BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Lê Minh Quốc: NHỮNG “SỨ GIẢ” VĂN HÓA

Lê Minh Quốc: NHỮNG “SỨ GIẢ” VĂN HÓA

 

nhungsugiavan-hoa-1R

 


Nhiều người bạn tôi, từ miền Trung vào Sài Gòn, hầu hết đều không chịu nổi nhịp sống ồn ào, náo nhiệt mỗi ngày. Tảng sáng, đang ngon giấc đã giật mình bởi tiếng xe máy chạy ầm ầm; chiều về, phải vượt khỏi “vòng vây” của bụi bặm, khói xe, thậm chí cả những tiếng quát mắng ầm ầm. Ối là mệt. Ai cũng muốn xong công việc mau chóng đặng mua vé về quê. Nhưng rồi, sau dăm ba ngày “thử thách” chộn rộn, ẩm ĩ mọi âm thanh ấy, tự dưng trong lòng họ lại thích nơi này. Mười người như một đều bảo: “Khí hậu Sài Gòn ôn hòa dễ chịu, nhất là những buổi chiều về tự nhiên thấy đất trời trong veo đến lại thường. Lúc ấy, nắng rực rỡ một cách lạ thường trên những vòm xanh nõn biếc” và v.v…

Tuy nhiên, cảm nhận thân thiện ấy không chỉ có thế.

Nhiều người còn giữ lấy quan niệm cổ lỗ, đại khái người Sài Gòn sống ít có tình, đèn nhà ai nấy sáng, bước chân vào nhà là cửa đóng rịt lại. Hàng xóm chung vách, chung tường như chẳng hề biết tên, biết mặt nhau. Rồi trong đời thường, cứ tưởng những cái thông tin  giật gân, ồn ào khiến dư luận soi mói, bàn tán, chỉ chõ là họ quan tâm nhất. Nhưng thật ra không phải. Nhìn vào chiều sâu, nhịp sống đô thị hiện nay đã hình thành những sự gắn kết mới.

Một trong những gắn kết ấy, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của các “sứ giả” văn hóa đã thể hiện dưới nhiều hình thức.

Một ngày kia, tôi ngồi ăn sáng với anh Lê Hoàng. Trước đây, anh là giám đốc của một nhà xuất bản, rồi làm báo và bây giờ giữ một vị trí ở Cục Xuất bản. Qua câu chuyện cà phê buổi sáng, anh cho biết vừa qua đã làm được một việc có ý nghĩa với là cùng với Thành đoàn, Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Thông tin Truyền thông TP. HCM và Thư viện Khoa học tổng hợp ký kế hoạch liên tịch thực hiện chương trình: "Tặng sách cho học sinh ngoại thành - Thành phố Hồ Chí Minh". Mà đâu chỉ có thế. Mới đây nữa, Công ty Chibooks cũng vừa tặng đồng loạt tủ sách thiếu nhi tại Nhà Thiếu nhi TP; Thư viện Thiếu nhi Khu vui chơi Vietopia; Thư viện Thiếu nhi xã Thạnh An (huyện Cần Giờ); Nhà Văn hóa thiếu nhi các quận Tân Bình, Bình Thạnh…

Với công việc tích cực này, ai cũng thừa biết rằng, sẽ là một khích lệ tinh thần và hình thành một lớp bạn đọc mới ham mê đọc sách từ tuổi học trò, góp phần thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đọc bền vững…

Tương tự, ngày kia gặp nhà sử học Dương Trung Quốc, anh cho biết từ nhiều năm nay Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vẫn duy trì chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân”. Đến nay nhiều tượng danh nhân như Lê Văn Duyệt, Nguyễn An Ninh, Trương Định, Võ Văn Kiệt, Trần văn Giàu v.v… đã được đúc tặng cho trường học, nhà lưu niệm. Và còn có thể nhắc lại rằng, UBND TP.HCM đã làm một nghĩa cử văn hóa khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là lần đầu tiên tại một khu đô thị Gia Hòa (Q.9) những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn, Út Trà Ôn, Diệp Minh Tuyền, Phạm Trọng Cầu, Xuân Quỳnh… đã được đặt tên đường.

Các công việc này dù không khoa trương ồn ào, dù lặng lẽ nhưng lại có sức lan tỏa về chiều sâu nội tâm.

Sức sống của văn hóa là gì? Có phải là giá trị tinh thần của những con người ưu tú, những trang sách tốt được lan tỏa và hòa nhịp cùng cuộc sống mỗi ngày. Vâng, tôi tin là thế. Tin rằng, dòng đời mỗi ngày vẫn trôi, nhưng những việc làm thiết thực để tôn vinh giá trị văn hóa thì tự nó đã là một thứ ánh sáng không thể vùi lấp theo nhịp sóng khắc nghiệt của thời gian.

L.M.Q

(nguồn: PNCN 23.8.2105)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com