BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Lễ nghĩa của người Việt

LÊ MINH QUỐC: Lễ nghĩa của người Việt

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Lễ nghĩa của người Việt
1. KÍNH THẦY NHƯ CHA
2. NGHĨA TỬ LÀ NGHĨA TẬN
3. GIA PHONG TỪ MỖI NẾP NHÀ
4. MÌNH VÌ MỌI NGƯỜI
5. NGHÈO VẪN GIỮ LỄ
6. TRUNG HIẾU LÀM ĐẦU
Tất cả các trang

 

lengjhiacuanguoi-viret



Kính thầy như cha

Có thể ghi nhận rằng, các sự lễ nghĩa, từ nhiều đời nay đã hình thành trong nếp sống của người Việt. Trong đó, truyền thống “tôn sư trọng đạo” là một trong những điểm son rực rỡ mãi mãi sống cùng năm tháng.



 

Khi bàn về tính tình của người Việt, trong Phong tục Việt Nam, nhà văn hóa Phan Kế Bính viết: “... nhiều điều là quốc túy của ta và cũng hợp với lẽ phải chung cả hoàn cầu, như những điều lễ nghĩa liêm sỉ, đạo đức, trung thành... thì dầu bao giờ cũng không nên đổi, mà cũng không sao đổi được cái lẽ tự nhiên của tạo hóa ấy”.
 

Có thể ghi nhận rằng, các sự lễ nghĩa ấy, từ nhiều đời nay đã hình thành trong nếp sống của người Việt. Trong đó, truyền thống “tôn sư trọng đạo” là một trong những điểm son rực rỡ mãi mãi sống cùng năm tháng.

Hiện nay, tại Văn Miếu (Hà Nội) còn có thờ nhà giáo Chu Văn An (1292 - 1370) ngang hàng với các bậc tiên nho. Đánh giá về công đức của thầy, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Đấy là bậc tôn sư của Nho gia nước VN ta”. Khi thầy Chu về ở ẩn, các học trò cũ vẫn thường lui tới thăm hỏi. Những quan chức cao trọng như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... khi đến thăm thầy vẫn cúi đầu lạy dưới giường và không dám ngồi chung chiếu lúc trò chuyện. Lúc ấy, họ thường kín đáo để lại lụa vóc, thời trân... ngầm tặng. Khi biết được, thầy thường sai tiểu đồng đem tặng lại cho những người thiếu thốn, chứ không giữ lại một thứ gì cả.

Trường hợp của thầy Vũ Tông Phan (1800 - 1851) cũng là một minh chứng cho sự tôn kính ấy. Năm 1833, thầy dựng trường dạy học trên sông Nhị Hà, sau chuyển về trong công viên thuộc phường Báo Thiên (nay là trụ sở Báo Nhân Dân ở phố Hàng Trống). Thuở ấy, thầy cho dựng nếp nhà năm gian, đặt tên là Hồ Đình. Nghe tiếng thầy, các môn sinh đến thọ giáo ngày một đông. Nhờ sự dạy dỗ nghiêm khắc và tận tụy của thầy mà nhiều người sau này đỗ đạt như thượng thư Nguyễn Tư Giản, hoàng giáp Lê Đình Diên, cử nhân Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Dạng hoặc có người về sau nối nghiệp thầy mở trường dạy học... Ngưỡng vọng một thầy giáo có công đào tạo nhiều nhân tài, vua Tự Đức đã sai người ra Thăng Long vời thầy vào kinh đô để ban khen.

Ngày hôm ấy, yến tiệc đã bày, bá quan văn võ đã đến đông đủ. Khi thầy đã yên vị thì quan thượng thư Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Trọng Hợp vẫn kính cẩn đứng yên. Vì thế các vị quan khác không một ai dám ngồi cả, khi mà hai vị đại thần vẫn còn đứng hầu thầy. Thấy thế, thầy quay lại ôn tồn nói: “Ta cho phép hai anh vào dự tiệc”. Bấy giờ các quan mới dám lục tục ngồi vào bàn.

Sự hiếu đễ với thầy thời nào cũng có. Ngay cả lúc thầy qua đời, học trò cũng có mặt và làm tròn phận sự như con đối với cha. Chẳng hạn trường hợp thầy Phạm Quý Thích (1760 - 1825). Thầy qua đời ngày 29.3 năm Ất Dậu, các môn sinh cùng con thừa tự là Phạm Liên táng ở cánh đồng Đống Miếu tại nguyên quán Hoa Đường (nay thuộc H.Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Hai mươi ngày sau, đến kỳ lễ cuối trong tang lễ, họ xây từ đường thờ thầy trên mảnh đất cũ ở thôn Kim Cổ, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long rồi lúc hết tang đưa bài vị về thờ nơi ấy.

Theo tài liệu Thông báo Hán Nôm học năm 1997 (NXB Khoa học Xã hội -1998), giới nghiên cứu vừa phát hiện trong Chư gia văn tập bản giao ước giữa môn sinh thầy Phạm do án sát Nguyễn Văn Siêu đại diện ký với chức sắc làng Lương Đường về việc môn sinh mua bốn mẫu ruộng ở làng giao cho bốn giáp cày cấy để lấy một phần hoa lợi, xuân thu nhị kỳ tế giỗ hậu cho vợ chồng thầy.

