“Chiến trường ngày cũ rưng rưng/ Một thời trai trẻ đã từng dọc ngang/ Mùa chinh chiến ấy - hóa vàng/ Quê chung thắp một nén nhang quê người”. Đó là những câu thơ mà những người lính Sư đoàn 307 chúng tôi đã đọc tại đền thờ Angkor Wat vào năm ngoái - nhằm tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh vì nghĩa lớn.
Một tập sách Mùa chinh chiến ấy (NXB Trẻ) của nhà biên kịch, nhà văn Đoàn Tuấn đã “hóa vàng” tại chiến trường xưa, năm nay, lại vừa tái bản. Điều này, thú thật khiến tôi ngạc nhiên, vì nghĩ rằng, sách viết về năm tháng ấy, đã hơn 30 năm rồi còn gì, liệu chừng còn mấy ai quan tâm? Không ngờ, vẫn còn đó người tìm đọc và cũng có thể họ tò mò tìm về ngày tháng đất nước vừa hòa bình, vừa chiến tranh đã có một thế hệ nhập ngũ đổ máu ở chiến trường Tây nam của Tổ quốc.
Khi đọc bản thảo này, từ những dòng đầu tiên cho đến cả ngót 500 trang in, tôi bàng hoàng nhận ra rằng, đây là một trong những tập bút ký xuất sắc nhất và có vị trí quan trọng trong các tác phẩm viết về quân tình nguyện Việt Nam. Để có được những trang viết ngồn ngộn chất liệu của máu, nước mắt lẫn niềm vui, nỗi buồn trải dài trong quá khứ, không chỉ lật lại nhật ký thuở dôi mươi, Đoàn Tuấn còn lặn lội từ Nam chí Bắc gặp gỡ đồng đội cũ. Sau khi đã thu thập tương đối đầy đủ tài liệu, anh bắt đầu viết. Viết chừng nửa tập sách, đọc lại cảm thấy nhẹ hều, so với những gì đã trải qua, anh nghiến răng xóa sạch. Và lại viết. Anh tâm tình: “Khó nhất vẫn là tìm cách thể hiện, phải thật khách quan, dù rằng anh em mình là người trong cuộc”.
Tôi rất hiểu tính cẩn trọng của bạn. Thời còn ở chiến trường, trong túi áo của anh bao giờ cũng có quyển sổ tay và cây bút bis. Hễ gặp một điều gì cần thiết, anh lại hí hoáy ghi chép, sợ quên. Nhờ vậy, khi bắt tay vào viết những tập sách về năm tháng của thế hệ mình, anh đã có được lợi thế về chất liệu so với người cùng thời.
Sau khi rời quân ngũ từ thập niên 1980, anh đã đau đáu suy tư: “Trong lòng tôi luôn suy nghĩ một điều, là những người lính đồng đội tôi hình như đã linh cảm thấy mình sẽ chết. Nhưng họ hoàn toàn không ý thức được điều này. Định mệnh, số phận và cái chết cuốn họ đi. Chỉ khi họ chết rồi, xâu chuỗi lại những lời nói và hành động của họ, tôi mới nhận ra được những điều họ linh cảm”. Vì vậy, Tuấn đã viết lại điều đó.
Quyển sách đó, năm 2002, khi chuyển bản thảo hoàn chỉnh cho nhau cùng đọc, tôi và Tuấn quyết định không đặt tựa và thể loại. Đến nay, thú thật chúng tôi rất cảm phục sự tinh tế, cảm nhận của nhà văn Phan Thị Vàng Anh - với tư cách lúc ấy đang là biên tập của NXB Trẻ, chị đã đặt tựa Những người không gặp nữa. Cuốn sách chỉ dày chừng 150 trang in, nhưng phải có độ lùi gần 20 năm, Đoàn Tuấn mới viết xong.
Và nay, với Mùa chinh chiến ấy, như sự “phân công” vô hình nào đó, Đoàn Tuấn lại là người chịu trách nhiệm phải ghi lại năm tháng đồng đội đã trải qua. Hoàn toàn không phải “đồng bóng” duy tâm gì cả, phải sau khi viết xong, anh thành tâm thắp một nén nhang lên bàn thờ; và lúc ấy, anh mới thấy lòng mình thật sự nhẹ nhàng, thanh thản. Và khi phát hành, ngay lập tức, quyển sách đã tạo nên mới cơn sóng dữ dội trong lòng cựu chiến binh sư đoàn 307 lẫn bạn đọc hôm nay.
Không ai, không một điều gì có thể lãng quên. Làm sao có thể quên, Tuấn nhớ lại lúc anh Lâm dẫm mìn tại vùng Đông Bắc Campuchia: “Đêm xuống, ngoài trời An Lung-viêng tối đen như mực. Mưa rả rích. Càng lúc anh càng kêu to. Đến lúc kiệt sức, Lâm không thể kêu được nữa. Khoảng 4 giờ sáng, anh trút hơi thở cuối cùng. Tôi làm công việc kiểm nghiệm quân tư trang tử sỹ. Tấm ảnh người vợ, anh vẫn để trong ví. Tôi lấy ra. Ngắm nhìn lại gương mặt người thiếu phụ xinh đẹp. Tôi lật đằng sau, thấy dòng chữ con gái: “Những lúc buồn anh hãy nhớ đến em”. Ký tên: Liên”. Nét chữ thật phóng khoáng. Tôi vẫn bị ám ảnh gương mặt dịu hiền của người con gái ấy. Tóc thề xõa ngang vai. Đêm nay, ở quê nhà, chị có mơ thấy anh Lâm về không?”. Những chi tiết dung dị như vốn có trong đời thường, Mùa chinh chiến ấy, đã ghi nhận qua sực chắt lọc của một cây bút đã từng trải.
