Quái quỷ nghề cầm bút. Lúc nào cũng viết. Có thể viết bất cứ ở đâu. Có lần, nghĩ chẳng nên chút nào. Viết nhiều quá dễ khiến bạn đọc nhàm chăng? Người cầm bút nào lại không ý thức như vậy? Viết ít thôi. Cẩn trọng hơn với chữ nghĩa. Có lần nói chuyện này với ông già Sơn Nam, ông bảo, ai nói cũng được, dễ nghe lọt lỗ tai, thiên hạ đồng tình. Họ hoan nghênh. Họ vỗ tay. Nhưng rồi có ai cho mình một xu không? Không hề.
Cả cuộc đời Sơn Nam liên tục viết, ngay cả lúc nằm giường bệnh, lúc trí óc không còn minh mẫn nữa. Đến thăm ông ở căn nhà trên đường Đinh Tiên Hoàng, vẫn thấy cuốn vở học trò đặt đầu giường. Lúc đó, ông không còn đủ sức ngồi dậy gõ máy chữ được nữa. Nhớ nhất câu ông nói: “Đã hư, dẫu có viết khảo cứu cũng hư”. Ông giải thích thêm, ở miền Nam, thời của ông có nhiều người giả vờ đạo mạo tự “làm sang” bằng cách viết những đề tài về học thuật, nghiên cứu lịch sử, khoa học, giáo dục… Thế nhưng chẳng ai thèm đọc bởi tỏng tư cách người đó hư hỏng, nhận tiền của băng nhóm bè phái nào đó để viết. Viết khen, chê theo chỉ đạo. Đừng tin các bài viết đó. Đừng tin loại người đó. Chẳng rõ, loại người như nhà văn Sơn Nam nói, thời buổi này có không?
Sáng nay đang viết ngon trớn, phải dừng. Cái nghề viết nó thế, khi đang có trớn như xe đang chạy bon bon trên đường cao tốc nhưng rồi vì có cuộc hẹn nên phải dừng. Dù dừng như cũng ráng viết nốt thêm dòng này: Thời nhà Trần, khi căn cứ vào chữ đứng đầu của tước hiệu, ta có thể nhận ra dòng dõi của họ. Chẳng hạn, con của vua Trần Thái Tông có chữ “Chiêu” đứng đầu như “Chiêu Minh đại vương” Trần Quang Khải, “Chiêu Văn vương” Trần Nhật Duật…; con trai của An Sinh vương Trần Liễu - anh ruột vua Trần Thái Tông có chữ “Hưng” đứng đầu như “Hưng Ninh vương” Trần Tung, “Hưng Đạo vương” Trần Quốc Tuấn; rồi các con của Trần Quốc Tuấn cũng có chữ “Hưng” đứng đầu tước hiệu v.v… Trần Bình Trọng tước “Bảo Nghĩa vương”, danh tướng Lê Phụ Trần tước “Bảo Văn hầu”, nhờ vậy các nhà nghiên cứu sử học mới kết luận cả hai có quan hệ ruột thịt. Cả hai cùng họ Lê, dòng dõi vua Lê Đại Hành. 26 tuổi, dám mắng vào mặt kẻ thù: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”, Trần Bình Trọng há không phải người tầm thường.
Sáng nay, nhớ đến cuộc hẹn với anh em Tuổi Trẻ Cười.
Đến nơi đã thấy không khí vui nhộn. Nhiều trò chơi. Trẻ trung. Trưa, đi ăn với nhà báo Lưu Đình Triều. Rủ thêm nhà văn Điệp viện Không Không Thấy Lê Văn Nghĩa nhưng lão đã về nhà rồi. Quái, đố nhà báo nào có thể cậy răng để có được một bài phỏng vấn Hoa hậu phường Cây Mít. Lão Tào lao xịt bộp này chỉ nói, với nhà văn điều quan trọng nhất vẫn là tác phẩm. Tìm hiểu qua tác phẩm là đủ, chứ hỏi nhà văn làm gì? Tróe ngoe chưa? Lão lại ngại xuất hiện nơi đám đông. Khi Ban Tổ chức Báo Tuổi Trẻ Cười phát giải thi thơ hài hước, châm biếm anh em đề nghị lên sân khấu, lão lại lắc đầu ngoay ngoảy. Chỉ đứng chen lẫn vào đán đông như mọi bạn đọc. Còn y ngược lại. Nhố nhăng quá. Ham hố quá. Chỗ nào, nơi nào anh em nhờ cậy là y cứ đưa cái mặt ra. Chỉ nghĩ, chơi thôi. Vui thôi. Có gì phải từ chối? Cũng như chuyện viết. Nhiều lần tự nhủ, viết ít thôi. Nhưng rồi mỗi ngày, lại cày cần mẫn. Chăm chỉ. Tự an ủi, viết nhiều hay ít cũng thế. Chẳng quan trọng gì. Miễn mình thấy vui là được. Khổ thật. Nhiều khi không thích, không vui nhưng vẫn phải viết. Anh em chơi với nhau, báo bạn nghèo, nợ nhuận bút mấy tháng liền thì sao? Chẳng lẽ từ chối thẳng thừng? Coi sao được.
