THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Chiến lũy lòng dân

LÊ MINH QUỐC: Chiến lũy lòng dân


Khi xem lại bộ phim Em bé Hà Nội, ngạc nhiên quá, giữa lúc bom rơi đạn nổ vẫn có những sớm mai nắng đẹp như mơ, dòng người thản nhiên xuống phố và cất lên tiếng hát trong trẻo, xao xuyến lạ thường: “Hà Nội ơi trong ánh bình minh lên/ Mặt Hồ Gươm soi bóng cờ cao bay/ Hà Nội của em xinh tươi/ Tràn ngập niềm vui nơi nơi…”. Trong bất kỳ tình huống nào dù cận kề cái chết, nhưng người Việt vẫn phơi phới lạc quan yêu đời. Mà đâu chỉ có thế, lịch sử của hơn bốn ngàn năm đã chứng minh một chân lý: khi đất nước đứng trước nguy cơ ngoại xâm, mỗi một người lại tự giác gác mọi tị hiềm, bè phái để tập trung sức mạnh chống kẻ thù chung. Sự đoàn kết một lòng ấy mới là nội lực ghê gớm nhất.

Có phải, vì quá tự hào về dân tộc mình nên tôi đã cho phép mình “tự sướng” chăng? Không đâu. Sử gia Pháp là Gosselin đã kinh ngạc nhận định: “Khi chúng ta đặt chân đến đất nước này, chúng ta phải đối đầu với một dân tộc có sự thống nhất ngoài sức tưởng tượng của chúng ta”.

Những này ngày, cả nước đoàn kết hướng về Hoàng Sa, Trường Sa mà cách bày tỏ lòng yêu nước theo cách của mình. Tất cả đều thật tâm, nhiệt tình, đau đáu với vận mệnh dân tộc.

Trong những ngày biển động dậy sóng, thậm chí máu đã hòa vào biển mặn, lướt trên các trang mạng xã hội, tôi đã thấy có nhiều ý kiến cực đoan, rằng yêu nước phải thế này, thế này, thế nọ… Nói như thế là tự bó buộc phương thức đấu tranh vốn uyển chuyển, linh hoạt, khôn khéo hàng ngàn năm nay của dân tộc Việt anh hùng. Hãy nhìn cấu trúc một ngôi nhà, có loại gỗ làm kèo, làm cột; cũng có loại tre là rui, làm mè… Chẳng ai ngốc dại so sánh cái nào giá trị hơn, cần thiết hơn cái nào.

Yêu nước là một cụm từ tưởng mơ hồ, khó “cân đong đo đếm” nhưng thật ra sự biểu hiện ấy dễ dàng nhận ra qua các việc làm cụ thể, tùy theo vị trí của mỗi người. Làm sao chúng ta không biểu dương tấm lòng của mọi người, mọi giới đang diễn ra như Cuộc thi Hoa hậu đại dương VN 2014 sẽ có những hoạt động gây quỹ nhằm chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông; mới đây, tại NVH Thanh Niên đã diễn ra cuộc tập hợp đông đảo ca sĩ thực hiện video clip cho Những trái tim VN sẽ phát trên các sóng truyền hình; không chỉ các NXB trong cả cả nước, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa gửi tặng chiến sĩ Hoàng Sa toàn bộ tác phẩm đã in; nhiều nhạc sĩ đã có sáng tác mới hướng về biển đảo thiêng liêng, rồi các cơ quan ngôn luận cũng có quỹ kêu gọi đồng bào đóng góp “của ít lòng nhiều” gửi ra tuyến đầu… Không chỉ trong nước, ngay cả đồng bào Việt ở hải ngoại cũng nhanh chóng tổ chức nhiều hoạt động hướng về Tổ quốc.

Điều quan trọng nhất là làm sống sức mạnh nội tại của dân tộc Việt. Sức mạnh đó chính là sự đoàn kết. Ai dám nói, những những ca khúc, những bài thơ hừng hực khí thế; rồi sự ý thức lưu giữ sắc phong triều Nguyễn của ngư dân Lý Sơn; các cuộc triển lãm bản đồ từ các thế kỷ trước khẳng định chủ quyền biển đảo… không góp phần kích thích tinh thần chiến đấu các chiến sĩ ngoài biển Đông? Mỗi người có cách thể hiện lòng yêu nước. Và khi mỗi người làm thật tốt công việc của mình hằng ngày cũng là một cách thể hiện tấm lòng đối với non sông đất nước. Bởi sợi chỉ đỏ xuyên suốt chính là sự đoàn kết. Tinh thần ấy gắn kết mỗi cá thể để trở thành một chiến lũy vững vàng, không một sức mạnh nào của ngoại xâm có thể phá vỡ.

 

chien-liuy-longdan


L.M.Q

(nguồn: Báo PN  22.5.2014)  

 

Cùng một chủ đề:

LÊ MINH QUỐC: Thành trì lòng dân

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com