BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Tết, cùng kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng du xuân “Miền di sản”

LÊ MINH QUỐC: Tết, cùng kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng du xuân “Miền di sản”

 

ch_mcnguyen_ngoc_dsug

1.

Nếu sống ở trên đời, được đi lang thang đến những nơi mình thích; đến, để cảm nhận; đến, để tận mắt nhìn rồi vẽ; sau đó, là viết lại cảm xúc tận đáy lòng mình. Mấy ai được thế, bởi vì rằng, trong nhịp sống hằng ngày còn biết bao lo toan cho “cơm áo gạo tiền”. Nói thì nói thế, vẫn có người thực hiện được hoài bão, ước mơ của mình, tôi nghĩ ngoài tài chánh, còn phải biết thu xếp thời gian. Nhưng vẫn chưa đủ. Còn phải có một yếu tố căn bản nữa, nói như nhà văn Nguyễn Tuân: “Thèm đi”. Đi không chỉ mà đi cà lơ phất phơ mà cũng là một cách thu nạp năng lượng cho cái sự học từ thực tế.

Đối với tôi, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng là một mẫu người như thế. Ngoài công việc chuyên môn, anh còn thể hiện khả năng viết một cách chỉn chu, giàu cảm xúc và tài hoa. Tính đến nay, anh đã có 5 tập du khảo như Lang thang phố thị - về các thành phố nổi tiếng trên thế giới (in năm 2008, đạt Giải thưởng Kiến trúc quốc gia cùng năm); Đồng bằng sông Cửu Long, Sài Gòn trăm bước, Bước chậm bên dòng Hương Giang và Tết này là Miền di sản - về Quảng Nam, Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng.

Vâng, đi và viết và vẽ nhằm quảng bá, chia sẻ cảm nghĩ, ghi nhận của mình, luôn là ước mơ của nhiều người. Nếu chưa đi được, trước mắt mình vẫn cứ đi nhưng đi từ các trang sách du khảo. Thích lắm. Thích còn ở chỗ KTS Nguyễn Ngọc Dũng kể lại có lớp lang theo nhiều chương sách khác nhau, được cố cục chặt chẽ, chứ không “cỡi ngựa xem hoa”. Nhờ thế, giữa người viết và người đọc đồng cảm như đang tâm tình thân mật.

Có một điều thú vị, các tập sách này đều in song ngữ Việt - Anh, tức anh còn muốn hướng tới du khách nước ngoài nữa. Và, thêm một đặc biệt, các hình ảnh minh họa cho những nơi chốn đã đi đến, đã trải nghiệm, đã gặp gỡ con người nơi đó, thỉnh thoảng anh bổ sung thêm ký họa màu nước hoặc bút sắt, có khi cả tranh sơn dầu của chính anh. Sự kỳ công này, cho thấy dù là sách du khảo nhưng vẫn không “đụng hàng” với sản phẩm cùng loại. Dấu ấn cá nhân ở đây đã được thể hiện một cách tối đa, trong khả năng có thể của anh.

2.

Mà, thể hiện đó mới chính là cái thú của người được rong chơi, được đi đến nhiều vùng đất. Cứ viết, cứ vẽ, cứ cảm nhận theo cảm hứng của lòng mình, có như thế, càng hấp dẫn bạn đọc vì góc nhìn đó không phải ai cũng như ai. Nghĩ cho cùng, thiên nhiên, cảnh vật nơi nào từ xưa đến nay đã thế, vốn thế, có khác chăng vẫn là từ cái nhìn mới mẻ của mỗi người khi đến đó.

Thú thật, vốn hoài cổ nên tôi thích thú dõi theo trang văn của anh về các làng nghề ở xứ Quảng. Chẳng hạn, làng nghề làm hương/ nhang ở làng Quán Hương thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình đã làm từ nguyên liệu là bột quế - một đặc sản cây trồng thuộc Trà My và vỏ cây bỡi lỡi đỏ của Tây nguyên. Nhờ vậy nhang có mùi thơm độc đáo, không hại cho người sử dụng.

Thú vị chưa?

