BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Trang giấy thôi vàng úa

LÊ MINH QUỐC: Trang giấy thôi vàng úa

trang-giay-thoi-vang-ua-1-R

Có lẽ với tác phẩm Những ngày thơ ấu in năm 1941, nhà văn Nguyên Hồng là người viết thể lại “tự truyện” sớm nhất ở Việt Nam? Theo nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, người đương thời cùng Nguyên Hồng cho rằng: “Lối tự truyện này ở Anh, ở Mỹ, ở Nga, rất thịnh hành; nhưng ở nước Việt Nam ta, viết được, tôi cho là can đảm lắm… Thật thế, viết tự truyện ở nước ta - tôi nói là viết thành thật - không phải dễ. Phải trút bỏ hết cả những thành kiến đi, phải đặt mình lên trên tất cả dư luận, phải gột rửa cho kỹ lòng tự ái, rồi còn phải gì gì nữa, chứ không phải chỉ có viết thành lối tự truyện mà đã được. Cái hênh hoang là cái tối kỵ trong tự truyện, nên nói được “cái tôi chân thật” mà lại làm cho người đọc cảm thấy những điều thú vị khi đọc “cái tôi” của mình là một điều rất khó” (Nhà văn hiện đại, NXB Thăng Long - 1960, tr. 1144).

Mở đầu, Nguyên Hồng viết: “Cha tôi làm cai ngục, mẹ tôi là người buôn bán…”. Câu này, nay đọc lại ta thấy bình thường. Nhưng thuở ấy, nhiều người - ngay cả nhà phê bình Vũ Ngọc Phan cũng ngạc nhiên: “Thật khác hẳn cái giọng ghi chép gia phả”. Nay, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, ta thấy tác phẩm này vẫn “đứng” được trong văn học sử. Vì sao? Vì qua những trang tự truyện, nhà văn đã khái quát được không khí chính trị của một thời, phản ánh được kiếp người trong một xã hội thực tế, chứ không phải khai thác những cuộc tình lén lút với người này, người nọ để câu khách. Nhấn mạnh rằng, yếu tố chính trị của thời đang sống, dù muốn dù không, nó phải thể hiện rõ trong một tự truyện, bằng không chỉ là câu chuyện vô thưởng vô phạt, chỉ có tính riêng tư.

Hiện nay, thể loại tự truyện đã có nhiều người viết. Tuy nhiên, đọng lại trí nhớ của bạn đọc vẫn chưa nhiều. Thời trung học, mê tạp chí Văn Học do Phan Kim Thịnh chủ biên, một phần vì thỉnh thoảng, ông lại trích in bài viết của Vũ Ngọc Phan khi thực hiện chuyên đề về nhà văn “tiền chiến” nào đó. Thế là, từ ngày ấy, đã quyết tìm mua cho bằng được bộ Nhà văn hiện đại, năm đó đang học lớp 8 thì phải. Vào buổi chiều đẹp trời, y đã tìm mua được bộ sách này do NXB Thăng Long tái bản năm 1960, cả thảy 1.270 trang. Mua tại một nhà sách trên đường Hùng Vương ở Đà Nẵng. Quyển sách theo y đến mãi bây giờ.

Số phận một quyển sách chẳng bao giờ mất đi. Dù số lượng in ít ỏi bao nhiêu, nhưng chắc chắn vẫn còn lưu lạc ở chân trời góc biển nào đó. Đến một lúc, nếu có duyên may, người ta sẽ tìm được. Tại sao tin vậy? Khi viết, nếu tác giả nghĩ đến lợi ích của cộng đồng, hãy tin mai sau sách và người vẫn còn có duyên tri ngộ. Điều này bình thường, cũng tựa đóng cái ghế, cái bàn nếu toàn tâm toàn ý, người thợ nào lại không tin nó còn hữu dụng lâu dài? Cái ghế, cái bàn còn mất đi, chứ những dòng chữ đã viết một khi đã thâm nhập vào ý thức con người, nó sẽ là một giá trị cụ thể và lưu giữ đến đời sau.

Nói như thế, bởi mấy ngày này sắp xếp lại kho sách, thấy còn lưu giữ những quyển sách đã ra đời cách đây gần trăm năm. Trăm năm là ngắn hay dài? Số lượng thời đó, in bao nhiêu? Ấy cũng là cái thú của người chơi sách cũ. Quyển Morale Pratique A L’usage des Élèves des Écoles de l’Indochine của ông giáo J.C.Bosco in tại Sài Gòn năm 1914 vẫn còn sờ sờ đây. Đọc lại một bài để xem văn phong, câu cú thuở ấy:

“Từ mẫu:

Con trẻ! Ở đời có ai thương con cho bằng mẹ. Tình mẹ lai láng như sông như biển. Vì con mà vong phế mọi việc; coi con như vàng như ngọc; lo từ bữa ăn giấc ngủ cho con.

Khi bây bé thơ, dạy nói từ tiếng, tập đi từ bước. Bây có vang mình sức mây, chạy chơn khôn bén đất, quên ăn quên ngủ, ngày đêm chẳng rời con.

Ai săn sóc con bằng mẹ? Ngày nay mà bây còn thấy đất trời, cũng nhờ chưng có mẹ.

