VĂN XUÔI Truyện dài Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN - Chương 9

Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN - Chương 9

Mục lục
Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Tất cả các trang

Chương 9

Từ ngày sống xa chị, Dũng có cảm tưởng như mình đã trưởng thành hơn. Anh nghĩ đến chuyện phải tự mình kiếm ra tiền để đóng học phí, để mua sách vở. Không thể mãi trông cậy vào má và những đồng tiền bẩn thỉu của chị Lan. Nhưng kiếm tiền bằng cách nào? Đi dạy kèm như Hải à? Dũng đã đăng ký tìm việc nơi trung tâm giới thiệu việc làm nhưng người ta chưa báo tin gì cả. Trưa nay, ăn cơm xong, Dũng không ngủ trưa như mọi ngày mà anh rủ Lâm đạp xe xuống phố. Cả hai lang thang đi tìm việc làm.

Trời ngả dần về chiều. Dù đã mỏi nhừ chân nhưng Dũng và Lâm bỗng tỉnh như sáo khi thấy trước mặt mình là tấm bảng có ghi dòng chữ hấp dẫn: “Cần tuyển nhân viên tiếp thị. Điều kiện dễ dàng”. Hai chàng sinh viên dừng xe, bước vào. Tiếp họ là một người đàn ông trông dáng trí thức, đeo kính cận, nói năng từ tốn. Sau vài câu hỏi xã giao, ông ta nói:

- Sản phẩm dầu gội đầu, xà bông tắm của công ty chúng tôi nhập từ Pháp, Mỹ, Ý, Tây Ban Nhạ.. rất có uy tín trên thị trường.

Dũng cầm sản phẩm lên săm soi. Anh thấy quả thật như thế vì bao bì in lòe loẹt và nhất là những dòng chữ bằng tiếng Anh giới thiệu sản phẩm này được sản xuất theo công nghệ hiện đại nhất trên thế giới. Ông chủ nói tiếp:

- Không những thế, công ty cũng điều hành nhân viên theo phương thức Âu Tây, nghĩa là không trả lương hàng tháng...

Lâm kêu lên:

- Không trả lương?

Ông ta cười giòn tan:

- Hề hề... Ai mới nhận việc nơi đây cũng đều nói như cậu cả. Nhưng không sao. Chỉ tại cậu chưa rõ đấy thôi. Này nhé...

Dũng và Lâm tròn xoe mắt và lắng nghe ông ta nói trầm tĩnh, nhỏ nhẹ như rót mật vào tai:

- Không trả lương mà các cậu vẫn sống ngon lành, nghĩa là “ăn” theo sản phẩm. Cứ mỗi sản phẩm bán được thì các cậu được hưởng 30% trên tổng số tiền đó.

Dũng nhẩm tính và nói luôn:

- Chẳng hạn, chai dầu gội đầu này giá 30.000 đồng thì chúng tôi được hưởng 9.000 đồng!

Ông ta khịt mũi:

- Cậu tính toán rất đúng. Rất giỏi. Nhưng đó mới là chuyện nhỏ. Nghe này nhé! Chuyện lớn là công ty chúng tôi trong đợt này có chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng. Hễ họ trúng thì các cậu cũng được hưởng phần trăm trên tổng số tiền đó. Yên tâm chưa?

Dũng và Lâm thấy mình may mắn quá. Chỉ tốn công sức đi giới thiệu và bán sản phẩm mà thu được số tiền không phải là nhỏ. Nếu mình bán nhiều thì tiền nhiều. Thôi thì, dành một ít thời gian cũng không sao?

Ông ta cắt ngang suy nghĩ của hai cậu sinh viên:

- Đồng ý chưa? Ngày mai đến nhận việc nhé! Chỉ cần hai cậu để lại chứng minh nhân dân hoặc thẻ sinh viên cho chúng tôi là được.