Trưa trên đường về, cùng nhà báo Lưu Đình Triều ghé vào quán. Hai người, một góc. Đang ăn ngon trớn, có cuộc điện thoại của VTV. Đã hẹn trước từ mấy hôm nay. Vậy phải dừng ăn uống. Đến nơi cho đúng hẹn. Hơn nữa, y cũng muốn đến nhà họa sĩ Trương Hán Minh xem tranh. Anh em quay phim của VTV đang ở đó. Vô cùng lý thú khi bước vào một căn nhà treo đầy tranh thủy mạc. Ông Trương Hán Minh vẽ cá. Nhìn cứ cảm tưởng như cá đang bơi trước mặt. Ông vẽ thiên nhiên cứ tưởng như nghe thơ Hàn Mặc Tử vọng về: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới nước đáy hồ reo/ Để nghe tơ liểu run tron gió/ Và để nghe trời giảng nghĩa yêu”. Ông còn viết thư pháp cực đẹp. Hỏi thích chữ gì sẽ viết tặng. Chẳng lẽ, y nói thích chữ… “tiền”?
Ngại quá, nên thôi.
Mà này, lúc nghe điện thoại của anh em VTV, trời đang nắng. Giữa trưa nắng lại rời khỏi quán, có điên không? Biết thế nào. Anh em chơi với nhau, lúc này họ cần mình để công việc họ tốt hơn. Lẽ nào từ chối? Từ chối, lần sau, lúc mình nhờ, liệu họ có giúp lại không? Chẳng ai có thể sống riêng lẻ. Chẳng ai có thể vận động một mình. Phải nương nhờ nhau. Thậm chí còn “cho ta nương nhờ chút thở than” (T.C.S). Thở than là chuyện riêng tư, vậy mà có lúc cũng cần. Cần một chia sẻ, một lắng nghe, một an ủi, một động viên chứ huống gì trong công việc.
Trên đường đi đến quận 11, sực nhớ đã chừng mươi năm nay không đi qua đây nữa. Lúc mới làm báo, mỗi tuần y phải đi vài lần. Đi xuống tận Bình Chánh luôn. Bởi tòa soạn giao y viết mảng công tác Hội Phụ Nữ các quận, huyện ngoại thành. Tuần nào cũng phải đi xuống cơ sở. Đi bằng chiếc xe hon-đa cà tàng. Ngày nào đi công tác, chiều hôm trước vào phòng tài vụ nhận phiếu xăng. Sáng sớm vào cơ quan, đưa phiếu ra, thủ kho đổ xăng cho. Lại lan man sực nhớ đến anh T.T.T, nhà văn. Nhà anh ở khu này. Chỗ gần nhà máy rượu Bình Tây. Anh cùng thế hệ cầm bút Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Võ Phi Hùng, Lý Lan… Có nhiều tác phẩm đã in. Có cái đã dựng thành phim. Nay anh đã chết mất xác, theo nghĩa bóng.
Rằng, ngày nọ anh cùng một nhà báo “tống tiền” doanh nghiệp nọ. Sự việc vỡ lỡ. Báo chí phê phán dữ dội, nhất là tờ Pháp Luật. Mà cũng phải thôi. Xấu hổ, anh bỏ bút. Rời khỏi đường đua. Chìm vào quên lãng. Đi vào bóng tối. Nhớ, lúc y còn sinh viên, anh T có nhận làm tờ Tuổi 18 cho Hội VHNT tỉnh Tây Ninh. Anh giao cho mấy “nhà báo” tập tểnh vào nghề viết bài hàng tuần. Nhờ thế mới có đồng ra đồng vào. Nghĩ và tiếc cho một người.