Càng đọc, ta lại càng cuốn hút theo lịch trình năm tháng mà người lính đã trải qua. Những chi tiết ấy, phải là người trong cuộc mới có thể cảm nhận. Chẳng hạn, một cô gái Khmer bị con đĩa chui vào “chỗ kín”, làm thế nào để kéo nó ra? Ông phum trưởng đã nhờ cậy đồng đội chúng tôi là y tá Võ Đình Chiến. Hãy nghe Đoàn Tuấn kể lại: “Cởi đôi giày cao cổ, bước lên nhà sàn, đặt túi y tá xuống, Chiến bắt đầu hành nghề. Vạch váy lên. Soi đèn pin vào. Dân phum trăm cặp mắt theo dõi… Thấy con đỉa rồi. Nhưng làm cách nào lấy ra để cô gái vẫn còn nguyên trinh. Vì cô chưa lấy chồng. Mẹ cô gái nói thế.
Gương mặt bà lo lắng. Chiến gật gật đầu. Làm cách nào bây giờ? Dùng panh kéo ra thì không được. Con đỉa có năng lực tự co giãn, tự đàn hồi cực tốt. Kéo không khéo, còn dính lại vòi thì cũng bằng không. Mà cái vòi con đỉa bám sâu ngần nào, bố ai biết? Rất thông minh và nhanh trí, Chiến bèn lấy nước muối, làm vệ sinh cho cô. Sau đó, anh lấy bông, thấm cồn. Một tay dùng panh kéo đỉa. Tay kia dùng bông cồn dí vô. Bị bỏng đột ngột, con đỉa vội co vòi lại, cuộn tròn. Chiến chỉ việc dùng panh gắp ra. Cả phum vỗ tay ầm ầm”.
Do sống tại chiến trường hơn 5 năm, liên tục tác chiến và công tác dân vân lẫn truyền tin, Đoàn Tuấn có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, nhờ vậy, Mùa chinh chiến ấy còn là những trang bút ký về sinh hoạt của người dân bản xứ với nhiều chi tiết chân thật và độc đáo. Có thể nói, từ góc nhìn của người lính, lần đầu tiên Đoàn Tuấn đã phản ánh tương đối đầy đủ nhất về năm tháng nghĩa vụ quốc tế với sự tự nhủ đã khắc sâu tâm khảm: “Giúp bạn là tự mình giúp mình”. Chắc chắn Mùa chinh chiến ấy có vị trí đặc biệt trong số các tác phẩm viết về chiến trường Tây Nam mà nay chỉ mới đếm trên đầu ngón tay với Văn Lê, Sương Nguyệt Minh, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thành Nhân, Bùi Thanh Minh, Huỳnh Kim, Lê Minh Quốc…
Và xin kể thêm, lúc “hóa vàng” Mùa chinh chiến ấy tại chiến trường xưa, chúng tôi đã nói với nhau về ngày tháng ở quân trường - ngày chỉ mới, đôi mươi đã làm quen với vũ khí, điều lệnh quân ngũ để bổ sung vào mặt trận. Vậy, thế hệ ấy có gì khác thế hệ ngày nay? Âu cũng là một gợi ý cần thiết để Đoàn Tuấn lại viết. Đã viết xong. Bản thảo Một trăm ngày trước tuổi hai mươi đã nằm trên bàn biên tập của một nhà xuất bản.
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang - trẻ hơn so với chúng tôi khi đọc trước bản thảo đã nhận xét: “Mỏng hơn nhiều so với Mùa chinh chiến ấy, nhưng không vì thế mà Một trăm ngày trước tuổi hai mươi thiếu đi sức nặng thiếu vắng sự ngồn ngộn của hiện thực. Tập sách này được viết ra, trình bày như thể nó là những ghi chép, rất gần với nhật ký, quyển nhật ký điếm ngược tới “ngày D” - trước ngày hai mươi tuổi. Cái tuổi hai mươi đầy hoa mộng mở ra, cái hành trình một trăm ngày sát cánh cùng đồng đội trong những giờ phút bắt đầu một cuộc chiến. Nhân vật bước đi, tuổi xuân mở lối, nhưng đồng thời chiến tranh tàn khốc”.
Nhắc chi tiết này, tôi muốn xác tín rằng, không ai khác, chính Đoàn Tuấn - nhà biên kịch, nhà văn, cựu binh Sư đoàn 307 đã đảm nhận nhiều nhất về vai trò kể chuyện đời lính của thế hệ mình cho mai sau. Việc làm này, há chẳng phải vai trò của nhà văn là ghi chép lại năm tháng đã sống và đang sống đó sao?
L.M.Q
(nguồn: Báo Người lao động ngày 3.7.2018)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|