“Đánh trống qua cửa nhà sấm”, cùng hàm nghĩa với câu tục ngữ này, ta nhớ đến câu “Múa rìu qua mắt thợ”, “Giảng kinh cho Thích Ca”, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (NXB Giáo Dục-1991) của nhóm Vũ Dung, Vũ Thùy Anh, Vũ Quang Hào giải thích: “Trổ tài khoe khoang, thi thố tài năng hoặc thách thức với người vốn am hiểu, tài giỏi hơn mình nhiều lần về lãnh vực đó; Hành động dại dột, tự bộc lộ trình độ non nớt, yếu kém của mình, không tự biết mình biết người” (tr. 467). Xin hỏi câu: “Đánh trống qua cửa nhà sấm”, có nguồn gốc từ đâu? Khoan vội trả lời, vì rằng một khi nhắc đến trống, ta nhớ đến cách thức chế tạo ra nó như câu thơ (khuyết danh) miêu tả rõ ràng:
Tang bằng mít, mặt bằng da
Đai cũng có, đóng đanh qua cũng có
Tang là “sườn trống ghép bằng giăm gỗ”, Việt Nam tự điển (1931) giải thích, nói cách khác chính “thân trống”, vì thế mới có câu “Trống thủng còn tang” - tang hiểu theo nghĩa này, chứ không phải tang chế, của gian, tang tích, tang vật… Còn da làm trống này dứt khoát là da trâu, trâu già càng tốt vì có độ bền, dẻo và dai đến độ người ta nói “Đánh như đánh trâu” - tức đánh hết sức nhưng ai kia da như da trâu nên không biết đau, biết sợ. Người miền Nam xưa có câu: “Đánh da trâu” hiểu theo nghĩa mà ông Huình Tịnh Của cho biết: “Đánh trống giục quân đánh giặc - tiếng nhạo các quan văn có ra trận thì ở đàng sau xa mà đánh trống”. Rõ ràng, cụm từ “đánh da trâu” tự nó đã hàm nghĩa đánh trống. Và, ông còn cho biết thêm, thời đó cũng có câu: “Quạ quạ đánh trống” là “Tiếng trù cho phải chết sình cho quạ mổ bụng”.
Một khi cái trống đã làm xong, muốn biết âm thanh của nó thể nào, ta phải thử bằng cách cầm dùi gõ vào nhè nhẹ mặt trống gọi là “thử trống”? Không, người ta gọi “thức trống”. Cùng nghĩa với thức, còn có thể dùng từ dậy - trái ngược trạng thái đang ngủ nhưng do bản thân cái trống không thể tự dậy nên cách sử dụng từ thức/ đánh thức/ thức trống là “chuẩn không cần chỉnh”. Lúc trống thức, tùy theo thông báo nhiệm vụ, truyền đạt thông tin gì mà âm thanh khác nhau: “Trống tràng học gọi đàn trẻ nhỏ/ Vào, tan chơi có hiệu càng nghiêm/ Trống đình làng tấp nập quan viên/ Tục xôi thịt dưới trên là ở đấy/ Tiếng trống hầu công môn oai gấp mấy/ Lũ dân đen giật nẫy cũng vì tiền/ Nôn nao lòng là trống ngũ liên/ Giàu sợ cướp, con đen nhà sợ lửa”.
Nhịp trống ngũ liên này rất quen thuộc trong câu ca dao: “Tùng tùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” - nói về thân phận người lính thú ngày xưa - “trấn thủ lưu đồn”, canh giữ ngoài biên giới, nay ta gọi “lính biên phòng”. Thử hỏi, thế nào là nhịp trống ngũ liên? Là đánh trống liên tiếp, dồn dập mỗi nhịp năm tiếng nhằm thể hiện tình trạng thúc giục, báo động, khẩn cấp.
Ông lão kia già chẳng trót đời
Kề miệng lỗ còn ham chơi trống bỏi
Cái trống này, không thể đánh theo nhịp “ngũ liên”, đơn giản chỉ vì mặt trống không phải căng bằng da trâu mà dán giấy dành cho trẻ con chơi, còn gọi trống rung/ trống giấy. Trống này có cán tay cầm, bên vành có gắn hai dây núm tròn, khi xoay/ lắc qua lại thì nó gõ vào mặt trống phát ra âm thanh. Nếu lắc mạnh quá, lắc liên tục thì mặt trống sẽ thủng. Từ cái trống bỏi này, có câu cửa miệng “Trống bỏi vật mình” là chỉ về việc ai đó tự hành hạ làm khổ mình.