Đi, tự nhiên lại nhớ đến anh em của tờ Bản tin Quận 11. Nhớ anh Nguyễn Lang Quân, viết từ trước 1975, viết nhiều viết, viết khỏe. Lâu lắm rồi không gặp. Dòng đời lạ lùng. Có lúc ngoảnh lại. Sực nhớ. Lập tức bao nhiêu gương mặt cũ lướt qua. Những gương mặt đã lâu lắm chẳng hề gặp lại. Chẳng thể xác định nổi từ lúc nào không gặp người đó? Chịu.
Chịu, chẳng thể nhớ từ lúc nào không gặp anh B. Chiều qua lật quyển Tiếng nói nôm na tra lại vài chữ. Ngay trang đầu tiên là dòng chữ ký tặng của anh. Chừng mươi năm trước, thị trường sách có chính sách liên kết xuất bản - nghĩa là tư nhân được mua giấy phép của nhà xuất bản, tự tìm nguồn bản thảo, bỏ vốn ra in và tự phát hành. Lời ăn lỗ chịu. Anh B là một trong những người làm sách kiểu đó. Sách của anh đàng hoàng. Bán được. Đời sống kinh tế ngon lành. Anh học trên y vài năm ở trường Đại học Tổng hợp nên thân tình. Nay anh đã chết mất xác, theo nghĩa bóng.
Rằng, con trai anh nghiện hút. Anh cưới vợ cho nó, hy vọng nó vui duyên mới, sinh con đẻ cái thì sẽ cai được. Nào ngờ, con dâu bị thằng chồng dụ dỗ cho nghiện luôn. Từ chỗ nhà một đứa nghiện, nay đã hai, bực mình quá, anh bảo: “Nghiện hút mà bỏ được mới đáng mặt đàn ông. Nghiện mà không cai được là loại người vứt đi”. Để làm gương cho chúng nó. Anh hút. Rồi sẽ bỏ. Dứt khoát sẽ bỏ. Có như thế mới thuyết phục được con mình. Nào ngờ, anh lại vướng sâu. Chân không rút lên khỏi vũng lầy. Chìm sâu. Thân tàn ma dại. Thỉnh thoảng, thời Báo Phụ Nữ ở 188 Lý Chính Thắng, anh B có đến tìm y xin tiền. Y vẫn cho. Bẵng đi thời gian dài, không còn gặp nữa. Qua chuyện này, thấy rằng câu tuyên truyền: “Ma túy, đừng thử, dù chỉ một lần” luôn luôn đúng.
Con cái hại bố mẹ. Ngược lại bố mẹ cũng hại con. Hôm trước Tẹo - em út, từ Đà Nẵng vào công tác ở Sài Gòn Anh em rủ nhau lai rai. Hỏi, L dạo này thế nào? Chỉ là cái chép miệng nuối tiếc. Nay L đã chết mất xác, theo nghĩa bóng. Rằng, ngay từ nhỏ L được ông bố cưng chiều lắm. Đi đâu cũng dẫn đi theo. Kể cả lúc ông ta đi chơi bài bạc. Dần dần, L quen thuộc, thích thú với môi trường hư hỏng này. “Con ong đã tỏ đường đi lối về”. Sau khi bố mất, L chơi bài chung với các bạn của bố. Chơi riết rồi nghiện. Dù gia đình giàu có, đời sống phong lưu nhưng nay L đã bỏ trốn qua nước khác. Sống chui nhủi. Nợ bài bạc. Không thể trả nổi. Không trả xã hội đen nó giết. Đành phải trốn. Hỏng cả một đời. Đã chết mất xác, theo nghĩa bóng
Đọc hồi ký Vượt lên cái chết của Tâm Si-đa, trong đó, chị có đúc kết vài nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em phạm tội chính là do bắt đầu từ gia đình. Chị thống kê, gia đình nào bố mẹ làm chủ chứa, buôn ma túy, nuôi đĩ điếm thì có đến gần 90% con cái sẽ theo nghề!
Rùng mình chưa?
L.M.Q
(nguồn: Báo ANTG số 91 tháng 8.2015)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|