BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

LÊ MINH QUỐC: Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

 

vnag-roi-vang-roi-thu-menh-mong-R

 

Nhà văn lắm chuyện là tựa sách của nhà văn Vũ Bằng, in năm 1971 tại Sài Gòn. Đọc, đôi lúc cười tủm tỉm, hóa ra các ông nhà văn thuở trước mà văn chương chữ nghĩa được tuyển chọn đưa vào sách giáo khoa dạy học trò, ai biết thuở sinh thời họ cũng tinh nghịch, tếu táo lắm. Nay, y nghĩ, nhà báo cũng lắm chuyện. Lên facebook, đọc bài thơ “Tự trào” của nhà báo Hà Đình Nguyên (báo Thanh Niên). Anh tự cười mình:

Một năm con rắn quá ngoằn ngoèo

Nay thấy ngựa về tớ sướng reo

Đếm tuổi: đã gần thôi viết báo

Xem tên: e đủ đóng phim heo

Thuốc thang chỉ rặt toa "ngò mực"

Ăn uống dùng toàn món "nhím, cheo"

Thầy bói cò mồi, gà... chim chuột:

- Đố ông năm mới chẳng thêm mèo!

Trong bài thơ này có mấy con vật? Có ai ngồi đếm thử không? Chỉ thắc mắc "ngò mực" là toa thuốc gì? Rồi thỉnh thoảng đôi lúc, mấy anh bạn đồng nghiệp lại hỏi, trong tiếng Việt có các từ như “chợ búa”, “gà qué”, “heo cúi” v.v… nghĩa là gì? Chà, khó trả lời quá. Bỗng nhiên, Trần Hoàng Nhân giải thích cà rỡn: “Đã là chợ ắt có mua bán mà “mua bán”, nói lái “mang búa”. Chữ “búa” đi kè kè sau từ “chợ” có nghĩa là thế”. Anh em cười cái rần.

Đem cái thắc mắc này về nhà, và tra tự điển xem sao. Từ điển từ Việt cổ  (NXB VTTT - 2011) của Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện không thấy giải thích. Tiếng Việt trong thư tịch cổ Việt Nam (NXB VHTT- 2011) của Nguyễn Thạch Giang cũng không có thông tin gì hơn. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, bản in 1895, cho rằng, những từ đó là “tiếng đôi”. Nếu đúng, từ đi theo không có nghĩa, nếu có chỉ bổ trợ cho từ đi trước. Chẳng hạn, “chùa chiền”: “chiền” bổ trợ cho “chùa” mà “chiền” đứng riêng lại không có nghĩa. Có thể ban đầu người Viêt gọi chung “chùa chiền”, “heo cúi”… Dần dà, qua giao tế, từ đi sau biến mất? Mà cái chuyện này hoàn toàn xẩy ra, trong một vài trường hợp như “ngã tư ông Bảy Hiền” thành “ngã tư Bảy Hiền”; “chợ sông Hàn” thành “chợ Hàn” v.v… Ôi! Rắc rối. Chẳng rõ thế nào nữa.

Chuyện chữ nghĩa là mối quan tâm của nhũng ai sống bằng nghề. Nghề viết. Viết để sống. Về từ “chùa chiền”, “chợ búa” có người gợi ý nên tìm đọc Tiếng nói nôm na (NXB Văn nghệ TP.HCM - 1999) của Lê Gia. May quá trong nhà có tập sách này, dày 1.590 trang. Chiều nay đọc lại. Trang 137, giải thích: “Chùa chiền”: chữ “chiền” do chữ “thiền” là sự im lặng tuyệt đối, im lặng và nghĩ ngơi; “chùa chiền”: cái chùa thờ Phật, nơi tuyệt đối im lặng và suy nghĩ. Trang 148, giải thích: “Chợ búa”: Nơi có tiếng ồn ào, lộn xộn, mọi vật vải vóc, tiền bạc bày ra khắp nơi”; “búa”: Do chữ “bố” là vải vóc, tiền bạc, sắp bày ra, nói rõ ra, khắp nơi, và chữ “bố” (cũng đọc là “bộ”) là bến sông, chợ họp bên sông”.

Hợp lý quá. Lại hỏi, tại sao "th" (thiền) lại biến thành "ch" (chợ)? "ố" (bố) biến thành "úa" (búa)? Hôm nào có dịp gặp ông bạn già An Chi nhờ giải thích vậy. Sực nhớ chừng mươi năm trước, ông cho biết đang tập trung công sức làm quyển Từ nguyên tiếng Việt. Nay chẳng rõ đã đến đâu rồi?

