BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC:Đua chi chén rượu câu thơ

LÊ MINH QUỐC:Đua chi chén rượu câu thơ

 

dua-chi-chen-ruuu-cau-tho

“Vàng tuy trời chẳng trao tay

Bình an hai chữ xem tày mấy muôn

…Từ xa xưa, Nguyễn Trãi đã viết trong Gia huấn ca hai câu thơ trên để thấy rằng bình an là điều đáng quý như thế nào. Vì vậy người Việt gặp nhau trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn thường chúc nhau “Bình an”, “An khang”… Thậm chí ngày thường, câu cửa miệng cũng là chúc nhau “An toàn”, “An lành”, “An nhiên tự tại”… (Thư Ban Biên tập - báo Tuổi Trẻ số Tất niên 4.2.2016, tr.1). “Gia huấn ca của Nguyễn Trãi (1380-1442) là một tác phẩm có nội dung khuyên dạy những người thân trong gia đình, học trò, về cách ăn ở cư xử ở đời…” (Chuyện ẩm thực trong thi văn ngày trước - Kiến Thức Ngày Nay số Xuân 2016, tr.62).

Như một sự mặc định lâu nay, hễ nói đến Gia huấn ca, mọi người lại gán cho Nguyễn Trãi. Từ nhiều năm nay, giới nghiên cứu đã có những ý kiến “nói khác” và chứng minh rằng, Nguyễn Trãi không phải là tác giả Gia huấn ca. Có lẽ, người trước nhất lên tiếng nghi ngờ là học giả Hoàng Xuân Hãn, trong Thi văn Việt Nam (1951), ông đặt vấn đề: “Tuy nhiên, các chữ cổ, thường thấy trong những bài chắc chắn soạn đời Lê, ở đây thấy rất ít. Vả trong một vài nơi có nói đến các thứ đánh bạc như tổ tôm, tam cúc, chắn, đố mười. Không biết những trò chơi ấy đã có đời Nguyễn Trãi hay chưa? Nói tóm lại, ta không có chứng gì nhận chắc quyết lời tục truyền rằng tập gia huấn này là của Nguyễn Trãi. Nếu thật là của ông soạn ra, thì sự sao đi chép lại bởi người đời sau, và nhất là đời Nguyễn, đã làm cho phần văn cổ đã bị chữa đi nhiều rồi".

Vậy ai là tác giả Gia huấn ca?

Hãy khoan trả lời câu hỏi này, hãy dừng lại cùng học giả Dương Quảng Hàm (1898-1946). Trong sự nghiệp giáo dục của ông, còn phải kể đến tác phẩm cuối cùng, ít ai biết đến: “Lý Văn Phức - Tiểu sử và thi văn”. Sách in dày 88 trang, khổ 14 x 20,5 cm. Y đã mua quyển sách này vào lúc nào, dịp nào? Không thể nhớ nổi. Có thể xác định ông Dương Quảng Hàm hoàn thành tập sách này vào năm 1945. Trong đó, ông đã chú giải, hiệu đính các tác phẩm tiêu biểu của Lý Văn Phức (1785-1849) như Nhị thập tứ hiếu diễn âm, Tự thuật ký, Bất phong lưu truyện, Thanh tâm tài nhân đề vịnh. Hoàn toàn không có một dòng chữ nào nhắc đến Gia huấn ca.

Với tập bản thảo này, ông Dương Quảng Hàm giao cho Thanh Hoa thư xã (Hà Nội) - chủ nhiệm lúc bấy giờ là ông Phan Thế Roanh. Như đã biết, năm 1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu, từ căn nhà 98 Bis Hàng Bông (Hà Nội), gia đình nhà giáo Dương Quảng Hàm tản cư ra vùng kháng chiến nhưng ông lại mắc kẹt ở thủ đô. Rồi ông mất ở đâu, lúc nào, hoàn cảnh nào, không ai rõ. Chỉ biết, lúc đó người ta chôn ông ở chợ Âm Phủ - cạnh Tòa án Tối cao.

Trong khoảng thời gian này, ông Roanh vào Sài Gòn và làm giám đốc học vụ Trường Đại học Sư phạm. Ông Roanh đã trao bản thảo Lý Văn Phức - Tiểu sử và văn chương cho NXB Nam Sơn. Về nhà in Nam Sơn, y biết đặt ở số 36 Nguyễn An Ninh, quận 1, Sài Gòn; thời Pháp thuộc mang tên Amiral Courbet, mãi đến ngày 22.3.1955 mới đổi tên là Nguyễn An Ninh. Như vậy, suy ra bản thảo này được in sau năm 1955.

