1.
Hôm kia, nhà văn Bích Ngân gửi tặng vài tập sách mới. Thích nhất là tập Niềm tin chưa mất (NXB Văn hóa Văn nghệ), tuyển chọn lại những sáng tác của nhà văn Võ Hồng viết trước năm 1975. Năm 1936, nhà văn Trầm mặc cây rừng học lớp Nhất trường Tiểu học Sông Cầu. Đây là hình ảnh người thầy năm tháng đó qua trí nhớ của Võ Hồng. Ông tả rõ từng chi tiết:
“Thầy thường mặc Âu phục trắng. Giày nâu, đế cao su. Mũ casque cứng lợp vải màu kaki. Ði tới lớp, tay ôm cặp da, thứ da cá sấu mềm.
Thời đó Âu phục và Nam phục song song tồn tại. Nam phục là quần trắng áo dài đen. Quần trắng bằng vải "tàu bay" hay lụa. Vải áo dài đen thông thường là vải trang đầm cho đàn bà và học sinh trung lưu. Người đàn ông thì mặc áo lương đen (miền Bắc gọi là áo the), áo xuyến (mặt láng), áo sa văn minh (một loại the mỏng, dệt có vân, có bắt hình bìm bìm) áo sa tanh (satin). Vải may Âu phục tiêu chuẩn là một loại vải dệt thật dày bằng sợi đay, màu trắng. Sau thế giới đại chiến lần thứ hai, sợi tổng hợp Polyester mới thịnh hành và vải thường màu đen hoặc màu xanh tối gần với đen. Phép xã giao thời đó đòi hỏi phải khoác áo vét-tông chứ không được chỉ mặc sơ-mi khi đi ra ngoài. Cho dẫu trời nóng 35 độ. Chỉ có thể, khi ngồi trong lớp dạy hay ngồi làm việc ở bàn giấy, cởi áo vét-tông ra máng vào thành ghế.
Ðôi giày cũng có lịch sử của nó. Cũng sau thế giới đại chiến lần thứ hai, màu giày đen mới thịnh hành. Dưới thời Pháp thuộc, màu giày sậm nhất là màu nâu, màu cà-phê rang. Lợt một chút là màu vàng thiên nhiên của da thuộc. Lợt nhất là màu trắng. Duyên dáng ăn diện là giày hai màu. Giày màu đen chỉ được dùng trong những đại lễ”.
Xem lại hình ảnh thời trước, dù trẻ nhưng người ta cũng đã mặc veston khi ra phố, lúc cà phê cà pháo, nay ít thấy. Còn chi tiết này, đọc xong, khó có thể tin nổi, nếu xét trong hoàn cảnh hiện nay: “Thầy có một cách đặc biệt theo dõi đôn đốc sự học của học sinh mình: đó là hằng đêm vào chặng 8-9 giờ, thầy đi rảo một vòng những nhà học trò ở các con đường lân cận coi thử chúng tôi có ngồi nhà học bài hay không. Do vậy mà có những buổi sáng thầy vô lớp kêu tên một đứa bạn tôi, hỏi: "Hồi hôm trò đi đâu lang thang ở trước tiệm Chấn Thanh?". Hoặc: "Hồi tối nhà trò sao mới 8 giờ mà đã tối thui? Trò học bài trong tối hả?".
Một đêm kia thầy đi qua nhà ông cử Giáp, nơi trò Huỳnh và trò Duyên, quê ở Gò Duối đang trọ học. Thầy nghe có tiếng sát phạt "Xì Rô... Già Cơ.. Ðầm Chuồng... Bồi Bích..." Thầy lặng lẽ hé cổng bước vô, đứng sau trò Huỳnh đang say sưa cắt bài, chia bài. Cái miệng cứ tía lia, cười cười nói nói, đôi tay cứ dẻo quẹo cắt cắt chia chia, chợt thầy đằng hắng ho một tiếng ở sau lưng. Quay lại. Ngó lên. Trời ơi, chết rồi! Ríu ríu bốn tay bài lặng lẽ đứng dậy, mắt mở trao tráo như khỉ bị rắn thôi miên. Thầy cúi lượm bộ bài, lặng lẽ đi ra cửa ngõ.