Ở đời, “Có lắm anh tính khí bờm xơm/ Vợ vác trống vẫn còn ôm tắc lẻm”. Vậy, “mang trống/ vác trống” là sao? Chẳng hạn có người bình luận: “Đúng là thứ Sở Khanh, khi hay tin cô X mang trống lập tức hắn ta quất mã truy phong cái rẹt”. Nay, từ “mang trống” trong ngữ cảnh này có thể thay thế bằng “đeo/ mang ba lô ngược” nhưng nghĩa vẫn y chang, ý nói cô X có bầu/ mang bầu do “ăn cơm trước kẻng” hoặc vì lý do nào đó. Thời chiến tranh ở ngoài Bắc có câu: “Việc nhà mang ba lô trước, việc nước mang ba lô sau” là cách nói tếu táo mà đúng chóc.
Nghe câu bình luận về cô X, có người tặc lưỡi: “Ối dào, gia cảnh cô ấy trống trước trống sau, lại gặp “sự cố” này, xoay xở làm sao”- ý nói cô X có nhiều trống? Không, trống này là trống rỗng, trống không, trống trơn, trống hoác, trống huếch, trống lổng trống lốc/ trống lổng trống lơ, trống hốc, trống hông hốc, trống hơ trống hoác, trống tuếch trống toác, trống tuểnh trống toàng… Tùy ngữ cảnh, tùy trường hợp cụ thể, người ta có cách sử dụng phù hợp. Trống ở câu nói trên hàm nghĩa không có gì, nói cách khác cô X thuộc diện nhà nghèo khó.
Trống một khi đi chung với mái, thí dụ gà trống - gà mái, chim trống - chim mái thì trống là con đực - nếu không sử dụng “trống”, ta cũng có thể dùng từ “sống”; nếu không dùng “mái”, tùy sự vật, ta cũng có thể dùng từ “cái”. Một ai đó tuyên bố: “Lần này, tớ phải một phen sống mái/ trống mái” lại hiểu theo nghĩa được mất/ thắng thua một lần cho dứt điểm, cho xong với quyết tâm cao độ. Dù đã biết, trống mái theo nghĩa vừa nêu, nhưng không thể áp dụng cho mọi trường hợp, thí dụ tục ngữ có câu: “Lợn đực chuộng phệ, lợn sề chuộng chỗm”. Chỗm là từ dùng chỉ lợn bụng nhỏ, sề là lợn đã đẻ, từ đó “bắt cầu” qua từ “gái sề” - nhằm chỉ người dàn bà đã qua dăm lần “đi biển mồ côi một mình”. Như đã biết, đực/ trống là từ trái nghĩa với sề/ mái/ cái nhưng: “Dù chàng năm thiếp bảy thê/ Chàng cũng chẳng bỏ được nái sề này đâu” thì nái cũng có nghĩa như vậy.
Này, cô Hai có phải sống ở đời đáng ghét nhất còn là kẻ “Đánh trống bỏ dùi” chứ gì? Thành ngữ này ngụ ý phê phán những kẻ ồn ào khoác lác, ban đầu phát ngôn hăng hái, một tấc đến trời, ghê gớm lắm nhưng nửa chừng lại bỏ cuộc, không làm đến đến chốn, thiếu trách nhiệm. Nói gì thì nói, thông thường muốn đánh trống thì phải có dùi/ dùi trống/ cây đánh trống, ngay cả đánh chuông cũng thế thôi. Những ai yêu thơ ắt nhớ câu này trong tác phẩm Hoa Tiên:
Chuyện trò thêm gắn sắt đanh
Dùi sương chốt mảnh trên thành điểm năm
Tuy nhiên, có thể khó hiểu với nhiều người, nhất là “dùi sương”. Lật lại Từ diển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, in năm 1651: “Dùi: Cái dùi chuông. Một dùi, hai dùi: Một lần đánh kêu, hai lần đánh kêu”. Vậy, câu thơ trên được hiểu là vào lúc rạng sáng, người ta dùng cái dùi đánh vào mặt chuông. Lâu nay, thường nghe: “Dùi đục chấm mắm cáy” nhưng thật ra phải là “Bồ dục chấm mắm cáy”. Một món ăn ngon lành, “oách xà lách” lại đi chung với loại nước chấm hạng xoàng, liệu có tương xứng với nhau? Tất nhiên không, câu này nhằm chỉ sự thô vụng, thô thiển không tinh tế trong ăn nói, giao thiệp. Nhưng dùi còn có nghĩa dùn, chùng, không săn, không thẳng. Dictionnaire Annamite - Français (1898) của Génibrel giải thích: “Dùi: Làm giãn cái đang căng”.