Ít ai biết, chính vì noi gương thầy Phạm mà về sau tiến sĩ Vũ Tông Phan cũng mở trường dạy học. Như vừa nêu trên, thầy Vũ có vào Huế theo lời vời của vua Tự Đức, sau yến tiệc đó, nhà vua có ban cho thầy biển vàng khắc bốn chữ "Đào thục hậu tiến" - nghĩa là có công dạy bảo lớp người sau.

Lớp người sau nhớ ơn thầy là nét đẹp trong lễ nghĩa làm người của dân tộc Việt. Ở vùng đất phương Nam, ta hãy dừng lại với trường hợp của thầy Võ Trường Toản.


untitled-1_EZUR

                           Tượng nhà giáo Võ Trường Toản ở H.Ba Tri, Bến Tre

Theo hòa ước năm 1862 của triều đình nhà Nguyễn ký với Pháp thì: “Nước Nam phải nhường đứt cho Pháp tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường” và “nước Pháp trả tỉnh Vĩnh Long lại cho nước Nam, nhưng quân Pháp vẫn đóng ở tỉnh lỵ”. Trước tình thế này, các sĩ phu yêu nước đã dấy lên phong trào tị địa, bất hợp tác với giặc, không ở lại vùng đã bị giặc chiếm đóng. Họ chọn nơi tị địa là Vĩnh Long và Bình Thuận để tiếp tục kháng chiến và giúp đỡ nghĩa quân kháng chiến.

Bấy giờ, phần mộ của thầy Võ Trường Toản đang nằm ở làng Hưng Hòa (Gia Định). Đó là điều đau xót cho các môn sinh, họ không cam lòng khi thấy thầy phải nằm lại trên vùng đất bị gót giày xâm lược của giặc giày xéo. Vì thế, họ đã đứng ra cải táng mộ thầy, đưa về mai táng ở làng Bảo Thạnh (Vĩnh Long). Có thể ghi nhận đây cũng là một sự kiện chính trị quan trọng thời bấy giờ. Tiến sĩ Phan Thanh Giản có kể lại về việc dời mộ thầy Võ trong bài văn bia với những chi tiết chân thật, xúc động. Qua đó, ta biết người chủ trì việc chôn cất là quan đốc học Nguyễn Thông (1827 - 1884).

Lúc thầy qua đời, môn sinh lo chu đáo phận sự như con đối với cha. Ngược lại khi học trò mất, thầy lại thống thiết thương tiếc như cha khóc con. Xin nêu trường hợp của thầy Phạm Văn Nghị (quê ở Nam Định). Trong sự nghiệp văn học, thầy đã để lại nhiều văn tế, thơ khóc môn sinh như khóc Trịnh Khải, Trần Bích San... rất cảm động. Một khi trong môi trường sư phạm còn có những người thầy như thế thì tinh thần “tôn sư trọng đạo” mãi còn...

Lê Minh Quốc

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 3.4.2017)



 

Nghĩa tử là nghĩa tận

Trong tâm thức của người Việt, 'sự vong như sự tồn'. Dù lúc còn sống, họ có là thân phận thế nào đi nữa nhưng lúc khuất núi vẫn được cộng đồng chăm lo mộ phần, nhang khói chu đáo.

sontra_GVTP
 

Nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha tại bán đảo Sơn Trà

 

Nhà văn hóa Phan Kế Bính cho biết ngày trước làng nào cũng có “tha ma mộ địa”. Chỗ đó, “có lập một cái am năm ba gian hoặc xây bệ thờ lộ thiên, đề ba chữ “hàn lâm sở” để thờ chung những mồ mả vô chủ, gọi là am chúng sinh... Về ba tháng hè thì cứ ngày rằm, ngày mùng một nấu cháo cúng, đổ vào cái lá đa cuộn tròn lại, cắm hai bên dọc đường gọi là cúng các quan, hoặc gọi là cúng bách linh. Cho nên tục có câu rằng: “cướp cháo thí lá đa”, là nói những người vô hậu”.

Tại Đà Nẵng có Nghĩa trủng ở Phước Ninh, nay chuyển về H.Hòa Vang - nơi thờ chung những nghĩa quân đã bỏ mình vì nước trong cuộc chiến chống Pháp đầu tháng 9.1858 - cuộc chiến mở đầu trang sử cận đại VN. Trên tấm bia bằng đá sa thạch, cao 1,2 m, rộng 0,8 m viết dưới thời vua Tự Đức, năm 1876, có đoạn: “Phàm người ta làm mọi việc ở đời cũng chỉ vì nghĩa hay vì lợi. Người quân tử chỉ nghĩ đến điều nghĩa mà dốc lòng vào việc thiện. Dù việc thiện nhỏ thế nào cũng không bỏ qua”. Ban đầu, trong lúc chiến đấu việc mai táng chỉ tạm thời qua loa, về sau, ông Nguyễn Quý Linh, làm chức sung chánh thương biện Hải Phòng đã khởi xướng lập nghĩa trủng này. Nhân dân địa phương với tinh thần như văn bia đã ghi, hưởng ứng nhiệt tình quy tập gần 3.000 hài cốt nghĩa sĩ theo hướng đông - tây - nam - bắc, bên ngoài khu nghĩa trủng có thành đất bao bọc.