Nhắc đến Lý Văn Phức, lập tức không riêng gì y, mọi người đều nhớ đến một kẻ sĩ luôn nặng lòng Tổ quốc. Nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi nhận định: “Ông xứng đáng là vị sứ thần không làm nhục sứ mệnh. Ông còn xứng đáng là nhà văn tài hoa có cái dũng khí và tự trọng của người cầm bút”. Năm 1831, Lý Văn Phức đi sứ sang Trung Quốc. Lúc đến Phúc Kiến, sau khi lên bộ, Lý Văn Phức được đưa đến nhà công quán. Đến nơi, một dòng chữ đập vào mắt khiến ông nổi giận đùng đùng: “Việt Nam quốc di sứ công quán” (Nhà công quán tiếp sứ rợ nước Việt Nam). Lập tức, ông biện bạch rành mạch. Đuối lý, họ phải lột bỏ dòng chữ nhảm nhí đó, thay bằng “Việt Nam quốc sứ quan công quán” (Nhà công quán tiếp quan sứ nước Việt Nam).

Không chỉ vậy, Lý Văn Phức còn viết ngay bài Biện di luận dán lên ở cổng quán, được đông đảo người đến xem.

Theo GS Nguyễn Đổng Chi, “so với bài Biện di thuyết của Nguyễn Tư Giản sau này (1868), tác phẩm của Lý Văn Phức, nhất là đoạn cuối có sức tác động mạnh hơn” (Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược - NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội, 1981).

Trở lại với Lý Văn Phức - Tiểu sử và văn chương, rõ ràng, nhà giáo Dương Quảng Hàm không nhắc gì đến Gia huấn ca. Nhưng liệu Gia huấn ca có phải là tác phẩm của Lý Văn Phức?

Câu hỏi lý thú này, trên Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm - 1984 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Lâu cho biết: “Chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi được nêu từ kho thư tịch và tư liệu Hán Nôm”. Có thể tóm tắt, ông Lâu đã tìm được văn bản chép tay, ký hiệu AB.532. “Điều đáng chú ý là bản nay còn giữ lại được lời ghi chú, một Nguyên tự của tác giả và một bài Bạt ở cuối sách”. Từ những thông tin này, “cho chúng ta biết: 1. Tên của tác phẩm này (tức là bài thứ nhất trong Gia huấn ca) là Phụ châm; 2. Phụ châm được tác giả sáng tác dựa trên những câu cách ngôn cổ và những câu ca dao, tục ngữ bằng quốc ngữ”. Ai viết Phụ châm? Nguyên tự không nêu tên tác giả. May quá, trong lời Bạt cho biết Phụ châm là sáng tác của Yên Thái Tôn sư.

Vị thầy tôn kính ở Yên Thái là ai?

Về địa danh Yên Thái, Hà Nội có phường Yên Thái, nhưng Nghệ An cũ, Thanh Hóa, Sơn Tây cũ, Nam Định cũng có địa danh Yên Thái; hoặc An Thái. An hoặc Yên cùng là 2 âm đọc của một chữ.

Chưa thể có câu trả lời dứt khoát.

Ông Hoàng Văn Lâu lại tiếp tục tìm kiếm các tài liệu khác. Ông tìm được hai văn bản có tên Xuyết thập tạp ký. Một bản ký hiệu A.1792. Một bản ký hiệu AB.132.
 

Theo nhà thư mục học hàng đầu của Việt Nam, cụ Trần Văn Giáp, tác giả Lược truyện các tác gia Việt Nam, Thư mục Hán Nôm khẳng định tác giả Xuyết thập tạp ký là Lý Văn Phức (1785-1849). Văn bản ký hiệu A.1792 bị loại “vì nội dung của sách không phù hợp với bài tự của Lý Văn Phức ghi trong Xuyết thập tạp ký”. Văn bản ký hiệu AB.132 ngay trang đầu có bài tự của tác giả, ký tên: “Vĩnh Thuận Khắc Trai Lý Văn Phức Lân Chi”; phần Phụ châm được chép cuối sách có tên Phụ châm tiện lãm, ghi rõ “Lý Hồ Khẩu tiên sinh soạn”. Hồ Khẩu là địa danh. Ông Lý ở Hồ Khẩu là ai? Chính là Lý Văn Phức, người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (Hà Nội). “Điều này hoàn toàn phù hợp với lời của bài Bạt trong Cảnh phụ châm, ký hiệu AB.532, nói rằng Phụ châm là tác phẩm của Yên Thái Tôn sư”.

Được biết, Hồ Khẩu và Yên Thái là hai làng liền nhau thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận của Hà Nội cũ. Làng Hồ Khẩu, nơi hiện còn đền thờ Lý Văn Phức, vẫn được gọi là phố Yên Thái. Theo ông Lâu, Lý Văn Phức (1785-1849) đã viết Nhị thập tứ hiếu, Phụ châm và một số tác phẩm chữ Hán là lúc đang dạy học ỏ đây.

