BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Ngày xanh như ngựa

LÊ MINH QUỐC: Ngày xanh như ngựa

ngayxanhnhu7ngua-TTC

Dù chính tông người Việt Nam da vàng mũi toẹt, ngón chân Giao Chỉ nhưng chẳng ai dám “nổ” tanh bành xác pháo, rằng, mình là người giỏi tiếng Viết nhất. Giỏi thế nào được. Tiếng Việt lắc léo, đa dạng và lắm lúc cùng sự vật nhưng lại có nhiều từ diễn tả, diễn đạt khác khác nhau với các sắc màu, sắc thái, thiên biến vạn hóa.

Về màu xanh, ta nghe nói đến xanh rờn, xanh lam, xanh biếc, xanh rợn, xanh da trời v.v… Vậy màu xanh trong “mắt xanh” có phải con mắt đã được các chị em nhà mình trang điểm? Không, nó có một hàm nghĩa khác, như lúc Từ Hải ướm lời hỏi Thúy Kiều: “Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”, có thể hiểu, bấy lâu nàng đã có ai? Ai lọt vào “tầm ngắm” của nàng chưa? Văn chương phải thế chứ, ai lại hoạch toẹt sổ sàng như “dùi đục chấm mắm cáy”? Thế nhưng, một khi đã nói “mắt xanh mũi lõ”, dứt khoát đích thị…mắt xanh.

Đã nói đến “mắt” nhân thể “đá giò lái” luôn qua cái mặt.

“Xanh mặt”, không phải miêu tả cái bổn mặt xanh xao mà nhằm chỉ cảm giác đang sợ hãi, khiếp đảm. “Mặt  xanh” cũng vậy. “Lỡ ăn một miếng trầu anh/ Đêm lo ngày sợ mặt xanh như chàm”. Cũng có lúc người ta sử dụng cả màu vàng: “Đánh không được người mặt đỏ như vang/ đánh được người mặt vàng như nghệ”.

Nhưng cái màu vàng, màu xanh trong câu “Mặt xanh, nanh vàng” cũng hàm ý đó chứ gì? Không, nó nhằm chỉ sự ốm yếu bệnh tật, xanh xao vàng vọt; rồi, nước da tất nhiên là xanh nhưng xanh thế nào? Phải là “xanh rớt”, “xanh mét”, “xanh lè”, “xanh lét”... Tương tự, còn có câu “mặt xanh, mày xám”. Cái này xám ấy, có lúc cái mặt cũng “giành” luôn, chẳng hạn, “mặt xám như gà cắt tiết”. Hay thật, vừa đọc xong đã hình dung ra ngay trong đầu cái màu tiết gà lúc đọng lại trong chén. Không những thế, còn có “mặt sắt đen sì”, “mặt đỏ như gà chọi” v.v… Tuy nhiên, “mặt xanh như đít nhái” vẫn là cách nói ấn tượng hơn cả.

Thi sĩ Tản Đà có câu thơ: “Ngày xanh như ngựa đầu xanh bạc/ Hết cả giang hồ, hết cả ngông”. Ta hiểu, “ngày xanh” chỉ thời tuổi trẻ, năm tháng đó qua nhanh như ngựa phi đường xa. Đọc Kiều, ai lại không nhớ đến câu: “Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”; hoặc nghe câu “đầu xanh tuổi trẻ”. Đầu ắt có tóc. Tóc nhanh nhánh hạt huyền, chẳng ai gọi tóc đen mà nói rất ư hình tượng “tóc xanh”. Thế lúc tóc đã lẫn nhiều sợi tóc bạc, gọi thế nào? Gọi tóc “muối tiêu”. Cách gọi này dỉ dỏm, hóm hỉnh lắm bởi nó gợi lên cảm giác như lúc ăn hột vịt lộn chấm muối tiêu. Ngon quá xá ngon! Gần đây còn nghe thêm câu “thành ngữ” mới - nhằm khẳng định “đẳng cấp” của “dân chơi cầu Ba Cẳng”: “Túi ánh bạc, tóc ánh kim, chim ánh thép”. Thì ra, ”ánh bạc” là một cách nói về tóc “muối tiêu” đấy thôi.

Thế còn “chim ánh thép”?