Đêm 4.7.1885, danh tướng Tôn Thất Thuyết chỉ huy tấn công đồn Mang Cá (Huế) đang do quân Pháp chiếm đóng - mở đầu phong trào Cần Vương. Trước sức kháng cự của địch, hàng ngàn nghĩa quân, lương dân đã hy sinh. Từ đó về sau Huế có ngày Lễ tế âm hồn (23.5 âm lịch), ngày này đã trở thành ngày “quẩy cơm chung” hằng năm của cả TP.Huế để tưởng niệm tất cả những người đã thiệt mạng trong cơn binh lửa, dù đó là nghĩa quân hay dân thường.

Sự san sẻ nỗi đau mất mát đã trở thành một tập quán đẹp của người Việt, thể hiện ý thức của người sống chung trong cộng đồng, gắn kết người đang sống cư xử với nhau có tình có nghĩa hơn.

Một trong những bài văn tế hay nhất, nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học VN là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu. Qua bài văn tế này, cụ Đồ Chiểu cho biết ý nghĩa sâu xa của việc tưởng nhớ nghĩa sĩ đã khuất: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó”. Rõ ràng, dù về chín suối nhưng hào khí ấy vẫn đồng hành cùng người đương thời. Những người bỏ mình vì việc nghĩa đã sống mãi, lưu danh muôn đời cùng non sông đất nước.

Hai đàn tế thời vua minh mạng

Dù rằng, lúc giao chiến giữa hòn tên mũi đạn, một mất một còn: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), thế nhưng, khi kẻ thù đã bỏ mạng sa trường thì dường như người Việt không còn lòng thù hận nữa. Trên đường vào cảng Tiên Sa, thuộc P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà (Đà Nẵng), nay vẫn còn nghĩa địa chôn cất lính Pháp và Tây Ban Nha bỏ mạng trong cuộc chiến xâm lược nước Nam vào năm 1858. Nghĩa địa này nằm ở phía đông mũi Mỏ Diều và Đảo Cò mà người dân địa phương gọi là nghĩa trang Y Pha Nho. Nơi ấy, những người ngoại quốc nằm xuống đến nay vẫn mồ yên mả đẹp, chứ chốn yên nghỉ cuối cùng của họ không bị lòng căm thù phá hủy.

Tôi không rõ, mùa thu năm 1821, vua Minh Mạng lúc xa giá ra Bắc, ngài có nhớ đến Văn tế thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du hay không: “Khi thất thế, tên rơi đạn lạc/Bãi sa trường, thịt nát máu trôi/Mênh mông góc bể chân trời/Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?”. Có lẽ do cảm thương những thân phận đáng thương ấy nên ngài có phép ứng xử đúng theo cốt cách tinh thần dân tộc Việt.

Đại Nam thực lục chính biên cho biết khi ra đến Quảng Bình: “Vua lên thành xem lũy cổ, cùng với thị thần bàn về việc Nam Bắc phân tranh thời quốc sơ. Lại đến cửa biển Nhật Lệ ngắm xem hồi lâu. Cho tế tướng sĩ trận vong Nam Bắc (đàn nam tế tướng sĩ thời quốc sơ; đàn bắc tế tướng sĩ quân miền Bắc). Dụ rằng: “Khi các thánh mới bắt đầu mở nghiệp, chỗ này là chiến địa, là chỗ vùi ngọc của các tướng sĩ vì nước bỏ mình. Người bắc chống nhau với ta, không khỏi không bị đâm chém, nhưng đều vì chúa mà bỏ mình thôi. Nhìn lại dấu cũ, bỗng lòng cảm thương. Vậy sai dinh thần đặt hai đàn tế Nam Bắc, mà đàn Nam lễ thì phẩm hậu hơn để tỏ hơn kém”. Rồi đặc sai Hiệp biện đại học sĩ Trịnh Hoài Đức khâm mạng đến tế”. Câu “Người Bắc chống nhau với ta”, ý muốn nói quân Đàng Ngoài/Bắc Hà của vua Lê, chúa Trịnh tiến quân đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong/Nam Hà. Nhưng khi đã lên ngôi cửu trùng, ngài vẫn đặt đàn tế, không phân biệt “địch/ta”.

Lòng nhân ái, sự lễ nghĩa của người Việt là thế đấy. Khi đã chết, dù trước đó họ đứng ở chiến tuyến nào cũng được đối xử tử tế. Nghĩa tử là nghĩa tận.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 4.4.2017)


 

Gia phong từ mỗi nếp nhà

sa_TKXKgiaphong-trongnep-nhaRT

Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, Tổng đốc Hoàng Diệu, Hoàng thái hậu Từ Dụ

 

Đối với người Việt, việc nghiêm khắc nuôi dạy con từ thuở bé để định hình nhân cách lễ nghĩa về sau, sống hữu ích với đời, là một truyền thống tốt đẹp.

Dạy con như thế nào và bố mẹ để lại những gì để con làm hành trang trên bước đường đời? Câu trả lời, dù rằng quan niệm mỗi thời mỗi khác, hiện nay đã có ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên, điều cốt lõi về giá trị tinh thần bền vững trong đạo lý dạy con; cha mẹ sống gương mẫu cho con noi theo vẫn còn đó.

