Lời Tựa NGÀY VIẾT MỖI NGÀY của PGS-TS Lưu Khánh Thơ
NHỮNG NGÀY VIẾT LÀM NÊN ĐỜI VIẾT
Tôi có hứng thú đặc biệt khi được tiếp xúc với những trang nhật ký của các nhà văn. Bởi ở đó, ta không chỉ được chứng kiến những suy nghĩ, cảm xúc riêng tư của một con người, mà qua đó, còn đọc thấy bao vấn đề nhân sinh, thế sự, thấy được không khí của thời cuộc. Một đời sống của những ngày tháng xa xôi hiển hiện thật gần gũi, sinh động từ những rung cảm thành thật và sự mẫn cảm tinh tế của người nghệ sĩ. Tôi đã đọc, hàng nghìn trang nhật ký của Nam Cao, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Minh Châu, Ngô Thảo… trong tâm thế đó. Nhật ký của nhà văn không chỉ là một phần đời mà nó chính là tác phẩm, là đứa con tinh thần của họ. Những ngày viết góp phần làm nên đời viết.
Ai cũng có thể viết nhật ký, nhằm ghi lại những gì đáng nhớ trong một ngày. Nhưng nếu chỉ quanh quẩn câu chuyện riêng tư, những suy nghĩ cá nhân đơn lẻ, không gắn với dòng chảy thời sự đang diễn ra, thì không thể tìm thấy sự đồng cảm nơi người đọc rộng rãi. Nhật ký của nhà văn - người của công chúng, phải phản ánh được thời gian đang sống. Có như thế, sau này, qua nhật ký của một người, thế hệ sau mới có thể tìm thấy dấu tích của một thời.
Ngày viết mỗi ngày của Lê Minh Quốc là một cuốn sách ôm chứa khá đầy đủ những phẩm chất đó. Nhưng có điều khác là nó ra đời trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nên có tính cập nhật và tương tác rất cao. Trước khi in thành sách, tác giả đã đưa nhật ký của anh lên mạng xã hội để bạn đọc chia sẻ, bình luận. Do đó nó mang tính hướng ngoại rõ rệt. Lê Minh Quốc không ngại “chường mặt” với bàn dân thiên hạ. Anh cũng không né tránh việc đem chính mình ra để giễu cợt với giọng điệu tự trào thật dễ thương, ngay cả ở những điều thương không…dễ (tỷ như việc nhận thấy mình là kẻ hèn yếu, là gã đàn ông dễ bị nhan sắc hút hồn đến mê muội, là kẻ bốc đồng bên bàn nhậu, là một trong những đệ tử Lưu Linh đã góp phần làm nên kỷ lục “ngốn” 3 tỷ lít bia trong năm 2013 của người Việt…).
Có nhiều danh xưng trong một cái tên Lê Minh Quốc. Anh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà biên soạn khảo cứu. Một người lao động cần mẫn, cầy sâu cuốc bẫm trên cánh đồng chữ nghĩa. Cùng với các thể loại khác, nhật ký trong một năm của Lê Minh Quốc được chọn lọc và tập hợp thành một cuốn sách đã làm nên dấu ấn của riêng anh. Từ những quan sát, trải nghiệm, bằng vốn sống, vốn kiến thức được tích lũy qua nhiều năm tháng, Ngày viết mỗi ngày của Lê Minh Quốc đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin và những cảm nhận sâu sắc về các vấn đề, các sự việc đáng chú ý trong năm 2014 (theo con mắt của anh). Có những điều ta chưa biết. Có những chuyện ta đã biết, thậm chí đã nghe nói nhiều lần, nhưng qua câu chữ và cảm xúc của Lê Minh Quốc dường như nó đã được phát hiện, nhấn mạnh và soi chiếu kỹ càng, trực tiếp lay động đến tình cảm và nhận thức của chúng ta. Độc giả cũng sẽ thấy thú vị khi không chỉ biết được những bộn bề của đời sống hôm nay, mà còn có thể biết được những điều đã xảy ra từ thời xa xưa, ngược dòng lịch sử. Sẽ thấy những lời giải thích rất cụ thể, rõ ràng và gặp cả không ít “những câu hỏi lớn không lời đáp” như các vị La Hán ở chùa Tây Phương trong thơ Huy Cận.
