THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN: Tập sách MÙA CHINH CHIẾN ẤY (tái bản năm 2018)

ĐOÀN TUẤN: Tập sách MÙA CHINH CHIẾN ẤY (tái bản năm 2018)

Mục lục
ĐOÀN TUẤN: Tập sách MÙA CHINH CHIẾN ẤY (tái bản năm 2018)
DƯ LUẬN BÁO CHÍ về MÙA CHINH CHIẾN ÁY
LÊ MINH QUỐC: Đoàn Tuấn - người kể chuyện đời lính thế hệ mình
Đi qua 'Mùa chinh chiến ấy'
Tất cả các trang

 

MUA-CHINHN-CHIEN-Y-TAI-BAN-LAN-1

 

PHỤ LỤC TÁI BẢN

 

MÙA CHINH CHIẾN ẤY đã được nhiều đồng đội F307 truyền tay nhau đọc.  Đã có nhiều nhận xét, bình luận, chia sẻ và bổ sung những câu chuyện về cái ngày tháng “thanh xuân thơ dại, khốc liệt mà tuyệt đẹp” ấy mà với giới hạn một cuốn sách, dù dày dặn tới đâu, cũng chưa thể kể hết. Trong lần tái bản này, chúng tôi xin trích đăng một số chia sẻ của các cựu chiến binh, cảm xúc từ bạn đọc cũng như những lời hồi đáp từ dư luận.

NHỚ MỘT NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI

- Đoàn Tuấn -

Sau khi sách đã in, tôi thấy mình còn nợ một người đồng đội, một người em trong tiểu đội trinh sát. Vì tiểu đội trinh sát đi cùng lính thông tin nhiều năm, tụi nó cũng hy sinh nhiều. Cậu em tôi rất quý mến ấy là Tô Văn Phán. Nó là một Phật tử chính hiệu nên cách hy sinh cũng thật đặc biệt. Đêm nào cũng tụng kinh mà rồi vẫn chết. Một cái chết khiến tất thảy đồng đội đều kinh ngạc. Giờ nhắc lại,anh em vẫn thấy thương nó.

Một buổi chiều, mùa mưa năm 1981, ở Anlong Veng, tôi và Thuận đập mấy trái trứng gà để rán. Thuận khuấy trứng bằng đũa. Nó khuấy theo chiều kim đồng hồ rồi lại khuấy ngược lại. Thấy thế, anh Độ, trợ lý tác chiến mới về, giật ngay lấy đôi đũa, nghiêm giọng: “Ở nhà mà  khuấy thế này thì ông già mình đập chết!”. “Sao lại thế?” - tôi hỏi khi Thuận còn ngạc nhiên. Anh Độ đáp: “Không bao giờ được khuấy trứng hai chiều như vậy!”. Chà, phức tạp thiệt. Hai chiều với một chiều, có sao đâu? Trứng nào chả là trứng! Hai thằng lính trẻ cãi nhau với một ông lính già làm gì! Mà lại lính già Hải Phòng nữa chứ. Vua bảo thủ! Đúng lúc đó, bỗng từ đồi Con Cá vọng về một tiếng nổ. Chắc ai bị dính mìn rồi. Chúng tôi còn đang phỏng đoán đơn vị nào đi tuần hướng đó thì một lúc sau, Nguyễn Tuấn – “Chim Cu”, trinh sát D buồn bã sang báo:

- Thằng Phán chết rồi !

Trời, Tô Văn Phán. Anh chàng lính mới quê Phú Khánh. Vừa nhập ngũ năm 80. Mới được một tuổi quân.

- Mình có linh cảm, đợt này đi thằng Phán thể nào cũng chết! - “Chim Cu” trầm giọng - Lúc đi, nó đã chào mình!

Như một luật bất thành văn, lính thông tin hay trinh sát, ai được phân công đi chiến đấu cùng các đơn vị bộ binh thường lẳng lặng mà đi, không cần chào tạm biệt. Vì cả người đi lẫn người ở lại, đều có cảm giác, lời chào như một lời vĩnh biệt. Vừa kiêng, vừa sợ. Không ai nói ra. Không ai phân tích. Tất cả lặng im thực hiện.
- Không hiểu sao, hôm đó đi trinh sát trên 547, thằng Phán nó chào mỗi mình tôi! – “Chim Cu” chưa hết bồi hồi.