Dũng và Lâm chọn ngày thứ bảy, được nghỉ học để thực hiện một công việc lạ lẫm đầu tiên trong đời. Cả hai khệ nệ chất sản phẩm lên xe đạp và đi vào trong các khu lao động. Họ tin rằng nhờ có chương trình khuyến mãi mua xà bông, dầu gội đầu mà trúng đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay thậm chí còn có thể trúng chuyến đi du lịch ở Thái Lan, Singaporẹ.. thì ai cũng thích. Hàng sẽ bán đắt như tôm tươi!

Trong ngày đầu tiên, cả hai gõ cửa mời bà cụ da nhăn nheo mua sản phẩm này. Trông bà cụ từa tựa như má mình nên Dũng nói năng đầy tình cảm và dần dần thuyết phục được bà cụ. Ơ hay! Trông bà cụ hom hem, mắt mũi kèm nhèm thế mà lại hên. Ngay sau khi xé bao bì bên ngoài ra thì đã thấy phiếu trúng thưởng. Ngay cả Dũng và Lâm cũng giật thót tim khi đọc trong phiếu thấy ghi phiếu này là dành cho người may mắn một chuyến đi du lịch Thái Lan! Dũng reo lên như chính mình vừa trúng số độc đắc:

- A! Cụ trúng rồi! Trúng rồi!

Bà cụ lẩm cẩm hỏi lại:

- Trúng cái gì vậy cậu?

Sau khi nghe giải thích, bà cụ sung sướng đến chảy nước mắt. Cụ không ngờ mình lại may mắn đến thế. Chờ cho cụ lắng cơn xúc động thì Lâm mới nói:

- Thưa cụ, theo quy định của công ty thì người trúng thưởng ngoài việc mua sản phẩm này còn phải đóng thêm 180.000 đồng để công ty làm thủ tục du lịch. Ngoài ra không phải mất thêm một khoản tiền nào cả.

Thấy bà cụ chần chừ, Dũng nói thêm:

- Công ty của chúng con có cả địa chỉ, số điện thoại đây. Xin cụ an tâm. Ngày mai cụ theo địa chỉ này đến làm thủ tục, nếu cụ không thích đi xa thì dành cho con cháu của cụ cũng được!

Lâm cũng nói:

- Tiền đi du lịch cả bạc triệu, công ty đài thọ cho cụ suốt một tuần lễ “ăn chơi nhảy múa” ở nước ngoài thì vài trăm ngàn của cụ thấm vào đâu!

Bà cụ nghe nói cũng bùi tai bèn vào trong nhà lấy đủ số tiền trao cho Dũng và Lâm. Đã thế, trước lúc cả hai đứng dậy để đi bán tiếp, cụ còn đem cả nải chuối thơm phức ra mời. Dũng và Lâm tự cho mình may mắn, ngay trong ngày đầu tiên làm nhân viên tiếp thị đã thuận buồm xuôi gió...

Suốt một ngày ròng rã, hai chàng sinh viên đã bán được khá nhiều sản phẩm. Điều mà họ vui mừng nhất là bất cứ ai mua hàng cũng trúng thưởng, có người trúng phiếu nhận đồng hồ, có người trúng phiếu đi du lịch... Họ gật gù tự hào vì mình đã đem lại niềm vui cho kẻ khác.

Chiều xuống, Dũng và Lâm đem tiền và sản phẩm về nộp lại cho công ty. Tại đây, họ được trích nhận 30% trên tổng số tiền đã thu vào. Dũng và Lâm thầm cám ơn cuộc đời đã cho mình có cơ hội tìm ra tiền một cách dễ dàng. Trên đường về ký túc xá, Lâm nói:

- Nè Dũng! Tao thấy trúng cũng dễ quá! Sao mình không mua lấy chính sản phẩm của mình, may ra có cơ hội may mắn như những người khác?

Dũng đáp:

- Nhưng mua xà bông với dầu gội đầu làm gì? Để dành tiền mua sách vở vẫn tốt hơn Lâm à. Đừng có tham, lỡ trật thì phí tiền.

Lâm xuôi xị:

- Ừ! Mày nói nghe cũng có lý!

Đêm đó, đôi bạn ngủ thật ngon, chỉ mong trời mau sáng.

