BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Máu vẫn chưa khô trong ký ức một thời

LÊ MINH QUỐC: Máu vẫn chưa khô trong ký ức một thời

MAUCHUAKHOTRONGKY-UC-MOTTHOI

 

1.

Một buổi chiều cuối tháng 3/2016, lần đầu tiên tôi đứng trước đền thờ trong Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) tại xã Long Phước, H.Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Nhìn về phía chân trời yên bình, nắng chiều dịu mát, mặt trời tròn treo lững lờ trên mây xa tít tắp, tự nhiên lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Bỗng từ trong đền một tiếng chuông vọng lên, không chỉ là âm thanh mà còn là tiếng lòng, lời thì thầm của nhiều thế hệ TNXP đã sống đẹp và hy sinh cho Tổ quốc. Bởi lẽ danh sách liệt sĩ không chỉ được ghi nắn nót, được đặt trên bàn thờ mà còn khắc ghi cả trên thành của quả chuông.

Lúc ấy, không gian dường như lắng xuống. Một không gian trầm mặc của sự hy sinh, của cái chết. Những năm tháng tuổi trẻ bỗng ùa về trong ký ức.

Nơi này, cách địa điểm hy sinh của 24 cán bộ, đội viên TNXP thuộc Liên đội 303 khoảng 10km và cách biên giới Việt Nam - Campuchia chưa đến một cây số. Họ hy sinh khi mới mười tám, đôi mươi. Đột nhiên, những câu thơ tôi viết từ năm tháng đó, vọng lại trong trí nhớ: “Cánh rừng nào mà bạn đã chết?/ Tiếng mìn K.P2 nổ chát chúa/ đanh tai nhức óc/ Sao lúc ấy không thể nào khóc?/ Sờ soạng đi tìm thân xác bạn tả tơi/ Từng mảnh linh hồn bay trăm nơi/ Làm sao nhặt đủ?/ Hình hài bạn như một kỷ niệm cũ/ khó quên/ Thời gian đi qua đậm đặc bóng đêm/ Tôi vẫn thấy bạn quay về nguyên vẹn…”

Những ngày đó, trên cung đường máu ở biên giới Tây Nam, từng ngày, từng ngày, cánh lính tân binh chúng tôi đều gặp những gương mặt cùng thế hệ thuộc lực lượng TNXP. Những cái gật đầu, những cái vẫy tay chào nhau ngược xuôi trên đường ra tuyến trước, suốt đời tôi không thể quên. Làm sao quên những tâm tình vội vã, những cái nắm chặt tay mà các câu nói nằm lòng ngày ấy, ai nấy cũng thuộc: “Đoàn kết hợp đồng, lập công tập thể”, “Tim còn đập, máu còn nóng, tuổi trẻ còn cười trong gian khổ”, “Đạn chưa tới chốt thì ta chưa về”…

Làm sao có thể quên được màu áo xanh ngày ấy: “Anh bộ đội thương binh vừa tỉnh lại sáng nay. Đã hỏi thăm em người cáng thương đêm trước. Cô ấy ngã mấy lần tôi đếm được, mà sao không khóc mới lạ lùng…” (thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Nguyễn Cửu Dũng). Làm sao có thể quên, ngày tháng anh em TNXP giúp chúng tôi đào chiến hào trên đường 1B: “Tôi nghe đồng đội nhắc/ Từng kỷ niệm thân quen/ Bàn tay cầm cuốc leng/ Va đá ong tóe lửa (Thanh Nguyên)… Và nói như nhà thơ Phạm Trường Phục: “Những kỷ niệm của thời đi mở đất/ Một cây rựa và một cây cuốc/ Một tấm lòng son, mơ ước vơi đầy”

Chỉ nghĩ đến đó, đã thấy mắt cay cay…

2.

