THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “Ăn vụng” vì bị xem thường

LÊ MINH QUỐC: “Ăn vụng” vì bị xem thường


anvung-vi-bi-xem-thuong-1-R

 

Ai cũng thừa biết rằng, một khi đã léng phéng “ngoài luồng”, nếu bị phát hiện, dù bào chữa bằng lý do “chính đáng” gì đi nữa, dư luận cũng khó có cái nhìn thông cảm.

Nhưng rồi, tại sao từ xưa đến nay,  vẫn xẩy ra chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem”?

Tôi có quen nhiều chuyên gia tâm lý, họ đã từng tháo gỡ nhiều ca ngoại tình, qua trò chuyện, điều khiến tôi bất ngờ nhất vẫn là lý do cứ tưởng “chuyện như đùa”. Những mẩu chuyện sau đây đều có “mẫu số chung”.

Trong gia đình X, một lời của chồng chị “ban” ra không riêng gì chị mà con cái cũng đều phải tuân theo răm rắp, dù thấy sai lè lè nhưng đố dám cãi. Vừa há miệng ra, người chồng đã quát tháo ầm ĩ, khó có thể tranh luận. Tính gia trưởng ấy diễn ra mọi lúc mọi nơi, kể cả… trên giường ngủ. Sự thăng hoa, hoan lạc đối với chị không phải lạc thú, phải chịu đựng thì đúng hơn. Bất kể lúc nào, dù chồng đang say sỉn tèm nhem hoặc chị ốm đau nhưng chồng đã muốn là “trời muốn”. Khó có thể chối từ nếu không muốn phải nghe những lời chì chiết, đay nghiến, cằn nhằn thậm chí mạt sát thô tục từ miệng chồng.

Ngày kia, người chồng đưa cả gia đình du lịch nước ngoài, nhưng vào phút chót anh thay đổi ý định. Mẹ con chị cứ việc đi. Anh ở nhà. Cấm mà cãi. Khi sang nước ngoài, chị tình cờ làm quen với người đàn ông đi cùng chuyến. Nơi xa lạ, suốt một tuần cùng đoàn đi tham quan, ăn uống chung, họ có dịp tìm hiểu nhau và dần dà thân thiết. Điều khiến chị hài lòng, có tình cảm vì thái độ cư xử của người đó thân mật, nhẹ nhàng chứ không như chồng lúc nào cũng chỉ ra lệnh bằng các câu mệnh lệnh khô khốc.

Trước ngày về nước, các con tranh thủ theo đoàn tiếp tục đi mua sắm, do mệt nên chị ở lại khách sạn và tranh thủ sắp xếp hành lý, quà cáp. Lúc ấy, như một sự ngẫu nhiên, người đàn ông đó bước sang phòng chị, và… “Chuyện gì đến phải đến”. Chị ngạc nhiên vì đã tìm thấy một cảm giác, cảm hứng mới lạ mà lâu nay với chồng không hề đạt được, nói cách khác, chị được tôn trọng từ câu nói mơn trớn đến những cử chỉ ve vuốt…

Sau chuyến đi ấy, chị sống trong sự giằng co khó có thể tìm được câu trả lời: làm thế nào để chồng mình cũng có được thái độ thân thiện, sự quan tâm như người đàn ông ông xa lạ kia? Nếu không giải quyết được, chắc chắn sự việc tồi tệ sẽ còn có cơ hội tái diễn, dù chị không hề muốn phản bội chồng.

Sau khi kể tôi nghe chuyện này, vị chuyên gia tâm lý gật gù bảo: “Sở dĩ người đàn ông xa lạ kia “đạt được mục tiêu”, chỉ vì anh ta đã đáp ứng được một điều mà chị X đang thiếu, đang cần. Đó là sự tôn trọng trong phép ứng xử giữa chồng và vợ”.

Ngẫm đi ngẫm lại, tôi nhận thấy đúng. Một khi cảm thấy mình luôn “dưới cơ”, bị xem thường, bị “đè nén” quá mức thì người vợ/chồng thường có khuynh hướng một tìm một lối thoát khác. Không phải lúc ấy họ đã hết yêu, hết thương, đã quên nghĩa vụ đối với gia đình nhưng tự thâm tâm họ lại có đòi hỏi chính đáng là bản thân mình phải được tôn trọng, được bình đẳng dù là trên giường ngủ với cảm xúc rất bản năng.

Tôi có anh bạn thân, ai cũng khen “tốt số” vì sau khi tốt nghiệp đại học, anh may mắn cưới được con gái của vị quan chức nọ. Nhờ uy tín và tài sản của gia đình vợ nên anh có cuộc sống nhàn nhã. Mỗi ngày, anh chỉ có nhiệm vụ đơn giản là đánh xe đưa vợ đi làm, đón đưa con đi học. Việc vợ kinh doanh, thu nhập thế nào anh không phải bận tâm. Đúng là sướng quá.

Nhìn bề ngoài là vậy, chứ trong mắt vợ anh không là “cái đinh” gì. Mọi việc trong nhà, chỉ vợ mới là người có quyền quyết định. Nhiều lần anh tâm sự: “Ngay cả lúc tớ muốn “ấy” nhưng một khi vợ không cho, dù năn nỉ đến gẫy lưỡi cũng đành chịu. Ngược lại, vợ đã muốn thì tớ phải cung cúc “thi hành nhiệm vụ”, không thể tìm cớ thoái thác. Mà mỗi lần “như thế, như thế”, tớ có cảm giác như được vợ “ban phát”, chứ không phải xuất phát từ cảm hứng yêu thương tình của tình chồng nghĩa vợ. Vậy tớ phải làm sao?”.

Bẵng đi một thời gian dài, tôi lại hay tin chuyện gia đình anh lục đục.  Cô vợ phát hiện anh “ăn vụng” với Osin! Tương tự với các trường hợp đáng chê trách khác, nhiều người đàn ông cho biết vì chỉ những lúc ấy họ mới thật sự “làm chủ” tình hình, giành lấy quyền chủ động chứ không phải kẻ lép vế, phải “xin xỏ”, phải vào tùy thuộc “quyền lực” của vợ!

Vẫn biết rằng, chẳng một ai điên rồ cổ xúy cho việc ngoại tình. Nhưng cách phòng tránh thế nào, khó có thể đưa ra một “công thức” chung. Qua những mẩu chuyện trên, ta giật mình thấy rằng, đôi khi sự việc lại bắt đầu từ thái độ thiếu tôn trọng, xem chồng/ vợ như “kẻ dưới cơ”

L.M.Q
(nguồn: TGPN 31.8.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com