BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Non nước tình cờ đất gán duyên

LÊ MINH QUỐC: Non nước tình cờ đất gán duyên

non-nuoc-tinh-co-dat-gan--duyen

Tối qua, đọc sách linh tinh. Ngủ sớm. Mới 20g đã ngáy rền vang. Sáng nay, dậy sớm. Ngày đầu tuần. Chúc một ngày tốt lành. Sực nhớ câu thơ của Vũ Hoàng Chương tặng Vũ Bằng:

Có bằng nói láo bốn mươi năm

Vũ ấy sao mà giọng vẫn văn

Hay tại đa ngôn đa báo hại

Giường tiên trời phạt chẳng cho nằm

Đâu riêng gì Vũ Bằng. Văn nghệ sĩ, người sáng tạo là vậy. Đến một lúc nào đó, viết thêm một quyển sách, in thêm một tập thơ… cũng thế thôi. Chẳng hơn gì thêm. Đã có thể rửa tay gác bút. Nghỉ ngơi. Nhưng họ vẫn hì hục trên trang viết. Từng ngày. Từng ngày. Cái nghiệp đó chăng? Cái nghiệp ấy nhọc nhằn ghê gớm. Họ gánh lấy. Rồi biết đâu từ cái nghiệp ấy, bạn đọc thêm yêu quê hương gấm vóc thống nhất một cõi. Nói như thế, vì có những vùng đất, dù chưa đến nhưng qua thơ văn, tùy bút, âm nhạc, tiểu thuyết, hội họa… tự nhiên lại có cảm tình vô cùng. Đến Huế, lần đầu tiên đến bằng máy bay, lúc là đà trên bầu trời xứ Huế tự nhiên trong đầu vụt lên tiếng hát: “Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau…”.Chỉ cần nghe thế, đã yêu Huế.

Thời thơ ấu, ngày hè thường vào Quảng Ngãi, ở ngay trong nhà máy điện, nơi gia đình ông cậu ruột sinh sống. Kỷ niệm tuổi nhỏ êm đềm. Vì thế, y có cảm tình với con người sinh ra nơi ấy. Lớn lên một chút, nhớ về Quảng Ngãi lập tức nhớ đến Nguyễn Vỹ và Bích Khê. Nhớ, bởi đã đọc thơ văn của họ nên đâm ra càng yêu mến vùng đất ấy hơn nữa. Ba của y là độc giả thường xuyên, bạn đọc dài hạn của tạp chí Phổ Thông do Nguyễn Vỹ làm giám đốc, chủ bút. Khi đọc bài viết Nguyễn Vỹ: Một kỷ niệm với nhà báo Hồng Tiêu, thấy có comment của bạn đọc trên Facebook: “Nguyễn Vỹ - một cuộc đời lận đận, đa truân, ông viết nhiều thể loại... Ngoài "Tuấn, chàng trai nước Việt", thơ ông cũng có nhiều nét lạ, độc đáo qua cách sử dụng loại thơ hai chữ, ba chữ... đến nhiều chữ như "Sương rơi" (hai chữ) rất ấn tượng! Nhưng người đời "nhận xét" về ông, thường không khách quan, hơi thiên lệch... Rất trân trọng một tấm lòng vì Văn học như ông!”.

Còn nhớ, cách đây vài năm tạp chí Xưa & nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có in bài của nhà nghiên cứu Sử học người Pháp, theo ông, tìm hiểu chứng tích Việt Nam từ năm 1900 tại Việt Nam không thể bỏ sót Tuấn, chàng trai nước Việt. Đó là tập sách đáng tin cậy về mặt sử liệu và cách viết hấp dẫn. Vài năm trước NXB Văn Học đã tái bản. Nguyễn Vỹ viết ghê gớm quá, sức viết không thua gì Phan Khôi, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn vể mặt thể loại, ký nhiều bút hiệu như Nguyễn Vỹ, Diệu Hiền, Tân Phong, Ba Tèo…

Không rõ có ai còn nhớ đến bài thơ Chuyến xe định mệnh mà Vũ Hoàng Chương khóc bạn, lúc hay tin Nguyễn Vỹ lúc hay tin tử nạn xe hơi ngày 14.2.1971 trên chuyến xe Mỹ Tho - Sài Gòn? Nguyên văn như sau:

Hàng cây xõa tóc chạy đâm nhào

Ngược với chiều xe chúi mũi lao...

