THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN: Tập sách MÙA CHINH CHIẾN ẤY (tái bản năm 2018) - Đi qua 'Mùa chinh chiến ấy'

ĐOÀN TUẤN: Tập sách MÙA CHINH CHIẾN ẤY (tái bản năm 2018) - Đi qua 'Mùa chinh chiến ấy'

Mục lục
ĐOÀN TUẤN: Tập sách MÙA CHINH CHIẾN ẤY (tái bản năm 2018)
DƯ LUẬN BÁO CHÍ về MÙA CHINH CHIẾN ÁY
LÊ MINH QUỐC: Đoàn Tuấn - người kể chuyện đời lính thế hệ mình
Đi qua 'Mùa chinh chiến ấy'
Tất cả các trang


40 năm Ngày chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979 - 7.1.2019):


Đi qua 'Mùa chinh chiến ấy'

Trần Đăng


mua-chinh-chien-ay_svwwTAI_BAN


Cùng với Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn là hai trong số không nhiều những quyển sách 'dữ dội' viết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, sau đó là giúp người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng của Pol Pot cách đây đúng 40 năm.

Mười ba năm trước (2005), Đoàn Tuấn đã xuất bản cuốn Những người không gặp nữa, cũng một thể loại hồi ức, viết về những đồng đội của anh phải nằm lại nơi đất nước Chùa Tháp. Cuốn sách ấy đã lay động nhiều người bởi nó chạm đến những sợi tơ lòng nhỏ nhất của cả một thế hệ thanh niên chưa kịp vui mừng sau 30 năm chinh chiến giờ lại phải đối mặt với một cuộc chiến khác ở “bên ngoài Tổ quốc”. Dù vậy, Đoàn Tuấn cảm thấy viết như thế vẫn chưa nói hết những gì mà tác giả và thế hệ của mình đã phải trải qua ở chiến trường Campuchia suốt 5 năm 1978-1983. Có lẽ, Mùa chinh chiến ấy ra đời là để “nói hết” những điều cần nói sau 40 năm chúng ta buộc phải tham gia cuộc chiến tranh bất đắc dĩ ấy.

Có lần Đoàn Tuấn tâm sự rằng anh định viết một cuốn tiểu thuyết về những gì đã nếm trải sau những năm tháng khốc liệt ở chiến trường K và rồi anh đã bỏ ý định ấy. Thế nhưng, cuộc chiến với những gian khó ngoài sức tưởng tượng đối với một chàng trai Hà Nội như Tuấn đã thôi thúc anh phải cầm bút. Tác giả phải mất một thời gian khá lâu để chọn hình thức “hồi ức” như cuốn Mùa chinh chiến ấy để chuyển tải những thông điệp mà anh muốn gửi gắm đến, trước hết là những đồng đội cùng thời với anh, sau nữa là những ai quan tâm đến cuộc chiến ở chiến trường K. Đây như một tự truyện nhưng cái “tôi” luôn hòa quyện với cái “chúng ta”, nhiều khi tác giả “ẩn” mình phía sau những sự kiện nhưng người đọc vẫn nhận ra những gì mà tác giả của những trang văn còn lấm lem bùn đất và lửa khói chiến hào ấy đã nếm trải và chịu đựng.

Chẳng cần phải màu mè, triết lý hoặc nhà văn phải bày binh bố trận cho các tuyến nhân vật của mình “cựa quậy” trên gần 500 trang sách, tác giả chỉ ghi lại những gì mà mình chứng kiến bằng một giọng kể chân phương và không né tránh. Ai cũng biết “chiến tranh không phải trò đùa” nhưng sự khốc liệt như tác giả kể lại trong sách thì thật khó hình dung nổi. Có những đồng đội phải “hai lần chết”, một lần chết do mìn quân Pol Pot, một lần trên đường khiêng xác về hậu cứ trung đoàn bị địch phục kích lần nữa. Mới mùa khô chết khát đã sang mùa mưa chết do lũ cuốn, vừa chứng kiến bạn mình chết do giẫm mìn lại phải đau lòng khi chôn một đồng đội khác do sét đánh hoặc rắn cắn. Alongven, địa danh ấy bây giờ nằm trong một tour du lịch nổi tiếng nhưng ít ai biết, từng là “tử địa” của những chàng trai thuộc Sư đoàn 307 Việt Nam cách đây 40 năm.