Thế nhưng, “dùi” một khi đi lè kè với từ “thầy”: “thầy dùi/ giùi” lại hiểu theo nghĩa kẻ mưu sự, chuyên xúi giục, gây xích mích giữa người này người khác để mình đứng giữa kiếm lợi. Thành ngữ có câu: “Thầy dùi xui con trẻ” là vậy. Loại người ấy, mình nên tránh xa cho lành. Khen ai chí thú học hành, ngày xưa có câu “Đèn sách dùi mài”/ “Dùi mài kinh sử”, nay ít còn sử dụng. Cũng “dùi sương” nhưng thi hào Nguyễn Du viết dễ hiểu hơn, ít ra đối với thời đại chúng ta:
Sớm khuya lá bối phướn mây
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương
Vậy hóa ra, trong ngữ cảnh cụ thể, có thể hiểu “dùi” cũng là “chày” dùng để đánh/ nện/ thỉnh chuông. Nếu ta thay thế “dùi sương” thành “chày sương” thì ngữ nghĩa vẫn không khác? Nhầm to. “Chày sương chưa nện Cầu Lam/ Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?”, cụ Đào Duy Anh giải thích: “Chày sương: tức cái chày giã thuốc tiên mà người ta gọi là huyền sương” (Tự điển Truyện Kiều, NXB Khoa học Xã hội -1974, tr.72). Nhằm chê ai cãi bướng, cãi đi, cãi lại, đã sai lè lè mà cứ gân cổ lên cãi, ghét quá người ta mắng: “Cãi chày cãi cối”. Thử tưởng tượng lúc bỏ một vật gì vào cối, dùng chày mà giã, giã liên tục cho đến lúc nó nhừ/ nát/ nhuyễn mới thôi, rõ ràng cụm từ trên ấn tượng biết dường nào. Sở dĩ có cách nói đó, chỉ vì chày - cối rất quen thuộc trong đời sống người Việt. “Vắt cổ chày ra nước” là chê kẻ bủn xin, hà tiện, keo kiệt quá mức. “Nhác đâm thì đổi chày, nhác xay thì đổi cối”, không cần giải thích, ai cũng rõ nghĩa. Trở lại với “Cãi chày cãi cối” - những người như thế, ắt ta khó cãi lại, ở Quảng Nam gọi là… “cãi dóng”! Nói lái thử xem sao.
Khi dùng chày để giã ắt phải đứng mà giã, người ta gọi “chày đứng”. Từ “đứng” này đôi khi đôi khi nó lẫn khuất đâu đó trong cách chơi chữ. Cần lòng vòng thêm một chút mới thấy hết sự thâm thúy, trào lộng của tiếng Việt. Ngày xưa, ông Thủ Thiêm, có thể gọi là “ông trạng cười” của Quảng Nam, khi mừng đám cưới đôi bạn trẻ, ông viết tặng trên tấm lụa ba chữ Hán: “Miêu bất tọa”. Ta “diễn nôm” là “mèo không ngồi”. Đã không ngồi ắt “mèo đứng”. Đấy! Đã bật ra tiếng cười chưa? Thơ của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh có câu cực hay: “Vẳng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”. Gọi “chày kình” là do cái dùi có chạm hình con cá kình - tượng trưng cho sự thức tỉnh. “Kình” còn được hiểu theo nghĩa chống lại, kình địch, đối địch, không chịu thua, không chịu nhường.