Trước mặt có gì nguy? hẳn thế!

Không dừng lại được biết làm sao!

Lúc này, chịu khó đánh máy lại một bài thơ của Nguyễn Vỹ, âu cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn một nhà văn sáng lập tờ báo đã trở thành “món ăn tinh thần” của thân phụ nhiều năm tháng. Ít ai biết mùa hè năm 1936, Nguyễn Vỹ có đến Huế thăm cụ Phan Bội Châu, lúc cụ bị an trí tại Bến Ngự. Có thể ghi nhận đây là hành động của lòng yêu nước, bởi lúc ấy bất kỳ ai vào thăm cụ Phan cũng đều bị mật thám theo dõi, ghi tên vào sổ đen. Nói thêm một chút, nhà cách mạng Nguyễn Nghiêm - anh họ Nguyễn Vỹ là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi (tháng 5.1930). Bài thơ của cụ Phan:

Vừa tới đêm nay một bạn hiền,

Sông Hương lai láng một con thuyền.

Gió trăng khéo léo trời đưa khách,

Non nước tình cờ đất gán duyên.

Người chẳng kẻ Nam hay kẻ Bắc,

Tình không ai lạ với ai quen.

Hương Bình, Nùng - Nhị bao dâu bể,

Lịch sử ngàn năm há chẳng quên.

Nguyễn Vỹ phụng họa:

Hơn đọc nghìn đêm sách Thánh hiền,

Một đêm với Cụ, một con thuyền.

Trời, mây, trăng, gió, Dân đành phận?

Thành, quách, lâu đài, Nước tủi duyên.

Chén rượu thừa lương cười rớm lệ,

Câu thơ tâm phúc, lạ thành quen.

Nước non, Non Nước… tình lai láng,

Một nét quan hoài chẳng dám quên.

Có lẽ nhiều người ngờ ngợ, so về tuổi tác, lẽ nào cụ Phan gọi Nguyễn Vỹ là “bạn hiền”? Ấy mới là tính cách Phan Bội Châu. Còn nhớ khi cô Gang tự kết thúc cuộc đời sau cái chết của người tình là anh hùng Nguyễn Thái Học, cụ Phan có viết bài văn tế khóc bậc liệt nữ, tự  xưng: “Em Châu” với lòng ngưỡng mộ “Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi”. Có thể tìm đọc và xem bút tích Nguyễn Vỹ trên tạp chí Phổ Thông số 11 (15.5.1959).

Còn nhớ lần đâu tiên đăt chân đến Nghệ Tĩnh, y săm soi quan sát từ con người đến nhìn ngắm đường phố, vòm cây… với tất cả sự tò mò và kính trọng. Sở dĩ có thái độ ấy bởi vùng đất này, nhiều thế kỷ trước đã sinh ra những nhân vật kỳ tài. Đáng nể nhất vẫn là những tấm gương hiếu học. Đi về miền Nam cũng không khác gì, vẫn là sự tò mò, tìm hiểu. Tất nhiên, nơi nào cũng có những nét riêng biệt hấp dẫn, khó có thể so sánh. Con người vùng miền nào cũng đáng yêu.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Thông tin này đáng lưu ý: “Chiều 23.6.2014, tại Doha (Qatar) với 100% số phiếu tán thành, 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình - Viet Nam) là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba khu vực liền kề nhau gồm di tích cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Quần thể danh thắng Tràng An đã nâng tổng số các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của VN lên 8 khu di sản. Đặc biệt, đây là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của VN được công nhận cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên”. Trước Tràng An, Việt Nam đã có 7 di sản văn hóa và di sản thiên nhiên nhận danh hiệu của UNESCO, bao gồm cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng Thành Thăng Long, Phong Nha Kẻ Bàng và thành Nhà Hồ.

