BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH, NHÀ BÁO ĐỖ NGỌC: KÝ ỨC CỨ ĐƯA MẮT NHÌN

NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH, NHÀ BÁO ĐỖ NGỌC: KÝ ỨC CỨ ĐƯA MẮT NHÌN


DO-NGOC-KY-UC-CU-CU-DUA-MAT-NHIN

    

Trí nhớ của con người ta, đôi lúc cực kỳ “phản phé”. Có những chuyện cần nhớ, ấy thế, lại quên. Có những chuyện cần quên như ném đi một viên sỏi xuống dòng sông, khổ nổi, âm thanh của nói cứ vang vọng mãi. Sở dĩ lẩn thẩn nghĩ đến chuyện nhớ/quên, bởi sáng nay ngồi vọng tưởng đến dăm ba đồng nghiệp cũ. Nhớ như in. Nhớ từng nụ cười. Nét mặt. Giọng nói. Và chan chứa nhiều kỷ niệm vui buồn. Thế nhưng không thể nhớ, lần đầu tiên gặp nhau là vào lúc nào. Khó có thể tìm ra giây phút tri ngộ ban đầu ấy. Trong số những bè bạn thân thiết, với tôi, có Đỗ Ngọc. Chị là nhà báo. Đúng rồi. Bên cạnh đó, chị còn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, tước hiệu A.FIAP (Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế), đã có nhiều cuộc triển lãm ảnh chung và riêng.

Có lẽ nổi đình nổi đám nhất, một trong những tác phẩm nhiếp ảnh tạo nên tên tuổi Đỗ Ngọc, phải kể đến Bà cháu, từng đoạt 7 giải thưởng trng nước và quốc tế. Chỉ nhìn thoáng, nhìn kỹ, dù chỉ một lần, người xem tưởng chừng như khó thể quên hai ánh mắt của một già một trẻ. Họ nhìn gì thế? Ánh mắt của cô bé trong trẻo, thánh thiện và thiên thần quá đi mất. Sự non tơ “trẻ em như búp trên cành” đã tái hiện lại sinh động và khoảnh khắc ấy, chỉ trong một tích tắc đã thu được thần thái của nó.

Mà cũng từ bức ảnh này, đã đem đến cho Đỗ Ngọc nhiều buồn vui lẫn lộn. Đã có nhiều thợ tranh chép bằng sơn dầu, màu nước, thậm chí cả thêu tay nữa nhưng không thèm… ghi tên tác giả. Nếu chỉ dừng lại đó cũng không sao, vì có lần chị cho biết, cứ phớt lờ độ lượng: “Thôi kệ, ai chép ảnh, copy ảnh của mình cũng được, lịch sự thì cho một cái tên. Ảnh mình chụp có nhiều người thích, muốn nhân bản cũng vui. Miễn đừng nói tác phẩm của họ, kẻo năm tháng trôi qua, mình lại mang tiếng là “phục dựng” ảnh từ tranh, lại có vụ án “tranh có trước hay ảnh có trước?” thì phiền”.

Nhưng rồi, sự việc không dừng lại đó. Năm kia có một “nghệ sĩ” còn chép tranh Bà cháu thành khổ lớn, thông tin ầm ĩ sẽ tổ chức đấu giá tác phẩm của anh ta tại Dinh Thống nhất (TP.HCM), có chữ ký của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên tranh, để lấy tiền “giúp đỡ các gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng gặp khó khăn trong cuộc sống”. Giá khởi điểm của bức tranh là 2 tỷ đồng. Các đồng nghiệp phẫn nộ liền báo tin cho Đỗ Ngọc. Tất nhiên báo chí lập tức lên tiếng, phê phán về vụ vi phạm tác quyền này. Và trước giờ đấu giá, thư ký của Đại tướng gọi điện thoại vào yêu cầu không tổ chức đấu giá bức tranh có chữ ký của ông.

