bề mặt xù xì như da cóc. Đáng chú ý câu thứ 4 - một cách diễn đạt lại kinh nghiệm thời tiết mà dân gian đã đúc kết: “Cóc nghiến răng, đang nắng thì mưa”. Ca dao còn có câu:
Con cóc là cậu ông trời
Hễ ai đánh nó thì trời đánh cho
Đã thế lại còn “Gan cóc tía” - nhằm chỉ ai đó gan góc, lì lợm, không biết sợ hãi, sở dĩ có so sánh này, Đại từ điển tiếng Việt (1999) lý giải: “Ví như loài cóc tía đã từng dẫn đầu đoàn thú vật lên kiện Ngọc Hoàng, làm náo động thiên cung, đòi trời làm mưa cho bằng được - theo truyền thuyết”. Nghe ra có lý. Này, cô Hai ơi, cái gan/ gan cóc tía đó một khi đã quyết làm gì đó thì làm cho bằng được. Vậy, trong trường hợp này:
Con cóc ở giá cũng lâu
Chàng hiu đi hỏi lắc đầu hổng ưng
Ở giá là ở góa/ ở vá do chồng vân du tiên cảnh nên đành ở một mình nuôi con, không “đi bước nữa”. Với những chuyện không thể xẩy ra, người Việt có nhiều cách nói ví von. Chẳng hạn, “Cóc chết có minh tinh”, ta hiểu là kẻ hèn mọn, tầm thường mà được trọng vọng, tót vời, đề cao quá mức; tuy nhiên cũng còn được hiểu theo nghĩa đừng nói chuyện hão huyền - chuyện đó không thể xẩy ra. Cứ nghĩ là thế, nhưng rồi nó vẫn cứ xẩy ra dễ như bỡn. Cứ tưởng như đùa. Với con cóc đang ở giá, thế nhưng trông vẫn còn “ngọt nước” lắm, tán tỉnh khó lắm đây, vậy, làm thế nào cho cóc gật đầu?
Con ếch nó ngồi sau lưng
Nó kêu cái ẹo biểu ưng cho rồi
Có dị bản “Con ếch ngồi ở gốc đưng”. Ngồi đâu cũng được. Đố ai có thể tìm được từ nào khác cực kỳ ấn tượng, rất Nam Bộ như “ẹo” - dù không từ điển nào giải thích trong ngữ cảnh éo le này, thí dụ: “Ẹo: Vẹo, vặn nghiêng sang một bên” (Đại từ điển tiếng Việt, 1999), “Ẹo: Co cúp, muốn gẫy, suy vi” (Đại Nam quấc âm tự vị, 1895), “Ẹo: Vẹo, trẹo, uốn nghiêng một bên” (Việt Nam tự điển, 1970), “Vẹo: Cong, gẫy quặp lại” (Tự điển Việt Nam, 1970), “Ẹo: Dáng đi ngả ngớn” (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, 1994)… Ngoài các nghĩa này, riêng Phương ngữ Nam Bộ, 2015 còn ghi nhận thêm: “Ẹo: Bắt chước tiếng kêu của con nhái”. Có thật là con nhái nó kêu cái ẹo? Tôi ngờ rằng không, vì rằng, còn có dị bản:
Con ếch nó ngồi sau lưng
Nó kêu ộp oạm biểu ưng cho rồi
Hoặc:
Con cóc ngồi dựa gốc bưng
Nó kêu cái quệt biểu ưng cho rồi
Thôi thì cứ cho nó kêu “ộp oạm”, kêu “quệt” đi nữa, dù dễ hiểu hơn nhưng sức mấy sánh nổi với “ẹo”. Cô Hai nghĩ thế nào? Chứ tôi nghĩ rằng, với từ ẹo ta dễ dàng liên tưởng tới quẹo/ trẹo/ vẹo / dẹo/ xẹo là đã gợi lên hành động dứt khoát, mạnh mẽ diễn ra nhanh chóng khiến không ai ngờ trước. “Nó kêu cái ẹo” là kêu liền, kêu ngay tắp lự, không đôi co, không ầu ơ ví dầu, không phân tích nọ kia là nhằm nhấn mạnh vào từ “ưng”. Ưng là ưng, ưng đi, chứ không bàn cãi, tính toán, so đo, do dự gì nữa sất. Tóm lại là một cách nói dứt khoát. Liệu chừng khi nghe “biểu ưng cho rồi”, con cóc có nghe theo? Cứ hỏi con cóc ắt rõ chăng? Không. Trong trường hợp này phải hỏi những ai đã từng “thả thính” cô nàng nào đó cũng “ở giá cũng lâu”, nhờ người mối mai, dỗ ngon dỗ ngọt “biểu ưng cho rồi”. Cuối cùng kết quả thế nào? Thì, thế này đây, chính người trong cuộc thở dài nẫu ruột:
Cóc kêu còn động thấu trời
Sao em không thấu những lời anh than?