Cách đây vài năm, tháng 6.2009, đã đến nơi này. Chuyến đi do Trung tâm Kỷ lục Việt Nam mời nhà báo tháp tùng theo các nhà sư đưa xá lợi Phật về chùa Bái Đính (Ninh Bình). Chuyến đi đó, còn nhớ có nhà báo Giao Hưởng, Nhật Lệ, Nguyễn Thanh Phong, Hữu Thân, Ngô Kinh Luân… Từ sân bay, khi đoàn về chùa Quán Sứ, cả hàng ngàn người dân tập hợp chỉnh tề chứng kiến. Lúc chiêm bái chùa Bái Đính, ngạc nhiên biết hầu hết các vị lãnh đạo cao nhất nước đều có trồng cây lưu niệm tại đây. Ngày đó, chỉ mới có ngôi chùa lớn, cảnh quang chung quanh vẫn đang xây dựng dần. Phía tầng dưới cùng là nhà hàng cơm chay, đủ sức chứa cả ngàn người. Sạch sẽ. Thoáng mát. Nghĩ cũng lạ, đi chùa là lòng hướng về nẻo thiện, ấy mà khoái khẩu, hấp dẫn anh em nhà báo nhất vẫn là món dê núi Ninh Bình. Ở đó, có phổ biến câu vần vè:

Rượu ngon cơm cháy thịt dê

Ninh Bình chào đón khách về thăm quan

Dạo chơi non nước Tràng An

Hạ Long trên cạn, đại ngàn Cúc Phương

Ninh Bình, trong lý lịch ghi rành rành “nguyên quán” nhưng hầu như ký ức của y không có một dấu vết gì. Từ đó suy luận ra, dù “quê cha đất tổ” nhưng không chôn nhau cắt rốn tại đó, không thường về thăm, không có mối ràng buộc thân thiết với các thành viên trong dòng tộc, không kỷ niệm tuổi thơ… thì trở về thăm quê cũng chẳng khác gì khách lạ chăng?

Trở lại An Nhơn. Tuổi lớn rồi

Bạn chơi ngày nhỏ chả còn ai

Nền nhà nay dựng cơ quan mới

Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người!

Chế Lan Viên có thời gian sống tại Bình Định, vài chục năm sau quay về còn ngỡ ngàng đến thế. Huống gì, trong đời chỉ đôi lần về quê cha, lúc ông chú còn sống. À, mấy đứa cháu, con của em ruột y sinh ra tại Úc, nói tiếng Anh như gió, chỉ bập bẹ vài ba tiếng Việt liệu chừng sau này nhớ về Đà Nẵng có cảm giác ngỡ ngàng ấy không? Trong khi đó, chắc chắn một điều y rất yêu Đà Nẵng. Yêu đến tận cùng máu thịt. Nhớ từng ngóc ngách, từng đường phố, từng kỷ niệm tuổi thơ, từng ngày níu vạt áo dài của mẹ đòi ẳm bồng ra chợ...

Bao nhiêu là nhớ. Xiết bao là thương.

Không thương không nhớ, làm sao mỗi lần “Về Đà Nẵng” có thể nhìn cảm nhận rõ ràng ràng: “mỗi viên gạch xanh rêu như gọi tên tôi/ dưới gót giày/ sao linh hồn tôi không nhập vào cây/ kiên nhẫn đứng chào hai mùa mưa nắng?/ sao tôi còn tồn tại nơi đây/ không tan ra giữa muôn trùng im lặng?/ sao tôi không hóa thành mây/ bay phiêu lãng dưới vòm trời Đà Nẵng?/ sao tôi không hóa thân làm cơn sóng/tan trong hư vô réo gọi bến sông Hàn?”.

Ngoài trời vẫn đang mưa. Vòm trời xám xịt. Sực nhớ ngày còn đi học, những lúc mưa đạp xe dọc theo sông Hàn. Hàng cây bạch đàn ngã nghiêng trong gió, từng vạt mưa che tầm nhìn, cay mắt, nghe tiếng sóng vỗ ì ầm vào ghềnh đá...  Những vết hắn năm tháng vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Thoáng gần thoáng xa. “Nước non, Non Nước… tình lai láng/ Một nét quan hoài chẳng dám quên”.


L.M.Q
(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 1.12.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com