Ưu thế của hình thức “hồi ức” là người viết không quá bận tâm đến “hình tượng nhân vật”, không phải nhọc công để sắp xếp sao cho logic về mặt thời gian, không gian như trong tiểu thuyết truyền thống mà tác giả chỉ cần “đừng quên” những sự kiện cần phải nhớ. Đoàn Tuấn đã làm quá tốt điều này. Anh gần như “không quên” bất cứ chuyện gì. Thật khó mà cầm lòng khi đọc những dòng anh viết về những người bạn cùng quê Hà Nội với anh, đã bọc trong túi áo cả giấy gọi nhập học đại học từ 5 năm trước và giấy ra quân hôm nay, nhưng trên đường về nước đã gặp phải mìn, hai loại giấy tờ cần thiết đối với một người lính đã xong nghĩa vụ ấy giờ văng tung tóe, tờ giấy nào cũng đẫm máu tươi. Rồi một anh tiểu đoàn trưởng, đi hết cuộc chiến tranh chống Mỹ chả sao, giờ ngã xuống trên chiến trường K, khi làm công tác kiểm đếm di vật tử sĩ, người ta chẳng thấy gì trong chiếc ba lô cũ kỹ của anh ấy ngoài những lá thư của gia đình gửi sang.

“Chỉ có thiếu và thừa/Không bao giờ lính đủ/Chiếc ba lô càng cũ/Càng chẳng có gì riêng”. Hơn 34 năm trước, Đoàn Tuấn được tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải nhất trong một cuộc thi thơ với chùm thơ viết từ Alongven, trong đó có Bài thơ không viết nháp với những câu được trích dẫn trên đây. Bây giờ, sau 40 năm anh từng cất vào ba lô tờ giấy gọi nhập học vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội để lên đường sang chiến trường K, Tuấn “không viết nháp” nữa mà gửi đến bạn đọc ngót 500 trang sách, ngồn ngộn sự kiện, ngồn ngộn tâm trạng cùng những dấu hỏi và cả những tình cảm tha thiết gửi đến đồng đội, bạn bè đã may mắn “được là người trở về”, dù có người không nguyên vẹn. Cuốn sách đã tái bản lần thứ 2 trong thời buổi “ế sách” đủ biết độ hot của nó.

Trần Đăng

(Nguồn: Báo Thanh Niên ngày 1.1.2019 - https://thanhnien.vn/van-hoa/di-qua-mua-chinh-chien-ay-1038864.html?fbclid=IwAR1lyCVQYPwErdul8KKj9VCvrfsW3aknh0KfmRDk91OmYKfHYfo9n4pf8ZU)


Xúc động với "Mùa chinh chiến ấy" của Đoàn Tuấn

 

 

safe_image.phpmuachichien_ay


“Mùa chinh chiến ấy” - cuốn hồi ký chiến trận của nhà văn - nhà biên kịch điện ảnh Đoàn Tuấn được bạn đọc, giới phê bình văn học, đặc biệt là các chiến binh một thời tình nguyện vô cùng xúc động. Như nhà thơ Lê Minh Quốc đánh giá, đây là cuốn hồi ký xuất sắc nhất về cuộc chiến chống quân thù biên giới Tây Nam và nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Theo nhà biên kịch điện ảnh Đoàn Tuấn, để viết cuốn hồi ký “Mùa chinh chiến ấy”, anh đã phải trăn trở hơn 10 năm, thu thập nhiều tư liệu của bạn bè và trên hết là trí nhớ của mình, vậy mà khi viết anh phải 3 lần bỏ bản thảo vì thấy chưa đúng với suy nghĩ của mình để có “như một giấc mơ khốc liệt mà tuyệt đẹp” của những người lính tình nguyện. Rồi trong những lần gặp gỡ bạn bè, anh nhận thấy rằng chính ngôn ngữ đời thường của những người lính chiến xưa mới đúng chất mình cần: chân thật, hài hước, đau đớn, xót xa nhưng không bi lụy, luôn tự hào.