Ai cũng đoán biết được hôm sau loại bão tố nào nổ ra giữa lớp. Bốn tay bài rủi ro đều là học trò lớp Nhất. Ngoài Huỳnh và Duyên, hai người kia tôi quên mất tên”.
Thầy cô bây giờ có đủ thời gian chăm lo cho học sinh như thế không? Chắc chắn là không? Năm qua, tình hình giáo dục nước nhà có nhiều điểm “nóng”, trang TTO vừa chọn ra 10 sự kiện “nóng” nhất trong năm 2014. Đọc xong, thấy buồn cười với thông tin này: “Theo thông tư của Bộ GD-ĐT, từ ngày 15-10-2014, chính thức bỏ cho điểm đối với học sinh tiểu học, thay vào đó hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng giáo viên chủ nhiệm có những nhận xét cụ thể về thái độ học tập, việc hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất cần thiết của học sinh, chú trọng việc nhận xét quá trình nỗ lực, tiến bộ của học sinh…
Theo Vụ giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, việc đổi mới đánh giá thường xuyên bằng nhận xét để tập trung hình thành động lực bên trong, cách đánh giá này giúp giáo viên đổi mới cách dạy, giúp học sinh học được, thích học và học tốt hơn.
Tuy vậy, thay vì nhận xét bằng lời nói, chữ viết, không ít giáo viên đã có “sáng kiến” khắc các con dấu có chữ “Very good”, “Cô khen, cần cẩn thận hơn”, “Em cần rèn luyện thêm kỹ năng tính toán” để đóng dấu vào vở của học sinh. Nhiều giáo viên cho rằng việc thay đổi này khiến công việc của họ tăng lên quá nhiều, không đủ thời gian ghi lời phê, nhận xét cho từng học sinh”.
Bạn bè văn nghệ của y có nhiều người vốn nhà giáo như nhà văn, nhà thơ Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thái Dương, Từ Nguyên Thạch, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Vị Thượng, Đoàn Vy… Tuy nhiên, chỉ có vài người viết tiểu phẩm trào phúng, chẳng hạn anh Nguyễn Nhật Ánh với bút danh Đề Lĩnh. Đọc lại tiểu phẩm Nói có sách, mách có… sổ của Đề Lĩnh xem sao. Trong đó, có kể thập niên 1980, giáo viên trung học phải sắm các loại sổ như Sổ ghi điểm, Sổ công tác, Số kế hoạch hằng tuần, Sổ báo giảng, Sổ dự giờ… Do quá nhiều sổ nên thời bao cấp, “Có lần đi mua gạo thay vì đem Sổ lương thực, tôi đem lộn Sổ kế hoạch hằng tuần, khiến bà bán gạo la om sòm: “Ở đây bán gạo hằng tháng chứ không có bán hằng tuần”. Có thể cười nổi không?
Thì ra, đã mấy chục trôi qua với biết bao cải cách, thay đổi nhưng rồi hầu như vẫn còn nhiều bất cập. Điều âu lo nhất, ước mơ “vui đến trường” của thầy và trò vẫn còn xa lắm. Thôi thì, cứ tâm niệm như nhà giáo Võ Hồng đã viết: “Gắng tạo niềm cảm thông, niềm an ủi cho các thầy cô giáo để ngày ngày họ dạy dỗ con của bạn trong niềm vui. Cũng dễ hiểu thôi mà: khi có nước mát tưới đều, bụi thúy cúc nở những đóa hoa rực rỡ. Và con của bạn đang ngồi vây quanh, hưởng hương sắc của hoa. Còn thầy cô giáo cũ thì có mong chờ gì ở bạn đâu? Vì vậy mà một lời thăm hỏi đủ đem lại niềm vui thanh khiết”.
2.
Đọc hồi ký của nhà sưu tập Vương Hồng Sển nhớ mãi chi tiết này, đại khái, khoảng thập niên 1960, cụ được mời dạy học ở ngoài Huế. Nhân đó, những ngày ở Huế, cụ biết có người muốn bán một món đồ cổ (nếu nhớ không lầm người bán có tên ngộ nghĩnh là Khóa Ổi). Nhìn hiện vật, cụ thích lắm nhưng ngặt nổi chủ nhân hô giá quá cao. Cụ muốn mua, phải mua cho bằng được, nhưng vẫn làm “cứng” cò kè bớt một thêm hai. Chủ cũng không phải tay vừa. Vì thế, cứ chần chừ mãi.