Trước đó, Đỗ Ngọc cũng sửng sốt khi hay tin cũng bức ảnh đó, đã  được một tập đoàn kinh tế mua với giá 1 triệu USD, nhằm góp quỹ cho 500 bệnh nhi được phẫu thuật tim. Khi đọc tin này trên báo, Đỗ Ngọc mới ngớ người ra và tự hỏi: “Ai đã tổ chức đấu giá, lấy ảnh từ nguồn nào mà mình không biết, không hề xin phép hay ít nhất là thông báo cho mình biết? 1 triệu USD? để giúp 500 trẻ khuyết tật được lành lặn, mình mừng lắm, hãnh diện lắm. Nhưng khi tổ chức bán, họ nói ảnh của ai? Làm việc thiện mà đã không thiện thì… thật đáng buồn, thất vọng”.

Trong đời này, có những lúc: khi đứng trong một căn phòng triển lãm, ta thường chăm chú xem tranh/ảnh của bạn mình hơn là của người khác? Khi bước vào một hiệu sách, giữa bạt ngàn là sách, có những tựa, ta vội lướt qua nhưng đã là sách  của bạn thì lại cầm lấy trên tay với một niềm thích thú? Và với tôi, ngoài bức Bà cháu, còn là bức Cô gái H’Mông, Đỗ Ngọc chụp năm 1995 tại bản Cát Cát (Sa Pa). Cô gái này, tên là Mã Thị Chú.

Đỗ Ngọc kể: “Khi đi qua một nương lúa, vườn nhỏ vào sâu trong bản, tôi bất ngờ nhìn thấy một cô gái ngồi ở thềm nhà. Thấy tôi, cô mỉm cười ngượng nghịu và chào bằng tiếng H’Mông. Tôi chưa bao giờ gặp một cô gái vùng cao nào đẹp như vậy, da trắng ngần, mắt to, mũi cao và ánh nhìn rất thông minh. Cô mặc váy áo thổ cẩm màu đen, cổ và tay viền đỏ, đơn giản mà tuyệt đẹp. Tôi làm quen và xin chụp ảnh cô, cô cười bẽn lẽn không nói gì nhưng để mặc tôi theo cô “sáng tác” khắp trong nhà, ngoài sân. Trong nhiều tấm ảnh chụp được, tôi thích nhất bức chụp cô nhìn thẳng vào ống kính với nụ cười thanh xuân e ấp. Lúc ấy cô đang phơi vải ngoài sân, trước ngôi nhà mái gỗ, quanh nhà là hàng rào đá, những cây mận trổ bông trắng xoá bên hiên nhà. Suốt mấy chục năm cầm máy, Cô gái H’Mông - tên bức ảnh là một trong số ít chân dung tôi ưng ý nhất. Đó còn là một trong những kỷ niệm đẹp trong đời cầm máy của tôi”.

So với vụ Bà cháu với nhiều vụ vi phạm bản quyền, bức ảnh này lại “có hậu” hơn. Ấm áp tình người. Nói như vậy, vì 19 năm sau, Đỗ Ngọc lại ngược lên Sa Pa đi tìm “người mẫu” của mình. Bấy giờ, Cô gái H’Mông đã phụ nữ, đã là mẹ của 3 đứa con. Chị kể: “Nhìn cô ấy mắt nhiều nếp nhăn, có chiều mệt mỏi nhưng nụ cười vẫn bẽn lẽn như xưa, lòng tôi trào lên niềm thương cảm. Không chỉ thương câu chuyện ảnh, một kỷ niệm gắn bó, mà thương cả cuộc đời người phụ nữ, một nhan sắc”.

Lúc ngồi nói chuyện, bà mẹ của Mã Thị Chú cứ nhìn Đỗ Ngọc tủm tỉm cười, thỉnh thoảng lại cầm tay chị lắc nhẹ: “Quý lắm, chụp ảnh bao nhiêu năm rồi còn trở lại!”. Thật cảm động. Chuyến đi ấy, Đỗ Ngọc nhớ lại: “Đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc trong đời tôi”. Hạnh phúc của người nghệ sĩ đôi khi chỉ có thế. Nhẹ nhàng. Ấm áp. Và nhất là tình nghĩa đọng lại ở đàng sau tác phẩm.

