BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nhớ anh Nguyễn Thế Truật - CÓ MỘT NGƯỜI DUY XUYÊN NHƯ TÔI BIẾT

LÊ MINH QUỐC: Nhớ anh Nguyễn Thế Truật - CÓ MỘT NGƯỜI DUY XUYÊN NHƯ TÔI BIẾT

Untitled-1nguyen-the-truat



“Học thầy không tày học bạn”, câu này ngẫm lại thấy đúng với trường hợp của tôi khi chơi thân với anh Nguyễn Thế Truật. Mà, anh Truật là ai?

À, anh ấy với tôi đồng tuế lại đồng hương và đồng sở thích là mê sách. Anh sinh năm 1959 ở xã Duy An, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Xuất thân là một thầy giáo và sau này gắn bó với sự nghiệp làm sách, nên nhiều bạn đọc vẫn gọi ông là “ông thầy mê sách”. Từ năm 1990, anh được bầu làm ủy viên ban thường vụ Thành đoàn TP.HCM và giữ nhiệm vụ trưởng Ban tư tưởng - văn hóa. Từ năm 1994, anh về công tác tại báo Tuổi Trẻ với vị trí phó tổng biên tập. Từ năm 1997, anh chuyển về công tác tại NXB Trẻ với cương vị phó giám đốc kiêm phó tổng biên tập. Lướt qua đôi nét về anh, nhưng không thể không nhắc đến chi tiết, khi làm thơ anh ký bút danh Nguyễn Duy An, tức là lấy tên xã Duy An, nơi mình chôn nhau cắt rốn để luôn nhớ về “quê mình”.

Một người Quảng Nam gốc Duy Xuyên có gì đặc biệt?

Chơi thân tình với nhau, giữ lại được tình bạn dài lâu cũng chính là tính cách của bạn. Tính cách ấy đôi khi giúp cho mình nhiều lắm. Dạo anh về NXB Trẻ, nếu không có sự quyết đoán, tầm nhìn của anh, chắc chắn thời đó tôi đã không thực hiện dài hơi bộ Kể chuyện danh nhân Việt Nam. Đã thế, không thể có tập Người Quảng Nam. Rồi các tập “hỏi - đáp” về Giáo dục, Báo chí, Doanh nhân, Sài Gòn 300 năm… tôi thực hiện cũng từ các cuộc trao đổi, gợi ý do chính anh "đặt hàng". Âu cũng là “cái duyên” với nhau. Vào đời, gặp được bạn tốt cũng là điều mày mắn. Anh Truật là bạn tốt của tôi.

Với vài dòng lý lịch của anh vừa nêu trên, nhìn ở góc độ nào đó, anh đã là người thành đạt và có ít nhiều quyền hành. Ở anh đặc biệt nhất vẫn là đem quyền hành ấy động viên, giúp đỡ người khác như một lẽ tự nhiên, vì lợi ích chung, chứ không phải ban ơn, làm phước. Trong chuyện làm sách, anh Truật không có thói suy nghĩ in sách cho người khác là “làm phúc”. Anh luôn chủ động niềm nở “đặt hàng” và trực tiếp trao đổi đề tài, đề cương với các tác giả. Lúc làm việc anh chỉ mời trà hoặc cà phê nên những trao đổi, bàn luận của đôi bên đều tỉnh táo, chín chắn. Nếu diễn ra trong quán nhậu chắc có lẽ sau đó đã quên tuốt luốt rồi thì kể như công cốc.

Anh không có khả năng bia bọt, không thích xuất hiện trong đám đông. Không có khả năng khoác lác và ồn ào. Khi bàn công việc bao giờ cũng chu đáo, thân tình, nghiêm túc chứ không hề ba hoa chích chòe "ba voi không được bát nước xáo". Do đó, lúc bàn chuyện với anh là tự dưng thấy tin cậy, chứ trong lòng không có sự hồ nghi. Ấy là tính cách của anh, của một người Quảng Nam thứ thiệt, tức là luôn giữ đúng những gì mình nói, không vì lý do gì mà sau đó “Nói lời rồi lại ăn lời được ngay” (Truyện Kiều).

Ngày nọ, HTV làm bộ phim về bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam, tôi có mời anh, nhà thơ Trần Phá Nhạc ghé nhà riêng cùng tham gia phát biểu. Sau đó, anh em lai rai một chút, anh Truật bảo: “Đi dạy rồi công việc xuất bản nhiều quá. Tôi ước gì có lúc thu xếp thời gian để viết”.