Trời sáng.

Họ lại nhanh chóng có mặt tại công ty để nhận sản phẩm như ngày hôm qua. Lần này, họ tiếp tục đi sâu vào trong xóm lao động. Cuối hẻm là ngôi nhà khang trang. Có một người đàn ông bước ra với một vết sẹo chạy ngang qua mặt trông khá dữ dằn. Dũng ngờ ngợ đã thoáng thấy người này ở đâu đó nhưng anh không thể nghĩ ra. Ôi! Trên đời này biết bao gương mặt hao hao giống nhau cơ mà.

Người đó chính là Phi.

Đợi cho Dũng và Lâm “giở chiêu” mời mọc, Phi nói:

- Bán xà bông và dầu gội đầu, có đúng không?

Tưởng Phi trông chờ để mua hàng, Lâm liến thoắng giới thiệu sản phẩm và không quên thòng một câu rất hấp dẫn:

- Nếu anh mua thì có cơ hội trúng thưởng nữa đó!

Phi nhếch miệng:

- Thế à? Vậy hai em là sinh viên trường nào mà phải đi làm thêm như thế này?

Cả hai thành thật kể lại hoàn cảnh của mình. Phi có linh cảm Dũng là em của Lan, nhất là nghe giọng nói Quảng Nam quen thuộc nhưng anh không dám hỏi lại cặn kẽ hơn. Nhìn gương mặt ngây ngô, trong sáng của họ,ï Phi bỗng thấy thương cảm. Suy nghĩ một lúc anh nói dứt khoát:

- Anh phải gọi công an lại để bắt hai em về tội lừa đảo!

Tội lừa đảo? Cả hai hoảng hốt suýt kêu lên. Mình đi bán hàng đàng hoàng cho công ty có địa chỉ, điện thoại hẳn hoi, tiền trao cháo múc mà nói là lừa đảo à? Vô lý! Dũng và Lâm định gân cổ lên cãi thì Phi đã nhẹ nhàng:

- Xà bông này, dầu gội đầu này ngoài chợ chỉ bán không đến 10 ngàn đồng mà hai em lại bán đến 30ngàn đồng. Vậy không lừa đảo thì là gì?

Lâm cãi:

- Anh đã nhầm. Đây là sản phẩm nhập từ nước ngoài chứ không phải hàng sản xuất trong nước.

Phi cười ruồi:

- Vậy à? Lấy gì làm bằng chứng? Nhưng thôi anh không tranh luận. Anh chỉ nói, nếu các em không tin thì tháo hết bao bì ra, xem có cục xà bông nào, chai dầu gội đầu nào mà không có phiếu trúng thưởng không?

Cả hai kinh ngạc trước lời nói quả quyết như đinh đóng cột. Không đợi cho cả hai trả lời, Phi xé toạc một chai dầu thì quả nhiên có phiếu trúng. Dũng và Lâm ngớ người ra. Họ thận trọng kiểm tra lại từng sản phẩm thì quả đúng như lời Phi nói. Dũng vẫn không thể nào tin vào mắt mình:

- Ai cũng trúng thưởng, thế thì làm sao công ty đủ tiền mà trả cho khách hàng?

Phi phá lên cười:

- Đó là công ty ma. Địa chỉ, số điện thoại ghi trên chai dầu, cục xà bông này đều là giả. Không tin, mấy em cứ kiểm tra lại xem!

Dũng và Lâm toát mồ hôi. Không ngờ, vì cả tin mà họ đã tiếp tay cho một trò lừa đảo tinh vi. Không khéo có ngày sẽ bị công an tóm cổ thôi. Họ run như cầy sấy. Thấy tội nghiệp, Phi nói:

- Thôi! Hai em đem trả sản phẩm này lại cho công ty và từ đây, đừng có dại dột nữa nhé. Tất cả đều chưa muộn đâu.

Cả hai ríu rít cám ơn Phi đã dạy cho họ một bài học quý giá. Khi cả hai quay xe ra thì bất chợt Phi gọi Dũng và nói nửa đùa nửa thật:

- Em cố gắng học cho giỏi. Anh tin rằng sẽ có người giúp đỡ em ăn học! Qúy nhân phù trợ là may mắn lắm đó em.