Sinh thời, cụ Phan Bội Châu đánh giá liệt nữ Lê Thị Đàn (mất năm 1910) ở Huế là Ấu Triệu (Bà Triệu trẻ) và cụ cũng gọi nữ kiệt Trần Thị Trâm ở Nghệ Tĩnh (1860 - 1930) là Tiểu Triệu (Bà Triệu nhỏ). Nhà nghiên cứu Hoàng Thanh Đạm và Phan Hữu Thịnh khi nghiên cứu về sự nghiệp của bà Trâm cho biết: “Trong việc nuôi dạy con cái, bà khéo kết hợp thái độ nghiêm nghị của người cha với thái độ dịu hiền của người mẹ. Một lần con bà mải mê đánh cờ tướng suốt cả ngày ở nhà ông tri phủ người làng đã về hưu, bà tìm đến nghiêm nghị nói với ông phủ: “Ông học đỗ đến phó bảng, làm quan đến tri phủ hẳn còn nhớ đến lời dạy của ông cha ta: “Gia trung hữu kỳ, nam tử tắc suy” (Trong nhà có bàn cờ, con trai tất hư). Vậy sao ông lưu giữ con tôi suốt cả ngày như thế này?”. Rồi bà nghiêm khắc bảo con về”.

Có một chi tiết đáng suy nghĩ là khi Hồ Học Lãm (1884 - 1943), con trai của bà Trâm, xuất dương, chia tay ở biên giới, bà đã xé nhỏ cái khăn mặt đưa cho con và bùi ngùi: “Con sinh ra là để rửa nhục đất nước, cũng như cái khăn mặt này dệt ra là để lau sạch mặt người. Chuyến đi này chắc chắn con sẽ gặp nhiều khó khăn trắc trở, con phải cố gắng vượt qua, nhất thiết không được bỏ cuộc nửa chừng, không được phản bội Tổ quốc. Nếu con làm trái lời mẹ thì mẹ sẽ coi con không khác gì cái khăn bị xé bỏ này”. Về sau, Hồ Học Lãm trở thành nhân vật trọng yếu trong tổ chức Việt Nam Quang phục hội của cụ Phan Bội Châu.

Một trong những nếp nhà khoa bảng rực rỡ nhất VN là dòng họ tiến sĩ Phan Huy Ích (1751 - 1822). Lúc công cán nơi xa, thư gửi về nhà, bao giờ ông cũng dặn dò vợ: “Dành sự bồi đắp dòng dõi thi thư cho đứa con trai quý”; và khuyên các con: “Mới học phải công phu, chuyên cần chớ nên trễ nải”. Trong số các con ông, nổi tiếng nhất và có đóng góp lớn nhất cho nền học thuật nước nhà chính là Phan Huy Chú (1782 - 1840), tác giả Lịch triều hiến chương loại chí, được giới sử học nước nhà ghi nhận là “bộ bách khoa toàn thư” đầu tiên của VN.

Thuở bé, do người cha luôn công cán nơi xa, Phan Huy Chú chỉ gần gũi với mẹ. Công dạy dỗ của mẹ, sau này, những 30 năm sau, trên đường đi sứ nhà Thanh nhớ đến ngày giỗ mẹ, ông vẫn còn bùi ngùi: “Đền sao ơn ấy, biển trời/Tóc hoa còn ngại đường đời xiết bao/Sông Lô vườn cũ lối nào?/Cánh buồm trời Sở nao nao một mình”.

Trong lịch sử nước nhà, có lẽ bà Từ Dụ (1810 - 1902) là hoàng thái hậu nổi tiếng nhất trong việc để lại nhiều bài học quý trong việc dạy dỗ con. Con của bà - vua Tự Đức - với tư cách là người nắm quyền lực cao nhất trong giai đoạn 1847 - 1883. Nhưng có một điều chắc chắn là nhờ sự giáo dục của bà, vua Tự Đức không bị tha hóa bởi cuộc sống xa hoa, phung phí.

Trường hợp của cha con tiến sĩ Nguyễn Bá Lân (1701 - 1785) cũng là một thí dụ khá tiêu biểu cho cách dạy con của người Việt. Dù người cha học giỏi, văn hay chữ tốt, nhưng nhiều lần thi trượt nên ông dồn hết tâm trí để rèn cặp con với thái độ nghiêm khắc. Hằng đêm, hai cha con cùng dùi mài kinh sử và giao kèo hễ người này ngủ quên thì người kia phải đánh thức dậy. Nhờ học hành chăm chỉ nên qua các khoa thi, Nguyễn Bá Lân đã đậu đến tiến sĩ (1731), làm quan trải bốn triều vua, đến chức Thượng thư và giữ nhiều trọng trách khác. Với văn tài xuất chúng, Nguyễn Bá Lân được người đương thời ca ngợi là một trong “An Nam tứ đại tài”.