Cũng có thể, vì “Chim Cu” thương yêu thằng Phán như đứa em. Thằng Phán nói giọng xứ “nẫu”. Quê ở Ninh Đa - Ninh Hòa mà cứ phát âm là “Ninh Đe Ninh Hòe”, cười đau cả ruột. Mới về làm trinh sát D, nhưng nó đã tạo nên sự khác biệt với cả tiểu đội. Đó là trong ba lô của nó, ngoài các thứ đồ thiết yếu, còn có hai bộ  Kinh Phật: Kinh Pháp Hoa và Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Đêm nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, thằng Phán lại lầm rầm tụng kinh. Anh em lúc đầu cũng thấy ngạc nhiên. Có người định phản đối. Nhưng hồi lâu thấy tiếng tụng kinh của thằng Phán có phần nào làm căn hầm ấm áp hơn, nên cảm thấy nguôi ngoai. Dạo ở nhà, chắc Phán là một Phật tử chính hiệu. Mấy quyển Kinh dày cộp mà nó mang nhẹ như không. Mấy lần tôi mượn nó, ngó qua, nhưng đọc chẳng hiểu gì. Có lẽ tâm thế mình còn bận lang thang nơi khác.

Trong đơn vị, cũng có nhiều đứa theo đạo Thiên  Chúa. Đêm Giáng sinh, dù bận thế nào, súng nổ ra sao, mấy đứa này cũng tìm cách tụ tập, đánh chén thứ gì đó. Tụi nó cũng mời mấy đứa bạn thân, không theo tôn giáo nào rõ ràng, uống rượu cùng cho vui. Tụi nó làm bí mật. Lính tráng biết với nhau. Không để lộ cho cán bộ biết. Mà hiểu biết của cán bộ về tôn giáo cũng hết sức mù mờ, chụp ngay mũ “phản động” thì ra bã cả lút.

Thằng Phán thích đi gác cùng “Chim Cu”. Nó giảng cho “Chim Cu” nghe nhiều đoạn Kinh rất hấp dẫn. “Chắc không đi lính thì mày thành sư rồi!” – “Chim Cu” đùa. Thằng Phán lại thích nghe “Chim Cu” kể chuyện. Toàn chuyện phim và chuyện chưởng. Đặc biệt, “Chim Cu” lại có tài điêu khắc. Chỗ vọng gác có ụ mối. “Chim Cu” cầm dao găm, tạc hình một vũ nữ khỏa thân uốn lượn với cặp đùi óng mượt và hai bầu vú căng tròn. Lính tráng đi gác, thằng nào cũng thò tay bóp. Khoảng giữa hai chân của nàng, lúc nào cũng cắm bông hoa tươi. Nhiều đêm mưa lâm thâm, bỗng thấy thân hình vũ nữ rực sáng. Một màu vàng rực, lấp lánh như kim cương giữa rừng đêm. Như vũ trường, như quán bar tưng bừng chốn biên cương heo hút. Mưa rả rích làm nên tiếng nhạc rừng. Chắc lũ côn trùng cũng đang rì rầm đồng ca. Mùi lá mục, mùi nhựa cây rừng già gợi lên cảm giác phồn thực. Lính đứng gác như trôi trong mộng. Nhưng sáng ra, quanh người nàng bạc trắng những hàng xác mối chết.

- Về đúng đến đồi Con Cá thì thằng Phán vấp mìn – “Chim Cu” kể - Ầm một cái! Nó ngồi bệt xuống. Nhìn hai chân của mình nát bươm. Máu tuôn lênh láng. Nhưng thằng Phán, không kêu một tiếng. Mắt nó mở to, nhìn trân trân vào hai ống chân  đỏ lòm, gần như vỡ toác, đứt đôi. Nó cứ nhìn như vậy. Không kêu la. Mặt nó vẫn bình thường, không lộ vẻ đau đớn. Nó cảm nhận cái chết hết sức điềm nhiên. Hình như nó đã linh cảm thấy cái chết này. Nó đón nhận. Và chấp nhận. Khi nghe tiếng mìn, anh em vội nằm xuống, chuẩn bị nổ súng. Nhưng không thấy động tĩnh gì. Khi anh em bò lên, thấy thằng Phán vẫn còn ngồi nhìn đôi chân mình. Tay trái chống đất. Tay phải giữ khẩu AK. Anh em bò lại, đỡ nó. Lúc ấy nó mới từ từ ngả xuống. Và mắt, dần khép lại…