Đó chính là nét thần của tập hồi ký chiến trận này.Ngay trang đầu tiên, người đọc đều ngỡ ngàng và bất ngờ về nhân vật tôi - tức người lính Đoàn Tuấn, chàng trai Hà Nội 18 tuổi vừa rời mái trường trung học lên đường nhập ngũ hành quân thẳng vào biên giới Tây Nam. Theo đội hình hành quân của quân tình nguyện, có những trận đánh lớn đánh nhỏ vượt sông Mê Kông, tới Stungtreng, cho tới mặt trận chính là Anlongveng miền Đông Bắc Campuchia giáp biên giới Thái Lan - nơi quân Polpot đóng quân chống phá và đây chính là trang sách mở ra thấm đẫm máu đào cùng vô vàn khó khăn của người lính Việt Nam. Đoàn Tuấn chỉ là anh lính thông tin đại đội bé nhỏ của Sư đoàn 307, Quân khu 5. Nhưng chính từ góc nhìn thấp nhất đó, tác giả mới thấu hiểu đầy đủ chi tiết, hình ảnh, tính cách của người lính, tạo lên bức tranh to lớn của cả đội quân.

Cái hay, độc đáo của thiên hồi ký này chính là tính chân thật, tác giả không tránh né bất cứ chi tiết bé nhỏ, góc khuất thực mang tính cách của con người. Nó tưởng trần trụi nhưng lại lấp lánh của những phiến đá đa sắc màu của người lính. Tác giả chỉ là người kể về bạn bè, không kể nhiều về mình như nhiều tác giả hồi ký khác. Tất cả vì đồng đội! Những trang văn dành cho đồng đội lúc nào cũng thấm đẫm tình nghĩa, yêu thương: “Đồng hương ơi! Sao có đau lắm không?”, cả với những người đã khuất nằm bên mình cũng dạt dào cảm xúc mà chỉ người trong cuộc trải nghiệm, chứng kiến mới viết được.

Người lính tình nguyện thời Đoàn Tuấn kể là thế hệ thứ 3, họ chiến đấu mà không được đứng trên quê hương, phải đến những cánh rừng bạt ngàn theo đúng nghĩa “rừng thiêng nước độc”, mùa khô cháy bỏng, mùa mưa lũ lụt trôi người… Đáng sợ nhất chính là quân thù, chúng như các bóng ma trong đêm tối: phục kích, đột nhập, cài mìn… Rồi đến sốt rét ác tính, chết khát, chết vì hổ vồ, nước lũ, vì bẫy cài của quân thù... Không phải liệt kê khô cứng hay bi lụy, Đoàn Tuấn như một nhà quay phim kể theo lớp lang, xa gần, xưa mới, thấp cao, có khi lòng vòng nên mỗi câu chuyện đều có sức hút kỳ lạ, lúc pha trộn hài hước, hóm hỉnh, nghịch ngợm, ngang tàng của chất lính, lúc lại mượt mà của thi nhân.

Trong sách có nhiều chi tiết rất đắt giá như: những người lính chơi với dân, anh lính mê thơ viết thơ đầy chiếc võng của mình, anh lính trẻ người Khánh Hòa đem kinh Phật bên mình đọc dưới hầm, người lính đào trước huyệt trước giờ ra trận… Tất cả hòa trộn với nhau thành bức tranh vừa lạ vừa quen, vừa xót xa tiếc nuối và tràn ngập hạnh phúc khi người lính được trở về đất mẹ an lành!

Có thể nói, chiến tranh đã rời xa hơn 4 thập kỷ, nhưng nhờ có những trang văn thấm đẫm tình cảm của những người lính đích thực như “Mùa chinh chiến ấy” đã làm cho thế hệ hôm nay thấy giá trị của hòa bình lớn lao và bao la như bầu trời Tổ quốc thế nào.

Dương Trang Hương

(nguồn:

https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/201906/xuc-dong-voi-mua-chinh-chien-ay-8118651/?fbclid=IwAR1TkqQeW8q6mepTkqkf3VT4XFBvZ_yMscUCCGsDGBMMVDBlzMh7PNwAwvE)

Chia sẻ liên kết này...




Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com