Cũng cây nhang/ cây hương này, gần đây, khi về Bến Tre, tôi mới biết  cô giáo Ngô Song Đào ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày lại chọn nguyên liệu khác. Chị kể: “Từ nhỏ, tôi đã thấy người dân quê mình mỗi khi đi xúc, tát mương hay làm đất thường dùng lá cây quao vò nát rồi bôi lên da mình để không bị con bù mắt (một loại côn trùng phổ biến ở gần mương, rạch) bu vào đốt, gây ngứa; nhiều nhà còn dùng lá quao un khói xua muỗi; dùng lá quao lót vào ổ cho gà đẻ hay ấp trứng để tránh được con mạt gà...”. Do đó, chị nảy ra sáng kiến dùng làm nguyên liệu để sản xuất nhang. Kể lại chi tiết này, để thấy rằng tùy vào thực tế, mỗi địa phương đã chọn lấy nguyên liệu khác nhau, há chẳng phải là sự sáng tạo vá hấp dẫn của từng vùng miền đấy sao?

Lại nữa, bây giờ có thể xa lạ với nhiều người vẫn là nghề khai thác dầu rái. Trang du khảo của KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho biết nghề này đã tồn tại hàng trăm năm nay tại xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, cụ thể ở đó còn có địa danh Bến Dầu. Với các ngư dân đi biển, dầu rái rất quan trọng vì nó dùng để trét thuyền nan, thúng chai, ghe bầu… nhằm chống mối mọt, không thấm nước. Ngoài ra, những ai quan sát lấy chiếc nón lá ngoài Trung, khi nhìn thấy vẻ bóng láng đáng yêu của nó, có lẽ ít biết rằng, nó đã được bảo vệ bằng một lớp dầu rái, không chỉ mỹ thuật mà còn nhằm bảo vệ sử dụng lâu dài…

Tất nhiên còn nhiều làng nghề khác nữa, nào riêng gì Quảng Nam mà các địa phương khác cũng vậy. Những làng nghề này, chính là nơi lưu giữ nét truyền thống văn hóa của cư dân nơi đó. Dù thế nào đi nữa, dù có hiện  đại hóa cỡ nào đi nữa thì nghành nghề thủ công vẫn còn đó, dù rằng, có thể sản phẩm của họ ngày càng ít người sử dụng. Nếu không yêu nghề, không giữ lấy nghề do cha ông truyền lại thì làm sao làng đúc đồng ở Phước Kiều thuộc thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn được các Bộ trưởng Du lịch tham dự Hội nghị APEC đến tận nơi tham quan vào năm 2006?

3.

Một khi đi đến với vùng đất nào đó, thú thật, tôi luôn tâm niệm phải thực hiện cho bằng được đôi điều như chiêm bái danh lam thắng cảnh nơi đó, ăn đặc sản nơi đó và (nói nhỏ thôi) nếu có thêm… người tình bé bỏng nơi đó thì thú vị quá đi chứ? Khó lắm ở yếu tố sau cùng. Tất nhiên rồi. Thôi thì, trước mắt ta hãy đến một vài địa danh có tính cách độc đáo nhất.

Trong tập sách Vùng di sản có giới thiệu những ngôi làng cổ, những ngôi làng hoa trái kỳ lạ, có lẽ ít người biết đến làng Đại Bường nằm dọc theo sông Thu Bồn thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn chăng? Nơi ấy có gì lạ? Vâng, tác giả cho biết nó lạ ở chỗ từng được giới nghiên cứu gọi là Làng Nam Bộ giữa miền Trung - vì các loại cây trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… đều xanh ngon theo mùa; đã thế, Đại Bường còn được mệnh danh là Làng Bắc Bộ giữa miền Trung - vì nơi này còn trồng cả vải thiều nữa.

Kỳ lạ chưa? Tại sao như thế? Khó trả lời quá đi mất.

Và, khi đọc đến phần tác giả viết về đặc sản lòn bon, sực nhớ, trước đây, khi lên chơi vùng Đại Lộc, tôi nghe được câu thành ngữ: “Nhứt trường thi, nhì trường trái”. Ý muốn nói về cảnh quang nhộn nhịp đông đúc tại “trường thi” vẫn là lúc các sĩ tử theo nghiệp bút nghiên tề tựu, tập trung thi thố tài năng: “Một mai chúa mở khoa thi/ Bảng vàng chói lọi bia đề tên anh/ Bõ công cha mẹ sắm sanh/ Tiền lưng gạo bị cho anh về trường/ Nghi vệ đóng hai bên đường/ Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau”.

Vậy, “trường trái” là gì? Thưa, đó chính là ngày hội mà người dân nơi này cùng vào rừng thu hoạch trái lòn bon, gọi là “Ngày xả trái”. Trái lòn bon, còn có truyền thuyết chính vua Gia Long đặt tên là Nam Trân, ta hiểu nôm na là “trái quý phương Nam”. Bấy lâu cứ nghĩ là đây là đặc sản của Quảng Nam, nào ngờ khi vào đến vùng Chợ Lách (Bến Tre), tôi cũng thấy nơi đây cũng có trồng cây lòn bon. Đất nước mình kỳ diệu quá, phải không?

