BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Một chặng đường vinh quang và nhọc nhằn

LÊ MINH QUỐC: Một chặng đường vinh quang và nhọc nhằn

 

kien-thucngyanay-so-1000

 

Khi chạm đến con số 1.000, có thể nói Kiến thức ngày nay (KTNN) đã vượt qua một chặn đường vinh quang và nhọc nhằn của một giai đoạn báo chí. Hãy quay về thời điểm vào tháng 1.1988 thì mới có thể ít nhiều hình dung ra tài năng của “thuyền trưởng” Hàn Tấn Quang. Bấy giờ tạp chí này trực thuộc Hội VHNT tỉnh Sông Bé; qua số 2 lại do NXB Trẻ cấp giấy phép; đến số 5 lại là Phụ trương của tạp chí Văn (Hội Nhà văn TP.HCM)… Rồi như đã biết, hiện nay KTNN đã được Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch cấp giấy phép chính thức.

Bấy giờ, các loại tạp chí tương tự như KTNN được phát hành rất nhiều - nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc đang cần tìm hiểu thông tin mới, bổ sung tri thức tổng quát về khoa học kỹ thuật, tìm về các giá trị văn hóa, du lịch, bàn luận hôn nhân tình yêu, thể thao, bóng đá, đọc các truyện ngắn hay, thư giản qua các mẩu chuyện vui, tranh hý họa v.v… Các loại tạp chí này, có thể nói là sự trở về loại hình báo chí đã có trước năm 1975 tại miền Nam như chuyên san tổng hợp mà nay ta có thể kể đến những tờ tiêu biểu như Phổ thông, Bách khoa, Thời nay, Em v.v…

Như đã nói, trong thời điểm đó, các tạp chí tương tự thời KTNN được ấn hành khá nhiều. Nhưng rồi, trải theo năm tháng hầu hết (nếu không muốn nói tất cả) đã bỏ cuộc chơi. Nhắc lại chi tiết này, để thấy rằng khi chạm đến số 1.000 thì ê-kíp thực hiện KTNN có thể mỉm cười, tự hào cùng bạn đọc vì đã không bỏ cuộc nửa chừng, vẫn còn tồn tại đến nay.

Về tình cảm riêng, đến nay tôi vẫn còn giữ đươc KKNN số 1 có chữ ký của anh chủ biên Hàn Tấn Quang. Tôi quen biết anh khi nào? Có lẽ là từ lúc anh còn chủ trương tờ Nghệ thuật Hoa viên, nếu tôi nhớ không nhầm nội san này thuộc Công ty cung cấp nước TP.HCM, bấy giờ tòa soạn còn ở con đường nơi Hồ Con Rùa. Rồi sau đó, lúc anh chủ trương KTNN, tôi đã trở thành độc giả trung thành, thỉnh thoảng có gửi bài cộng tác.

Tôi còn nhớ rằng, ban đầu, ở ngoài bìa KTNN không đánh số, chỉ ghi ở trang trong; mãi đến số ra ngày 1.5.1990, ngoài bìa mới đánh số 34. Và nay đã lên đến con số 1.000.

Có thể nói bạo miệng rằng, cho đến nay KTNN vẫn là tờ báo duy nhất trong làng báo Việt Nam có… 2 bìa. Cầm tờ tạp chí này, bìa 1 hoặc 4 cũng đều được chăm chút ngang nhau. Ai cũng biết, có quảng cáo thì mới có thể nuôi sống tờ báo một cách sung túc, thế nhưng bìa 4 ấy chưa bao giờ là nơi đăng quảng cáo. Tại sao? Cũng là vì thêm thông tin cho bạn đọc đó thôi.

Do bền lòng, tuân thủ nghiêm ngặt với đường lối, mục tiêu đã đặt ra, qua đó, KTNN đã dần dà tạo nên một “thương hiệu” sáng giá. Vì lẽ đó, nó đã quy tụ được các cây bút tên tuổi nhất lúc bấy giờ. Khi nhắc lại chuyện đã qua, tôi biết nhiều anh em viết lách lúc trà dư tửu hậu vẫn không quên rằng, KTNN vẫn là tờ báo trả nhuận bút cao ngất ngưởng trong thời điểm ấy. Và cũng vì thế, một khi có được bài viết chất lượng thì bao giờ mọi người cũng nghĩ phải gửi cho KTNN là vậy. Nhờ đó, KTNN luôn giữ được chất lượng bài vở để tiếp tục níu giữ bạn đọc theo năm tháng.

Lại có một điều lý thú, từ một vài chuyên mục trên KTNN mà người thực hiện đã tạo được tên tuổi, đã ra được nhiều tập sách. Có thể kể đến trường hợp nhà nghiên cứu An Chi với “Chuyện Đông chuyện Tây”; nhà thơ Phan Hoàng với “Mỗi kỳ một nhân vật”… Bên cạnh đó, còn phải kể đến những cuộc thi tạo ra tiếng vang tốt trong dư luận như Bình văn, Thơ Tứ tuyệt, Kỷ niệm đời tôi v.v.. Chính nhờ những hoạt động này, KTNN ngày càng gắn kết sâu đậm với bạn đọc.

Khi nhìn lại chặng đường đã qua, đã tròn 30 năm rồi còn gì, đây cũng là lúc nhóm chủ biên cùng bạn đọc đã có thể thở phào nhẹ nhõm pha lẫn tự hào.
 

Thế nhưng vấn đề đặt ra, theo tôi, vẫn là hướng đi về phía trước, tiếp tục phải đi nữa thì KTNN sẽ phải đối mặt với khó khăn nào? Làm sao vượt qua? Câu hỏi đó, trong thời buổi báo chí hiện nay, ngẫm ra khó quá đi mất. Trên thế giới đã có những chiến thuyền lừng danh, đã ra tạo dấu ấn trong lịch sử báo chí nhung rồi cũng không chịu đựng nổi bão táp của sự thay đổi thói quen đọc báo giấy ở người đọc. Thói quen ấy ngày một mất dần ở lớp người trẻ.

Vậy ngày mai, số phận KTNN thế nào?

Tôi nghĩ dù thế nào, KTNN vẫn là tờ tạp chí đã từng và mãi mãi sẽ luôn được bạn đọc dành cho sự quý mến, trân trọng từ trong sâu thẳm tình cảm. KTNN vẫn là tờ tạp chí xứng đáng được đặt trên kệ sách mỗi nhà, bởi vì rằng, nhóm chủ trương chưa bao giờ đi chệch hướng: “Hãy luôn làm giàu kiến thức của bạn”.

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí KTNN số 1.000 phát hành ngày 20.5.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com