Dũng và Lâm dù đang âu lo nhưng cũng phì cười. Chẳng lẽ anh ta là thầy bói chăng?

Về đến công ty, cả hai không tiết lộ với ông chủ chuyện đã gặp sáng nay. Họ trả đầy đủ sản phẩm và xin rút lại thẻ sinh viên vì đã đến ngày thi nên không thể làm nhân viên tiếp thị được nữa. Ông chủ có vẻ tiếc rẻ, cố thuyết phục nhưng cả hai đều cương quyết từ chối...

* * *

Ngày tháng chậm rãi trôi qua. Đôi lúc, nhớ lại lời “phán” của người đàn ông có vết sẹo trên mặt, Dũng lại cười thầm. Không rõ căn cứ vào đâu anh ta lại nói mình sẽ có người giúp đỡ? Trưa nay, Dũng đang nằm khoèo trong ký túc xá thì có tiếng gọi của Hải và Lâm:

- Ê, Dũng! Mi trúng mánh lớn rồi!

Dũng ngạc nhiên:

- Mánh chi?

Hải lấy trong túi phiếu chuyển tiền, giơ trước mặt Dũng:

- Báo Tuổi Xanh mời mi đến toà soạn lãnh tiền. Mi bí mật viết bài cho báo phải không?

Dũng xua tay:

- Mình có biết viết báo bao giờ đâu? Chắc họ nhầm. Bao nhiêu người có tên họ trùng với mình?

Lâm nói:

- Không biết. Nhưng trong phiếu ghi tên, địa chỉ thì đúng là mi. Lộc trời cho, cứ nhận ngay.

Dũng lúng túng xem phiếu. Hải thúc giục:

- Thôi, xem làm chi nữa. Đến thẳng tòa báo hỏi xem, có gì lãnh luôn cho tiện. Mà dù có lãnh nhầm, sau mang đến trả cũng chẳng sao. Hề... hề...

Cũng khoái chí với ý nghĩ của bạn, Dũng đồng ý. Cả ba cùng nhau đến tòa soạn. Dũng trình thẻ sinh viên. Cô phát tiền kiểm tra rồi đưa tiền cho Dũng. Dũng tần ngần hỏi:

- Chị có thể cho biết ai đã gởi tiền được không?

- Chúng tôi là bộ phận trung gian, chỉ biết chuyển tiển. Trong thành phố, có nhiều sinh viên cũng được nhận tiền như anh. Thường do một người hảo tâm hay một ân nhân của anh gởi.

Dũng vò tai bứt tóc:

- Ly kỳ thiệt. Nhận tiền mà không biết ai gởi? Có nên nhận không?

Người phát tiền mỉm cười:

- Không sao, anh cứ nhận. Những ân nhân thường hay muốn giấu mình. Điều đó nhiều khi có tác dụng lớn, giúp cho sinh viên có nguồn động viên tinh thần âm thầm, cố gắng học tập, rèn luyện tốt hơn.

Dũng xuôi xị:

- Dạ, cảm ơn chị!

Ra khỏi tòa soạn, trong khi các bạn vui như Tết thì Dũng vẫn chưa hết băn khoăn. Anh không hiểu vì sao có một người hảo tâm nào đó lại quan tâm đến hoàn cảnh của mình? Trên đường về ký túc xá, Dũng xăng xái bước vào nhà sách. Anh mua nhiều sách về ngành y. Khi tính tiền, cô bán hàng nhìn Dũng dè đặt:

- 108 ngàn.

Dũng hiên ngang đáp:

- Không sao!

- Dạo này sách hơi đắt. Những sách chuyên ngành y ít người mua lắm.

Dũng nói:

- Nhưng sinh viên tụi em cần kiến thức, đắt mấy cũng phải mua. Chứ sau này về quê, khó kiếm lắm.

