Lâu nay, khi viết về một nhân vật nào đó, nhiều nhà văn vẫn chọn theo lối căn cứ theo biên niên của họ. Có như thế, bài viết mới vươn tầm khái quát, giúp bạn đọc có thể ít nhiều hiểu về sự nghiệp nhân vật đó. Riêng trường hợp nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã có nhiều người viết, chẳng hạn, Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời (Nguyễn Thị Ngọc Hải), X6 điệp viên hoàn hảo (Larry Berman), Phạm Xuân Ẩn - một người Việt Nam thầm lặng (Jean - Claude Pomonti), “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn (Hoàng Hải Vân)… nhìn chung các tập bút ký này vẫn chưa thỏa mãn được yêu cầu đó.
Ngay cả tập sách Anh hùng lực lượng vũ trang (NXB Quân đội nhân dân - 1995) do Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị biên soạn, khi đọc về phần anh hùng Nguyễn Văn Trung nếu không có sự “bật mí” của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, ắt nhiều người không thể biết đây phần viết về ông Phạm Xuân Ẩn. Đã thế, với các nhân vật anh hùng khác đều có in kèm theo ảnh, riêng với Nguyễn Văn Trung thì lại… không. Có thể xem đây là tư liệu chính thống đã được công bố rộng rãi:
“Anh hùng Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1927, dân tộc Kinh, quê ở thị xã Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhập ngũ tháng 12.1952. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung tá, cán bộ tình báo thuộc Bộ Tham mưu Miền, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1952 đến tháng 4.1975 do yêu cầu nhiệm vụ tình báo, suốt 23 năm cùng ăn, ở làm việc với địch, phải thường xuyên tiếp xúc bọn đầu sỏ gian ác nhất nhưng Nguyễn Văn Trung vẫn luôn luôn giữ vững một lòng trung thành với Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Nguyễn Văn Trung luôn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, có ý thức tổ chức kỷ luật cao.
Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 6 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua. Ngày 15.1.1976, Nguyễn Văn Trung được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (S.Đ.D, tập 4, tr.49-50).
Gần đây, qua những gì đã công bố, đã “giải mã”, ta ít nhiều biết về cuộc đời của một nhà tình báo chiến lược đã thuộc về huyền thoại. Mà những tài liệu đó, chính xác đến cỡ nào vẫn là điều khó thể biết. Theo nhà báo Hoàng Hải Vân: “Chúng tôi đã gặp Phạm Xuân Ẩn rất nhiều lần. Càng nói chuyện với ông càng thất vọng, vì không thể "moi” được bất cứ một điệp vụ nào… Chúng tôi buộc phải tiến hành một loạt các "điệp vụ" để phăng ra các đầu mối, gặp những "cấp trên" của ông và hầu hết những người còn sống trong mạng lưới, rồi đem những điều biết được ra hỏi ông, lúc đó ông mới chịu "mở miệng"… Ông nhắc đi nhắc lại "không nên tô vẽ", thỉnh thoảng ông hỏi: "Cái đó ở đâu cậu có ?".
Trong quyển Phạm Xuân Ẩn - một người Việt Nam thầm lặng, Jean - Claude Pomonti cũng có nhận xét tương tự: “Phạm Xuân Ẩn là người không bao giờ bộc lộ bản thân, không thích ba hoa kể chuyện mình. Nếu ai đó trong lúc trò chuyện tranh phát biểu, ông tự nguyện ngồi yên một góc, không nói câu nào… Ông có một phản xạ tình báo, chắc là do áp lực của nghề nghiệp. Chỉ nắm cái chủ yếu, không quan tâm đến những cuộc trò chuyện tầm phào. Cuối cùng, theo quy định của nghề nghiệp, ông không thể nói tất cả những điều ông biết hay muốn nói” (tr.23).
Khi viết X6 điệp viên hoàn hảo, nhà sử học Larry Berman đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, ghi chép và được tiếp cận nhiều hình ảnh, thông tin do ông Ẩn cung cấp đã kết luận: “Tôi không chắc là có một người nào hiểu được con người thực của Phạm Xuân Ẩn, ngoại trừ mẹ và vợ ông. Ông đã trải qua phần lớn cuộc đời với chiếc mặt nạ, trong một vỏ bọc giúp ông có thể đánh lừa mọi người - các cơ quan tình báo VNCH, CIA của Mỹ, các nhà báo Mỹ, châu Âu và Việt Nam, quan chức chính quyền miền Nam và thậm chí cả người thân trong gia đình, ngoại trừ mẹ và vợ ông” (tr.18).
Qua các chi tiết này, ta thấy rằng nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn kín tiếng, ít nói về mình, do đó, những ai khai thác về cuộc đời ông phải đi theo lối “đường vòng” là thế.
