BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết GS Lý Chánh Trung: “BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC LÀ NÓI LÊN SỰ THẬT”

GS Lý Chánh Trung: “BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC LÀ NÓI LÊN SỰ THẬT”

 

ly-chanh-trung-bon-phan-tri-thuc

 


Tên tuổi, tài năng và đức độ của GS Lý Chánh Trung đã khiến nhiều người tôn trọng, quý mến. Ông sinh năm 1928 tại Sài Gòn. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng như nhiều thanh niên thời ấy, ông đã tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong, Thanh niên Cứu quốc và gia nhập trung đội du kích Phạm Hồng Thái. Do ông bị kiết lỵ và sốt rét tưởng chết nên người mẹ lặn lội vào chiến khu đưa về Trà Vinh trị bệnh.

Sau đó, ông quay lại Sài Gòn. Khi đó, thầy dạy học của ông, một giáo sư người Bỉ vì có tinh thần ủng hộ Việt Nam độc lập nên thực dân Pháp bị trục xuất. Trước lúc chia tay, thầy dặn dò ông: đừng bao giờ làm việc cho Tây; thứ hai cố gắng đi học, nếu không thì vào lại chiến khu. Thầy có cho ông địa chỉ liên lạc với bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng cũng là người của kháng chiến, nhưng bấy giờ ông Hưởng đã vào khu. Do đó, ông không thể bắt liên lạc được với ai. Cuối cùng ông viết thư thưa chuyện với thầy. May mắn, vị thầy tốt bụng này đã tìm cho ông một suất học bổng. Có lần ông kể: “Bấy giờ tiền tàu đi đắt không chịu nổi. Tôi nhớ mẹ tôi bán hết đồ nữ trang được 6.000 đồng. Đó là năm 1947”.

Sang Bỉ, sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học ở Viện Đại học Louvain, lấy hai bằng cử nhân chính trị xã hội học, và cử nhân triết học. Ông giải thích: “Vì tôi nghĩ các môn học nhân văn xã hội cuối cùng đều đi tới giải quyết những vấn đề triết học”. Sau đó,  năm 1953, ông qua Pháp làm luận văn tiến sĩ về triết gia Emmanuel Mounier. Sau khi luận án sắp hoàn thành, ông nhận được tin chiến thắng Điện Biên Phủ. Sự kiện này đã thay đổi cuộc đời ông: “Tôi thấy mình cần phải về góp phần vào tiến trình vận hành của đất nước, của dân tộc. Tôi chỉ tiếc mình đã làm luận án tiến sĩ gần xong. Nhưng tôi nghĩ một người giỏi như Emmanuel Mounier còn nhảy ra lập tờ Esprit đấu tranh chống phát xít, mà mình khăng khăng một mực quyết làm luận án tiến sĩ về ông ta thì thật vô duyên, trong khi tình hình bên nước nhà lại quá khẩn trương”.

Từ năm 1955, trở về Sài Gòn, GS Lý Chánh Trung dạy triết học ở các trường trung học và Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Đà Lạt, đồng thời làm việc ở Bộ Giáo dục. Bên cạnh đó, ông còn tham gia viết báo, viết sách công khai bày tỏ tinh thần yêu nước và tham gia các phong trào đấu tranh tại đô thị miền Nam. Những tác phẩm nổi tiếng của ông có ảnh hưởng sâu rộng trong tầng lớp trí thức như Cách mạng và đạo đức (1966), Tìm về dân tộc (1967), Ba năm xáo trộn (1967). Tìm hiểu nước Mỹ (1969) … Về quan điểm phản biện, ông nói rõ ràng: “Bởi từ muôn đời, bổn phận của người trí thức là nói lên sự thật hoặc những điều mình tin là sự thật. (Thay lời tựa Bọt biển và sóng ngầm - in 1971).

Với kiến thức sâu rộng, lý luận sắc bén và luôn giữ được sự điềm tĩnh, khách quan - những bài viết của GS Lý Chánh Trung luôn gợi cho bạn đọc sự ngẫm nghĩ. Lật lại các báo chí trước 1975 như Tin Sáng, Đuốc Nhà Nam, Đối Diện, Đất Nước.. hầu như số nào ông cũng trình bày, bình luận một vấn đề về thời cuộc. Ông công khai ca ngợi những người đã sống và chết cho Tổ quốc như Trần Văn Ơn, Nhất Chi Mai, Quách Thị Trang, ủng hộ phong trào đấu tranh của SVHS… và tất nhiên ông cũng không né tránh phê phán thực trạng xã hội.

Có lẽ một trong những dấu ấn lớn nhất của GS Lý Chánh Trung, như chính ông từng nhìn nhận, đó là lúc ông viết bài Nói chuyện với người đã khuất - nhân tạp chí Đất Nước thực hiện số báo 14 (phát hành tháng 10.1969). Đó là tờ báo duy nhất ở miền Nam tập trung cả một số báo viết về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất nhiên tờ báo đó đã bị chính quyền tịch thu ngay lúc vừa đem ra khỏi nhà in.

Sau ngày thống nhất đất nước, GS Lý Chánh Trung giữ các chức vụ như Phó Chủ tịch Hội trí thức yêu nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học TP.HCM, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc VN và Đại biểu Quốc Hội các khóa VI, VII, VIII (1977-1992). Tất nhiên, với tư duy của một nhà trí  thức chân chính, GS Lý Chánh Trung vẫn tiếp tục có những tiếng nói phản biện mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự việc ngày một tốt đẹp hơn. Một trong những ý kiến gây xôn xao dư luận nhất, nhiều người vẫn còn nhớ là bài viết Về một môn học mà thầy không muốn dạy trò không muốn học (Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ra ngày 13.11.1988).

GS Lý Chánh Trung qua đời vào sáng ngày 13.3.2016 tại TP.HCM,  an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương lúc9g ngày 15.3. Báo Phụ Nữ Xin chia chân thành buồn cùng gia quyến của GS.

LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Báo PN TP.HCM 14.3.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com