Cô bán hàng nhìn Dũng gật đầu:

- Chắc gia đình khá giả nên mới đủ sức theo học ngành y?

Không giấu được niềm vui, Dũng đáp:

- Không, nhà em nghèo nhưng em may mắn có người bảo trợ.

Cô bán hàng nhìn Dũng bằng đôi mắt thiện cảm:

- Thế thì hạnh phúc quá. Gắng học giỏi lên.

- Dạ, cám ơn lời khuyên của chị.

Dũng thong dong bước ra cửa hàng sách và anh huýt sáo vui vẻ. Ngước mặt nhìn lên trời xanh, Dũng thấy vòm trời xanh hơn mọi ngày. Anh không ngớt phân vân tự hỏi: Ai đã giúp đỡ cho mình như thế này? Quả là cứ như chuyện cổ tích.

Trong những ngày này, Phi thường lui tới nhà hàng Hoa Sứ để gặp Lan. Trong căn phòng lờ mờ ánh sáng, lần đầu tiên, Lan nghe Phi bộc bạch về cuộc đời của anh. Nghe xong, Lan ôm mặt nức nở:

- Anh Phi! Vậy mà lâu nay, em cứ tưởng...

Phi buồn bã:

- Từ ngày gặp em, trong tâm thức anh luôn nhớ đến người em gái đã qua đời. Em của anh cũng tên Lan, cũng hồn nhiên, trong sáng như em giữa cuộc đời nhiều chuyện nhố nhăng này. Anh xem Lan như em gái của anh. Anh thấy mình không thể tiếp tục hành động thô bỉ như đã từng làm. Sống mà không dám hiên ngang ngẩng mặt nhìn mọi người, lúc nào cũng cúi gằm mặt xuống đất vì mặc cảm thì khó sống lắm.

Lan hỏi dò:

- Sao anh không về quê sinh sống có hơn không?

Phi lắc đầu:

- Về quê à? Nhưng anh phải là người lương thiện, người tốt thì mới có thể nhìn bà con lối xóm mà không mắc cỡ...

Lan bùi ngùi:

- Má anh biết chuyện này chắc vui lắm!

Phi trầm ngâm:

- Chính vì nhớ đến má mà anh mới quyết định như thế. Nhưng khổ nỗi, ai tin anh sẽ thành người tốt? Vì thế anh mới có một ao ước, bao giờ anh có được bài thơ in trên báo thì đó cũng là ngày anh “rửa tay gác kiếm”.

Lan lè lưỡi:

- “Rửa tay gác kiếm”! Anh nói gì mà nghe ghê quá!

Phi gật đầu:

- Không, anh nói thật đấy! Đây cũng là ngày cuối cùng em làm ở quán này, ngày mai em nghỉ đi thôi. Mọi chuyện để anh thu xếp với anh Long chủ quán. Anh đã tìm việc làm khác cho em, không phải bán bia nơi này nữa.

Rồi như sực nhớ ra điều gì rất quan trọng, Phi nói lớn:

- À! Anh mới làm bài thơ. Em đọc thử xem.

Lan reo lên:

- Thật à?

Phi nhẹ nhàng lấy trong túi áo bài thơ đưa cho Lan. Nhưng rồi nghĩ sao đó, Phi lại nói:

- Thôi, để khi nào in trên báo thì em đọc luôn...

Cắt ngang tiếng nói của Phi là tiếng chạm ly nghe chát tai từ phòng bên cạnh vọng sang:

- Một trăm phần trăm!

Tiếng cười nói náo động ấy đã khiến Phi và Lan giật mình. Cả hai cùng im lặng. Họ biết có một nhóm văn nghệ sĩ trẻ đang uống bia. Chắc những người này đã uống nhiều rồi, lon vứt đầy dưới đất nên câu chuyện mới náo nhiệt đến thế. Họ nghe một người nói oang oang:

- Tôi xin đọc cho các bạn nghe một bài thơ của Xuân Diệu mà tôi tâm đắc. Là một nhạc sĩ nhưng tôi rất yêu thơ. Tôi sẽ phổ nhạc bài này. Nào, nghe nhé!

