Tại miền Nam, Kim, Vân, Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký là văn bản chữ Quốc ngữ đầu tiên. Lâu nay cứ tưởng Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, in lần đầu 1925 là văn bản Kiều chữ Quốc ngữ đầu tiên in ở miền Bắc. Không phải, ở miền Bắc phải kể đến Kim Vân Kiều tân truyện của E.Nordemann in năm 1897.
Vài năm trước, NXB Hội Nhà văn có tái bản quyển Quảng tập viêm văn (Annam văn tập) cũng của tác giả này, in lần đầu vào năm 1898, ngoài bìa ghi rõ “Dáo học Ngô Đê Mân chích lục”. Có thể hiểu “dáo”: giáo; “chích”: trích. Ông Nordemann là ai? Nói tắt một lời, ngày 1.4.1892 tại số nhà 59, phố Rue des Eventails, Hà Nội, Hội Trí Tri được thành lập theo sáng kiến của một số thông ngôn và giáo viên tiểu học bản xứ, với mục đích ban đầu là cùng trau giồi kiến thức và ngôn ngữ Pháp. Trong số các sáng lập viên của Hội có ông Nordemann - giáo viên tiểu học, sau này là Chánh Sở Học chính Trung kỳ. Trụ sở của Hội Trí Trí về sau Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, số 47 phố Hàng Quạt, Hà Nội.
Lâu nay, đã hiểu về chữ “chán chường” trong Truyện Kiều như giải thích của học giả Đào Duy Anh: “1. Đã trải qua nhiều rồi, không thích, không thú nữa, ví dụ: Quá chiều nên đã chán chường yến oanh; 2. Đã trải nhiều, không biết xấu hổ nữa; ví dụ Cổi xiêm lột áo chán chường”. Mà “chán chường” còn tạo nên cảm giác về một việc gì mà mình đã ngao ngán, chán ngán, đã bưa lắm rồi.
Thế nhưng, ở thế kỷ trước, cụ thể những năm 1895-1896, năm ấn hành quyển Đại Nam Quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của lại giải thích “chán chường” như sau: “no nê, vừa bộn, nhàm lờn. Chán chường: tỏ tường, bày ra trước mắt; thấy chán chường: thấy tỏ rõ; chán việc: nhiều việc, bộn việc; no chán: no rồi; ăn chán: ăn đầy bụng, hết muốn ăn; chán đồ ăn: chẳng thiếu chi đồ ăn; chán hê: nhiều lắm, dư ra; chán rồi: nhàm rồi; biết chán: biết dư, biết nhàm (tr.120).
Từ giải thích trên, có lẽ nhiều người đồng tình với với ý kiến của “nhà Kiều học” Nguyễn Quảng Tuân: “Cổi xiêm lột áo chán chường” là cởi lột áo xiêm bày ra trước mắt cho mọi người thấy. Nếu thế, câu thơ chỉ miêu tả hành động của Kiều chứ không ngụ ý cảm xúc của Kiều về việc làm đó. Giải thích như thế là đúng, vì lúc ấy, Kiều về tới Lâm Truy, bước vào “lầu xanh” và có một vài nhận xét đầu tiên. Nàng nhận xét từ mụ Tú “Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao” tới “Giữa thì hương án hẳn hoi/ Trên treo một tượng trắng đôi lông mày“. Nơi đó, các cô gái hành nghề buôn hương bán phấn: “Cởi xiêm lột áo chán chường/ Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm/ Đổi hoa lót xuống chiếu nằm/ Bướm hoa bay lại ầm ầm tứ vi”. Rõ ràng, lúc ấy Kiều chưa hề trải qua cảm giác "Đã trải nhiều, không biết xấu hổ nữa" như cụ Đào Duy Anh đã chú giải.
Nhất song ngọc thủ thiên nhân chẩm,
Bán điểm chu thần vạn khách thường.
(Một đôi tay ngọc nghìn người gối,
Nửa điểm môi son vạn khách hôn).
