THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Mùa xanh của đời

LÊ MINH QUỐC: Mùa xanh của đời

muaxanhcua-doi

Đi giữa dòng đời tấp nập, có lúc gặp những gương mặt xa lạ dù họ tỏ ra thân thiện, hiền từ nhưng tôi vẫn e ngại, nghi ngờ; không dám vồn vập tay mắt mặt mừng, sẻ chia những cảm nghĩ thầm kín, dù lúc ấy rất cần một lời dỗ dành, an ủi. Biết đâu gai nhọn đang ẩn giấu trong cái bắt tay thân thiện? Biết đâu những Lý Thông, Bùi Kiệm, Sở Khanh… đang đeo mặt nạ của Lục Vân Tiên, Thạch Sanh? Sự nghi ngại ấy cũng là lẽ thường tình, bởi cuộc sống có quá nhiều bi kịch do lòng tin đặt nhầm chỗ.

Mà thật lạ, với gương mặt trẻ thơ dù chỉ gặp lần thứ nhất trong đời, ngay lập tức trong lòng tôi đã dậy lên một niềm tin cậy. Mọi điều nghi ngại đều tan biến đi, chỉ còn lại tình người từ ánh mắt nhìn trong veo, từ tiếng cười vô tư, từ giọng nói hồn nhiên như mưa nguồn đầu mùa gió mới… Cảm giác thân thiện ấy, chắc chắn trong đời, ai cũng đã gặp.

Khi nhìn đứa trẻ, ai không nghĩ đến mầm xanh mới nhú? Với tình cảm tự nhiên, ai lại không muốn mở rộng vòng tay bảo bọc, che chở? Có đôi lúc nửa đêm bàng hoàng thức dậy, trong lòng sực nhớ và âu lo điều gì, nếu lúc ấy nhìn gương mặt trẻ em thì tự nhiên nhiều người cảm thấy chính mình như đang được che chở. Trẻ thơ kỳ lạ lắm, khi nhắm mắt ngủ thì gương mặt ấy đẹp tựa thiên thần. Gương mặt thanh thản ấy khiến chúng ta xấu hổ nếu buông tiếng thở dài mỏi mệt, bỏ cuộc trên trên chặng đường gian nan sắp tới.

Có những lúc chính trẻ em đã hướng thiện người lớn. Ta sẽ cảm thấy xấu hổ nếu phải đối thoại, trò chuyện với trẻ em bằng những ngôn từ phù phép, xảo trá. Do đó, giữ cho mầm non thánh thiện ấy, không phải bầm dập trước cuồng phong bảo táp của đời sống chính là trách nhiệm của người lớn chúng ta.

Tuy nhiên, mỗi ngày đi qua có phải lúc nào cũng nghe vọng về tiếng hát, cười đùa hồn nhiên tư trẻ nhỏ? Không. Có những tiếng khóc xé lòng khi đâu đó vẫn còn sự ngược đãi, hành hạ trẻ em. Vẫn còn đó tiếng kêu thương từ nhà trẻ nọ mà “bảo mẫu” trở thành “ác mẫu”; từ những hang ổ của bọn quỷ đói lợi dụng thân xác đứa trẻ; từ những công việc nặng nhọc kiếm sống oằn vai chú nhóc… Những lúc ấy, than ôi, đứa trẻ nhìn quanh cầu cứu nhưng không có nàng tiên, ông bụt xuất hiện kịp thời. Những tiếng kêu thương ấy chỉ hằn vết căm thù trong trí óc non nớt khó phai. Thử hỏi, đứa trẻ ấy sau này khi lớn lên sẽ lấy gì làm hành trang tu dưỡng tâm hồn?

Khi người lớn chúng ta thể hiện sự khát vọng về một ngày mai tươi đẹp, về một thế giới các màu da chung sống hòa bình thì có lẽ, việc làm trước nhất vẫn chính là chăm lo, bảo vệ trẻ em. Mà nói đến trẻ em, không thể quên những nhu cầu rất đỗi “tầm thường” như chúng phải được ăn no, được ngủ ngon, được đến trường… Nhưng vì sao có đứa trẻ nào từ lúc lọt lòng mẹ đã bị tước đoạt những nhu cầu ấy?

Đừng nhìn đâu xa, có lúc nào trong tất bật công việc kiếm sống mỗi ngày, chúng ta nhín lại một ít thời gian cho con em mình? Vui chơi, lắng nghe lời tâm sự, san sẻ buồn vui mỗi ngày với chúng có phải là điều quá khó khăn?

Ai cũng là bà tiên, ông bụt của trẻ em nếu mỗi ngày tự ý thức gieo mầm hướng thiện trong tâm hồn trẻ nhỏ bằng tất cả sự yêu thương. “Nếu không như trẻ con, ngươi sẽ không vào được nước Thiên đàng”. Tôi nghĩ nôm na, sở dĩ như thế bởi ngay từ thuở lọt lòng mỗi đứa trẻ là một biểu tượng sống động nhất về hình ảnh Thiên đàng dưới trần thế. Do vậy, với hành động vun đắp, ươm mầm, chăm lo cho trẻ em từ những việc nhỏ hằng ngày, há chẳng phải là một việc làm tích cực đó sao?

L.M.Q
(nguồn: báo PNCN 8.6.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com