Ta thấy gì? Thấy rằng, phụ nữ cũng có “gan cóc tía” đó thôi. Họ đã không chịu thì đừng hòng. Nhớ đấy nhé. Vâng ạ.
Này cô Hai, đôi khi ta nghe vài từ rõ ràng ràng là ếch, có ếch sờ sờ ra đó nhưng chắc gì? Thí dụ, ai đó bảo: “Trời mưa trơn trợt, thằng chả đi từ chợ về nhà chụp ếch mấy bận”, tức vừa đi vừa tranh thủ bắt ếch/ chụp ếch đem về làm món ếch chiên bơ “cải thiện” bữa cơm chăng? Nếu thế, còn gì bằng, vui quá, nhưng không phải đâu: “Té chúi xuống, dường như cúi xuống mà chụp ếch (tiếng nói chơi)”, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích.
Hãy trở lại với con cóc. Ngoài “Gan cóc tía”, lại còn “Nói như cóc cắn”, xem kìa, cứ theo ông bà ta nói hễ cóc đã cắn chỉ có trời gầm, nó mới chịu nhả ra, ý muốn nói ai đó ít nói nhưng đã nói ra câu nào là chết câu đó, khó cựa quậy, bắt bẽ lại.
Ghê gớm quá đi chứ?
“Thế, bạn có sợ cóc?”. Nghe hỏi ấy, người kia bèn đáp: “Cóc sợ”. Cóc trong ngữ cảnh này lại từ đồng âm, hiểu theo nghĩa là không/ chẳng/ đếch - chỉ sự phủ định. Vậy nên xét từ câu đối ở Quảng Bình vừa nêu trên: “nhái cóc ra nhái”; “nhái vào bắt cóc, cóc bắt được ai” là hiểu theo nghĩa này. Vẫn chưa đồng ý à? Thì đó, “nhái vào bắt cóc” rõ ràng là có con cóc đó thôi. Không đâu. “Bắt cóc” trong ngữ cảnh này hoàn toàn không dính dáng gì đến Lý cóc kêu ở Cần Thơ:
Cóc kêu dưới vũng tre ngâm
Tai nghe em bậu âm thầm nhớ ai
Cũng không dính líu gì đến Lý con cóc ở Đồng Tháp:
Cóc ta nhảy tới
Mà không thối lui
Cóc chui cóc lủi
Cóc nhủi gốc cây
Cóc ngồi loay hoay
Cóc lọt xuống hầm
Mà, bắt cóc này lại chính là… bắt cóc - hiểu theo nghĩa lén lút bắt ai đó, đem giấu kín nơi nào đó nhằm tống tiền hoặc vì mục đích nào đó. Nhiệm vụ của người nhái biệt kích trong vế đối trên chính là đây. Thử hỏi, tại sao “cóc” lại hàm ý chỉ vật quý giá để dẫn tới từ “bắt cóc”, chứ không là con gì khác? Trả lời câu hỏi hóc búa này, tôi chỉ tìm thấy duy nhất cách giải thích trong quyển Quảng tập viêm văn (in năm 1898) của Edmond Nordemann, NXB Hội nhà văn tái bản năm 2006, Nguyễn Bá Mão biên dịch và chú thích.
Trong đó, có đoạn liên quan đến từ bắt cóc: “Tinh thần tương tế (giúp đỡ nhau) rất phát triển ở An Nam cũng như ở người Trung Hoa. Ở An Nam, không có xóm nào không có hội hưu dưỡng của tuổi già gọi là hội “kỳ lão”, hội lễ bái Khổng giáo gọi là “hội tư văn”, hội cựu học sinh của một trường gọi là “hội đồng môn” (chủ yếu là để cung dưỡng thầy dạy họ), hội bảo đảm tang lễ gọi là “hội hiếu”, hội cho vay lẫn nhau gọi là “họ” và hội âm nhạc gọi là “hội nhạc sinh”… Tín dụng hầu như không có. Bởi vậy sự phòng xa của người Trung Hoa và người An Nam thường là chôn xuống đất tất cả của để dành của họ. Những của để dành này thường được tiêu biểu bằng các khối kim loại quý nhỏ có dáng hình con cóc. Từ đó, có từ ngữ An Nam “bắt cóc” để nói sự bắt phải chuộc. Những bản đồ được vẽ ra và đánh dấu tỉ mỉ dùng để tìm lại những chỗ cất giấu” (tr. 287).