Lâu nay, y rất thích hai câu thơ này. Chiều nay, nằm đọc quyển sách Dịch và nghiên cứu Kim Vân Kiều lục (NXB Khoa học Xã hội) của Phạm Tú Châu. Đọc mới biết thêm rằng: “Tìm tư liệu của zhidao.baidu.com trên mạng thì thấy 2 câu này trong bài Nam Lương thôn phụ phán lang quy tình ca (Tình ca về người phụ nữ nông thôn ở Nam Lương mong chồng về) gồm tám đoạn, bốn đoạn trên kể lên đường đi nghìn dặm tìm chồng và không ngờ đã tìm thấy chồng đang mải vui thú với gái làng chơi. Đoạn thứ sáu dịch nghĩa như sau: Gà mái đôi tám khéo điểm trang/ Đêm đêm động phòng đổi tân lang/ Đôi cánh tay ngọc nghìn người gối/ Nửa điểm môi son vạn khách hôn” (trang 140).
Một tứ thơ rất hay.
“Gà mái” chỉ gái điếm, vì kê (gà) đồng âm với kỹ (kỹ nữ), “nhất song ngọc thủ” (đôi bàn tay ngọc) được đính chính cho đúng là “nhất song ngọc tí” (đôi cánh tay ngọc)”. Tác giả bài thơ trên là ai, vẫn chưa rõ. Thú vị chưa? Suy luận ra rằng, không phải ngẫu nhiên, gần đây trong tiếng lóng trong câu vần vè Bút Tre như: “Không đi không biết ở đâu/ Đi rồi mới biết họ gàu hơn ta/ Có tắm biển, có mát-xa/ Có gà móng đỏ đưa ra đá liền”, cụm từ “gà móng đỏ”, có phải từ “gà mái” mà ra chăng?
Mới tối hôm qua, nàng bảo, anh phải siêng năng tập thể dục, ăn uống đầy đủ, chứ ốm tong, ốm teo, ốm như cà tong thì trông mất phong độ quá. “Ốm” là “gầy”. Nghe câu “Ốm như cà tong” nhưng thú thật “cà tong” là gì thì chịu chết. Nó cũng là một loại cò chăng? Nghĩ thế vì sực nhớ đến câu “Ốm như cò ma”, bài vè Nam bộ cũng có câu: "Dáng đi vất vưởng/ Như thể cò ma"? Nó cũng là một loại như trái cà chăng? Nghĩ thế vì sực nhớ đến một loại cà dài ngoằng, ốm teo có cái tên cực kỳ oanh liệt: “cà dái dê”. Nó còn gọi “cà tím”, nướng lên, cho thêm một ít hành mỡ nữa rồi chấm nước mắm thì ngon tuyệt.
Ca dao Nam bộ có câu: “Nên thì lập kiểng trồng hoa/ Chẳng nên đá kiểng trồng cà dái dê/ Chẳng nên thiếp trở lộn về/ Dưỡng nuôi từ mẫu trọn bề hiếu trung”. “Kiểng” là “cảnh”. Có cách giải thích là do kiêng âm "Cảnh" trong húy của Nguyễn Phúc Cảnh nên đọc thành "kiểng"; hoặc do con trai của vua Gia Long tên là Cảnh nên mới có biến âm đó. "Muốn làm kiểng lấy gái Sài Gòn/ Muốn ăn mắm cái, lấy gái đen giòn Bạc Liêu". Cây cảnh/ cây kiểng; làm cảnh/ làm kiểng; cá cảnh/ cá kiểng; lính cảnh/ lính kiểng v.v… Lính cảnh không phải xông pha ra trận, đối mặt vơi hòn tên mũi đạn, chỉ ở hậu phương làm những việc phục dịch việc vặt, ngồi bàn giấy. Có một điều thú vị không rõ từ bao giờ “lính kiểng” lại trở thành “lính cậu?”.
Từ “gà mái” nêu trên, thử hỏi, nếu người đàn bà tinh quái, “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”/ “Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao” như cỡ Tú Bà, có thể sử dụng cụm từ: “Bà La Sát/ Bà Chằn/ Bà chằn lửa ”? Gần đây, nghe nói có từ “Rồng cái” để chỉ người đàn bà có uy quyền, tham vọng trên vũ đài chính trị, trong giới làm chính trị. Liệu có hợp lý không?