Ông nội của Tổng bí thư Trường Chinh là nhà sử học, tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) lại dạy con bằng cách để lại sách. Bao nhiêu tiền lương, cụ đều đem chi vào việc khắc chữ để in sách. Cụ thường nói: “Để của lại cho con không gì bằng sách. Các nhà quan để của cho con, con không chịu học, chỉ tiêu xài phung phí, chả mấy chốc mà hết của. Xưa tôi có ông bạn quanh nhà lát toàn cối đá, đến cả bờ ao, lòng ao cũng lát toàn cối đá. Ông ta bảo: “Để ruộng thì về sau con cháu dễ bán cả mẫu, để cối đá thì phải bán dần từng cái một, lâu dài hơn”. Gần đây tôi hỏi thăm thì biết cối đá đã bán gần hết! Lại có một quan khác làm nhà gỗ mà đầu xà cột đều đóng chốt sắt nối nhau, để cho khó dỡ ra mà bán. Nay con cháu cũng đã bán cả nhà lẫn đất rồi!”.

Vâng theo lời dạy của cha mẹ, giữ được lễ nghĩa trong đối nhân xử thế, thời nào cũng có những người con như thế. Với Tổng đốc Hoàng Diệu, người đã tuẫn tiết trong lúc chống Pháp tấn công thành Hà Nội (1882), sinh thời rất thanh liêm và luôn đặt việc nước lên hàng đầu. Lúc làm quan, có lần ông gửi về Quảng Nam cho mẹ một vóc lụa. Bà cụ không nhận, gửi trả lại cho con, kèm theo một nhành dâu, tượng trưng cho ngọn roi, để cảnh cáo con không được nhận quà cáp gì của dân.

Không vòi vĩnh, nhận hối lộ, nhũng nhiễu với dân, đó cũng chính là lễ nghĩa của người làm quan. Sự lễ nghĩa ấy, ở mỗi cá nhân nói chung, trước hết được hình thành từ sự giáo dục trong gia phong của mỗi nếp nhà.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Thanh Niên ngày 5.4.2017)


 

Mình vì mọi người


Trong Trúng số độc đắc, nhà văn Vũ Trọng Phụng có nhắc tới Hội Tế Sinh với những hoạt động nhân ái gây xúc động mạnh mẽ cho nhân vật trong tiểu thuyết. Trên thực tế Hội Tế Sinh hoàn toàn không phải là chi tiết hư cấu.


lenghia_kbxgminh_vi_moi_nguoi
Bà Cả Mọc, ông Nguyễn Đức Nhuận, ông Trịnh Văn Bô Ảnh: T.L

Vũ Trọng Phụng miêu tả nhân vật Phúc đi lang thang: “Tình cờ đà chân vô định của anh đưa anh đến nhà Hội Tế Sinh. Anh đã được mục kích hàng trăm trẻ con dưới mười tuổi, con nhà lao động, vô sản, sống một đời công cộng rất có tổ chức, được ăn, học, chơi, tắm, được thay quần áo mỗi ngày hai lần, cứ thế mãi ngày nào cũng vậy, mãi cho đến khi nào bố mẹ chúng sau khi không chết đói nữa thì lại đến xin con đem về nhà mà thôi. Cái công cuộc xã hội ấy đã kích thích rất mạnh vào một tâm hồn giàu tình cảm như của Phúc: “Chà! Ở cái xã hội này mà lại có được một người đáng kính trọng đến bậc này sao? Ở cái nước Nam khốn khổ, xấu xa này, mà lại có được một sự tốt đẹp thế này hay sao?”.

Hội Tế Sinh chính là công trình rộng 1.000 m2 ở Hàng Đũa (Hà Nội) do bà Cả Mọc Hoàng Thị Uyển (1870 -1947), em ruột của nhà giáo Hoàng Đạo Thúy, sáng lập vào năm 1930. Hội này, cùng với các tổ chức ái hữu, từ thiện khác được hình thành xưa nay trong cả nước, có thể nói đã phát huy được tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong đạo lý của người Việt.

Năm 1937, Justin Godard - phái viên của chính phủ Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương nhân Toàn quyền Brévié mới nhậm chức ở Đông Dương - đã đến Hội Tế Sinh và bày tỏ sự khen ngợi. Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cũng có đến thăm. Sau đó, về kinh đô Huế, nhà vua có ban tặng cho bà Cả Mọc tấm bảng vàng “Tiết nghĩa”. Nhưng mọi người đều ngạc nhiên khi bà cương quyết không nhận. Các ngự tiền văn phòng lúng túng lắm, bà điềm nhiên bảo: “Việc của quý ngài thì quý ngài cứ tâu lên vua, còn việc của tôi thì tôi không nhận. Thế thôi”.

Vì “lợi quyền chung”

Chắc nhiều người còn nhớ, sau khi bọn cướp Phong Lai bị đánh đuổi, Kiều Nguyệt Nga xúc động bày tỏ đền đáp công ơn, Lục Vân Tiên trả lời rất cao thượng: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”.

Vâng, những câu trả lời ấy cũng là cốt cách của lễ nghĩa người Việt.

