BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Thế nào? Ai biết phải nên thế nào?

LÊ MINH QUỐC: Thế nào? Ai biết phải nên thế nào?

 

 

THE-NAO-AI-BIET-PHAI-NEN-THE-NAO

 


Thú chơi sách cũ đấy. Bấy lâu này, trong đầu cứ thỉnh thoảng nhớ lại mất câu trong bài Học thuộc lòng thời tiểu học. Nhớ mang máng. Không thể nhớ trọn bài. Đã trên dưới hơn 50 năm rồi còn gì. Nhớ rằng:

Mẹ ơi! Trên trái đất này

Con yêu quý nhất bàn tay mẹ hiền

Bàn tay mẹ - bàn tay tiên

Bồng con suốt mấy năm liền mẹ ơi

Những khi trái gió trở trời

Con đau là mẹ đứng ngồi không yên

Chỉ nhớ đến thế. Quyết tìm lại cho bằng được. Chịu. Cái đầu óc bã đậu chỉ nhớ đến đó. Mấy hôm nay, sắp xếp lại sách cũ. Thì ra, đã sưu tập chừng 50 quyển sách giáo khoa (SGK) in ấn trước 1975. Lật hú họa một quyển. Quyển Tập đọc lớp ba, không ngờ, trang 142 có bài Lòng mẹ, tác giả Chiêu Đăng. Sách in giấy láng, trắng, in rất đẹp. Tò mò một chút, xem kỹ ở bìa 4, sách được in tại Hong Kong. Nếu ai đó, có sưu tập SGK thời Việt Nam thuộc Pháp, ắt cũng phát hiện ra rằng, thời đó cũng có nhiều loại SGK in tại Hong Kong. Trong khi đó, nếu xem các SGK phát hành trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thì hoàn toàn mù tịt, giấy in rất tốt, trắng láng, tốt gấp trăm lần SGK in tại miền Bắc cùng thời điểm, nhưng hoàn toàn không có một chi tiết nào cho biết in tại đâu? Trở lại với bài Học thuộc lòng Lòng mẹ:

Những khi trái gió, trở trời

Con đau là mẹ đứng ngồi không yên

Tìm thầy, lo chạy thuốc men

Vì con, săn sóc ngày đêm nhọc nhằn

Hết bóp trán lại xoa chân

Lúc ly sữa ngọt, khi cân cam sành

Con ho, ngực mẹ tan tành

Con sốt, lòng mẹ như bình nước sôi

Con nằm khấn Phật, cầu Trời

Sao cho chóng khỏi, mẹ cười, con vui

Các ông bà Chiêu Đăng, Bảo Vân, Hà Mai Anh, Nguyễn Khắc Lộc v.v… có công lớn lắm. Họ là tác giả của nhiều bài Học thuộc lòng đã đi vào trí nhớ của học trò thuở ấy. Trong đời người, có nhiều điều để nhớ. Vết nhớ ấy như một một cụm tuyết trắng, đôi lúc loang ra trong tâm tưởng và gợi lên môt chút rét nhè nhẹ. Lạ thay, cũng từ đó, tự trong lòng lại ấy ấm áp thêm một chút. Y muốn nhắc lại nỗi nhớ của những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa tiểu học. Những bài học ấy không có gì to tát, chỉ là những câu chuyện có tính cách luân lý nhưng rồi mấy ai có thể quên. Đó là những chủ đề về công ơn cha mẹ, tình thầy trò, bổn phận học trò, yêu thương loài vật…

Những bài học về chủ đề ấy, thời nào cũng cần, và không hề trở nên “lạc hậu” - nếu đứa trẻ sinh ra đời được giáo dục để trở thành môt người có ích cho xã hội. Mỗi thế hệ, có một  cách để nhớ về trang viết đã đọc, đã học ngày tuổi thơ.

Có một lần, đã khá lâu rồi, có hỏi nhà văn Sơn Nam, vì sao ông lại viết được truyện ngắn cực hay: “Tình nghĩa giáo khoa thư”. Ông cười nhè nhẹ: “Q có nhớ đến câu này không? “Văn chương nghe như đờn Nam Xuân: Nước mềm, đá rắn thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, vậy mà dây cưa mãi gỗ cũng đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy...”. Từ thời đi học, được đọc những bài văn ấy, tôi đã thích và nhớ mãi nên mới có nhận xét ấy”.

Có thể hiểu, cái ý mà nhà văn Sơn Nam nhấn mạnh, ngoài yếu tố giáo dục dạy nhân cách làm người còn là “hơi văn”, “nhịp văn” nữa. Nghĩa là, văn viết cho học trò, dù in trong sách giáo khoa nhưng cũng phải chỉnh chu, du dương và “đâu ra đó”, không thể cẩu thả. Từ tư liệu đã sưu tập, y còn thích bài học thuộc lòng này có tựa Áo mới của Phước Nghĩa, in trong tập Việt ngữ lớp 3, nhóm Lửa Việt biên soạn, NXB Cảnh Hồng (173 Cô Giang Sài Gòn - Đ.T: 93716) ấn hành năm 1973:

Chiếc áo hàng bông đã rách rồi,

Mẹ cho con áo mới đi thôi.