Không chỉ là sự hồi tưởng, từ phía hồ sen trong khu tưởng niệm đã rền vang tiếng hát, nhịp vỗ tay của hơn 1.000 cựu TNXP của nhiều thế hệ đang có mặt. Họ trải lòng mình qua các ca khúc Em đi qua cầu cây (Lê Văn Lộc), Em ở nông trường em ra biên giới (Trịnh Công Sơn), Con kênh ta đào (Phạm Tuyên, thơ Bùi Văn Dung), Trên đường đời (thơ Nam Thiên, nhạc Lã Văn Cường), Thanh niên xung phong (Phan Huỳnh Điểu)... Tiếng hát vang động cả không gian thấm đẫm hương lúa trong bóng chiều.

Họ hát cho chính mình cho người đã khuất? Cả hai. Vì thế, trong âm điệu, ca từ reo vui, rạo rực sức sống của năm tháng ấy, sao nghe lại vẫn thấy bùi ngùi khôn xiết! Nhớ về thời tuổi trẻ nhọc nhằn mà tươi đẹp, hầu như ai cũng nhắc đến câu nói của một vị lãnh đạo mà họ thân thiết gọi: “Chú Sáu Dân” (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Đó là câu: “Đối với thành phố chúng ta, TNXP là lứa hoa tiên tiến đầu tiên trong mùa xuân thứ nhất”.

Sau khi hát đồng ca, họ lặng lẽ thả hoa đăng xuống hồ sen. Như một sự tưởng niệm, như nhớ về đồng đội không bao giờ còn gặp lại nữa. Những đốm lửa ấy trôi đi, trôi đi và dường như có tiếng ai đang khóc nấc. Tiếng khóc rưng rưng trong tiếng hát. Tôi lại nhìn thấy những giọt nước mắt của “người anh cả” TNXP, ông Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Với ông, những ngày tháng Ba - luôn là Ngày-Trở-Về. Trở về với màu xanh cỏ úa, với những gương mặt rám nắng, dãi dầu; bàn tay ông không thôi siết chặt những bờ vai xiêu vẹo, dìu những bước chân khập khiễng của đồng chí, đồng đội năm xưa. Ông gọi “Nghĩa đen”, ông vui bên “thằng em” tên Kiệt, 38 năm rong ruổi cùng ông trên những cung đường bạt ngàn nắng gió xung phong. Ấm áp. Ân tình. Trọn vẹn.

Giây phút thiêng liêng, qua khói nhang thơm dịu, không gian yên tĩnh như còn nghe cả nhịp đập xúc động của mỗi người. Tôi hình dung ra các liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (1955-1978), Nguyễn Thị Ngọc Mai (1959- 1978), Lục Thiên Hương (1957-1978)… dường như cũng quay về trong giây phút này. Sự sống và cái chết bao giờ cũng có sự giao cảm. Tôi không kiềm được xúc động khi nhìn và đọc lá thư của liệt sĩ Ngô Đức Minh, C trưởng, Liên đội 303 gửi bạn: “Ê nhớ viết thư trả lời, chắc lần này là lần gặp mày vào lần chót vào ngày 10/11”. Nét chữ nguệch ngoạc ấy, thương làm sao!

Rồi ngày lần chót ấy đã đến.

Chiều 21/7/1978, Trung đội 3, Đại đội 3 thuộc Liên đội 303 được lệnh di chuyển lên chốt chặn gần ngã ba Koky Som nhằm chống lầy, bảo đảm giữ an toàn tuyệt đối cho tuyến đường huyết mạch của mặt trận thông suốt. Rạng sáng 22/7/1978, trong cuộc chiến đấu không cân sức với quân Pôn Pốt, 24 TNXP (có bảy là nữ) đã bị tàn sát dã man. Chỉ còn hai người bị thương nặng được cứu sống là chị Nguyễn Thị Lý và anh Nguyễn Văn Tuấn.