Đồng đội khiêng Phán về. Chúng tôi tắm rửa cho Phán. Liệm lại. Mai chôn. Mấy quyển Kinh Phật, tôi định bỏ vào quan tài cho em, nhưng sợ mục. Đành giữ lại, cho vào ba lô Phán, làm kỷ vật gửi về gia đình.


TẠ NHÂN: Thời kỳ chốt biên giới, tổ 3 người tụi mình đi tuần. Bỗng gặp một tên địch nằm bên bờ ruộng. Hắn nằm im. Tụi mình bò đến.Thì ra hắn sắp chết. Nhưng khẩu AK đã mở khóa an toàn. Trong  đó còn 2 viên đạn. Anh em muốn  khử luôn. Nhưng mình đề nghị khiêng hắn về. Sau khi cấp cứu và chăm sóc, hắn khỏe lại. Và hắn khai rất nhiều vị trí đóng quân của địch.Trung đoàn 94 tụi mình thắng trận liên tiếp. Từ đó, các vị chỉ huy nói, mình có khả năng làm cán bộ chính trị.
 

CHIÊU LÊ HUY: Mùa khô vùng Đông Bắc CPC đã khắc nghiệt nhưng mùa mưa lại càng khổ hơn. Khổ nhất là đi truy quét. Mình đi truy quét nó nhưng lại sợ nó bí mật tập kích lại. Cả tháng trời đi lùng địch trong rừng, quần áo lúc nào cũng ướt rượt, ẩm xì. Nạn hắc lào cứ đeo bám quanh người lính. Có thằng hắc lào ăn lên tận bụng, xuống tận đùi. Háng thằng nào thằng nấy cứ như xăm trổ đỏ choét, ngứa ngáy khó chịu. Cứ mỗi lần về đơn vị, sau khi tắm xong là cả nửa đơn vị xếp hàng ngang chờ y tá xoa cồn i-ốt. Thằng nào thằng nấy cứ nhẩy dựng cả lên như lên đồng. Khi trời tối muốn dừng lại đóng quân lại phải đi cho tới khi nào tối hẳn mới được dừng, vì sợ Pol Pot theo chân tập kích. Trời lại mưa rả rích, thằng nào thằng nấy mò mẫm sờ soạng tìm cây mắc võng. Thằng nào gác trước thì mắc võng sau, thằng nào gác sau thì mắc võng trước. Có thằng tối quá không mắc được võng đành trùm tăng ngồi thâu đêm. Quần áo giày dép ướt nhẹp nhưng không dám cởi, còn để nguyên mà đi ngủ.

LÊ MINH THƯ: Mùa mưa nước ngập mênh mang. Suối phum Giềng lớn như con sông. Biết bao nhiêu lần cõng hàng vượt qua suối này.Có lần còn phải đưa một ca sốt rét qua suối.Cậu ta không đi được, phải cáng. Phải lấy 4 ba lô, bọc nilon cho nó nằm lên rồi mấy người hộ tống xung quanh đẩy được sang. Chắc do nó ốm nên càng nặng hơn.

Giữa năm 1982, C1 đi truy quét ở Sankđa. Tối, cả đơn vị mắc võng ngủ gần con suối. Phải lội mấy bước mới lấy được nước.Tối hôm ấy trời mưa to. Mọi người đều căng tăng mắc võng ngủ ngon lành. Tôi chặt mấy cây buộc chéo đặt ba lô, hai cây có chạc, đóng xuống, đặt súng lên. Yên trí lắm, kệ trời mưa. Hút xong điếu thuốc rê rồi ngủ lúc nào không biết. Bỗng thấy lạnh ở lưng, choàng dậy. Trời, nước ngập.Cả cánh rừng trắng luôn. Vội cuốn võng, mò súng và ba lô. Rồi lội bì bõm tìm chỗ cao.Mãi mới tìm dược một ụ mối.Mắc lại võng, trùm nilon, rồi ngồi đợi sáng. Chỉ sợ mọi người trong đơn vị, lạc nhau lung tung, rồi tìm ốm. Trời sáng, mọi người gọi nhau í ới, rồi cũng đủ quân. Nhưng anh nuôi bị trôi mất mấy xoong 5.Thế là không đủ xoong nấu cơm, đành “được” về.