Trong lịch sử báo chí nước nhà, Phụ nữ tân văn sở dĩ được dư luận dành nhiều thiện cảm, theo tôi, một phần cũng chính vì ông bà chủ báo Nguyễn Đức Nhuận đã làm nhiều việc nghĩa. Một trong những dấu ấn đáng ghi nhận là mở Viện Dục Anh; lập những cơ sở nấu ăn bình dân dành cho người nghèo “lỡ chân hụt bữa”; lập Nữ lưu học hội “để cho chị em nào cần học, cần tiêu khiển, cần học tập nhiều món công nghệ hay đều có thể họp lại một nơi”; lập Hội Cựu học sanh nữ học đường. Không dừng lại đó, Phụ nữ tân văn còn có kế hoạch thực hiện những sáng kiến khác như thành lập Viện Tế bần cho người cùng khổ, Hợp tác xã cho người tiêu thụ…

Trước đó, tại Huế ngày 15.6.1926, các bà Trần Thị Như Mân (vợ nhà văn hóa Đào Duy Anh), bà Đạm Phương (bà nội nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm)… cũng thành lập Nữ công học hội với mục đích đoàn kết, giúp đỡ, dạy nghề cho nữ giới… Khi bước vào hội quán (nằm trên đường Nguyễn Huệ, gần nhà dòng Chúa cứu thế ngày nay), người ta thấy hai câu đối của bà Đạm Phương nêu bật tôn chỉ, mục đích của hội: “Đạo đức sẵn nền xưa, Trung Nam Bắc dìu chị dắt em, xây đắp bồi thêm văn hiến cũ/Á Âu đương hội mới, công ngôn hạnh giữ gìn nền nếp, tập tành mong để lợi quyền chung”.

Vì “lợi quyền chung”, tùy theo khả năng của mình, mỗi người có một cách thể hiện lòng thành của mình.

Với Tổng đốc Cao Xuân Dục (1842 - 1923) - Thượng thư Bộ Học, Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, cụ đã lập thư viện Long Cương. Kho sách này không chỉ dành cho con cháu, hễ ai hiếu học đều có thể tìm đến tham khảo sách vở tại đây. Còn nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi sau khi thi đậu Thành chung, năm 1936, ông trở về quê phân loại lại kho sách của gia đình để lập Mộng Thương thư trai - mở rộng cửa cho người dân trong làng cùng đến đọc để nâng cao tri thức. Ngôi nhà này, mặt cửa chính trông ra vườn và hồ sen, ông cho làm một vòm mái hiên, trên có đắp hình một cuốn sách đang mở ra, có ghi câu của ông bố là cụ Nguyễn Hiệt Chi (1870 - 1935): “Học tập làm lụng ta ngó lên, ăn mặc ta nhìn xuống”, và hai bên có một thanh kiếm và một quản bút giao nhau.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám,“Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi), tuân theo lời kêu gọi của Chính phủ đã có nhiều người hảo tâm đóng góp tích cực ủng hộ Quỹ độc lập, Tuần lễ vàng. Một trong những tấm gương sáng đó là gia đình ông Trịnh Văn Bô (1914 - 1988), chủ hiệu buôn tơ lụa ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội). Tính đến trước Cách mạng Tháng Tám, gia đình họ Trịnh đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 lượng vàng theo thời giá bấy giờ.

Sống vì mọi người, vì cộng đồng, chứ không bo bo thủ lợi cho riêng mình. Quan niệm này không bao giờ mất đi, mạch máu ấy chảy trong huyết quản của từng người mà thời nào cũng có và mãi mãi là phẩm chất cao quý của người Việt.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Thanh Niên ngày 6.4.2017)



Nghèo vẫn giữ lễ

 

untitled-1_EVSAnghe-vann-giu-leRR

Từ trái qua: Tượng thờ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi tại chùa Dâu (Bắc Ninh), Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện

 

Thuở hàn vi, nhà sử học, nhà văn Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) “túi rỗng bếp lạnh”, “một đồng tiền cũng chẳng dính tay” có viết Bài văn trách ma nghèo tuyệt hay.
Tin liên quan

Qua đó, ông biện luận: Dù nghèo nhưng đó cũng là lúc con người ta phấn đấu để thành tài, trui rèn tâm trí, sống có ích với đời. Hãy nghe ma nghèo nói về “vai trò” của mình: “Cứ xem từ thời Hạ, Thương, Chu trở xuống, ở các nơi danh hương hiền phố, các vị khanh tướng có danh tiếng trong thiên hạ, hết thảy đều qua tay tôi điểm hóa trước, sau đó mới luyện đức tốt, thêm trí lực, rồi mới lập nên sự nghiệp phi thường. Thí dụ như Y Doãn trước nấu bếp, Thái Công Vọng làm nghề mổ gia súc, Nịnh Tử chăn trâu, Tô Quý Tử mặc áo cầu rách, đó đều là những tấm gương rõ ràng ở đời trước. Có mười mẫu ruộng chỉ làm được ông lão nông; có nghìn vàng ở chợ chỉ được khen là anh lái buôn giàu. Nhưng một chàng áo vải thường làm nên khanh tướng, thế thì cái nghèo có phụ gì người đời đâu!”.

Do nghèo nên nhiều nhà chọn lấy nếp sống cần kiệm. Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889 - 1954) viết bài thơ răn: “Chớ nên học thói xa hoang/Rượu, bạc, nha phiến tìm đàng tránh xa/Chè xanh cho đến thuốc trà/Cũng đừng mang nghiện rồi mà lụy thân/Chỉ hai chữ Kiệm chữ Cần/Con em ta phải tập dần cho quen/Rồi ra trăm sự đều nên...”.
 

Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1997), con trai cụ Nguyễn Khắc Niêm, có kể lại thời hoa niên: “Sáng dậy ăn cháo với mấy quả cà, có khi có chút cá kho. Học đến khoảng 10 giờ, bụng đói như cào”. Nhờ vậy, năm 1939, đại chiến thế giới bùng nổ, các du học sinh ở Pháp không nhận được tiền của gia đình gửi sang nữa, lâm cảnh khổ sở, thiếu thốn hoặc phải cúi đầu lên Bộ Thuộc địa xin nhận trợ cấp. Chàng sinh viên Nguyễn Khắc Viện sống cần kiệm từ thuở bé ở nhà nên đã vượt qua được.

Có thể nói, trong lễ nghĩa của người Việt nổi bật quan niệm: Dù giàu hoặc nghèo mà giữ được thanh liêm, đạo đức trong đối nhân xử thế mới là cốt lõi làm người. Ấy mới là sự đáng kính, đáng trọng. Chứ giàu nứt đố đổ vách bằng trò bắt nạt dân đen, làm ăn phi pháp và không biết giữ lễ: “Dẫu ai ruộng sâu trâu nái, đụn lúa kho tiền, cũng bất quá thủ tài chi lỗ” (Nguyễn Công Trứ) - chẳng khác gì “kẻ ngu đần bo bo giữ của”.

Quan niệm này chi phối cả trong việc dựng vợ gả chồng. Dù hoàn cảnh nghèo khó, không “môn đăng hộ đối” nhưng chàng thư sinh mặt trắng Đặng Văn Thụy (1858 - 1936) vẫn được Thượng thư Cao Xuân Dục chọn rể. Sau đó, chàng “ở rể” và được bố vợ tiếp tục nuôi ăn học. Cái nhìn của cụ Cao thật tinh đời bởi cụ đánh giá một người không qua vị trí xuất thân mà chính là tài năng, đạo đức của người đó. Về sau, ông Thụy đậu Hoàng giáp, giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám, sau thăng chức Tế tửu (tương đương chức hiệu trưởng hiện nay).

Dù công việc như sở nguyện nhưng thu nhập không cao, vậy mà nhiều người vẫn không “mặc chiếc áo quá rộng” do sự cân nhắc, nâng đỡ, ưu ái của bề trên. Trường hợp của “Trạng Bồng” Vũ Duy Thanh (1807 - 1859) là một trong rất nhiều thí dụ sinh động. Khi giữ chức Tế tửu Quốc tử giám, ông được vua Tự Đức ban khen, có lần nhà vua hỏi: “Trẫm muốn ban chức cho khanh, khanh muốn chọn chức nào?”. Ông từ chối: “Được chuyên về rèn luyện nhân tài cho quốc gia, với thần như thế đã là thỏa nguyện”.

Rõ ràng chọn lấy công việc đúng với sở trường, chứ không vì việc làm ấy đem lại đồng tiền nhiều hay ít khiến mình giàu hay nghèo, còn là quan niệm vui sống của người Việt. Theo Ngô Thì Sĩ: “Tôi nghe nói: lợi nhiều thì trí mờ ám, tiền dễ thì thêm mắc lỗi”. Với không ít người có danh phận, vai vế trong xã hội thì thường nhiều kẻ đến nhờ cậy, đút lót, vì thế họ dễ dàng kiếm ra đồng tiền, mau chóng giàu lên bất chính. Thế nhưng một khi biết giữ lễ, đó chính là “ba-ri-e” rất cần thiết để họ cân nhắc và chọn lấy phép ứng xử phù hợp. Năm 1768, gặp kỳ thi Hương có sĩ tử đến nhà nhờ cậy đút lót, bà vợ Ngô Thì Sĩ cự tuyệt nghiêm khắc: “Tôi lẽ nào vì chút lợi nhỏ xíu mà hại đến tiết tháo thanh liêm của chồng tôi”.

Giữ đức thanh liêm là cốt lõi của lễ nghĩa người Việt xưa nay. Có lần nửa đêm vua Trần Minh Tông sai người bí mật đem đặt mười quan tiền trước cửa nhà Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1280 - 1346). Tờ mờ sáng hôm sau, ông rảo bước ra sân thấy những đồng tiền đó. Ông hỏi láng giềng chung quanh có ai đánh rơi thì đến nhận lại. Không ai nhận cả. Khi vào chầu, ông đem số tiền nhặt được tâu với nhà vua và nộp vào công quỹ. Nhà vua lắc đầu: “Nếu không có ai nhận, mà tiền lại ngay trước cửa nhà khanh thì đó là tiền của khanh. Khanh cứ giữ lấy mà dùng”. Ông khẳng khái: “Tâu bệ hạ, nếu thần đổ công sức thì đó mới là tiền của thần. Bỗng dưng có được số tiền lớn này, không phải do lao động mà có, thần không dám nhận”.

Sử còn chép rằng, vua Trần Anh Tông cũng rất quý trọng Mạc Đĩnh Chi, có lần ái ngại hỏi: “Trẫm nghe các quan nói nhà Trạng túng, nếu có thiếu gì cứ nói, trẫm sẽ tư cấp thêm”. Ông tâu: “Hạ thần trên nhờ ơn vua, dưới nhờ lộc nước; vợ con không đói rét là đã toại nguyện. Chỉ xin bệ hạ thương lấy muôn dân mà lo cho dân, xây dựng nước nhà vững bền thịnh trị. Đó mới là ước nguyện của hạ thần. Cúi xin bệ hạ xét cho!”.