Khi nghe MC Quỳnh Hương và Phước Lập nhắc lại câu chuyện này, cả một rừng người trước đền tưởng niệm lặng phắt như mặc niệm: “Súng giặc nổ rền, các chàng trai thanh niên xung phong từng người gục xuống/ Dòng kinh xanh anh đào, giờ thắm máu tim anh/ Trung đội mình bị tiểu đoàn giặc vây quanh/ Tay yếu chân mềm, bảy cô gái đã lọt vào tay bầy lang sói!/ Ôi! Những cô gái thành đô, tuổi đôi mươi, mười tám, giữa lũ giặc cuồng điên đành tan, nát cánh hoa… đời!”. Câu vọng cổ Trăng biên cương của nghệ sĩ Hữu Quốc đã khiến mọi người lặng đi. Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhân chứng của cuộc thảm sát man rợ ngày ấy, nghẹn ngào: “Vết thương ở chân tôi đã lành từ lâu, nhưng sự mất mát, nỗi bi thương ấy cứ tồn tại mãi mãi. Vết thương ấy chưa bao giờ khép miệng”.

 

3.

Đêm ấy, chúng tôi ngồi lẫn trong màu áo xanh của các cựu TNXP. Vầng trăng trên trời tỏa ánh sáng thanh bình và huyền ảo. Và chúng tôi lại nghe những ca khúc da diết đến nôn nao: “Vạt áo xanh em ơi/ Biên đen dòng điểm khuyết/ Màu nắng lên tha thiết/ Ta mang theo vào đời/ Con đường nào không gai/ Chân trần ta lấm đất/ Biết trăm năm đường dài/ Có lòng ta son sắt (thơ Nam Thiên, nhạc Lã Văn Cường).

Nói đến TNXP không thể quên màu xanh bình dị ấy. Cựu TNXP Lê Thành Mẫn chia sẻ: “Với chúng tôi, màu xanh chính là khát vọng của tuổi trẻ. Nhìn chiếc áo màu xanh hôm nay, chúng ta hãy nhớ về hành trình không ngưng nghỉ của từ 40 năm trước: TNXP đi đến đâu có màu xanh đến đó”. Và qua đó, chính từ nơi gian khó, thắm tình đồng đội, chính họ đã tạo ra màu xanh cho cuộc đời mình: Tình yêu.

Nhiều người đã chung vui với lời tâm tình của chị Phạm Thị Ánh bày tỏ cùng người bạn đời Thảo Nguyên: “Mình à, tôi cảm ơn TNXP đã cho tôi gặp mình. Cho tôi và mình môi trường rèn luyện tốt, biết cách vượt qua khó khăn, biết cách chịu đựng, biết gửi nỗi nhớ vào tim… Và chính tình đất, tình người đã sưởi ấm, gắn kết tình yêu tôi và mình với TNXP cho đến bây giờ”. Tâm tình ấy tiêu biểu cho nhiều, rất nhiều cựu TNXP, mà nói như nhà thơ Nam Thiên: “Có chăng tình đồng đội/ Và lòng ta hướng lên”...

Tình yêu ấy còn là một sự tiếp nối. Bây giờ và mãi mãi.

Lê Minh Quốc

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập lực lượng TNXP TP.HCM (28/3/1976 - 28/3/2016), chương trình Thay lời muốn nói của HTV thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp: TNXP - Một thời đẹp nhất (20g30 ngày 19/3) tại Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP TP.HCM. Các ca khúc về một thời hoa lửa của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng được lên sóng: Thanh niên xung phong (Phan Huỳnh Điểu), Em đi qua cầu cây (Lê Văn Lộc), Đêm rừng Dakmil (Nguyễn Đức Trung), Những vết chai cho Tổ quốc (Lã Văn Cường), Một thời đẹp nhất (Trương Quang Lục)... Khán giả còn được dịp thưởng thức những bài thơ hay nhất về TNXP của Phạm Trường Phục (Lửa vẫn cháy), Trần Khải Minh (Lên đường), Thanh Nguyên (Nghe đồng đội hát)...

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 21.3.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com