Thời trẻ, theo dòng thời cuộc của thế hệ thanh niên ngày ấy, Phạm Xuân Ẩn đã tham gia Thanh niên Tiền phong và đã được gặp thủ lĩnh của tổ chức là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Sự định hướng về cuộc đời ông về nhiệm vụ điệp báo, bắt đầu từ năm tháng này. Ông được kết nạp vào Đảng năm 1953. Oái oăm, qua năm sau, ông bị chính quyền Sài Gòn gọi nhập ngũ và trưng dụng làm bí thư phòng Chiến tranh tâm lý trong Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp. Nhà chỉ huy tình báo Trần Quốc Hương, người trực tiếp chỉ đạo ông Ẩn nhớ lại: “Nơi đây, Ẩn kết thân với đại tá Sdward Lansdale - Trưởng phái bộ quân sự đặc biệt của Mỹ (SMM), thực chất chỉ huy CIA ở Đông Dương dưới vỏ vọc trưởng phái đoàn quân sự Mỹ (US.MAAG)”.
Với tầm nhìn chiến lược nhằm chuẩn bị “đón đầu” sẽ ‘chạm trán” với Mỹ, năm 1957, ông Trần Quốc Hương đã đề xuất cấp trên cho Phạm Xuân Ẩn du học tại Mỹ. Cấp trên đã dặn dò ông: “Phải học cho giỏi về nghiệp vụ, đồng thời tìm hiểu kỹ về nước Mỹ, về nền văn hóa Mỹ, về phong tục tập quán, về cách làm việc, về tâm lý, cá tính của người Mỹ. Phải tư duy và làm việc như người Mỹ". Phạm Xuân Ẩn đã thực hiện một cách xuất sắc. Và điều này đã ảnh hưởng lâu dài đến tính cách, nghiệp vụ tiếp cận lẫn giải quyết công việc của ông. Không giấu giếm, ông từng phát biểu đã học ở người Mỹ: “Họ chỉ cho tôi cách nhìn sự vật theo con mắt của người khác, phê phán bản thân mình trước hết. Họ dạy các thế hệ biết lao động, biết trở về thực tế”.
Sang Mỹ, ông Ẩn theo học về ngành báo chí; và nhận tin ông Trần Quốc Hương bị chính quyền Sài Gòn bắt. Vậy ở lại hay về? Sau này, ông Ẩn thổ lộ cùng ông Hương: “Bên nhà báo sang “Anh Hai mệt nặng nên không đến”, em biết anh đã bị bắt. Nhưng em tin anh sẽ không khai ra em nên em về”. Ông Ẩn về đến Sài Gòn vào ngày 10.10.1959. Với nhiều tài liệu đã công bố, ta ít nhiều có thể biết được giai đoạn này về cuộc đời Phạm Xuân ông Ẩn.
Đại khái, bấy giờ, Sở Nghiên cứu chính trị xã hội, tức cơ quan mật vụ Phủ Tống thống do Trần Kim Tuyến đứng đầu “đang muốn đặt người của Sở sang Việt tấn xã để theo dõi hoạt động của số nhân viên được gửi đi làm tình báo ở các nước, dưới danh nghĩa Việt tấn xã”, ông Ẩn đã được chọn.
Sang Việt tấn xã, ông Ẩn có “5 nhiệm vụ chính: thứ nhất là theo dõi, đốc thúc các điệp viên được Sở Nghiên cứu chính trị đưa đi làm tình báo ở nước ngoài dưới vỏ bọc của Việt tấn xã. Thứ hai, đọc các tin tức lấy từ báo chí từ các tòa đại sứ ở nước ngoài gửi về, rồi phân tích, tổng hợp thành báo cáo để Tổng giám đốc Việt tấn xã gửi cho Văn phòng báo chí Ngô Đình Diệm. Thứ ba, giúp Việt tấn xã viết cho xong cuốn sách về nghề báo lấy tên là "Săn tin" được các cố vấn Mỹ cùng các biên tập viên ở đây đang soạn thảo. Thứ tư, thay mặt tổng giám đốc đi họp hàng ngày với Giám đốc báo chí Bộ Thông tin, Giám đốc Phòng Thông tin Mỹ, Giám đốc Phòng Thông tin Anh. Thứ năm, lo việc giao tế với các cơ quan nước ngoài, nhất là Mỹ, Anh và Phủ Tổng thống về những tin tức va chạm đến các cơ quan này”.
Rồi qua nhiều mối quan hệ, Phạm Xuân Ẩn trở thành phóng viên của Hãng Reuters, The New York, Time… Không dừng lại đó, ông Ẩn đã tạo được “vỏ bọc” đáng tin vậy từ phía người Mỹ, khi quen thân với trùm CIA từ Lansdale đến Colby; từ phía chính quyền Sài Gòn, thông qua Trần Kim Tuyến - người chỉ huy an ninh mật vụ thời Ngô Đình Diệm. Nhờ vậy, ông đã tiếp cận với nhiều thông tin mật từ Bộ Quốc phòng, thậm chí còn có thể "lên trực thăng của Phủ Tống thống đi khắp mọi nơi".