Vừa rồi, tôi có nói đến một trong những thú vui khi đi du lịch vẫn là ăn. Ăn ở đâu? Hỏi thế mà cũng hỏi à? Cho tôi chọn lấy địa điểm là ăn ở chợ, vì trong tập sách của mình, KTS Nguyễn Ngọc Dũng có kể ra khá nhiều chợ, làm sao có thể quên được: “Hội An trăm vật trăm ngon/ Từ từ lỗ miệng để chồng con được nhờ”, bên cạnh đó, còn kể đến các chợ khác cũng oách xà lách không kém như chợ Cồn (Đà Nẵng), chợ Hà Thân (bên sông Hàn), chợ Bà Rén (Quế Sơn), chợ Được (Thăng Bình), chợ Nồi Rang (Duy Xuyên) v.v… Nhiều không kể xiết.

Vậy, để thỏa mãn cái ông thần khẩu đang thòm thèm, ta đến chợ nào đây? Thiệt ưng ý khi tác giả nhủ rằng hãy thưởng thức tại chợ hải sản ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng): “Đặc điểm ở nơi đây là người bán “hô giá nào thì trả giá ấy”. Hải sản được bày bán trên bãi cát vàng sát bờ biển. Tất cả hải sản đều do ngư dân mang vào bờ từ sáng tinh mơ, chỉ có ít gian hàng san sát nhau buôn bán, những món hải sản như mực, tôm, cá bạch tuộc, ốc, cua, ghẹ, sứa, sam biển… Sau khi lựa chọn và muốn thưởng thức tại chỗ, chủ gian hàng sẽ thực hiện theo yêu cầu. Đối diện là những quán ăn bình dân để được thưởng thức các món hải sản mà mình lựa chọn”. Đọc câu văn xuôi mà cứ tưởng như tác giả… đang rủ rê, mời mọc. Khoái quá!

Đã thế, tôi còn thích chi tiết về cái bánh phu thê, ta hay nói trại ra bánh su sê. Thích vì cái bánh này còn gắn liền truyền thuyết gắn với vợ chồng người lái buôn thuở xưa mà KTS Nguyễn Ngọc Dũng ghi nhận theo lời kể của bà con mình tại Hội An: “Trước lúc người chồng lên đường đi buôn nơi xa, người vợ làm bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau, lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh… Người chồng đã đặt tên cho bánh là phu thê nhưng sau đó, lại thay lòng đổi dạ và không muốn quay về. Người vợ đã làm bánh gửi cho chồng và nhắn: “Từ ngày chàng bước xuống ghe/ Sóng bao nhiêu đợt, bánh phu thê rầu bấy nhiêu”. Người chồng đã hối hận quay về. Từ đó, các tiệc cưới, bánh phu thê như lời nhắn gửi đến các đôi vợ chồng”.

Thì ra, ngay cả món ăn, bánh trái ông bà mình đã đặt tên theo cách thể hiện tính cách thủy chung của người Việt. Rõ ràng, ăn không chỉ là ăn mà còn lúc ngẫm ngợi về lời nhắn nhủ của người xưa nữa đấy chứ?

4.

Mà này bạn mình ơi, nghĩ cho cùng, tình yêu quê hương đất nước là gì nhỉ? Tôi mạo muội nghĩ rằng, còn là thái độ lựa chọn một khi đến vùng đất nào trên giang san gấm vóc nước Việt, ta hãy kể ngọn ngành về nơi ấy, khiến những ai chưa đến, kể cả du khách nước ngoài sau khi đọc xong muốn tìm đến là ta đã bày tỏ được lòng mình. Và, cái sự kể càng chỉn chu, càng nhiều chi tiết càng cho thấy rõ nét văn hóa độc đáo của từng vùng miền, dù có dị biệt nhưng vẫn là sự tương đồng trong dòng chảy chung của văn hóa nước Việt. Đó chính là sự đa dạng trong một khối thống nhất từ Nam chí Bắc.

Há chẳng phải là bài học của người du lịch trên đất nước mình đó sao?

L.M.Q

(nguồn: Đặc san báo CA TP.HCM - XUÂN 2021)

Ghi chú: Báo biên tập tựa trên thành "Mỗi bước chân qua, hiện ra non sông gấm vóc"

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com