Với y, ôn ào náo nhiệt chuyện chữ nghĩa vẫn là thói quen trong cuộc nhậu. Lần nọ, có người đọc câu ca dao:

Người xinh giọng nói cũng xinh

Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn

Hiểu thế nào về “giòn”? Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (NXB KHXH - 1988), trang 423 giải thích nhiều nghĩa, nghĩa thứ 3: “Có vẻ đẹp khỏe mạnh (thường nói về phụ nữ). Một người vừa xinh vừa giòn; (Nước da) đen giòn”. Vậy giải thích thế nào câu tục ngữ: “Đông con, giòn mẹ"?. Chẳng lẽ, người phụ nữ sinh nở nhiều “có vẻ đẹp khỏe mạnh”? Vô lý quá, phải không? Rồi có người lại bảo, câu ca dao này của Quảng Nam:

Trăng lên trên đỉnh mu rùa

Cho anh chơi chịu tới mùa anh trả khoai

Chữ “chơi” thay cho chữ khác. Trang nhã hơn. "Đỉnh mu rùa" chỉ là một cách nói, nhiều ngụ ý, gợi liên tưởng đến hình ảnh khác. Lâu nay, vẫn nghĩ câu ca dao đó của vùng Thanh Nghệ. Ủa? Hóa ra câu này của quê mình? Lấy gì làm bằng chứng? Một anh bạn “bật mí”, bài Hát xạo trong hò khoan xứ Quảng của Đinh Thị Hựu (tạp chí Non Nước số 12.2013) có cho biết câu kế tiếp. Rằng, khi nghe chàng kia ỡm ờ, tinh nghịch, cô nàng bèn láu lỉnh, bẻm mép mà rằng:

Trăng lên trên đỉnh núi rồi tề

Làm chi làm đại một cái để em về kẻo mẹ la

Đọc kỹ lại đi. Đúng là của Quảng Nam. Bằng chứng nằm ở chữ “tề”.  “Mô, tê, tề, răng, rứa” không lẫn vào đâu được. Mà thật ra rất khó, thậm chí có thể đi vào ngõ cụt khi muốn xác định câu ca dao nào thuộc vùng miền cụ thể nào. Khi chọn các bài báo của Phan Khôi in thành tập, nhà nghiên cứu rất chu đáo, cẩn trọng là ông bạn già Lại Nguyên Ân không giải thích được chữ “ngẳng”. Đơn giản, không phải người Quảng Nam nên ông Ân không hiểu thổ âm, thổ ngữ vùng đất đó. “Ngẳng” có nghĩa là tinh nghịch, nghịch ngợm đối với người khác nhưng không ác ý. Còn hằng hà sa số những từ mà ta chỉ cảm, chứ khó có thể giải thích rành mạch.

Hôm nọ lai rai với vài người bạn văn nghệ trong một chiều ngút gió. Trời chuyển mua. Ngồi ngoài trời. Chỗ Hồ Con Rùa. Nhà văn Đoàn Thạch Biền hào hứng: “Đó Q câu thơ nào? của ai? mà Hoài Thanh đánh giá “những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam?”. Đang ngà ngà say, nghe nhắc đến thơ đột nhiên tỉnh như sáo, lập tức buột miệng đọc ngay:

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

Anh Biền bảo: “Dịch ra tiếng nước ngoài, tôi đố ai có thể dịch nổi hai câu thơ đó của Bích Khê?”.  Anh nói đúng. Không phải ngẫu nhiên, người ta bảo “dịch là diệt”. Diệt cái gì? Diệt hồn vía, âm điệu, nhịp điệu của câu thơ. Câu thơ trên dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp liệu thiên hạ có cảm được không? Hay chỉ hiển hiện một hình ảnh bình thường, ai ai cũng có thể đã gặp, đã thấy mà cũng chẳng có gì độc đáo? Nghĩ loáng thoáng như thế này, đọc câu thơ trên, nếu biết thêm câu thơ Đường này ắt sẽ cảm hay hơn nữa:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

Thử dịch sang lục bát xem sao:

Ngô đồng chỉ một lá rơi

Thiên hạ đã biết đất trời sang thu

Rõ ràng, nhớ từ thơ Đường sang thơ Việt ắt cảm nhận “thu mênh mông” sẽ gợi mở nhiều hơn trong trí tưởng tượng của người thưởng ngoạn.

Nghĩ thế nên thấy tiếc cho thời sinh viên. Thời ấy, lười học quá nên bao nhiêu vốn tiếng Nôm - Hán đã trả hết lại cho thầy. Là người Việt, chắc gì đã hiểu hết ngữ nghĩa tiếng Việt? Y cũng vậy. Chỉ nội cách xưng hô của vua chúa thời trước cũng khiến nhiều người bí rị. Mới đây, khi xem phim Trần Thủ Độ, những chi tiết như Trần Thị Dung xưng “anh - em” với Trần Thủ Độ, xưng “mày - tao” với đầy tớ gái... PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi - Viện Sử học, cho rằng: "Cách xưng hô của thế kỷ 13 không có “anh - em”, “mày - tao”, vì dân tộc ta hồi đó toàn dùng chữ Hán. Trong các tác phẩm chữ viết thời xưa cũng không thấy có cách xưng hô này. Phiên âm ra “anh - em” mãi sau này theo Quốc ngữ mới có”. Tiếc ý kiến này chẳng thấy ai tranh luận, đồng tình hay phản bác.