Khoan vội trả lời, ta hãy nhớ về “chim xanh” trước đã. Có thể hiểu, nhằm chỉ người trung gian được ai đó nhờ cậy chuyển giúp lá thư tình. Dựa vào đâu, những lứa đôi yêu nhau lại nghĩ ra từ “chim xanh” rất đỗi thơ mộng và văn chương ấy? Cụ Đào Duy Anh giải thích: “Có truyện cổ tích nói rằng xưa vua Hán Vũ đế đương ngồi, có con chim xanh bay đến, Đông Phương Sóc nói: “Đấy là sứ giả của Tây Vương mẫu đến”. Sau người ta lấy chim xanh để tỷ dụ sứ giả, người đưa tin hay người làm mối”. Vậy xin hỏi, sau năm 1975, âm nhạc cũng được gắn với màu sắc, cụ thể “nhạc vàng”/ “nhạc đỏ” là do đâu? Do cảm nhận về bản chất nội tại của từng sắc màu nên mới có sự liên tưởng ấy?

Quái quỷ thật, “đói xanh xương” là gì? Là ý nói là đói quá, rất đói, đói cồn cào. Đói như anh chàng Sinh trong truyện ngắn của Thạch Lam: “Một cơn gió đến làm cho Sinh thấy lạnh buốt tới xương. Chàng thấy đói, một sự đói vô cùng như trong đời chàng chưa thấy bao giờ. Đói như cào ruột, làm người chàng mệt lả đi, mắt hoa lên, trong vật gì cũng lờ mờ như lay động”.

Đói, qua cách nói đói đến độ “xanh xương” thì rợn thật. Vậy lúc bình bình thường, chẳng đói khát gì, ăn no phởn phơ thì xương màu gì? “Xương trắng” chăng? Trả lời câu này xin dành cho các nhà phẫu thuật, nhưng một khi nói “xương trắng” không ngoài chỉ sự chết chóc. Chơi ma túy là chơi “hàng trắng”; chết vì hút xách, chích choác thì gọi “cái chết trắng”.

Cũng sắc màu trắng ấy, lại còn có nhiều sắc thái khác nhau. “Ăn trơn mặc trắng”, chẳng phải người mặc y phục màu trắng mà chỉ sự cao sang, giàu có.  “Áo trắng” còn ngụ ý nói đến lứa tuổi hoa niên, học trò. “Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” (Huy Cận) là cái nghĩa đó. “Nói trắng ra” thì “trắng” lại hàm nghĩa nói toạt móng heo, nói thẳng ruột ngựa, chẳng cần úp úp mở, rào trước đón sau. Khi nghe kháo nhau: “Chàng kia tay trắng”, ta hiểu, không có vốn liếng, tài sản gì sất; nhưng “trắng tay”, dứt khoát anh chàng kia trước đó đã có của ăn của để, có xe hơi, nhà cao cửa rộng nhưng vì một lý do gì đó, nay chẳng còn gì sất!

Này, ông nhà thơ Huyền Kiêu quả quyết: “Hạ đỏ có chàng tới hỏi/ Em thơ, chị đẹp em đâu”? Thế nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại nhìn thấy “hạ trắng”. Còn các bạn thanh thiếu niên ngày nay lại cảm nhận nó màu xanh! Bằng chứng đây nè: “Mùa hè xanh” - đang là một sinh hoạt cộng đồng đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay. Ôi, cái màu xanh tưởng chừng như đơn giản mà cũng “lắm chuyện” đấy chứ? Nhưng câu thơ của Tế Hanh mới “rắc rối” hơn nhiều: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị” là xanh ra làm sao?

Từng nghe đến câu “xanh cỏ, đỏ ngực”, ai cũng hiểu rằng, nếu ham hố đeo huy chương “đỏ ngực” ắt dễ ngỏm củ tỏi, dễ “xanh cỏ” như chơi. Thế nhưng, “xanh cỏ thì đến, đỏ ngói thì đi thì “xanh cỏ” này lại chính là… “cỏ xanh” đấy thôi, chẳng lắt léo gì ráo. Rằng, dân thợ nề, thợ ngạch đến dựng nhà lúc nơi ấy còn um tùm những cỏ; lúc nhà xây xong, ngói đỏ lợp thì họ cuốn gói đi nơi khác, giao nhà cho gia chủ.

Mà thôi, xanh thế nào cũng được nhưng có lẽ phản cảm nhất trên đời này là khi nghe nhắc đến… “lầu xanh”!

L.M.Q

(nguồn: TTC 15.11.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com