Nếu nhớ không nhầm, Đỗ Ngọc về công tác tại báo Phụ Nữ TP.HCM khoảng năm 1992, khi đã là tay chụp ảnh chuyên nghiệp.  Năm 1997, ở tuổi 34 tuổi, chị được tham dự khóa học về ảnh báo chí đầu tiên do Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF, nhà báo Tim Page sáng lập) tổ chức tại Bangkok và Chiang Mai. Khóa học này kéo dài 1 tháng dành cho các nhà báo Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Lớp chỉ có hai nhà báo nữ, Đỗ Ngọc và Thaksina của Bangkok Post. Tôi chưa lần nào hỏi, chị đã học được những gì từ khóa học ấy. Chỉ biết rằng, khi thành đồng nghiệp của nhau, Đỗ Ngọc viết nhiều và đi nhiều.

Rồi có lúc, bó chân trong bốn bức tường “tác chiến” tin, bài thời sự hằng ngày, có lúc Đỗ Ngọc bộc bạch về nỗi thèm được đi. Sau những địa danh được nhắc đến như Sapa, Mã Pí Lèng, cao nguyên Đồng Văn, Hà Nội, Đà Lạt v.v…Nhưng đây mới là cái thèm lãng mạn hơn cả: “Thèm trở lại Venice. Ở cây cầu ấy, mình đã thả xuống kênh một đồng xu để mong được trở lại nơi này. Nơi quảng trường có hàng ngàn con chim bồ câu dạn dĩ sà xuống tay khách mổ hạt. Nơi mình đã uống một ly cà phê espresso kiểu Ý ngon nhất đời trong quán cà phê thư viện TP. Nơi có những ban công hoa duyên dáng, yêu kiều”.

Nghĩ cho cùng, còn gì sung sướng hơn một khi được vác ba lô trên vai bước ra khỏi nhà. Đi không chỉ để mà đi. Đi với Đỗ Ngọc là thu về những bức ảnh đã chụp được trong một khoảnh khắc nào đó. Và viết.

Không chỉ là những bài báo. Gần đây, Đỗ Ngọc đã khiến nhiêu người ngạc nhiên khi chị cùng Hậu Khảo Cổ, Beo Hồng đứng tên chung trong tập tùy bút Đàn bà liêu xiêu (NXB Văn hóa Thông tin - 2011). Và bây giờ, Đỗ Ngọc lại có thêm một tập sách mới - AND tình yêu, đang chờ phát hành.

Chỉ mưu sinh bằng nghề sử dụng các con chữ, đã hơn nửa đời người, tôi nghiệm ra rằng: với người cầm bút, nếu cần, họ sẽ giấu giếm/che khuất suy nghĩ thật bằng kỹ năng của cái nghề viết lách. Thế nhưng có một hai thể loại, họ lại không thể dễ dàng ném chữ tung tóe trên các trang viết. Tung hỏa mù như mê hồn trận. Dám xác tín, đó chính là thơ và tạp bút/tùy bút/cảm xúc bất chợt… Những thể loại ấy, viết là viết cho chính mình, nỗi lòng, tâm tư của mình ngay thời điểm ấy. Vì thế, nghĩ sao viết vậy. Không cần phải ma mị bạn đọc làm gì. Chính vì thế, tự bản thân thể loại này đã có sực hấp dẫn riêng, tất nhiên, hấp dẫn đến cỡ nào còn tùy thuộc vào tài năng của người viết.

Tập sách ADN tình yêu của đồng nghiệp Đỗ Ngọc, với tôi, là một sự hài lòng. Hơn cả thế, với nhiều người còn là sự bất ngờ nữa.

Thì ra, câu nói quen thuộc: “Văn là người”, đôi khi phải xét trên từng trường hợp cụ thể. Đã từng làm việc chung với Đỗ Ngọc, tôi nhận thấy chị là mẫu người quyết đoán, rạch ròi, không “nửa nạc nửa mỡ”, đâu ra đó, không “ba rọi”. Ấy là tính cách của một người mạnh mẽ, xông xáo, trực tính, tất nhiên, phải cứng cỏi, nặng về lý. Tôi đã nhầm to. Nhầm thật đấy chứ. Không ngờ, đọc kỹ những gì chị đã viết, tôi bất ngờ nhận ra trong góc khuất của tâm hồn ấy lại chứa chan một sự đa cảm, nhậy cảm và biết quan sát, có góc nhìn tinh tế lắm.