Thử hỏi, nếu người Việt không sử dụng chữ Quốc ngữ, chỉ sử dụng Nôm - Hán, ngày nay đất nước đã đi về đâu?

Trước đây khá lâu có tham dự buổi tọa đàm khoa học ở Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, có nhà nghiên cứu lập luận, sở dĩ Nhật, Trung Quốc… đi xa hơn chúng ta bởi họ còn sử dụng chữ Hán. Học chữ Hán, chỉ một chữ, người ta cũng thấu hiểu ý nghĩa của nó. Thời sinh viên nghe thầy giảng và còn nhớ loáng thoáng, chẳng hạn, học chữ “Quốc” (國), đại khái cậu học trò sẽ biết gồm có chữ “khẩu” (miệng), ngay dưới “khẩu” là chữ “nhất”; đặt nghiêng trên hai chữ đó là “qua” (vũ khí) và phía trên là chữ “ngọc” (châu báu). Xung quanh các chữ đó thêm khung vuông chỉ cương vực một quốc gia. Tự hiểu, chữ “Quốc” có ý nghĩa là người dân trong một nước, muôn người như một (miệng) cùng cầm vũ khí bảo vệ châu báu trong cương thổ của mình.

Trong khi đó, học chữ Quốc theo chữ Quốc ngữ, chỉ đơn thuần là “quốc”. Mà may nhờ có chữ Quốc ngữ, xóa nạn mù chữ mới nhanh chóng hơn. Chữ Hán rắc rối, nhiều nét nên sau này người ta có giản lược bớt nét. Ngày xưa, dù giỏi chữ Hán nhưng không ôn luyện, không đọc, không viết thường xuyên cũng có nguy cơ mù chữ lại như thường. Vậy suy luận ra, “văn ôn võ luyện” là câu cửa miệng đã có từ xửa từ xưa lắm rồi.

Trò chuyện lan man chuyện chữ nghĩa cũng một cách làm nhộn men rượu. Còn hơn cay cú bàn những chuyện gì gì đó, cuối cùng, thấu đời đáng chán. Làm sao vui sống?

Sáng nay, mọi việc tốt đẹp. Thức dậy sớm. Ủi cái áo. Đánh xira đôi giày. Đứng soi gương. Cười hơn hớn. Vẫn phở. Khi đến phim trường VTV 3 tham dự cuộc thi nọ. Đã thấy một mâm ngũ quả cúng ngay sàn diễn. Cúng lấy hên. Trầm thơm. Lòng nhẹ nhàng. Ban Tổ chức cho biết, trước đó, họ cũng mời những “người của công chúng” nhưng hầu hết đều từ chối. Sợ thua. Còn y lại không. Đặt nặng thắng thua làm gì. Thắng chả sang hơn. Thua chẳng gì xấu hổ. Cuộc chơi nào không có thắng thua? Bình thường thôi. Khi đứng trước 100 “đối thủ” là các khán giả mặt ngọc xinh tươi, tự nhiên thấy tự tin. Dẫn dắt cuộc chơi là MC Thái Tuấn.

Nhờ ơn trời, y đều trả lời trúng chóc.

Lâu nay cứ tự nghĩ hậu đậu, ngốc ngếch mà đâu ngờ y cũng thông minh ra phết đấy chứ? Lại tự sướng nữa rồi! Chà, khó nhất là câu 3: “Trong cả cuộc đời, một người phụ nữ bình thường có khả năng sản sinh ra bao nhiêu trứng hoàn chỉnh? A. Khoảng 50 trứng; B Khoảng 100 trứng; C. Khoảng 350 trứng”. Hú hồn, tự nhiên lúc ấy, lại nhớ đến huyền thoại bà Âu Cơ đẻ 100 trăm trứng. Suy ra, số trứng phải nhiều hơn chứ? Rõ ràng, chẳng dựa trên cơ sở khoa học, chẳng hiểu biết gì về cấu tạo của người phụ nữ. Thế nhưng lại trả lời đúng, đó là đáp án C! Cú “ngáp phải ruồi” này ngon cơm quá. Ngày hôm nay vui. Vui vì có tiền. Thử nghĩ, tính đổ đồng mỗi bài báo y viết, 1 chữ tính 1 ngàn đồng. Nếu muốn có được 20 triệu đồng như tiền nhận thưởng,  y phải viết bao nhiêu chữ? Chỉ nghĩ thế đã vui. Đôi khi niềm vui đến từ những việc rất đơn giản.

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG số 90 - tháng 7.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com