Nhà vua khen ông nói chí phải.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Thanh Niên ngày 7.4.2017)



Trung hiếu làm đầu

 

“Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”, câu thơ trong tác phẩm Lục Vân Tiên cho thấy “trung, hiếu” là một giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt.

tran-quoc-tuan1_ZGMH

Tượng Hưng Đạo Vương ở Nam Định. Ảnh: Ngọc Thắng

 

Từ xưa đến nay, sử sách nước nhà đã ghi chép lại nhiều tấm gương trung hiếu, trung nghĩa cho muôn đời sau. Những người con ưu tú ấy luôn được cộng đồng tôn vinh. Trong Việt Nam phong tục, nhà văn hóa Phan Kế Bính cho biết: “Trong làng không cứ đàn ông đàn bà, kẻ quý người tiện, ai có ân nghĩa với dân thì có bia kỷ niệm, lúc còn sống thì dân kính trọng, lúc mất rồi thì dân khắc tên vào bia để dân nhớ ân nghĩa về sau”. Việc làm này còn nhằm “kính khuyến lòng người trong chốn hương đảng”.

Lịch sử của hơn bốn ngàn năm của nước Việt đã chứng minh một điều: Khi đất nước đứng trước nguy cơ ngoại xâm, mỗi người lại tự giác gác mọi tị hiềm, bè phái để tập trung sức mạnh chống kẻ thù chung. Sự đoàn kết một lòng ấy mới là nội lực ghê gớm nhất. Sử gia Pháp là Gosselin đã kinh ngạc nhận định: “Khi chúng ta đặt chân đến đất nước này, chúng ta phải đối đầu với một dân tộc có sự thống nhất ngoài sức tưởng tượng của chúng ta”. Sự thống nhất ấy bền vững ngàn đời, bởi tự thâm tâm của mỗi con người đều hướng đến một lễ nghĩa đã thâm nhập vào máu thịt: Trung hiếu với dân, với nước.

Tinh thần sẵn sàng xả thân vì dân, vì nước đó ở thế kỷ 13 cũng đã được thể hiện một cách quật cường trong bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn - bài hịch kêu gọi toàn dân Đại Việt đứng lên đoàn kết chống giặc Nguyên Mông xâm lược: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Và chính Trần Quốc Tuấn là một tấm gương sáng ngời trong việc dẹp “thù riêng” để phụng sự cho lợi ích chung của quốc gia.

Xưa nay đã có nhiều người con ưu tú đi sứ, họ đã làm tròn trọng trách đối với dân, với nước. Tưởng cũng nên nhắc lại chuyến đi sứ của Lý Văn Phức vào năm 1831. Lúc đến Phúc Kiến (Trung Quốc), sau khi lên bộ, phái đoàn của ông được đưa đến nhà công quán. Đến nơi, một dòng chữ đập vào mắt khiến ông nổi giận đùng đùng: “Việt Nam quốc di sứ công quán” (Nhà công quán tiếp sứ rợ nước Việt Nam). Lập tức, ông biện bạch rành mạch. Đuối lý, họ phải lột bỏ dòng chữ nhảm nhí đó, thay bằng “Việt Nam quốc sứ quan công quán” (Nhà công quán tiếp quan sứ nước Việt Nam). Không chỉ vậy, Lý Văn Phức còn viết ngay bài Biện di luận dán lên ở cổng quán như một cách khí khái bày tỏ thái độ. Sự bình tĩnh, hiên ngang không hề run sợ trước oai “thiên triều” của những sứ giả nước Việt phải chăng cũng được hun đúc từ lòng thành trung với nước?

Và nếu không đặt vận mệnh đất nước, nhân dân lên hàng đầu, liệu chừng những năm 1946, trong thời điểm đất nước còn muôn vàn khó khăn, đời sống nhân dân còn hết sức cơ cực, các công dân anh tài đang sống xa Tổ quốc có vâng theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước?

Ngày 11.9.1946, từ cảng Marseille, một chuyến tàu lặng lẽ khởi hành. Trên tàu có Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Hữu Tước và các kỹ sư Võ Quý Huân, Võ Đình Huỳnh, Phạm Quang Lễ... Khi tàu cặp bến Lyon, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi kỹ sư Phạm Quang Lễ: “Bây giờ, ở nhà còn gian khổ lắm, chú có chịu nổi không?”. “Thưa Bác, tôi chịu nổi!”. Người trầm ngâm rồi hỏi tiếp: “Bây giờ ở nhà kỹ sư về vũ khí không có, máy móc thiếu thốn, liệu chú có làm việc được không?”. “Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị 11 năm và tôi tin tưởng là làm được những nhiệm vụ Bác giao”. Rồi lần lượt các bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà toán học Lê Văn Thiêm, nhà nông học Lương Định Của, nhà triết học Trần Đức Thảo... cũng trở về nước tham gia kháng chiến và kiến quốc. Họ là những tấm gương tiêu biểu cho hàng triệu con người tận trung với nước, trong đó có kỹ sư Phạm Quang Lễ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Trần Đại Nghĩa.

Vâng, trung hiếu với dân, với nước, đó cũng chính là nghĩa lớn của người dân Việt.

Lê Minh Quốc

(nguồn: Thanh Niên ngày 8.4.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com