Tóm lại, cóc là không/ chẳng/ đếch.
Vậy mà, quái lạ, ít ra từ thế kỷ XV, từ “cóc” lại có nghĩa là… biết, chỉ sự khẳng định! Lạ quá, phải không? Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của vua Lê Thánh Tôn (1442-1497), có câu: “Chẳng cóc mười hai cửa Phong đô gây nên mộng họa”; “Chẳng cóc trường phú quý tan khi mây nổi, thân huyễn hóa khôn cầm”. Chẳng cóc là chẳng ngờ, chẳng biết, biết đâu, ngờ đâu. Khi giải thích cóc là biết, hay, Từ điển tiếng Việt cổ (NXB Văn hóa Thông tin - 2001, tr72) của Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện dẫn chứng câu thơ Nguyễn Trãi:
Tuồng ni cóc được bề hơn thiệt,
Chớ để bằng ai đắn mới đo.
Tra cứu các văn bản khác, không phải “cóc” mà chính là “cốc”. Có phải sai “morat”? Không. Tiến sĩ Trần Trọng Dương cho biết, “Cốc - âm Hán Việt: Giác, (từ cổ) hiểu, biết, trong giác ngộ, cũng đọc cóc” (Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển - NXB Từ điển bách khoa - 2014, tr.75). Thế nhưng, khi nói “cóc khô”, lại là không được gì, không ăn thua gì, không ra gì. Thí dụ, một người nhận xét: “Việc cỏn con mà cũng trật duộc/ trật giuộc, cậu làm chẳng ra cóc khô gì”. Nghe câu mắng ấy, người kia bèn giận dỗi: “Cóc cần” - tức không cần, không quan tâm. Có phải bây giờ, ta mới sử dụng “cóc khô” theo nghĩa này? Không, từ hơn 500 trước người Việt xài rồi.
Mềm gối cóc khô mềm gối mãi,
Uốn lưng chào xáo uốn lưng dài.
Chào xáo là đon đả bề ngoài, giả dối. Câu thơ này xuất hiện trong Hồng Đức Quốc âm thi tập thuộc hội Tao Đàn mà vua Lê Thánh Tôn là nguyên soái. Trải qua năm tháng, từ cóc đã có nhiều cách hiểu khác nhau. Hiện nay, với những quán vỉa hè không cố định, tạm bợ, nay đây mai đó lại gắn với cóc như quán cóc, kể cả bến xe cóc, chợ cóc… có lẽ do xuất phát từ động tác hay nhảy của cóc. Tục ngữ có câu “Bắt cóc bỏ dĩa/ Bắt cóc bỏ nong”, ai cũng hiểu là ngụ ý chỉ việc làm không có kết quả, vô ích hoàn toàn - trái ngược với “Bắt cóc bỏ đệp/ Bắt cua bỏ giỏ”. Vẫn biết cóc hay nhảy, nhưng ai đó lúc làm thơ chỉ miêu tả:
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi
thì cụm từ “thơ con cóc” lại trở thành “điển tích” của người Việt nhằm chỉ các bài thơ dở ẹc/ dở ẹt/ dở khẹt/ dở òm. Cóc phải là thơ. Dám hồ đồ một cách quả quyết là thiệt oan cho con cóc quá đi thôi. Không sao cả. Vì rằng, con cóc nó không lên tiếng phản đối cái sự “chụp mũ” trắng trợn, quá hớp này, cơn cớ gì mình xía miệng? Kệ nó. Chỉ biết rằng, chắc chắn nó sẽ “kiện ông trời” rằng, thì, là, mà… ai cho phép con khỉ lấn lướt nó trong lời ăn tiếng nói của người Việt? Chẳng hạn, hai người bạn cãi vã nhau, một người bảo: “Việc này, cậu dốt lắm, có kinh nghiệm khỉ khô/ khỉ mốc/ cóc khô gì mà ý kiến ý cò?”. Bị chê sát ván, người này cáu tiết: “Ừ, cậu thì giỏi. Giỏi đến độ chẳng biết cái cóc/ cóc khô/ khỉ khô gì ráo”.
Không rõ từ lúc nào, cóc và khỉ cũng có thể hoán đổi vị trí cho nhau, hả cô Hai?
L.M.Q