BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Mình ơi, tôi gọi là nhà

LÊ MINH QUỐC: Mình ơi, tôi gọi là nhà

minh-oi-toi-goi-la-nha-1R

Mình ơi, tôi gọi là nhà

Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi

Câu thơ này nghe quen quen, đúng rồi. Chừng mươi năm trước đạo diễn Lê Cung Bắc mở nhà hàng Nhà tôi, anh có ghi rành rành tên tác giả. Hỏi lại, ắt biết. Có điều “nhà tôi” trong câu thơ trên, không thể hiểu theo nghĩa thông thường: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần”. Mà chính là… “vợ tôi” - người đầu ấp tay gối mà bất kỳ đàn ông nào cũng phải thừa nhận họ có uy quyền lừng lững: “nhất vợ nhì trời”. Do đó, không phải ngẫu nhiên, các đấng mày râu đều đồng thanh nhất trí, nhiệt liệt tán thành tầm quan trọng của vợ như… cái nhà!

Tiếng Việt “nịnh đầm” quá đi thôi. Còn có từ nào hào phóng, chịu chơi hơn không? Quái, khi cần ca ngợi thì nói trơn tru như cháo chảy, nhưng lúc đã no xôi chán chè lại bảo: “Ra đường thấy vợ nhà người/ Về nhà thấy cái nợ đời nhà ta". Khiếp! Từ “nhà tôi” âu yếm, thân thương, bỗng xoạch một cái thành “cái nợ đời”!

Éo le chưa?

Đã dẫm hai chân lên mặt đất, ai cũng ước mơ “sống cái nhà, già cái mồ”, dẫu “nhà dột cột xiêu”, “nhà rách vách nát” chứ lếch thếch ăn chực nằm chờ, còn ra gì cái mặt đàn ông? Sự giàu nghèo cũng đánh giá từ đó. Có được “nhà ngói cây mít”, “nhà cao cửa rộng”, “nhà vàng gác tía”, “kín cổng cao tường”, “nhà giàu sang như hang Từ Thức” là mừng húm. Nhiều người còn khoe: “Nhà ta chín đụn, mười trâu/ lại thêm ao cá, có cầu rửa chân”. “Đụn” ở đây là đụn rơm, đụn thóc. Nay sự hãnh tiến về sự giàu sang đã thay đổi: “nhà mặt phố, bố làm quan”.

Ngày trước, nhà thường làm bằng gỗ. Nhưng ở ngoài Bắc, loại gỗ gì mới “đẳng cấp”? Phải là “nhà gỗ xoan, quan ông nghè”, “nhà gỗ Kẻ Me, nhà tre Chu Hồng”- hai địa danh này thuộc xứ Kinh Bắc xưa. Đôi khi nhà mình nghèo rớt mồng tơi, chỉ “nhà tranh, vách đất”, dẫu thế, khi tán gái cũng phải “nổ” cho xôm: “Nhà anh, nhà gạch ba tòa/ Tường bích xây gạch, nền nhà đá hoa”. “Tường bích” là vách tường bao bọc quanh nhà. Nếu nàng vẫn chưa xiêu lòng, cứ việc tiếp tục ngoác mồm: “Nhà anh lợp những mo cao/ Nói láo với nàng nhà ngói năm gian”!

Đúng là oách xà lách!

Trong Quốc âm thi tập, cụ Nguyễn Trãi viết: “Quan thanh bằng nước, nhà bằng khánh/ Cảnh ở tựa chiền, lòng tựa sàng”. Hai câu thơ khái quát được đức tính thanh liêm của người làm quan, nhưng “nhà bằng khánh” nghĩa là sao? Viện Sử học giải thích: “Tả truyện có câu “Thất như huyền khánh”, nghĩa là nhà trống không như chỗ treo khánh, chẳng có đồ trang trí gì”. Các quan chức thời buổi này, nhà cửa cũng thế chăng?

Câu: “Nhà như tàu tượng”, chỉ nhà cửa bẩn thỉu luộm thuộm như chuồng của voi ở. Còn “nhà như nhà táng” là nhà làm bằng giấy vàng mã, đốt cho người ở dưới âm ty, ngụ ý nhà làm sơ sài, không chắn chắc tựa như “nhà đạp” ở nông thôn miền Nam, chỉ cần đạp một cái là nó sụm bà chè! Thành ngữ còn có câu: “Vén tay áo sô đốt nhà táng giấy” - ngụ ý chỉ hành vi tiêu tiền không cần tính toán, tương tự như “vung tay quá trán”!

Nhà, ắt phải có chủ nhà. “Nhà không chủ như tủ không khóa”, “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”. Khách đến chơi, réo hỏi: “Anh X có nhà không?” phải hiểu anh X có ở nhà hay đi vắng, chứ không hỏi đã sở hữu ngôi nhà nào chưa. Lại hỏi: “Ủa, nghe đâu anh X vừa cầm nhà à?”. Cái nhà mà cũng cầm được ư? Chẳng phải đâu, ngụ ý hỏi có phải anh X đã đưa sổ hồng chủ quyền nhà cho ai đó hoặc ngân hàng để vây vốn làm ăn.

Mỗi ngày, ăn “cơm nhà” do vợ nấu vẫn là niềm sung sướng, hạnh phúc của nhiều người. Bài hát nói của cụ Phó bảng Nguyễn Can Mộng, có câu: “Xưa nay anh vẫn cơm nhà/ Nằm không yên giấc mới la cà hồng lâu” thì “cơm nhà” đã nhảy sang một nghĩa khác. Ngao du la cà ở “nhà tom chát”, “nhà cô đầu”, “nhà tơ”, “nhà thổ” không khéo có lúc “tan cửa nát nhà” như chơi!

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà

Trong ba việc ấy thật là khó thay

Ông bà ta dạy: “Lấy vợ đàn bà, xây nhà hướng nam”, dứt khoát phải thế. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Điều tối kỵ cần tránh, tệ hại nhất là “thứ nhất vợ dại trong nhà/ thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi”. Thế nhưng, “nhà dột từ nóc” lại nhằm ngụ ý chê cái gia đình đạo đức kém, từ trên xuống dưới, từ cha đến con. Nhà nghèo gọi là “nhà khó”, đừng lo, biết đâu “nhà khó đẻ con khôn”. Đành rằng, ai cũng ước mơ giàu có, nhưng hỡi ôi “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, trong khi đó,“Tiền vào quan như than vào lò”. Than cho vào lò, biết thế nào là đủ?

Nhà thì phải có nóc. “Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi”. Nhà thì phải có cửa, nhưng mấy ông, bà nhà văn nhà thơ cũng lắt léo ra phết: “Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới; Sáng mồng một, lỏng then tạo hoá, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào”. Tương truyền hai câu này của Hồ Xuân Hương.

Nhà cao cửa rộng hay nhà như cái hộp diêm thì cũng chẳng gì mặc cảm: “Nhà ai nấy ở, cơm ăn nấy ăn”, “nhà khó giữ đầu, nhà giàu giữ của”, ai cũng có nỗi lo riêng. Thôi kệ, cái sự đời giàu nghèo: “Nhà giàu cơm ba bữa; nhà khó đỏ lửa ba lần” cũng thế thôi, miễn là  “nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Tự hài lòng với những gì đang có là sống nhẹ nhàng rồi, việc quái gì phải tăn tăn cho nó mệt cái đầu.

L.M.Q

(nguồn: TTC số 533 ngày 15.10.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com