(nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 17.6.2018)
Gần đây, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất thuộc lãnh vực văn bản học, theo tôi ,vẫn là việc công bố trọn vẹn tác phẩm Hà Hương phong nguyệt. Người đảm nhiệm vai trò này, chính là nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn. Từ nhiều năm nay, ông đã bỏ nhiều công sức để tìm kiếm lại văn bản từ nhiều nguồn khác nhau, nay (NXB Văn hóa Văn nghệ và Saigon books đã ấn hành.
Sở dĩ, sự việc này khiến giới học thuật quan tâm vì 3 lẽ: 1. Tác phẩm từng bị đánh giá viết về tình dục, dâm thư, đồi bại, làm phương hại cho đạo đức, thuần phong mỹ tục trái với quan niệm đương thời; và đã tạo ra cuộc bút chiến dữ dội trong thập niên 1920; 2. Do áp lực từ công luận, nhà cầm quyền thuộc địa phải ra lệnh tịch thu, tiêu hủy. 3. Và hơn cả thế, sự ra đời của Hà Hương phong nguyệt đã khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Vấn đề này, sẽ được trao đổi vào lúc 8g30 sáng ngày 16.6.2018 tại Trường KHXH và NV TP.HCM.
Lâu nay giới nghiên cứu vẫn chưa đồng thuận về tiểu thuyết hiện dại của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, đó là Tố Tâm (1925) của Song An Hoàng Ngọc Phách; lại có sự chọn lựa khác, chẳng hạn Truyện Thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản; hoặc Kiếp phong trần (1882) của Trương Vĩnh Ký… Vấn đề vẫn còn đang bỏ ngõ.
Nay, lần đầu tiên công bố trọn vẹn bộ tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt (in 1914) của nhà văn Lê Hoằng Mưu, sau tròn 105 “tuyệt tích giang hồ” lại mở thêm một hướng tiếp cận mới. Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn: “Với dung lượng đáng kể, với hệ thống nhân vật đa dạng, ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật khá đặc sắc, tác phẩm này của Lê Hoằng Mưu xứng đáng là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ, của Việt Nam, như Bình Nguyên Lộc, Bằng Giang đã khẳng định” (Hà Hương phong nguyệt - NXB Văn hóa văn Nghệ - 2018, tr.12).
Ý kiến này có thể chấp nhận được không?
Riêng tôi, cho rằng, xét về cách hành văn với phong cách biền ngẫu, câu chữ du dương, nhịp nhàng vần điệu xuyên suốt cả hàng trăm trang sách như: “Miễn là già cứu Nguyệt Ba khỏi nạn. Hữu này, xưa mụ tưởng Nguyệt Ba là đáng, nay mới tường thăm ván bán thuyền, còn Hà Hương là gái chính chuyên, mụ lại tưởng nó ôm duyên đi bán. Con muốn vậy mẹ đâu dám cản” v.v…thì gọi chính xác nhất vẫn là truyện thơ, một sự nối dài của truyện thơ nôm khuyết danh Lâm tuyền kỳ ngộ, Phạm Công - Cúc Hoa, Chàng Chuối tân truyện, Thạch Sanh, Lưu nữ tướng… Có khác chăng, là hình thức biểu hiện của từng câu thơ không xuống dòng đấy thôi. Do lẽ đó, tôi không đồng ý khi cho rằng đây là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Thiết nghĩ, một khi đã gọi tiểu thuyết hiện đại, trước hết phải căn cứ vào cách hành văn, diễn đạt các con chữ. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất. Các tiêu chí: “Với dung lượng đáng kể, với hệ thống nhân vật đa dạng, ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật khá đặc sắc”, chỉ là yếu tố phụ, là cần nhưng vẫn chưa đủ. Đó là chưa kể, Hà Hương phong nguyệt còn ảnh hưởng nặng nề với lối “mào đầu” theo lối truyện Tàu rất phổ biến qua bản dịch của các nhà nho Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Đinh Văn Đẩu, Trần Hữu Quang, Huỳnh Trí Phú… Chẳng hạn, Hà Hương phong nguyệt ở chương mở đầu: “Tráo con những tưởng con hạnh phúc/ Đổi trẻ nào hay trẻ bất lương” (SĐD, tr.17); chương cuối cùng: “Hết lúc tan vợ chồng sum hiệp/ Có lâm bồn mẫu tử bình anh” (SĐD, tr.443) v.v…
Đó là chưa kể, cấu trúc Hà Hương phong nguyệt còn loạc choạc, kéo dài không cần thiết. Lẽ ra nó phải kết thúc lúc Hà Hương qua đời ở chương: “Đá trắng nặng mồ ghi nặng nghĩa/ Cỏ xanh che nổng lấp tình”. Sự kéo dài về sau đã khiến câu chuyện không còn tập trung vào chủ đề về nhân vật chính đã lấy làm tên của tác phẩm.
Lướt qua vài thông tin vừa nêu trên, tôi không ngoài mục đích đặt vấn đề: vậy đâu là những cộc mốc đầu tiên của thể loại tiểu thuyết của Việt Nam, từ tác phẩm đến tác giả? Câu hỏi đặt ra không thừa, bởi lẽ nào một vấn đề thuộc về văn học sử vẫn còn cứ mãi “lửng lơ con cá vàng” mà mỗi người nói mỗi phách? Và hiện nay, sự xuất hiện đầy đủ văn bản Hà Hương phong nguyện là rất cần thiết, thêm một “ứng cử viên” sáng giá cho cuộc trao đổi, tranh luận của các nhà nghiên cứu.
Và dù thế nào chăng nữa, việc công bố tác phẩm này từ nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn rất đáng ghi nhận, biểu dương vì đã góp phần làm rõ hơn diện mạo, hành trình ban đầu hình thành thể loại tiểu thuyết hiện đại ở Nam bộ và Việt Nam nói chung. Riêng về vấn đề văn bản học, điều khiến bạn đọc hài lòng, ưng ý nhất còn là việc chú thích, giải thich rành mạch, rõ ràng các vốn từ cũ từng sử dụng hơn trăm năm trước ở Nam bộ - đã cho thấy sự cẩn trọng, nghiêm túc của nhóm thực hiện trong quá trình ôn cố tri tân, cụ thể ở Hà Hương phong nguyệt.
L.M.Q
Ghi chú: Bản của Lê Minh Quốc
< Lùi | Tiếp theo > |
---|