Nếu phải chọn lấy một nhà báo chân chính, với tôi, vẫn là… chàng Tintin của họa sĩ Bỉ Georges Remi (1907-1983).
Thời nhỏ, khi say mê đọc truyện tranh về các cuộc phiêu lưu của chàng ký giả tài ba này, tôi ước ao sau này sẽ được nối nghiệp. Muốn trở thành một nhà báo chuyên nghiệp phải được trang bị rất nhiều khả năng, có lúc phải là người có biệt tài điều tra cỡ Sherlock Holmes, phải có sức khỏe dẽo dai, có khi phải biết sử dụng nhiều phương tiện như biết lái máy bay, cỡi lạc đà, phóng xe hơi v.v… Rồi cần phải có sự dũng cảm, giỏi võ thuật, dám đương đầu với bọn xấu trong mọi tình huống. Nói cách khác đó là mẫu người sử dụng ngòi bút lẫn tấm lòng quả cảm, trung thực nhằm “trừ gian diệt bạo, cứu khổn phò nguy”.
Đủ chưa? Vẫn chưa đủ.
Thế thì, nhà báo còn phải trang bị thêm đức tính gì nữa?
Dám quả quyết rằng, từ đứa trẻ lên 9 đến cụ già 99 xuân xanh mỗi khi đã đọc Luky Luke đều mê “chàng hiệp sĩ bắn súng nhanh hơn cái bóng của minh”. Tại sao mê? Trả lời câu hỏi này, đã có lần tôi viết: “chàng làm gì? làm tấu hài? làm kịch?/ vạn lần không! chàng chỉ làm người/ giúp mọi người bằng tấm lòng hào hiệp/ rồi ra đi thăm thẳm phía chân trời/ chưa ngày nào chàng thư thả nghĩ ngơi/ rong ruổi đường xa cũng vì điều Thiện/ chàng không chết vì biết sống quên mình/ đơn giản vậy - chàng trở nên nổi tiếng”.
Vâng, thêm một đức tính cần thiết cho nghề báo, còn có thể nhìn qua chàng Luky Luke vẫn là “biết sống quên mình”. Thì hãy cứ xem, hễ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào, trong lúc thiên hạ bày tỏ lòng cám ơn bằng cách tổ chức chào đón linh đình, tuyên dương ầm ĩ thì chàng “cao bồi ròm” lại lặng lẽ, đơn độc, rong ruổi lên đường. Chàng Tintin cũng chọn lấy thái độ đó. Đó là sự chọn lựa của mẫu người phụng sự cộng đồng hoàn toàn không vì danh, chẳng háo danh.
Từ ngày internet phổ biến toàn cầu - tín hiệu đáng mừng này cho thấy nghề báo không còn là “độc quyền” của một lớp người. Vai trò đó đã thuộc về cá nhân khi họ tham gia vào mạng xã hội với vai trò tìm kiếm, chia sẻ thông tin. Những thông tin nhanh nhậy đó, có lúc đã hỗ trợ cho các nhà báo chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, không loại trừ ai đó vì háo danh hoặc mục đích nào đó đã tung tin giả. Khôn khéo hơn vẫn là tin “nửa thật nửa giả”, giả cứ như thật nhằm tung hỏa mù theo nghĩa “định hướng người đọc”. Phải chăng chỉ những ai tham gia mạng xã hội mới sử dụng chiêu này? Không. Không loại trừ, ngay cả những người đang hành nghề, có giấy chứng nhận hẳn hòi mà có người cũng vậy thôi. Thế thì, tôi nghĩ rằng, điều cốt lõi làm nên uy tín của một nhà báo vẫn là bản thân họ, chứ không phải từ phương tiện “hành nghề”.
Hơn bao giờ hết, chúng ta đang sống trong năm tháng mà các nhà báo viết báo/ làm báo theo kiểu truyền thống đang âu lo, hoảng hốt thật sự hoay loay tìm cách níu kéo bạn đọc. Bạn đọc đang ở đâu? Họ đã ở trên các trang mạng xã hội, các nhà báo đang mất dần thị phần. Có phải thói quen tiếp nhận thông tin của bạn đọc đã thay đổi, đã khác trước? Đúng nhưng vẫn chưa đủ. Yếu tố thói quen ấy, không quan trọng. Có một điều cốt tử, quyết định sự tồn vong của nghề báo từ ngày báo chí ra đời đến nay vẫn là tính trung thực của người làm nghề.
Có trung thực với chính mình thì thông tin ấy ấy mới phản ánh đúng sự thật như vốn có. Bằng không đã là nguồn tin bị bóp méo, tô hồng thì dù công bố trên mạng xã hội; hoặc theo lối báo chí truyền thống xưa nay cũng không thể níu giữ được bạn đọc. Bạn đọc thời buổi nào cũng thông minh, tỉnh táo và họ thừa trình độ, bản lĩnh nhận ra: “Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì. Nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật”.
Trong Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi biết có những nhà báo không ngồi chờ những lời chúc tụng, biểu dương. Với họ, lời cảm ơn ấy dù đáng quý, chỉ xin ghi nhận trong lòng. Mà điều cần thiết nhất, đây vẫn là khoảnh khắc mà chính họ soi rọi lại lòng mình. Liệu chừng thời gian qua, anh em chúng ta có làm tròn trọng trách của một nhà báo bằng tâm thế của Tintin, Luky Luke mà công chúng đã tin cậy, gửi gắm tin yêu?
L.M.Q
(nguồn: Báo Người Lao động ngày 21.6.2018)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|