Có tiếng reo hò náo nhiệt:

- Đọc đi! Đọc to lên!

Bất chấp những tiếng gào lên, chàng nhạc sĩ hắng giọng đọc to:

Dâng bài vọng cổ giữa mưa đêm

“Con sáo sang sông” chứa vạn niềm

Tất cả nhớ thương về cập bến

Hồn anh say đắm giữa vời em...

Dâng điệu “Trường tương tư” nhạc Nam

“Văn Thiên Tường” ấy, khúc ai làm

Mưa đang lác đác lưng chừng ngớt

Nhạc tỏa trong phòng ánh sương lam!

Ngồi bên này, Phi lắng nghe như uống lấy từng chữ. Khi bài thơ vừa dứt, anh còn nghe rõ cả tiếng vỗ đùi đen đét:

- Hay! Tuyệt diệu. Ví nhạc như ánh sương trong phòng đúng là độc nhất vô nhị! Dô! Dô! Trăm phần trăm! Xin chúc mừng thơ và nhạc đồng điệu!

Có tiếng nói lớn:

- Trong thơ có nhạc. Trong nhạc có thơ! Nào, nâng ly, các chiến hữu.

Mọi người đứng dậy, tiếng ly chạm nhau nghe lanh canh. Họ uống nhự.. rồng leo, thật khí thế. Phi và Lan lắng nghe, cũng lây niềm vui.

Lát sau, có giọng một người khác ồm ồm:

- Các ông có cái cảm giác được chở người yêu sau xe chưa?

Có tiếng trả lời:

- Chuyện thường. Tôi ngày nào mà chẳng phải chở người yêu đi làm. Có lẽ mình sắp biến thành xe ôm.

Vẫn giọng ồm ồm:

- Ồ, không. Đó là chuyện bình thường của tất cả mọi người, Nhưng giác quan thi sĩ lúc đó thì phải căng ra, nghe được giọng người thương tâm sự mới hay. Tôi xin đọc bài thơ cũng của Xuân Diệu thì các ông sẽ thấy nó độc đáo thế nào. Nghe đây:

- Em ngồi ríu rít ở sau xe

Có tiếng của ai đó “bình”:

- Dở hơi! Em ngồi ríu rít thì té bổ chửng chớ còn gì!

Có tiếng phản bác:

- Thế mới là thơ. Thơ không cần hiểu, chỉ cần cảm thụ.

- Thôi, đọc tiếp đi. Cãi nhau sau.

Mọi người đều giữ im lặng. Giọng đọc thơ vang lên:

- Em ngồi ríu rít ở sau xe

Em nói lòng anh mải lắng nghe.

Nhịp thơ đang đi ngon trớn, bỗng có ai la toáng lên:

- Chú ý! Tai nạn giao thông!

Bất chấp, những lời bình phẩm ồn ào, giọng đọc thơ vẫn vang lên:

... Thỉnh thoảng tiếng cười em lại điểm

Đời vui khi được có em kề.

Gió thổi nhiều khi giọng nói bay

Chẳng cần nghĩa chữ vẫn nghe hay

Sau xe những tiếng em phơ phất

Cởi hết ưu phiền gởi gió mây...

Khi lời thơ vừa dứt, có người không kìm được xúc động:

- Hay quá! Tặng cho tôi ngay bài thơ ấy để tôi đọc cho bà xã nghe chơi!

Còn người khác, chắc là họa sĩ nên nói:

- Tôi sẽ vẽ một bức tranh theo chủ đề bài thơ này. Tình tứ quá. Hai người giữa phố đông mà hạnh phúc xiết bao!

Có người lại nói đùa:

- Còn tôi sẽ báo cảnh sát thổi phạt 200 ngàn vì tội không lo quan sát khi lái xe, cứ tâm tình với người yêu!

- Vậy mới là thơ chứ!