Sau khi về Sài Gòn, cụ lại nhờ người thỉnh thoảng đến thăm dò món ấy đã bán chưa? Chưa à? Thế là cụ yên tâm. Rồi vài lần sau ra Huế, cụ lại tìm đến, lại trả giá, lại mân mê, sờ soạt, ve vuốt cho thỏa lòng nhưng cũng chẳng đi tới đâu. Rồi quay về Sài Gòn là nhớ, là ước ao phải mua cho bằng được. Chỉ có mua được món ấy thì ngủ mới yên giấc, bằng không cứ trằn trọc mãi, chỉ sợ lọt vào tay người khác thì tiếc hùi hụi.
Cuối cùng, cụ quyết định mua. Khi ra Huế, đến nhà Khóa Ổi, cụ tưởng như đất lún dưới chân, như sét đánh ngang tai: món đồ cổ ấy đã bán rồi! Cụ dậm chân kêu trời, tưởng chừng có thể chết đi được. Vậy phải làm sao đây hở trời? Suốt mấy ngày liền cụ thẩn thờ, tiếc đứt ruột. Về lại Sài Gòn, cụ dò hỏi mọi cách, phải tìm cho ra chủ nhân đã mua món đồ cổ ấy. Cuối cùng, cụ tìm ra và mua lại được. Tất nhiên, mua với giá cao hơn của Khóa Ổi đưa ra. Dù vậy, cụ cũng hài lòng vì cuối cùng, vật quý cũng về tay mình.
Âu cũng là cái duyên đó thôi.
Hiểu thế để hài lòng với những gì đang có. Nếu không, đôi lúc đi trên đường tình cờ thấy cô nàng con nhà giàu, học giỏi, mắt bồ câu, mũi dọc dừa, sắc nước nghiêng thành nhưng lại cập kè với thằng cha cực kỳ cùi bắp. Và ngược lại. Nhìn cảnh ấy chõi mắt quá! Tiếc quá đi mất! Tự dưng lại thấy tiếc! Buồn cười chưa? Vô duyên chưa? Chữ “duyên” này khác với: “Còn duyên kẻ đón người đưa / Hết duyên đi sớm về trưa một mình”. Thôi thì kể ra chuyện này cho nó nhẹ lòng. Chuyện rằng, mấy hôm nay hễ đi ngang qua con đường đó, nhớ lại chuyện đó là cứ tức anh ách. Chuyện gì vậy?
Chuyện rằng, hôm đó tình cờ đi đi ngang qua đó thấy mấy bà bán ve chai đạng tụ năm tụm ba. Như thói quen, y dừng xe, sà đến xem có bán sách báo cũ gì hay không. Trời ơi, ngày hôm đó, lúc đó, không thể tin trước mắt y là những bộ Bách Khoa đóng bìa cứng nằm ngổn ngang. Y mừng rú như bắt được vàng. Sờ tay vào túi quần, có tiền. Vậy yên tâm. Mừng ơi là mừng. Nếu đổi cái mừng này để lấy trúng số độc đắc y cũng quyết không là không. Chả dại.
Nhưng than ôi. Ôi, than ôi. Lúc y hỏi mua, bà bán ve chai cho biết trước đó một phút đã bán cho người khác rồi. Y choáng váng. Tiếc quá đi mất. Trước y chỉ một phút, đã có người hỏi mua, nhưng do không đủ tiền, nhờ giữ lại, sẽ lấy sau. Vậy biết làm thế nào? Chẳng lẽ trả tiền cao hơn để giữ lấy như gợi ý của bà bán ve chai? Giá bán rẻ như bèo, mà dù có phải mua với giá cao gấp nhiều lần, y vẫn đủ sức. Vậy có nên không? Không. Ai lại làm thế. Người này vui ắt có người kia buồn. Do mình không có duyên nên không thể sở hữu. Nếu ma mãnh mua giá cao hơn, nhưng chắc gì sẽ giữ được mãi? Cứ tin cái gì của mình, tự nó sẽ tìm đến, bằng không cũng là không. Tự an ủi nhưng đến nay vẫn ấm ức mãi.
Y đang nói về y đấy ư?
Vâng ạ.
L.M.Q
(nguồn: Báo ANTG số 89, tháng 6.2015)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|