TRẦN VĂN: Cũng tại suối phum Giềng, mùa mưa năm 1981, trong một đợt đi công tác từ E lên phum Giềng với chính ủy Nguyễn Văn Thảng, đồng hương  Phạm Chính, vệ binh, bơi qua suối, làm thế nào mà rớt khẩu AK theo dòng nước lũ. Hành hạ anh em một phen ngụp lặn chết luôn. May mắn cây súng dính vô bụi tre và tìm được.

BÌNH QUY KIỆT: Mình từng nhận được lá thư gia đình loang lổ máu trên trang thư Tuấn à.

NGUYỄN LUẬN: Vội vàng chưa đủ ba tháng ở D2 F860 An Sơn – Nghĩa Bình, lên xe Zin 130 đi mãi, đến Stung Treng, đi phà, qua Thala ngủ nhà sàn, một đêm mưa tầm tã, khoảng giữa tháng 5.1983, tiếp tục đi ngang Chchep…Tà ben, Preah Vihear. Điểm dừng chân E95, F307. Là một chiến binh F307, cuốn Hồi ức này là một món quà quá tuyệt vời cho tui mau quên chóng nhớ. Giờ hễ mỗi lần đọc tới đâu là những ngày tháng lính cứ ùa về… Nhiều cảm giác hỉ nộ ái ố lẫn lộn… Cảm ơn anh Đoàn Tuấn rất nhiều.

NGUYỄN LỘC: Ở đất bạn hồi đó chỉ có mùi chiến tranh, biết bao cạm bẫy rình rập đồng đội chúng ta. Sự sống đời người chỉ có một lần, phải giữ gìn thật cẩn trọng từng bước đi. Đôi mắt là trợ thủ đắc lực cho bản thân chờ đợi ngày trở về… Và ngày chúng tôi trở về, không ai chào đón nhưng tâm trạng rất vui vì đã được bình an.

HẠNH NGUYỄN: Tôi cũng lính 80 cùng đợt với Lũy nhưng tôi biên chế về D7. Bạn tôi ở trinh sát D7, cũng chưa kịp ăn hết cục cơm vắt đã vội hy sinh ngay tại Anlong Veng, cách C7 D8 khoảng 500m! Xót xa quá!

“CHIM CU”: Một lần, Tuấn “cận” đang cùng đại trưởng Hà Huy Lan lập bãi mìn ở  Kam Praj thì Tú “nghêu” (Lão Đại) đi trinh sát về, băng băng bước tới vì vui mừng gặp bạn. Tuấn “cận” hoảng hốt thét to: “Dừng lại! Mìn đấy!”. Tú “nghêu” kinh hoàng, nhìn xuống. Dưới chân và trước mặt, toàn mìn là mìn!

MINH TRÍ TRẦN: Mình ở biên giới có mấy tháng, đánh nhau vài trận, bị thương, cũng được đồng đội cáng về tuyến sau, và chưa từng trải qua đoạn trường kinh khủng như vậy, thế mà Đoàn Tuấn kể chuyện cứ nhẹ như không. Phục các đồng đội của mình quá!
 

NGUYỄN ANH SƠN: Nghĩa trang của D8 này mình có thỉnh thoảng ngang qua khi vận tải hàng cho E29. Điều mình ám ảnh mãi những năm sau này là số các ngôi mộ tăng lên rất nhanh. Đặc biệt lúc nào đi qua nhìn từ ngoài vào cũng thấy một vòng hoa. Cho đến nay mình vẫn thắc mắc không biết là hoa gì. Không dám xuống viếng thăm vì không có thời gian. Bốc gạo bốc đạn xong là vọt nhanh về Saem. Nếu có thương có tử thì ở lại, còn không thì bố bảo cũng không dám... Phải nói ở Preah Vihear có hai nơi hiểm nguy nhất. Đó là nơi đóng quân của D8, D9 E29 và D210 gần Choam.

