Hôm qua, đám cưới con trai Xuân Thái. MC Thanh Bạch hỏi chú rể: "Lần đầu tiên gặp, em đã tỏ tình như thế nào?". Trả lời: "Anh yêu em hơn cả nhịp đập của trái trái tin anh". Hỏi cô dâu: "Lúc ấy, em có cảm tưởng ra sao?". Trả lời: "Em bảo, anh nói điêu. Nay mới biết lời tỏ tình ấy là thật". Gặp nhiều người quen. Bạn bè cũ. Gặp Trương Nam Hương nói về chuyện thơ. H cho biết đã chuẩn bị bản thảo in tập thơ. Đã xong. Nhưng cuối cùng xếp vào ngăn kéo vì in để làm gì? Đúng quá, in thơ để làm gì nhỉ? Thời buổi này, không còn một NXB nào đưa thơ vào kế hoạch A, nghĩa là họ đầu tư vốn. Hầu hết là kế hoạch B, tác giả phải lo từ A đến Z. Cuộc thi thơ trên Facebook vẩn rầm rộ, thiên hạ vẫn ồ ạt post thơ từng giờ cứ như thời năm 1972 bom Mỹ ném xuống Khâm Thiên Hà Nội.
Khiếp!
Khuya về với Lưu Đình Triều, ghé lại quán Nhánh lan rừng theo lời mời của chủ quán là nhạc sĩ Thế Hiển. Hát với nhau. Loe ngoe vài người khách. Sực nhớ đến thời trước. Cũng mời bè bạn đến, cho xôm tụ, cho đông. Nghĩ lại mà ngao ngán. Làm bao nhiêu tiền cũng không đủ trả tiền nhà. Phải mời, phải mọc, phải uống, phải tiếp người này người nọ dù trong lòng chẳng muốn gì. Việc quái gì phải vậy. Quá mệt. Có những người mình không thèm ngó mặt, vậy mà phải đon đả, săn đón. Chán như con gián. Có mấy người bạn mở quán nhậu, khi dẹp quán là phải vào bệnh viện bởi ngày nào cũng phải uống, chiều khách, giữ khách.
Khổ quá là khổ.
Lại nhận được hai tập thơ mới của bạn bè gửi tặng. Một của Đỗ Trọng Khơi. Một của Kim Thạch.
Sáng nay, vừa viết xong Chuyện ghen của các nhà thơ; đọc tập sách Nỗi buồn thượng lưu của Đoàn Tú Anh cho PN.
Mấy đêm nay lại đọc truyện tranh Tintin. Câu chuyện nào cũng hấp dẫn và nhất là hài hước. Người Việt có tư duy về truyện tranh không? Tôi nghĩ là không.
Lại đọc lỗ mổ quyển Khổng Tử của Nguyễn Hiến Lê. Trang 170 có đoạn viết: "Tử Cống hỏi về phép trị dân. Khổng Tử đáp: "Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền". Tử Cống hỏi thêm: "Trong ba điều đó, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một thì bỏ điều nào trước?". "Bỏ binh bị". Tử Cống lại hỏi: "Trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một nữa, thì bỏ điều nào trước?". "Bỏ lương thực. Từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền phải đổ (dân vô tín bất lập)" (bản in năm 2006 - NXB VHTT).
Chiều nay họp và chuẩn bị bài thi cho anh em tham dự giải báo chí 21/6 của Hội Nhà báo TP.HCM. Sau đó, là cuộc hẹn hò,bù khú với Váy ơi là váy!
Ông Sơn Nam có nói câu này hay: "Nếu ngồi nhà mà hái ra tiền thì chẳng ai đi ra ngoài đường làm gi". Tôi ngẫm nghĩ thêm, nếu không lo toan về sinh kế, được ngồi nhà viết những gì mình thích thì sung sướng biết bao nhiêu. Viết là cái thú ở đời với nhiều người, nhưng viết để kiếm sống thì cực nhọc quá.
Trong bài viết nọ, Q mở đầu: "Ngày trước, về nghề văn, nhà văn Ngô Tất Tố bảo rằng, đại khái, ở xứ An Nam ta chính cái nghèo là trường học đào tạo nên các nhà văn. Tôi hiểu, họ viết trước hết nhằm giải quyết cho sự mưu sinh trước khi muốn gửi một “thông điệp” cao cả nào đó đến bạn đọc. Điều này hầu như khác với các nhà văn trẻ thời @. Bằng chứng, có những người xinh đẹp, giàu có, nói ngoại ngữ giòn như bắp rang, một bước lên xe hơi đời mới, thu nhập tiền USD nhưng họ vẫn viết văn. Với họ, viết để chơi. Chơi một cách sang trọng chứ không chăm bẳm kiếm sống từ tác phẩm của mình. Viết chỉ để giải bày tâm sự và ghi lại cảm xúc của mình. Điều này, ta có thể thấy rõ trên các trang mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều blogger. Và không ít bài viết có chất lượng của họ đã được tuyển in thành sách".
Ngẫm lại như nhà văn Đoàn Thạch Biền lại hay, sau khi về hưu hầu như anh không viết thêm gì mới, mỗi năm chừng một hai truyện ngắn là cùng. Anh B bảo: "Viết không hay hơn trước, viết làm gì?". Biết dừng là hợp đạo. Nhưng than ôi, có phải ai cũng được như thế đâu. Họ phải viết để duy trì sinh kế, dù đã già, đã hết xí quách. Trong các nghề, viết là nghề khó khọc. Khó nhọc nhất la lúc không thể "vượt lên chính mình" mà họ cũng phải viết...
Lại sốt ruột với tập sách Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp. Bao giờ phát hành?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|