BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Một điều ước

LÊ MINH QUỐC: Một điều ước

motdieu-uoc

 

Tôi vừa có dịp vào bệnh viện thăm người thân.

Đêm đã khuya. Trước mắt tôi, cả trăm con người nuôi bệnh chen chúc nhau trên một khoảng sân chật hẹp, khoảng trống phía sau của hai dãy nhà đang chăm sóc bệnh nhân. Khoảng sân đó, ngay giữa có một am thờ Phật. Ngọn đèn le lói. Nhang khói nghi ngút. Tất cả gợn lên một không khí u ám, nặng nề. Những dáng ngồi mệt mỏi. Thở ngắn ngáp dài. Những kiểu nằm vật vạ miễn thẳng được nửa cái lưng đã là may. Nằm co ro trên băng ghế đá. Nằm nghiêng theo dọc hành lang. Nằm gối đầu dưới chân người khác. Nằm dài ngoài bãi cỏ. Muỗi mòng bay vo ve. Có tiếng khóc thầm, có tiếng đập muỗi, có lời thở than. Âm âm u u. Buồn bã.

Chắc chắn đi nuôi người bệnh chẳng ai có thể chợp mắt. Trằn trọc. Lo lắng. Hy vọng. Và vì thế, họ chấp nhận qua đêm ở sân bệnh viện. Trong khi đó, người bệnh cũng chẳng gì hơn. Cũng có người nằm ngoài hành lang của phòng bệnh; hoặc hai, ba người chung một giường nằm.

Mỗi lần tôi vào đó, cảm thấy mệt mỏi ghê gớm. Lúc bệnh, chịu đựng nhọc nhằn đớn đau, ai cũng muốn chết quách đi cho rồi; thế nhưng, lúc ấy, cũng khao khát sống ghê gớm. Thi sĩ La Fontaine có bài thơ Tiều phu và thần chết, do khốn cùng cơm áo, nợ nần eo sèo, phu phen tạp dịch, lão tiều phu gọi Thần chết đến. Cầu được ước thấy. Nhìn thấy Thần chết, đột nhiên lão đâm ra hoảng sợ: “Cái chết đến chữa lành tất cả/ Nhưng chúng ta không nhích chỗ ngồi/ Thà khổ nữa còn hơn chết mất /Đó châm ngôn của những con người” (Xuân Diệu dịch).

Vẫn biết thế, nhưng lúc bệnh được nằm thông thoáng một chút thì đỡ khổ biết bao. Theo kế hoạch chuyển phòng, người thân của tôi phải nằm chung giường với… hai người khác nữa. Choáng quá. Định gọi điện thoại nhờ các anh bác sĩ can thiệp giúp. Nhưng lại thôi. Bệnh nhân đông quá, ai ai cũng thế. Bệnh nhân nào lại không ao ước được nằm một giường? Giải quyết rốt ráo việc này phải là chiến lược lâu dài của Bộ Y tế. Một tập thể bác sĩ, y sĩ, hộ lý hết lòng vì bệnh nhân "lương y như từ mẫu" mà những ngày qua tôi đã chứng kiến không thể giải quyết nổi việc này. Họ có trách nhiệm, làm hết trách nhiệm chuyên môn bởi sự thôi thúc của tình người, của lương tâm đã là quý, là đáng biểu dương lắm rồi.

Trường hợp người thân của tôi thì sao? Chẳng lẽ được nằm một giường, còn đồng bệnh phải trải chiếu ngoài hành lang; hoặc nằm dưới gầm giường? Chẳng đành lòng.

Mà chưa đâu, có vào bệnh viên mới thấy kinh khiếp, day dứt, đau xót hơn nhiều. Muốn hiểu hết sự xót xa thân phận cỏ hèn, dân đen cùng đinh, khố rách áo ôm của “thập loại chúng sinh”, không hình ảnh “trực quan sinh động” nào bằng tận mắt nhìn, đi thực tế tại các bệnh viện. Thôi thì, hãy tin quanh ta vẫn còn có nhiều, rất nhiều những thầy thuốc "thương người như thể thương thân"; vẫn còn có nhiều tấm lòng yêu thương của con người dành cho những cảnh ngộ bệnh tật, đói nghèo, bất hạnh...

Đừng quên, dù bất kỳ thời đại nào, quốc gia nào, dân tộc nào khi non sông đất nước đứng trước nguy cơ ngoại xâm thì "thập loại chúng sinh" ấy luôn là lực lượng đi đầu. Đứng đầu tại các chiến lũy. Ngã xuống đầu tiên bảo vệ "tấc đất, ngọn rau, ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta" (Nguyễn Đình Chiểu)... Rồi khi quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, qua tấm gương phản chiếu của lịch sử, chỉ một số ít lưu lại tên tuổi, còn hầu hết chỉ được ghi nhận Vô Danh. Chao ôi, nền móng của quốc gia nào lại không khởi đầu từ sự Vô Danh thiêng liêng ấy? Sự tồn vong của đất nước nào lại không có xương máu của "thập loại chúng sinh"?

Trong những ngày này, dù lòng nặng trĩu sau khi vào bệnh viện thăm người thân. Tuy nhiên, tôi đã thấy đâu đó ánh sáng le lói phía chân trời. Đã có những khởi đầu chan chứa tình người. Chẳng hạn, UBND TP.HCM vừa phê duyệt dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Tân Bình gồm 11 tầng, quy mô 200 giường với tổng mức đầu tư hơn 233 tỷ đồng sẽ hoàn tất vào 2018. Rồi chỉ quan năm sau thôi, năm 2016, Bệnh viện Nhi Đồng TP có qui mô 1 tầng hầm, 8 tầng cao cũng chính thức đi vào hoạt động. Còn có thể kể thêm những dự án khác nữa. Tự dưng thấy lòng vui.

Trong đời, ai cũng một hoặc nhiều lần vào bệnh viện. Nếu có một điều ước, tôi chỉ ước mong rằng, khi vào đó, mỗi bệnh nhân được nằm một mình một gường. Ước mơ ấy, đang trong tầm tay.

L.M.Q

(nguồn: Báo PNCN 1.11.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com