Phi và Lan cùng cười. Bỗng Phi đứng dậy. Anh nheo mắt nhìn sang phòng bên cạnh qua một ke hở, thấy một người có râu quai nón, đeo túi vải đang xua tay:

- Bài thơ đó viên mãn quá! Thơ viên mãn thì thiên hạ chóng quên. Còn thơ tôi là thơ của thời kỳ... tiền viên mãn! Tôi xin đọc một bài khác dường như cũng của Xuân Diệu mà hay hơn, đời hơn.

Người ngồi đối diện cao hứng:

- Này nhà thơ! Làm một ly cho bốc rồi đọc!

Mọi người lại cùng nâng ly. Anh chàng nhà thơ ngửa cổ nốc cạn rồi cất giọng:

Anh có nhà có cửa

Nhưng không vợ không con

Sợ cái bếp không lửa

Sợ cái cửa không đèn

Những đêm đi xa về

Tận xa nhìn cửa đóng

Không ánh sáng đón mình

Chẳng có ai trông ngóng.

Những vần thơ nói đúng tâm trạng của Phi. Anh thật xúc động. Anh có cảm tưởng như bài thơ ấy, tác giả đã viết riêng để tặng cho anh. Anh rơm rớm nước mắt như đứa trẻ nghe được lời dỗ dành:

Từ khi em đến anh

Cửa sổ ánh đèn xanh

Xa xa anh thấy sáng

Trong đêm khung cửa lành

Phi sực nhớ đến ngôi nhà trọ của Lan mà nhiều lần anh đã đến và thưởng thức những món ăn ngon dù không phải là cao lương mỹ vị, nhưng ấm áp tình người. Một hạnh phúc mà đã từ lâu Phi hằng mơ ước... Vần thơ lại đưa Phi vào cõi mơ:

Ôi! Cái khung cửa sô?

Em thường đứng nhìn ra

Em là sao của cửa

Em là hồn của nhà.

Thấy Phi đứng lắng nghe chăm chú với gương mặt ngây ngô như trẻ thơ, Lan nhẹ nhàng bước đến. Lần đầu tiên, Phi đưa bàn tay của mình cầm lấy bàn tay của Lan, chị để yên dù ban đầu chị giật bắn cả người. Phi nói nhỏ như đang mơ:

- Thơ hay quá em ạ! Chưa bao giờ anh có cảm giác hạnh phúc như lúc này. Thơ ấy là nỗi niềm, tâm tình của anh, là vòm cây với tiếng chim ban mai, là mái nhà ấm với gương mặt hiền lành của Lan.

Giọng thơ tiếp tục vang lên ấm áp:

Ôi cái khung cửa sô?

Của kiếp anh, đời anh

Tay em không đến mơ?

Thôi còn gì tươi xanh...

Nhiều tiếng vỗ tay nổi lên. Phi cũng vỗ tay theo. Sau đó, anh ôm thùng bia của mình bước ra khỏi phòng. Sang đến phòng của các văn nghệ sĩ đang hào hứng đọc thơ, anh chủ động đẩy cửa bước vào và đặt thùng bia lên bàn:

- Thưa các anh, em là Phi. Em rất sung sướng khi được nghe các anh đọc thơ. Tâm hồn em, nỗi niềm em được cởi mở. Em rất xúc động. Đời em cũng cơ cực lắm. Em xin tạ Ơn những người lên tiếng giùm nỗi lòng của em, những con người bé nhỏ trong xã hội...

Cả đám nghệ sĩ vui vẻ đón Phi. Một người nói:

- Anh nói cứ như thơ ấy. Có khi còn hơn cả thơ!

Được lời như cởi tấm lòng. Phi mạnh dạn:

- Dạ, nhiều lúc có tâm sự, em cũng muốn làm thơ nhưng không biết nên viết thế nào.

Một người độ lượng bảo:

- Anh cứ viết đi. Viết đúng những ý nghĩ của mình rồi đưa đây, tôi in.

Phi tưởng mình nghe nhầm, anh lắp bắp:

- Anh làm ở đâu?

- Tôi là Thi, biên tập viên báo Tuổi Xanh.

Phi sung sướng:

- Em có sẵn bài thơ đây, em gửi anh. Trăm sự nhờ anh...

