BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Luận bàn về tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam

LÊ MINH QUỐC: Luận bàn về tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam

luan-ban-ve-tieu-thuyet-dau-tien-cua-VN

 

Trước đây vì nhiều lý do, không ít vấn đề thuộc lĩnh vực văn học VN đã được các nhà nghiên cứu 'chốt hạ'. Năm tháng qua đi, khi đề cập đến, mọi người cứ noi theo đó, chẳng có ý kiến gì.


 Tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam là cuốn nào?


Báo Văn Nghệ số 527 tháng 12.1973 từng nhận định về tiểu thuyết Tố Tâm in năm 1925 của Hoàng Ngọc Phách: “Tố Tâm xứng đáng được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học lãng mạn VN thế kỷ 20”; hay: “Trong văn học VN, đóng góp của HoàngNgọc Phách từ lâu đã được định vị. Ông là người cắm cột mốc quan trọng cho trào lưu lãng mạn, cũng là một đại biểu khởi đầu của tiểu thuyết hiện đại VN” (Hoàng Ngọc Phách - đường văn và đường đời, NXB Văn Học - 1996, tr.9).
  

Thế nhưng, từ năm 1994, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung đã phát hiện và công bố quyển tiểu thuyết Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, in tại Sài Gòn năm 1887. Theo ông Trung, đây là “truyện đầu tiên viết theo lối phương Tây”, xem ra vai trò Tố Tâm đã bắt đầu có sự nhìn nhận lại.

Khi văn học miền Nam đầu thế kỷ 20 được nhiều người chú tâm đào xới, tìm kiếm, trong số đó rất đáng kể vai trò của nhà báo Trần Nhật Vy thì tình hình rẽ qua hướng khác. Qua những gì đã công bố trong bộ sách Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 (NXB Văn hóa văn nghệ), ông Vy đặt vấn đề phải chăng Kiếp phong trần in năm 1882 của Trương Vĩnh Ký là “tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên ở VN?”.

Năm 2018, nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn lần đầu tiên công bố trọn vẹn bộ tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt (in 1915) của nhà văn Lê Hoằng Mưu, sau hơn 100 năm “tuyệt tích giang hồ” lại mở thêm một hướng tiếp cận mới.

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn: “Với dung lượng đáng kể, với hệ thống nhân vật đa dạng, ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật khá đặc sắc, tác phẩm này của Lê Hoằng Mưu xứng đáng là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ, của VN, như Bình Nguyên Lộc, Bằng Giang đã khẳng định” (Hà Hương phong nguyệt - NXB Văn hóa văn nghệ - 2018, tr.12). Tiếc rằng, ý kiến quan trọng này hầu như chưa thấy ai tán thành hay phản đối.

Xét về cách hành văn với phong cách biền ngẫu, câu chữ du dương, nhịp nhàng vần điệu xuyên suốt cả hàng trăm trang sách như: “Miễn là già cứu Nguyệt Ba khỏi nạn. Hữu này, xưa mụ tưởng Nguyệt Ba là đáng, nay mới tường thăm ván bán thuyền, còn Hà Hương là gái chính chuyên, mụ lại tưởng nó ôm duyên đi bán. Con muốn vậy mẹ đâu dám cản”... thì gọi chính xác nhất Hà Hương phong nguyệt vẫn là truyện thơ, một sự nối dài của truyện thơ nôm khuyết danh Lâm tuyền kỳ ngộ, Phạm Công - Cúc Hoa, Chàng Chuối tân truyện, Thạch Sanh, Lưu nữ tướng... Có khác chăng, là hình thức biểu hiện của từng câu thơ không xuống dòng đấy thôi. Do lẽ đó, khi cho rằng đây là tiểu thuyết đầu tiên của VN thì cần phải xem lại.


Phụ nữ việt đầu tiên viết tiểu thuyết


Rồi lâu nay, giới nghiên cứu vẫn cho rằng, phụ nữ Việt đầu tiên viết tiểu thuyết là nữ sĩ Anh Thơ với cuốn Răng đen (1943). Nhưng người vinh dự đảm nhận vai trò tiên phong này là nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896 - 1982) người Đà Nẵng với tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn xuất bản năm 1927. Người trước nhất, có công phát hiện ra văn bản chính là nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.

Ông Ân đã làm rõ vấn đề mà khi viết lời tựa cho Tây phương mỹ nhơn, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cho biết: “Tiểu thuyết nước ta nay còn đương nẩy chồi mọc mống, trong đám mày râu mới xuất hiện một đôi bản như Quả dưa đỏ, Cảnh thu di hận... còn nữ giới thì thật chưa có. Nay bà đem cái thì giờ quý báu mà làm được bản này, lấy cái học thức sở đắc mà ra công thêu dệt để tự tạo cho thành một nhà văn trong nữ giới, cái công mở núi vỡ đường, thật không những là ngọn cờ tiên phong cho đạo quân nương tử trong làng quần thoa, mà cũng là tiếng trống trên thành, phu nhơn làm một tay nữ tướng quân kình địch cho đám mày râu trong trường văn trận bút. Bạo dạn thật! Khó nhọc thật”.

Vậy đâu là những cột mốc đầu tiên của thể loại tiểu thuyết của VN, từ tác phẩm đến tác giả? Một vấn đề thuộc về văn học sử vẫn cứ mãi “lửng lơ con cá vàng” mà mỗi người nói mỗi phách.


Tháng 4.2018, tại Hội thảo khoa học Ngôn ngữ và văn học Quảng Nam trong xu thế hội nhập, phát triển - lần đầu tiên giới học thuật đưa ra vấn đề: đâu là tiểu thuyết viết cho thiếu nhi đầu tiên ở Nam Trung bộ? Có ý kiến cho rằng, đó là Hai chị em lưu lạc do Imprimerie de Quinhon in năm 1927, ngoài bìa ghi “Tiểu thuyết cho trẻ nhỏ (Roman pour les Petits) - Pierre L. đã dọn”. Theo TS Lê Nhật Ký (Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn, tác giả chính là linh mục Pierre Lục (1868 - 1927); và nhấn mạnh: “Lâu nay, chúng ta dường như chỉ biết có Nguyễn Trọng Thuật với tiểu thuyết Quả dưa đỏ (1925) và Nguyễn Văn Ngọc với tập thơ Nhi đồng lạc viên (1928). Với sự bổ sung của Hai chị em lưu lạc, một nhận định về thời điểm xuất hiện của văn học thiếu nhi giờ đây đã rộng rãi hơn nhiều. Điều thú vị là nó được sáng tác và in tại Bình Định, là tiểu thuyết thiếu nhi đầu tiên của văn chương Nam Trung bộ”.

L.M.Q

(nguồn: Báo Thanh niên -  ngày 10.6.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com