THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tổn thương “người cũ”

LÊ MINH QUỐC: Tổn thương “người cũ”

 

tonthuog-nguoi-cu-1-R

Cứ tưởng rằng, sự kết hợp “nhân duyên” giữa hai con người xa lạ sẽ mãi mãi như chim liền cánh, như cây liền cành. Họ chung sống một đời, chia sẻ buồn vui cho nhau, gắn bó như hình với bóng. Nhưng rồi, cuộc sống có lắm điều bất ngờ, oái ăm khiến nhiều người choáng váng không dám tin, dù đó là sự thật.

Mà chuyện ly hôn, li dị nghĩ cho cùng cũng là lẽ thường tình. Đã không thể chung sống với nhau được nữa, gặp mặt nhau chỉ tuôn ra những lời mắng mỏ xối xả, đay nghiến, hận thù thì cách giải thoát cho nhau vẫn là đường ai nấy đi. “Đi” là xong vì không ai còn có trách nhiệm gì với nhau nữa. Lúc đó, ai muốn làm gì thì làm, muốn gì thì cứ việc, kể cả việc “lật qua trang mới’ với người mới. Với họ, một khi đã chia tay rồi, tòa án đã thuận tình thì “người cũ” không can cớ gì có quyền xía vào cuộc sống riêng tư của họ nữa.

Suy nghĩ này có đúng không?

Vì nhiều lý do, vợ chồng anh Tiễn - bạn tôi ly dị nhau. Khi ra tòa, chị Nguyện - vợ anh được quyền nuôi con và anh có nghĩa vụ phải chu cấp hàng tháng cho đến lúc con thi đậu đại học. “Trai ba mươi tuổi đương xoan” nên chỉ một thời gian ngắn, anh dễ dàng “làm lại cuộc đời” với “tập 2”. Trong khi đó, vợ anh “đã toan về già”, hơn nữa chị cũng không muốn “đi bước nữa”.

Thời gian đầu không có gì đáng phàn nàn, sự việc chỉ trở nên xích mích khi anh tham gia trang mạng xã hội. Ngày nào anh cũng khoe mình đang du hí nơi này, mua sắm, ăn uống sang trọng nơi nọ rất mãn nguyện. Không những thế, anh còn “up” hình ảnh tình tứ với “người mới” rồi khoe những quần áo mới, đồ chơi “xịn” vừa mua cho con của nàng… Chẳng qua anh muốn “thông báo” với vợ cũ, sau khi chia tay, anh mới thật sự “tìm được chính mình” và đang sống những tháng ngày hạnh phúc.

“Vậy hóa ra trước đó, chỉ là sự u ám đáng tiếc, không có kỷ niệm gì êm đềm đáng nhớ sao?”, chị Nguyện đã tự hỏi khi xem các hình ảnh “chướng tai gai mắt” đó. Dù vậy, chị cũng chẳng nói gì, chỉ buồn thôi. Nhưng con gái của chị lại khác, mỗi lần nhìn hình ảnh ông dung dăng dung dẻ với vợ mới, cháu lại tủi thân rồi không kiềm chế được cảm xúc, cháu tự ý comment: “Con gái ruột lại không được bố chăm sóc chu đáo bằng con người dưng. Hic, hic”!

Chỉ một câu tủi thân đó thôi, anh Tiễn đâm ra chột dạ, thay vì xóa bỏ ý kiến đó rồi tìm cách “hạ hồi phân giải”, anh lại trả đũa ngay, đại khái, con cái hỉ mũi chưa sạch biết gì mà “bình luận” chuyện của người lớn! Biết được xích mích của hai bố con anh, cô vợ mới lại quả quyết chính cô vợ cũ “ghen ăn tức ở” nên xúi con gái mắng bố! Đàn bà như thế là kém tư cách, “không ra gì”, đã ly dị rồi thì lấy quyền gì can thiệp vào đời tư của người ta?

Nếu mọi chuyện chỉ tranh luận, cãi cọ trong “phạm vi hẹp” thì không sao, vẫn còn có cách thu xếp. Nhưng một khi đã đưa công khai lên trang mạng xã hội thì vấn đề lại trở nên “trầm trọng”. Thiên hạ biết chuyện liền ùn ùn tham gia ý kiến. Người tán thành, kẻ “ném đá”. Chín người mười ý. Cuối cùng, anh cáu quá nên điện thoại mắng vợ cũ một trận ra trò như thể chính chị là thủ phạm của sự rắc rối này. Từ đó, mối quan hệ rạn nứt hẳn, khó có thể hàn gắn, trở lại tình trạng như thỏa thuận lúc ra tòa “dù ly dị nhưng vẫn xem nhau như là bạn”.

Khi kể tôi nghe lại chuyện này, anh Tiễn buồn xo, thở dài: “Nếu ngày đó, tớ không “hiếu thắng” và tinh tế một chút, mọi việc đã tốt đẹp”. Có những ngày nhớ con gái quá, anh lặng lẽ đến trường, chờ lúc con tan học để gặp gỡ, trò chuyện nhưng khổ tâm nhất là khi tặng quà, cháu nhất định không nhận. Có phải do ghét bố hay do mẹ đã ngăn cấm con gái nhận quà? Không giải thích được lý do nhưng thái độ cương quyết của con đã khiến anh đau khổ, day dứt mãi.

Ngược lại, chị Xuân - vợ của người bạn tôi cũng rơi vào trường hợp tương tự. Sau ngày ly dị với chồng, chị “gá nghĩa” với một doanh nhân, nhờ vậy đời sống sung túc hơn. Khi trò chuyện với con, chị thường nhấn mạnh: “Mẹ con mình còn ở với “ổng” chỉ có nước ăn cám. Đàn ông đàn ang gì mà…”. Vì thế, hai đứa con cũng đâm ra xem thường ông bố không chỉ nghèo hèn mà còn bất tài. Mãi đến lúc chồng cũ nhập viện vì tai biến, các con lại tỏ ra hờ hững như đối với người xa lạ, chị giật mình vì có điều gì không ổn.

Thật vậy, dù đã chia tay nhau nhưng rồi giữa hai người vẫn không thể “đoạn tuyệt” được nhau, vì giữa họ còn có mối liên hệ không cách gì chối bỏ là con cái. Có lẽ “người trong cuộc” nên “nhìn trước ngó sau” một chút. Mọi sự khoe khoan nhằm ngụ ý “dằn mặt”: “Không đến anh/em, có khi cuộc đời lại tốt hơn nhiều!”. Song có nên đối xử “cạn tàu ráo máng” như thế không?

Hết tình vẫn còn nghĩa. Cái nghĩa đối với nhau sau khi chia tay, đôi khi chẳng có gì to tát gì, chỉ cần cân nhắc: Hành động của mình liệu có gây tổn thương cho “người cũ”? Dù biện minh việc làm đó nhằm “thỏa mãn sự bực bội hoặc dằn mặt, “trêu ngươi” cho bõ ghét nhưng biết đâu chính mình rồi đây phải gánh chịu hậu quả?

L.M.Q
(nguồn: TGPN 7.9.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com