Nếu có “bà rồng” ắt phải có “ông rồng”? Người Việt chưa bao giờ dùng “ông rồng” để chỉ đấng mày râu quyền lực, có tính cách như "bà rồng". Thậm chí người Việt không dùng từ "bà" để chỉ bất kỳ con vật nào. "Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn" trong thơ Nguyễn Trãi, nều đọc Kinh dịch ắt hiểu chỉ về mặt trời, về thời gian. Hiểu đúng câu thơ đó là ngụ ý đất nước không có vua.
Nhớ câu hát xưa: "Ngồi buồn nói chuyện trên non/ Một trăm thứ cá có con không thằng/ -Thầy ơi, chớ nói bao đồng/ Một trăm thứ cọp, có ông không bà". Chỉ gọi "ông cọp", không ai gọi "bà cọp". Do đó, khi nghe cụm từ "Bà rồng" thấy ngớ ngẩn lắm. Về từ “cái” trong “rồng cái” chỉ cần lật từ điển tiếng Việt sẽ biết nó có cả thẩy bao nhiêu nghĩa.
Khi mọi người sử dụng từ “cái” trong “Bố Cái đại vương” nhằm tôn vinh anh hùng dân tộc Phùng Hưng - người có công đánh đuổi giặc nhà Đường phương Bắc, thời đó, Bố Cái được hiểu là “cha mẹ”. Duy chỉ riêng nhà văn Bình Nguyên Lộc lại hiểu khác. Trong quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt (NXB Bách Bộc - 1971), ông giải thích: “Chữ CÁI trong BỐ CÁI Đại Vương, trong Con dại cái mang. CÁI ấy là Cha, là Thủ lãnh, còn y nguyên trong Chàm ngữ, Mã ngữ, Thượng ngữ, chứ không phải là Mẹ như ta đã hiểu lầm” (tr.477). Lập luận này đáng suy nghĩ lắm đấy chứ.
Mà “cái” còn nhằm chỉ một sự vật có yếu tố to/lớn nhất. Thời nhỏ, mỗi lần mẹ nấu cơm, khi nước cơm sôi thường bảo: “Con lấy cho mẹ đôi đũa cái”. “Đũa cái” là chiếc đũa lớn nhất trong một/ nhiều bó đũa. "Hỡi anh đi đường cái quan/ Dừng chân đứng lại em than đôi lời", đường cái là đường lớn, đường chính; rễ cái, sông cái, thợ cái, cột cái, thợ cái, ngón chân cái v.v... là hiểu theo nghĩa đó. Người trùm thiên hạ, có tính cách thủ lĩnh gọi mà “Anh hùng cái thế” v.v…
Tất nhiên, “cái” còn có nhiều nghĩa khác nữa, nhưng ở đây chỉ đến bàn cụm từ liên quan đến “Bà rồng/Rồng cái”.
Hiện nay, các tự điển tiếng Việt vẫn giải thích “cái” tức là mẹ. Nếu đúng thế, “cái” với ý nghĩa trên đã mất đi từ lúc nào? Trước đây, khi đọc câu ca dao: “Em về nuôi cái cùng con/ Anh đi trẫy hội nước non Cao Bằng”, nghĩ rằng “cái” ở đây là mẹ. Và trong giao tiếp hằng ngày, khi nghe câu hỏi: “Con cái anh thế nào?”, vẫn hiểu như cách giải thích của Đại từ điển tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Con, thế hệ con nói chung”. Nhưng thật ra, chưa hẳn chung chung như thế. Cứ như theo từ điển Việt-Bồ-La (1651) của A. de Rhodes (bản của NXB Khoa học Xã hội in năm 1991): “Con cái: con trai và con gái”. Rõ ràng, “cái” trong “con cái” theo nghĩa là mẹ, là to/lớn ở thời điểm đó đã mang hàm nghĩa khác.
Mà quái thật, không rõ có phải do từ sự “xuống cấp” từ trong quan niệm trọng nam khinh nữ hay không - nay rõ ràng có một điều dễ dàng nhận ra: từ “cái” một khi dùng gắn liền với người phụ nữ thường hàm ý xấu, mang sắc thái tiêu cực. Con cọp tất nhiên là dữ, nhưng phải là “Dữ như cọp cái” mới đáng sợ; con ngựa đã từng tạo được thiện cảm qua ý niệm “Mã đáo thành công”, nhưng khi một người đàn bà bị gán “ngựa cái” thì hàm nghĩa lại khác hẳn, gợi lên sự lăng loàn, trắc nết.