ANH TUẤN NGUYỄN: Tôi biết ở D6-E94-F307 cũng có một anh nuôi không biết chữ. Sau gần 30 năm phục viên, Nguyễn Văn Khả tổ chức cho anh em Nha Trang một chuyến về  thăm đơn vị ở Quảng Ngãi, có ghé gành Đá Đĩa, Tuy An thăm anh nuôi. Vợ anh ấy mừng ra mặt, cảm ơn anh Khả đã dạy cho chồng mình biết chữ để viết thư về thăm vợ con. Chị ấy thú thật là lần đầu tiên xem lá thư của chồng gửi về từ biên giới K, chị đã thật sự ngạc nhiên.

LÊ MINH THƯ: Khiêng thương binh, tử sỹ là nỗi kinh hoàng. Năm 1978, vừa chân ướt chân ráo vào chiến trường, đã phải khiêng thương binh từ chốt về tiểu đoàn. Máu me sợ kinh, lại chưa quen gánh nặng bao giờ. Lúc đó tôi vừa thôi học có 4 tháng, nguyên chất học trò. Thế mà cũng khiêng được về D. Còn hãi hùng nhất là năm 1979, khiêng tử sỹ mười mấy ngày xuyên rừng. Vừa mỏi vừa đau vai ghê gớm, vừa căng thẳng sợ địch phục. Tối gác địch, gác cả thú rừng ăn thịt. Tử sỹ bốc mùi nồng nặc sau mười mấy ngày dầm mưa dầm nắng.

Còn tếu nhất là một lần đang khiêng thương binh thì bị địch phục. Chưa kịp trở tay đã không thấy ông thương binh đâu. Thì ra, nghe tiếng súng địch phục kích, ông bạn đã nhảy tót vào gốc cây từ lúc nào không biết… May không ai việc gì.

CÚC PHƯƠNG:  Anh có ở phía sau của E và F, nhiều lần chứng kiến và cả tham gia hội chẩn những ca đặc biệt mới thấu hiểu anh em ở phẫu, cảnh anh em bị thương đưa về, nói những lời cuối cùng gửi người thân và đồng đội trước lúc vĩnh biệt cõi trần và lúc vuốt mắt với lời cầu nguyện cho anh em mình để đưa về nghĩa trang sư đoàn, chờ mùa khô mới đưa về Đất Mẹ Việt Nam. Cuộc chiến thật tàn khốc; mình tin anh em mình ở đó và sau này về nước luôn thương yêu nhau, vui vẻ đoàn kết, có điều kiện là giúp đỡ nhau.

NGUYỄN TUẤN: Trinh sát tay nghề non thường hay bị bộ binh chửi. Càng chửi càng cuống, mất tự tin càng hay bị lạc. Đi đúng hướng nhưng phải qua rừng ô rô, lính mang vác cồng kềnh, vướng dây, cũng bị chửi. Qua bãi, nhiều hố, lính ngã, cũng ngoạc mồm lên chửi. Đi chưa đến nơi mà ông nào cũng nhao nhao hỏi, sắp về chưa? Còn mấy cây? Tui thấy hình như ông đi chệch hướng…

SAUBE DAKTO: Thuốc rê giấy báo, mắm cô nấu đậu phộng, cơm sấy và gạo mục, thịt hộp một đại đội nấu canh một lon. Gác đêm buồn thúi ruột. Nhìn sao Tua Rua và sao Mỏ Cày nhớ quê hương và cha mẹ vô cùng…

NGUYỄN THANH THỦY: Có bài viết thật cảm động. Đọc xong em thấy nghẹn lòng… Thế hệ bọn em không thấy nhiều anh hùng nữa… Các anh không chỉ nhớ về đồng đội qua hồi ức mà còn quan tâm, đến thăm gia đình của đồng đội cũ đã hy sinh. Tình đồng đội của các anh đáng để chúng em học tập.

HÀ VÕ: Những người lính trẻ tình nguyện rất anh dũng. Mặc dù đầy gian khổ, hiểm nguy, nhưng các chú không ngần ngại. Tình cảm của các chú dành cho nhau như anh em ruột thịt, xứng đáng là những tấm gương cho thế hệ chúng cháu noi theo.




Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com