Con xin gìn giữ không làm bẩn,

Chỉ mặc vào trường chẳng mặc chơi.


Chiếc áo may xong đã mấy ngày,

Vạt dài thườn thượt, rộng hai tay.

Con nhìn chiếc áo buồn rơi lệ,

Mẹ bảo: trừ hao kẻo chật ngay.

Bà mẹ nghèo chu đáo quá đi thôi. Đọc câu thơ cuối, lặng người một lúc, một nỗi niềm xa xăm từ ký ức của thuở lên năm, lên bảy đã ùa về... Như một cơn gió lạnh hắt hiu. Cũng có thể, một bà mẹ khác lại bảo: “Cố gắng học cho ngoan, cho giỏi con à. Áo của anh Hai cũng vừa vặn. Trông con bảnh tỏn ghê”. Ấy là câu mà bà mẹ dỗ dành lúc đứa trẻ mè nheo, nhất quyết không chịu đến trường, vì không có quần áo mới. Nhớ lại trước đó mẹ có hứa, sau mùa thu hoạch bắp sẽ sắm cho em  một bộ mới kẻng. Nhưng rồi thời tiết thất thường, mưa ủng đất. Bao nhiêu công sức của mẹ đổ xuống dòng Thu Bồn cuồn cuộn nước trắng xóa. Thế là đêm đêm mẹ lại lặng lẽ ngồi bên ngọn đèn dầu khâu, vá lại chiếc áo của anh Hai cho em. Thì trông cũng vừa vặn. Chỉ tiếc trên túi áo một vết mực tím đã loang, mẹ giặt mãi vẫn không sạch. Mẹ lại bảo: “Anh Hai con học giỏi, con mặc áo của anh Hai thì chắc là hên lắm đây!”. Mà, ngay cả chiếc cặp da của anh Hai em cũng cũ mềm. Một quai đeo đã đứt. Ừ thì cũng chẳng sao. Nhà mình nghèo thì chịu vậy thôi. Còn đỡ hơn con Tí, thằng Tèo phải đi chăn trâu, có được ê a đến lớp đâu”. Đứa trẻ nào không cố cười khì cho vui lòng mẹ?

Đọc sách giáo khoa của thời đi học, bao giờ y cũng rưng rưng.

Nhớ ơi là nhớ ngày còn học ở Trường Nam tiểu học (Đà Nẵng). Nhớ nhất lúc ra chơi, bao giờ cũng đến dãy hàng rào sát đường Thống Nhất (nay Lê Duẩn) mua lấy chiếc bánh cam. Bánh chiên giòn, tròn gần bằng trái cam, bên trong có nhưn đậu xanh nhuyễn nhừ, ăn ngon lắm. Vị ngọt ấy còn theo mãi đến giờ. Một quyển sách đã in ra đời, nếu có duyên dẫu trăm năm sau vẫn còn có người tìm đọc. Bằng không thì thôi. Những quyển sách giáo khoa của một thời, “Ối dào, sách dành cho bọn con nít”, thế mà đến nay nhiều người vẫn còn nhớ như in đó thôi, dù rằng họ đã già khú đế. Già như trái cà. Còn đây, bài học thuộc lòng Tính sổ của tác giả Hoàng Oanh, in trong Quốc văn bộ mới lớp nhì do Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiện và Nhóm giáo viên biên soạn, NXB Việt Hương in tại miền Nam 1970:

Những ngày gần cuối tháng

Em nhìn mẹ lo âu

Ngại ngùng em thăm hỏi

Mẹ em chỉ lắc đầu


Một hôm em thoáng thấy

Tay già lật từng trang

Quyển sổ dày chữ số

Lẩm nhẩm tính giá hàng


Em reo lên: “Thưa mẹ,

Con đang làm toán đây

Mẹ giao con tính sổ

Cộng, trừ… nhanh như bay”

Thế đấy, bài học học thuộc lòng dành cho học trò, đâu cần phải là những vấn đề gì lớn lao, to tát đâu. Thế hệ của y nhớ đến, thế hệ sau chắc gì đã được đọc? Nhưng chắc chắn một điều: tình cảm mẹ con trong các bài thuộc lòng, thời nào cũng có và giá trị nhân văn ấy bất biến. Lại nghĩ thêm, chiến lược giáo dục, thời nào cũng là mối quan tâm trước nhất của nhà cầm quyền. Khi người Pháp mới sang, các nhà Nho đã nhìn thấy sự thay đổi, xáo trộn trong nền giáo dục giữa truyền thống và thực tại. Tiêu biểu như lời thở than của thi sĩ Tản Đà (1989 -1939):