Dù sau đó, không thể viết được nhiều nhưng anh cũng đã đóng góp bằng cách biên tập, cho ra đời nhiều tác phẩm tốt; và đi dạy nhằm truyền bá kinh nghiệm mê sách, đọc sách, làm sách cho các bạn sinh viên đại học. Bạn Nguyễn Thị Khánh Ly kể lại: “Thầy chẳng cho kiểm tra mớ lý thuyết về xuất bản. “Số liệu là công việc của nhà thống kê, mỗi năm mỗi khác, thầy ép các em nhớ năm nay, năm sau các trò không tự cập nhật là đã trở nên lỗi thời mất rồi” - thầy nói. Bài kiểm tra của thầy là “Hãy xuất bản một cuốn sách”. Cái đề kiểm tra cuối kỳ “hàng độc” làm tất cả ngơ ngác, mà thiệt tình cũng khoái gì đâu. Thử hỏi có ai mà chẳng thích làm ra một sản phẩm “made in” bản thân, với tất cả dấu ấn riêng”. Đây cũng là lối dạy học của anh, tôi nghĩ rất tính cách Quảng Nam, tức là bao giờ cũng đi vào thực chất của công việc với kết quả cụ thể, chứ không chỉ lý thuyết.

Với anh Truật, không thể có thời gian viết sách, còn là do dành hết tâm huyết cho chuyên môn. Người Quảng Nam vốn thế, đã làm cái gì là làm cho tới nơi tới chốn, chứ quyết không phải hạng “ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa”. Chán chết.

Một trong những người gắn bó với anh thời ở NXB Trẻ là nhà văn, nhà báo Dương Thành Truyền kể lại: “Khi giám đốc của chúng tôi, để có thêm thời gian tập trung cho việc kinh doanh, đã đề nghị anh gánh lấy trọng trách xử lý chính toàn bộ nội dung các bản thảo của NXB, và anh đã đồng ý. Giám đốc có nói thêm: “Nếu có gì sai sót em sẵn sàng chịu kỷ luật. Nếu em đổ trách nhiệm cho anh thì em không đáng là em của anh!”. Và anh đã trả lời thật hào sảng: “Còn nếu anh để em bị kỷ luật, anh cũng không đáng là anh của em!”. Anh làm từ truyện tranh đến sách thiếu nhi, từ văn chương đến biên khảo, từ chính trị đến lịch sử, văn hóa... Anh đã đọc duyệt, đã biên tập, đã gợi ý đề tài, đã gặp gỡ cộng tác viên... không hề tiếc sức mình. Và ngay lúc anh ra đi, trên bàn anh vẫn còn những chồng bản thảo đang chờ... Anh là người phản biện số một cho những chủ trương, quyết định của lãnh đạo NXB trở nên rõ ràng, hiệu quả và khả thi. Anh điều hành công việc nhẹ như đi dạo, ít hội họp, bớt hình thức, xem trọng hiệu quả, mạnh dạn giao quyền...”.

Ngày anh mất, anh em đồng nghiệp bàng hoàng bởi trong khoảng thời gian bị bệnh, anh giấu kín, không cho một ai biết, tức là không muốn ai quan tâm lo lắng đến sức khỏe của mình. Điều dặn dò trước lúc mất, theo tôi mới Quảng Nam, mới Duy Xuyên. Người Quảng Nam nói về người Quảng Nam, không khéo có người bảo “mèo khen mèo dài đuôi”, chi bằng, cho phép tôi trích lời của bạn Lam Điền, ngày đó: “Anh dặn dò vợ và hai con gái, rằng đám tang của anh không nên nhận phúng điếu, vì ‘ba có nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ, con có biết hết đâu, nếu nhận thì sau này biết đâu mà trả lễ’. Còn chuyện không chấp bái, anh nói rằng anh chỉ là người bình thường, có gì đâu mà để người ta bái lạy. Anh thương vợ con đến cả trong đám tang của mình, anh viết di thư dặn rằng vợ anh vốn say xe, nên lúc đưa tang nhờ người chở đi chứ không ngồi xe ô tô được. Anh dặn người nhà lúc mua quan tài nên chọn gỗ thường giá rẻ, vì đằng nào cũng thiêu ngay sau đó, mua quan tài đắt làm chi cho phí”.

Đôi nét về anh Nguyễn Thế Truật, dù lướt qua nhưng tôi nghĩ, ta cũng đã thấy rõ tính cách của một người Duy Xuyên. Đã Duy Xuyên thì bao giờ cũng Quảng Nam một cách chắc cú. Đâu ra đó. Quý thay. Nhớ anh, tôi nghĩ về đời người. Đời người? Hư không và cát bụi. Ai rồi không tìm về nơi chốn ấy? Nhớ một người bạn quý, dù không nhiều lần bia bọt, bù khú hứa hẹn dời non lấp bể nhưng ấy chính là người bạn tốt. Nguyễn Thế Truật - một người Duy Xuyên rất Duy Xuyên:

Tiễn biệt người đi đến cõi người

Lật trang sách cũ nét còn tươi

Những ngày nhàu rủn trong tiềm thức

Vọng đến niềm vui... lạnh buốt môi

L.M.Q

(nguồn: Đặc san XUÂN DUY XUYÊN 2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com