Ớ các con! Hãy thương mẹ bây cho hết lòng và phải lo đền ơn: “thập ngoạt hoài thai, tam niên nhũ bộ” - nghĩa là “Mười tháng thai mang bây trong lòng, ba năm cho bú mớm” (tr.10).

Bài học thuộc lòng này viết cách đây 100 năm rồi còn gì, thời nào cũng đúng.

Còn đây là bài “Thầy dạy” in trong sách giáo khoa Morale et leçons de choses, à l'usage des élèves des écoles de l'Indochine của ông giáo J.C Boscq in tại Sài Gòn năm 1916:

“Các trò! Thầy dạy chúng bây cho thông hiểu nhiều điều rất bổ ích.

Thầy dạy cho bây biết đọc, biết viết, biết địa dư, biết vẽ vời; lại dạy ăn ở có nết na, học hành cho siêng năng, cho biết thương cha mến mẹ, anh em bậu bạn, kính nhường người tuổi tác, giúp đỡ kẻ nghèo nàn, ở với mọi người cho trang nhã.

Thầy dạy thì chúng bây hãy chăm chỉ mà nghe. Thầy khuyên bảo điều chi cũng phải vâng theo, thì ngày sau sẽ nên người có phép tắc, ngay thẳng, đức hạnh” (tr.33).

Bài học thuộc lòng này viết cách đây 100 năm rồi còn gì, thời nào cũng đúng.

Hôm kia, check email: “Em muốn có cuốn này, với chữ ký và thủ bút tác giả, đề tặng tên em nha, không phải tên anh, em nhờ anh vì biết anh quen tác giả ”. À, tập sách Sài Gòn chuyện đời của phố của bạn Phạm Công Luận. Vin vào lý do này, hợp lý quá, phải không? Đã lâu không đi lại đường Lê Văn Sỹ. Không đi ngang qua nhà thờ Vườn Xoài. Hẻm bên hông nhà thờ, đi sâu vào chừng vài trăm mét, rẽ trái, đi thẳng nữa là đến nơi ở trọ thời chân ướt chân ráo kiếm sống tại Sài Gòn. Hình ảnh thánh thiện, trong sáng, tốt tươi nhất là những lúc đi chơi về khuya, chừng 4 giờ sáng đã thấy bà cụ chủ nhà nền nã áo dài trắng đi lễ. Lúc bà cụ ra nhà thờ Vườn Xoài, y chui vào “hộp diêm” ngáy khò khò.

Kỷ niệm đã đi qua. Thời gian đã quá cố. Chỉ còn lại chút êm đềm cũ. Lãng quên. Đến tòa soạn báo Sinh viên Việt Nam thăm Luận. Bước lên cầu thang. Vào phòng máy lạnh. Uống trà. Trò chuyện. Hỏi, vì sao viết tập sách này? “Tôi thích câu nói của một nhà văn: “Hãy viết những gì mình thích đọc”. Do đó, khi tìm đọc về Sài Gòn, thấy chưa nhiều người viết, Luận bắt tay viết”. Hỏi, ai trình bày đẹp thế này? “Vợ mình. Cô ấy lên mạng mày mò tự học, mua font chữ và trình bày luôn”. Sách viết về Sài Gòn chưa nhiều. Có thêm một tập là vui. Tập sách này có nhiều hình ảnh về Sài Gòn xưa. Ba của Luận người Cù lao phố Đồng Nai, mẹ người Gia Định. Mấy đời ở Sài Gòn. Do đó, anh lợi thế về tư liệu và nhất là tình yêu dành cho Sài Gòn. Đọc hấp dẫn.

Qua trò chuyện mới biết, Phạm Công Luận cũng bạn đọc thân thiết của tờ  báo Thiếu Nhi - ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách Khai Trí đầu tư vốn. Trên tờ báo này, y đã có thơ in từ năm học lớp 7. Bâng khuâng da diết khi cả hai cùng nhắc về “sân chơi” trong sáng của ngày tháng học trò. Vì lẽ đó, thâm tâm y luôn dành nhiều tình cảm với những người chủ biên Thiếu Nhi, dù chưa gặp mặt như vợ chồng nhà văn Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh; họa sĩ Vi Vi…

Sau năm 1975, lần đầu tiên vào Sài Gòn, tự hứa sẽ tìm đến tòa soạn báo Thiếu Nhi ở Phú Nhuận. Địa chỉ này, y đã ghi quá nhiều lần ngoài thư, lúc gửi thơ cộng tác. Ghi nhiều đến nổi, nay vẫn thuộc lòng. Chỉ dám đi ngang qua. Quay ngược lại. Rón rén nhìn vào. Thập thò ngó vào. Rồi bước qua luôn. Sau này thấy tiếc bởi rụt rè, nhút nhát quá. Năm ấy, chưa đến 18 xuân xanh, cứ nghĩ gặp được những tên tuổi trên là tim đập thinh thịch.

Ngày tháng qua nhanh. Thoáng đó. Đã già. Sau này, gặp nhiều bạn trẻ, họ kể, trước đây nhiều lần thấy y, định đến chào làm quen nhưng lại không dám. Nghe câu nói ấy, lại nhớ thời đi học, thời còn mê đắm trong sáng với văn chương, mê sách cũ. Thoáng đó. Đã xa.

L.M.Q

(Nguồn: Báo SGGP ngày Chủ nhật 8.11.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com