Văn minh Đông Á trời thu sạch

Này lúc luân thường đảo ngược ru

Rồi sau sau này, măm 1965, lúc quân đội Mỹ đổ quân sang miền Nam Việt Nam, các trí thức cũng có nỗi âu lo như thế hệ đầu thế kỷ XX. Nhiều người cho rằng, một khi “văn hóa” Mỹ “xâm nhập” vào từng gia đình - rào chắn cuối cùng - là giá trị truyền thống mất gốc rễ. Đại khái thế. Tất nhiên, vấn đề giáo dục học đường cũng được đề cập đến. Mà giáo dục thời đó thế nào? Cùng lắm chỉ Ngựa chứng trong sân trường (Duyên Anh), Ngôi trường đi xuống (Vũ Hạnh) là cùng chứ gì? Là các cậu học trò lếu láo, xem thường thầy cô; là nhân vật  của Vũ Hạnh như ông Doan-tit-xi-ta Trần Ngọc Tẹo mở trường học chỉ vì tiền chứ chẳng co mục tiêu giáo dục gì sất! Chỉ khốn nạn đến thế hay còn có gì khác nữa không? Không rõ, thời đó đã xuất hiện sự khốn nạn đến tận cùng như tác phẩm Gạ tình lấy điểm (Nguyễn Huy Thiệp), lấy từ “người thật việc thật” năm 2006 của gã Đỗ Tư Đông, Phó khoa Báo chí CĐ Phát thanh Truyền hình TƯ I; đã xuất hiện sự khốn nạn đến tận cùng như gã Sầm Đức Xương - cựu hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm (Hà Giang) mua dâm học trò; đã xuất hiện sự khốn nạn đến tận cùng như xuất hiện “đường dây 'sex tour' sinh viên" (Báo Thanh Niên ngày 18.12.2015) chưa?

Rằng thưa, câu hỏi tầm phào

Chỉ là tiếng vọng rơi vào lãng quên

Thưa rằng, đời sống buồn tênh

Thế nào? Ai biết phải nên thế nào?

Thật khó có thể trả lời. Đôi lúc có những câu hỏi, tưởng dễ nhưng tìm câu trả lời lại khó. Chẳng hạn, vụ liên quan đến bài học về Thánh Gióng trong sách giáo khoa. Chuyện rằng: Trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A, tại bài 26C: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”.

Thiên hạ kinh ngạc khi được biết một cái kết khác về Thánh Gióng.

Đoạn văn này trích từ cuốn Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích của nhà văn Nguyễn Đình Thi - in năm 1944. Đó là một cái kết tồi, rất tầm thường, hạ thấp giá trị cốt lõi truyền thống văn hóa Việt. Tại sao Thánh Gióng sau khi đánh thắng giặc lại bay về trời? Chi tiết này quan trọng nhất trong câu chuyện Thánh Gióng. Nếu loại bỏ, nó chỉ còn là câu chuyện tuyên truyền có tính thời vụ, đừng hòng lưu truyền đến ngày nay và mãi mãi về sau. Ông cha ta đã ngụ ý bài học gì? Câu hỏi này cần phải được giải thích cho các em học sinh, chứ không phải cái kết lạ đời như trên. Lâu nay, đã có nhiều người viết lại chuyện cổ tích. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ đến quan điểm đúng đắn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi. Theo tác giả Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập): “Cần phải nói thêm truyện cổ tích thường giàu tính cộng đồng. Giả thử trong truyện có in dấu ấn cá nhân thì cá tính đó cũng phù hợp và không phương hại gì đến tính chất chung của tập thể. Có thế, nó mới được tập thể thừa nhận và lưu truyền” (SĐD, tr.69, Viện Văn Học XB 1993).

Rõ ràng cái kết trên đã “phương hại đến tính chất chung của tập thể”. Mà nghĩ cho cùng, nhà văn Nguyễn Đình Thi có quyền “sáng tạo” ra cái kết đó, vấn đề là tại sao lại đưa vào sách giáo khoa giảng dạy cho học trò? Ở độ tuổi các em cần tiếp thu cái chuẩn, chứ không phải sự suy diễn khác theo một góc nhìn khác của người lớn. Sực nhớ đến văn hào Lỗ Tấn, kết thúc Nhật ký người điên viết vào tháng 4.1918, ông viết những dòng cuối cùng ròng ròng chảy máu đớn đau tột cùng: “Hãy cứu lấy trẻ em”. Đủ chưa? Chưa, cần phải nói thêm rằng: “Hãy cứu lấy người lớn”.

Do vậy, để có môn Văn trong nhà trường phổ thông không đơn giản chút nào, nếu các nhà soạn sách còn đặt nặng “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” của một thời. Với y, để có môn Văn đúng nghĩa trong SGK mới khó, chứ dạy Văn trong nhà trường phổ thông chưa phải khó lắm.

L.M.Q

(Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay số 962 phát hành 1.5.2017)

 

Ghi chú: In trong tập sách NGÀY SỐNG ĐỜI THƠ, NXB VĂN HỌC - 2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com