Ca dao có câu: “Kình nghê vui thú kình nghê/ Tép tôm thì lại vui bề tép tôm”. Thử hỏi, “kình nghê” là gì? Đại từ điển tiếng Việt (NXB Văn hóa Thông tin - 1998) giải thích: “Cá kình đực (kình) và cái kình cái (nghê) hay nuốt cá con; dùng để chỉ kẻ có thế lực và tàn ác”. Khổ nổi, không chỉ “kình nghê” lại còn có thêm “kình ngạc”. “Đánh một trận, sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông” (Bình Ngô đại cáo). Thế “ngạc” là con gì? “Ngạc” là con cá sấu. Thành ngữ có câu “Sóng ngạc tăm kình” là chỉ sự ồn ào, náo loạn, dấy động như lúc trộm cướp, giặc giả…
Không chỉ “chày kình”, còn “chày kềnh” nữa. “Chày kềnh một tiếng tan niềm tục/ Hồn bướm năm canh lẩn sự đời” (thơ cổ). Có thể hiểu “kềnh” theo nghĩa to hơn đồng loại như cua kềnh, cá kềnh hoặc nằm lăn ngã ra như chiếc xe ngã kềnh? Không, “chày kềnh” chính là cái vồ đó thôi, tức đồ dùng bằng gỗ có cán, dùng để cầm mà nện, mà đập. Nhưng “vồ” cũng đồng âm với động tác chộp rất nhanh, bất ngờ, chẳng hạn mèo vồ chuột. Người ta vẫn tin rằng, trong hôn nhân: “Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”. Vồ, có thể là một cách nói rút gọn của “vồ vập” chăng?
Thế “vập” là gì nhỉ? Xin thưa, là đập phải, đụng phải, va phải. Mà “vồ” cũng còn được hiểu là “dô” - như trán dô/ trán vồ. Trong vở chèo cải lương Một trận cười (1924) của Nguyễn Đình Nghị có câu ví: “Này, tôi trách cái thân tôi như thời vận cái con vồ, người vợ hư, phá tan hết cơ đồ như không, tôi khác gì như cái thằng ở không công, (ấy) sểnh đàn bà quạnh bếp, sểnh đàn ông quạnh nhà”. Thử hỏi, “con vồ” là con gì? Chịu chết. Ai biết, xin giải thích giúp.
Khi viết “Dùi sương chốt mảnh trên thành điểm năm”, nhà thơ Nguyễn Huy Tự có nghĩ, hơn 100 năm sau, thiên hạ sẽ hiểu gì về câu thơ này không? Nói như thế, bởi “dùi” còn đồng âm với “dùi” là đồ dùng bằng kim loại, mũi nhọn dùng để chọc cho thẳng như “dùi đóng sách”. Do mũi dùi nó nhọn nên ca dao có câu: “Chồng tới thì vợ phải lui/ Chồng tới vợ tới thì dùi vào lưng”. Hiểu như thế cho nó nhẹ nhàng hơn, chứ hiểu theo nghĩa “dùi” là cầm cái vồ/ chày nện ngang lưng người đã từng “đầu ấp tay gối”, e bạo lực quá đi mất. Đàn ông đàn ang, ai lại có hành động thô bạo, hèn kém đến thế.
Phải không nào, cô Hai?
Trở lại với nguồn gốc của câu tục ngữ: “Đánh trống qua cửa nhà sấm”, ta giải thích thế nào? Xin thưa, phần “Âm tự loại” của tập sách Vân đài loại ngữ (NXB Văn hóa Thông tin tái bản năm 2006), nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết: “Phù Sai nước Ngô, đóng đô ở Cô Tô, làm cửa thành đặt tên là Xà môn (cửa Rắn) để trấn áp nước Việt. Người Việt làm cửa Lôi môn (cửa Sấm) để chống lại. Đánh trống lớn ở dưới cửa Lôi môn thì cửa Xà môn mở toang ra. Hậu Hán thư chép truyện Vương Tôn, nói: “Đừng đem trống vải (bố cổ) qua Lôi môn”. Ý câu này nói người kém văn tài chớ qua cửa nhà thánh. Câu tục ngữ (của ta) gốc ở đây” (tr. 266).
L.M.Q
(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 174 tháng 7.2022)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|