Sự việc đã rõ ràng. Vấn đề đặt ra vì sao Phụ châm của Lý Văn Phức lại "nhảy" vào Gia huấn ca và ghi tên tác giả là Nguyễn Trãi? Xin thưa, 1. Sách cũ có nói Nguyễn Trãi viết Gia huấn ca, đời sau, có người tưởng rằng Phụ châm kia chính là Gia huấn ca nên đã sưu tầm, sắp xếp và lấy tên chung là Gia huấn ca? 2. Cũng có thể là một "ngụy thư" - nhằm gán cho Nguyễn Trãi? Nhắc lại rằng, Nam phong tạp chí số 48 (1921) từng "phát hiện" và in nhiều kỳ Lĩnh Nam dật sử, đề là tác phẩm của danh tướng Trần Nhật Duật. Sau đó, bổn báo phải có bài cãi chính trên số báo 53.

"Râu ông nọ cằm bà kia" là chuyện thường tình trong văn học sử. Chẳng hạn, bài thơ Bán than: "Một gánh kiền khôn quẩy tếch ngàn/ Hỏi chi bán đó, dạ rằng than/ Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt/ Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn/Ở với lửa hương cho vẹn kiếp/ Thử xem sắt đá có bền gan/ Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác/ Nhưng sợ trời kia lắm kẻ hàn" được gán cho danh tướng Trần Khánh Dư.

Dù rằng, với các chứng cứ trên, đâu phải ai ai cũng “tâm phục khẩu phục” nhưng từ sự nghi ngờ của học giả Hoàng Xuân Hãn chắc chắn Gia huấn ca không thể ra đời từ thời Nguyễn Trãi. Xin nêu một ví dụ về từ ngữ đặng chứng minh cho ý kiến của Hoàng Xuân Hãn. Ông Nguyễn Dư, tác giả Khơi lại dòng xưa (NXB Lao Động) trong bài viết Đi tìm tác giả Gia huấn ca, có đoạn:

“Đua chi chén rượu câu thơ

Thuốc Lào ngon lạt nước cờ thấp cao

Chữ "Lào" được dân ta dùng từ thời nào? Với câu hỏi đó, ông đã tra lại Dư địa chí (1438) của Nguyễn Trãi: “Đầu thế kỉ 15, nước ta có trồng cây thuốc hút (chỉ dược). Nguyễn Trãi không nói tới thuốc lào”; lại tra tiếp Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn: “Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá ấy. Từ năm Canh Tí tức niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) đời vua Lê Thần Tông (...) người Ai Lao mới đem đến, nhân dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Quan dân, đàn bà con gái tranh nhau hút thuốc lá, đến nỗi có câu: "Có thể ba ngày không ăn, chớ không thể một giờ không hút thuốc lá". Năm 1665 đời vua Lê Huyền Tông, triều đình đã hai lần xuống lệnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được. Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu và chôn điếu sành xuống đất. Tro than thuốc lá lắm lần gây thành hỏa  hoạn. Lâu dần lệnh cấm bãi bỏ. Nay thì việc hút thuốc lá đã thành thói thông thường" (Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, bản dịch của Tạ Quang Phát, Văn hóa Thông Tin, 1995, tập 3, tr. 158-159).

Rõ ràng, “Theo Lê Quý Đôn thì cây thuốc lá được người Ai Lao đem vào nước ta năm 1660, nghĩa là hơn 200 năm sau khi Nguyễn Trãi chết”.

Nhớ ai như nhớ thuốc lào

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

Nói đến thuốc lào ắt không thể không nhắc đến các “phụ tùng” đi kèm như bát điều, xe điếu, nõ điều, khuy điếu, thông điếu, guốc điếu… Chẳng phải khoe khoang gì, chính y đã từng hút thuốc lào. Ối dào, chuyện bé tẹo ấy mà cũng khoe ư? Rõ nỡm. Nghe thế bèn cãi, bèn vớt vát rằng, y đã từng đọc bài thơ vua Lê Thánh Tôn nói về điếu cày sử dụng lúc hút thuốc lào:

Vốn ở lâu đài đã bấy nay

Khi lên dễ khiến thế gian say

Lưng in chính trực mười phân thẳng

Dạ vẫn hư linh một tiết ngay

Động sóng tuôn mây khi chán miệng

Nghiêng trời lệch đất thuở buông tay

Dưới từ dã lục trên đền đỏ

Ai chẳng quen hơi mến đức này.

Thơ hay quá đi mất. Tóm lại, sự việc về tác giả Gia huấn ca đã rõ ràng. Ai quan tâm có thể tìm đọc kỹ hơn, số tạp chí Hán Nôm -1984, từ trang 112 đến 120. Với các chứng cứ trên, ai không “tâm phục khẩu phục” thì xin mời tranh luận lại. Đọc tài liệu cũ, biết thêm đôi chút điều gì đó, cũng là cái thú vậy. Nghĩ thế, bem lật lại Gia huấn ca đọc lại lần nữa, lật ngẫu nhiên, thấy ứng vào câu này:

Vàng tuy trời chẳng trao tay

Bình an hai chữ xem tày mấy muôn


L.M.Q

(nguồn: Báo An ninh thế giới giữa tháng số 111 tháng 4.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com