Ở Huế, có thành ngữ “Ngựa Thượng tứ” hàm nghĩa: “Gái thích trai. Hồi đời Minh Mạng có Viện Thượng tứ lo về ngựa (Mã Chính) của bộ Binh. Ngựa thao diễn từ cửa Thượng Tứ về thấu ngã ba cầu Gia Hội. Ngựa thường hay giao cấu lộ liễu nên dân chúng nghĩ đến đoàn ngựa Thượng Tứ khi thấy những cảnh trai gái “rượng”với nhau lộ liễu” (Từ điển tiếng Huế - Bùi Minh Đức, NXB Văn Học-2014, tr.664). Cũng có thể hiểu, ngựa Thượng Tứ dữ dằn hay lồng lên như ngựa chứng. Lại còn nghe nói đến “giặc cái”, “quỷ cái”, “chó cái” thì sao? Thì cũng không khác gì khi nghe đến “rồng cái”. Chẳng hay ho, tốt đẹp gì. Chỉ là sự khinh miệt, rẻ rúng, xem thường người phụ nữ.
Trong vốn từ tiếng Việt, từ xưa đến nay “cái” chưa bao giờ đi với “rồng” trở thành “rồng cái” nhằm chỉ người đàn bà có quyền lực, nó hoàn toàn xa lạ trong tâm thức người Việt.
Nói đi cũng phải nói lại, một khi đã xuất hiện cụm từ “Bà rồng/ Rồng cái” nhằm chỉ “người đàn bà thép”, có quyền lực, có khả năng tham gia, thao túng chính trường và có tham vọng thay đổi nó bằng mọi thủ đoạn, mọi tài trí thông minh, quyết đoán, độc ác hơn người thì biết đâu, từ cách sử dụng có tính cách “tiên phong” đó, dần dà về sau sẽ được mọi người chấp nhận?
Mà cũng có thể lắm chứ. Cứ quan sát cách sử dụng lời ăn tiếng nói đã hình thành trong khoảng mươi năm trở lại đây, ta thấy có biết bao từ, cụm từ mới đã ra đời và rơi rụng dần. Không gì phải phê phán, dù cảm thấy khó chịu vì cụm từ đó nếu không đáp ứng được yêu cầu nội tại của hàm nghĩa vừa nêu trên, tự nó sẽ mất đi. Thế thôi. Sực nhớ, ban đầu, khi nhà văn Nguyễn Công Hoan cao hứng nghĩ ra từ "Oẳn tà rroằn" nhằm chỉ hậu quả ngoại tình giữa người đàn bà An Nam với ông tây đen mũi lõ: “Té ra thằng bé con chàng mà nước da lại đen như cái cột nhà cháy! Vậy nó không phải con Rồng cháu Tiên. Nó là giống "Oẳn tà rroằn" không biết chống gậy” - ban đầu có lẽ người ta chỉ thấy buồn cười. Nhưng rồi trải qua bao biến đổi, thay đổi về ngôn ngữ, nó vẫn “sống” sờ sờ, vẫn đồng hành cùng thời đại chúng ta đấy chứ?
Lòng vòng một hồi cũng không thể quên câu dặn dò của nàng: “Anh phải siêng năng tập thể dục, ăn uống đầy đủ, chứ ốm tong, ốm teo, ốm như cà tong thì trông mất phong độ quá”, lại thắc mắc: “Cà tong” là gì? Bèn tra từ điển Huình Tịnh Paulus Của, mừng quá, rành rành như vầy: “Con cà tong: Loài hươu, mang cao giò, chạy hay lắm”. Tóm lại, “cà tong, cà teo, cà nhom” là cao, gầy, mảnh khảnh, coi bộ ốm o. Mà thật ra, ốm (gầy) cũng chằng sao. Thời buổi này, chán gì người phải ăn kiêng, detox để có được thân hình như y?
L.M.Q
(nguồn: Báo ANTG số 110 tháng 3.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|