Một trong những thành tích tạo ra dấu ấn Phạm Xuân Ẩn, chính là ông đã chuyển được tài liệu Kỹ thuật và chiến tranh dành cho các Chiến dịch chống nổi loạn”. Kế hoạch này là bản đề cương chi tiết về tái cấu trúc quân đội VNCH, trong đó có việc đặt quân lực VNCH, Tự vệ dân sự, lực lượng Bảo an trong cùng hệ thống chỉ huy. Kế hoạch được đem đến Sài Gòn vào đầu năm 1961, lập tức một bản sao đã chuyển đến Trần Kim Tuyến. Ông Tuyến giao cho ông Ẩn phân tích để ông ta nắm bắt toàn bộ chiến lược mới. Ngay cả Tổng tham mưu trưởng Trần Văn Đôn cũng chuyển cho ông Ẩn cùng nhiều tài liệu bổ sung khác nhằm trình bày ý tưởng và hành động tương ứng của cố vấn Mỹ; kể cả bản sao Chiến dịch chống lại các lực lượng phi chính quy v.v… Toàn bộ tài liệu này được ông Ẩn chuyển ra Hà Nội vào năm 1962.
Hãy nghe ông Mười Nho, cấp trên trực tiếp chỉ huy của ông Ẩn đánh giá: “Cả tỉ đôla cũng không thể mua được tài liệu như vậy. Việc hiểu địch đã giúp ta có kế hoạch chủ động đối phó, các đợt càn quét dữ dội của quân ngụy sau đó hầu hết chỉ nhằm vào chỗ trống… Thất bại hoàn toàn trong trận Ấp Bắc đã buộc Mỹ chấm dứt theo đuổi kế hoạch chiến tranh đặc biệt và tìm kiếm một chiến lược mới”. Trong quyển X6 điệp viên hoàn hảo, nhà sử học Larry Berman có ghi lại đánh giá của ông Mai Chí Thọ: “Ông Ẩn đã gửi cho chúng tôi mọi thứ về chương trình bình định hóa, ấp chiến lược, nhờ đó mà chúng tôi có thể đối pháp để đánh bại họ” (tr.179).
Về sự đóng góp của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn nói chung, theo Trần Quốc Hương cho biết, ông đã từng nghe các đồng chí ở Trung ương kể lại rằng sau khi đọc các báo cáo của ông Ẩn lúc ở Mỹ: “Bác Hồ xúc động thốt lên: “Đọc báo cáo mà cứ như đang ở ngay trung tâm New York!”. Hay sau khi đã về nước, hoạt động trong lòng địch, những báo cáo của Ẩn vô cùng chính xác, sinh động khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải hài lòng tấm tắc: “Cứ như ta đang ở trong bộ tổng tham mưu địch”.
Thành công của ông Ẩn trong vai trò tình báo, chắc chắn còn do sự hỗ trợ của nghề báo. Khi nhà báo Jean - Claude Pomonti hỏi: “Hoạt động bí mật như thế có ảnh hưởng gì đến công việc trong nghề báo không?”. Ông trả lời: “Không khi nào. Trong khi làm báo cáo gửi về Trung tâm cũng như trong các lần gặp gỡ, trao đổi với các nhà báo, tôi không bao giờ cảm thấy có điều gì trở ngại trong khi cùng một lúc phải đảm nhiệm hai công việc ấy. Trái lại, tôi thấy hai việc đó hỗ trợ cho nhau. Dù thế nào, tôi cũng nói lên sự thật. Tôi không bao giờ nói dối với bất cứ bên nào”.
Trong đời riêng, Phạm Xuân Ẩn còn là người sống rất có tình - nhất là lúc vào ngày 30.4.1975, chính ông đã cứu Trần Kim Tuyến trong chuyến di tản cuối cùng đã tuyệt vọng. Tờ Newsweek đã kết luận: “Thế là vị trùm cảnh sát mật vụ Sài Gòn lại được một điệp viên của Hà Nội cứu thoát, leo lên mái nhà để lên máy bay di tản”. Việc làm này, ai có thể hiểu cho ông Ẩn?
Khó có thể nói, sự thành công của Phạm Xuân Ẩn do điều gì then chốt nhất, nhưng tôi tin nhiều người đồng tình với quan niệm sống của ông. Trong quyển Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hảin có ghi lại: “Cuộc sống ở đời có hai cái: thứ nhất là quan tâm đến người khác. Thứ hai là phải tranh thủ chơi với người bạn tốt, dù cho người xấu có nhiều, càng ngày càng xấu. Phải làm bạn thật tình cho đến hết cuộc đời. Đời thành công cũng nhờ hai thứ đó”.
LÊ VĂN NGHỆ
(nguồn: báo ANTG giữa tháng - số 125 tháng 6.2018)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|