Biên tập viên Thi không đọc qua mà cất vào trong túi, rồi rút ra tấm cạc:

- Tôi sẽ đọc sau, nếu thơ hay thì sẽ cho đăng ngay. Địa chỉ tôi đây. Nào, uống đi!

Phi sung sướng đến nghẹn lời.

Ngồi sa đà trong quán bia, thời gian trôi qua rất nhanh. Phi không biết lúc mình đang hào hứng với những vần thơ thấm đẫm tình người thì bọn đàn em đã tụ tập lại và bàn tán sôi nổi về anh. Đưa tay xoa bên má đã bị Phi bợp tai vì tội gọi Phi là “đại ca”, Phong hằn học:

- Ông Phi dạo này đã thay đổi tâm tính, không còn xứng mặt thủ lĩnh của bọn mình nữa. Đúng không Trường?

Tên Trường nhún vai:

- Đúng! Ông Phi đã xao nhãng công việc. Do đó, kỷ luật ở đây phải được sắp xếp lại.

Cả bọn nhao nhao:

- Lật đổ ông Phi à?

Phong đứng dậy:

- Đúng! Không thể sống như rắn không đầu được. Tao nghĩ đã đến lúc phải để thằng Trường thay thế ông Phi! Đứa nào không đồng ý?

Tất cả im re. Không khí nặng nề. Bỗng có tiếng quát:

- Tao vẫn theo ông Phi. Chúng mày là đồ vô ơn phản chủ. Ai tạo dựng được cơ ngơi này?

Người vừa nói là Hiền, một gã đàn em có gương mặt bặm trợn, hai tay xâm chằng chịt. Lập tức, Trường như con thú dữ lao xuống phía Hiền. Cả hai quyết một phen sống mái. Hiền không chống đỡ nổi trận đòn khi cả bọn cùng bâu vào xâu xé. Hiền ngất đi và bị đồng bọn bịt miệng, trói lại. Trường hùng hổ:

- Mọi việc đã xong. Ngay trong đêm nay, bọn mày không đứa nào được ở trong nhà này. Mọi việc còn lại để tao với thằng Phong tính tiếp. Đứa nào phản phé báo tin cho ông Phi thì tao cắt lưỡi. Nhớ chưa?

Lúc Phi đưa Lan về nhà thì đêm đã khuya. Lan ngước mặt nhìn lên vòm trời. Những ngôi sao lấm tấm. Đêm bình yên. Trong men say ngất ngưởng, Phi nghĩ đến ngày xin cưới Lan. Anh sẽ mở cho Lan một kios bán vải ngoài chợ để kiếm sống qua ngày, còn anh quyết định sẽ hoàn lương. Sống mà cứ nơm nớp vào tù thì đâu có khó, sống làm người lương thiện mới là khó. Đang sung nghĩ mông lung, xe Phi vừa đến đoạn đường vắng thì đột ngột hứng lấy một cục đá lớn ném thẳng vào mặt. Bằng phản xạ tự nhiên, Phi nhanh chóng lạng xe né tránh. Chiếc xe thắng gấp, quay bánh và ném Phi ngã sóng xoài xuống đất. Anh kịp nhận ra bọn thằng Phong, Trường cùng đàn em xông ra tấn công. Phi nhanh chóng tìm cách đánh trả nhưng men bia không cho anh làm chủ được hành động của mình. Bọn Trường, Phong vẫn tấn công tới tấp. Phi bị trọng thương. Trong lúc Phi chống đỡ đòn thù thì Lan kêu cứu:

- Cướp! Cướp!

Ngay lúc đó, một cây gậy từ phía sau phang thẳng vào đầu Lan. Chị ngã quỵ xuống. May mắn sao, vừa lúc đó xe của cảnh sát cơ động đến. Các chiến sĩ nhảy xuống, bắt được hai tên. Bọn còn lại túa chạy mỗi đứa một ngả. Phi và Lan nhanh chóng được mọi người chuyển tới bệnh viện.

Đêm vẫn yên ắng.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com