Từ những cảm xúc, suy nghĩ riêng tư của một người mà có sức lan tỏa, lay động đến nhiều người. Đó là sức mạnh của ngôn từ nghệ thuật. Những tâm sự mỗi ngày được thể hiện qua từng câu chữ đã cho thấy một thái độ sống tích cực, đầy tinh thần phản biện với những vấn đề của đời sống hôm nay và không chỉ hôm nay. Một quá khứ được tôn trọng. Một tương lai được hướng tới bằng cái nhìn đầy trách nhiệm. Hơn nửa đời cầm bút, chọn chữ nghĩa làm nghề nghiệp, Lê Minh Quốc ý thức được giới hạn công việc của mình. Không còn ảo tưởng như thời tuổi trẻ, mới bước chân vào nghề. Biết được giới hạn, nhưng vẫn không ngừng viết mỗi ngày. Đó là tâm sự rất thật của Lê Minh Quốc: “Trong cõi đời này, mênh mông là sách, bạt ngàn là báo. Y có cảm tưởng những gì viết ra chẳng khác nào ném hạt muối xuống biển. Vẫn biết thế, nhưng vẫn cứ dã tràng se cát biển Đông. Điều này không quan trọng, miễn là tìm thấy niềm vui và hài lòng với công việc mỗi ngày.
Ý nghĩa đích thực của đời sống là ở đó, nào phải tìm kiếm đâu xa.”
Đó không phải là suy nghĩ “lên gân” để an ủi mình, mà nó đã được thể hiện qua từng bài viết cụ thể. Từ Vài suy nghĩ lan man tưởng chừng riêng tư nhỏ nhặt đến những vấn đề “nước sôi lửa bỏng” của đất nước, như việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương HD-981 vào vùng biển của Việt Nam. Từ ý kiến của đại biểu Quốc hội với cái tít dữ dội: “Nhiều người dân bị dồn nén “sau một đêm” trở thành tội phạm?”, đến những bức xúc, trăn trở trong hệ thống giáo dục giáo điều cứng nhắc…Tất cả đều được trình bầy với cảm hứng công dân nồng nhiệt, đầy cảm xúc.
Nhật ký Lê Minh Quốc bao quát khá nhiều các sự kiện văn hóa xã hội đã xảy ra trong năm, kèm theo là nhận xét, đánh giá của anh. Trong vai trò nhà báo, anh ghi lại cụ thể, chi tiết 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật trong năm 2014 do Văn phòng Bộ VH-TT&DL phối hợp Báo Văn Hóa, Báo Thể thao Việt Nam, Báo Du Lịch tổ chức họp báo bình chọn ngày 25.12.2014. Qua bình chọn của 133 phóng viên theo dõi lãnh vực trên, đại diện cho 116 cơ quan báo chí.
Trong vai trò của “một con mọt sách”, anh cho người đọc biết một thông tin đáng tự hào: chính lính thợ người Việt là chủ nhân của cây lúa ở vùng Camargue. “Nhờ kinh nghiệm cha ông để lại, những người này đã thành công ở vùng đất mà biết bao người khác trước đến đây đã từng thất bại, để trồng lên ở Camargue một giống lúa chất lượng cao làm biến đổi sâu sắc nền kinh tế và phong cảnh của vùng châu thổ sông Rhôme”.
Trong tư cách một nhà khảo cứu anh cung cấp khá nhiều những kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt (từ cổ, phương ngữ…), về lịch sử (các triều đại, một số nhân vật lịch sử…).
Và tất nhiên, là nhà thơ, Lê Minh Quốc đã đem lại cho người đọc vô số những cảm nhận thú vị, sâu sắc, tinh tế về thơ ca. Những câu thơ tài hoa của các nhà thơ nhiều thế hệ, của bạn bè và của chính tác giả đã làm nên sự độc đáo, khác lạ cho tập nhật ký Ngày viết mỗi ngày. Ở đôi chỗ, Lê Minh Quốc cũng đã cho biết những ghi chép của anh có mục đích là nhằm cung cấp tài liệu cho văn học sử. Nhiều nhận xét của anh về các nhà văn, học giả như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Đổng Chi…tinh tế và chuẩn xác.
Những trang viết “lôi” người ta nhập cuộc. Khiến cho không ai có thể đứng ngoài một hoàn cảnh xã hội cụ thể! Viết đến đây, tôi chợt nghĩ rằng, Lê Minh Quốc còn là một người lính. Những năm tháng sống chết ở chiến trường K đã không ngừng lên tiếng réo gọi. Giục giã. Góp phần tạo nên những trang viết hôm nay của anh.
Lý do để Lê Minh Quốc viết mỗi ngày, bởi, mỗi ngày, có những cú va đập của sự việc nào đó, trong lòng hằn lên vết sẹo. Cảm thấy khốc liệt quá. Kinh khiếp quá. Và có những vấn đề, anh thấy mình không đủ trình độ, khả năng bình luận, chỉ ghi chép để lưu lại dấu vết của một thời đang sống. “Một mình ngồi với một mình / Đôi dòng Nhật ký tâm tình sẻ chia”…
Tôi mong và tin rằng sự chia sẻ này của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc sẽ được bạn đọc đón nhận. Bởi từ một lát cắt của thời gian, anh đã cho chúng một cảm nhận khá đầy đủ về những ngày đang sống!
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ
(Viện văn Học)
(nguồn: NGÀY VIẾT MỖI NGÀY của LÊ MINH QUỐC, từ trang 5-8, NXB Hội Nhà văn - 2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|