Những đoản văn, cảm xúc bất chợt, ngẫu hứng trong ADN tình yêu chạm đến nhiều lãnh vực. Không bó khuôn vào nơi một nào cố định. Cảm xúc như nước chảy tràn bờ, việc gì phải “quy hoạch”? Vì lẽ đó, chị đã viết thong dong, thỏa mái nhất, không ngại một ràng buộc nào cả. Nó có nhiều gam màu khác nhau. Đôi lúc, bạn đọc lại cười xòa theo lối đùa nghịch, tếu táo. Nhộn ra phết. Có thể kể đến Tôi cũng muốn có vợ. Nói xấu chồng, Làm gì khi vợ… về hưu,  Phụ nữ và… bóng đá, Nghịch lý Adam & Eva v.v…

Và trong lúc đọc, có đôi lúc tôi reo lên một cách khoái trá bởi ghi chép ấy tinh tế lắm, có thể “gia cố” thành một truyện ngắn hay. Chẳng hạn, tình huống: “Một lần âu yếm người yêu, giữa lúc mê đắm cô chợt nhận ra bên hông chàng có vết xăm tên Mỹ Liên”. Phải xóa đi? Đúng thế. Phải xóa sạch. Vêt xóa ấy đã thành sẹo. Nhưng rồi: “giữa phút âu yếm mê đắm của hai người, phải khựng lại khi những ngón tay cô trong lúc vuốt ve đã chạm phải vết sẹo lồi”.

Vết sẹo ấy làm sao có thể phai đi trong nhớ? Nghiệt thật.

Ngoại tình cũng là một tình huống khó quên, đại khái, ở góc đường vắng vẻ nọ, có đôi tình nhân thường hẹn hò lén lút, thiên hạ không thích nhìn thấy cảnh đó. “Chị hàng xóm gần nhà tôi móc máy: “Sao cô để cái thứ mèo mả gà đồng hẹn hò lăng nhăng trước nhà mình cho xui xẻo?”. Tìm cách đẩy họ đi nơi khác? Tất nhiên. Rồi chuyện gì đã xẩy ra khiến tác giả “chốt hạ” bằng một câu bàng hoàng quá đỗi: “Mà tôi, chỉ là người xa lạ”.

Có những cái kết bất ngờ trong tản văn của Đỗ Ngọc, âu cũng là  một thủ pháp neo giữ lại cảm xúc của bạn đọc đấy thôi.

Chiều nay, lẩn thẩn ngồi sắp xếp lại sách vở bạn bè đã tặng, những trang báo viết về bạn đã lưu giữ. Rất thích đoạn ghi chép này của đồng nghiệp Trần Nguyễn Anh đã ghi lại một chi tiết cảm động: “Đỗ Ngọc kể cho mọi người: “Về thăm ba mẹ ở Vĩnh Long, ăn với gia đình bữa cơm tất niên. Ba mẹ già thêm, lưng còng, mắt mờ, tóc trắng xoá mà miệng cười héo hắt rưng rưng. Ba bảo: "Con mang máy ảnh về không, chụp cho ba cái ảnh bán thân đặng mai này tụi bay làm đám, thờ cũng tiện". Nhất định mặc cái áo quân phục cũ sờn, con phải vá lại cổ áo. Nhìn ngắm ba qua ống kính mà nước mắt con chảy. Cả đời, con đã chụp chân dung bao người, nhiều nhất là các cô gái, những người phụ nữ đẹp. Con bảo họ: "Nhìn hút vào mình này, nhìn nồng ấm nhé, rất hiền nhé"... mà hôm nay con nghẹn ngào không nói nên lời. Rồi con bấm máy. Ảnh nét mà mắt con mờ”.

Chỉ chi tiết ấy, lại càng thêm yêu quý bạn mình - một nghệ sĩ nhiêp ảnh thứ thiệt, đã thành danh.

Lê Văn Nghệ

(nguồn: Báo ANTG số 187 tháng 3.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com