SỨC SỐNG MỚI CỦA THƠ
(Vài nhận xét về Cuộc thi thơ đầu tiên trên Facebook)
1.
Hiện nay, nói đến thơ, hầu như chỉ nhận được sự hờ hững công chúng. Bằng chứng, vài năm trở lại đây nhiều trang báo đã bỏ hẳn chuyên mục thơ; nếu muốn thơ mình đến với công chúng, tác giả phải tự đầu tư vốn và tự biếu, tặng bởi các nhà phát hành cũng né! Thế nhưng khi Ban Tổ chức phát động cuộc thi thơ trên facebook, ngay lập tức đã tạo ra một hiệu ứng, một tín hiệu mới cho thơ: Khoảng 10.000 bài thơ dự thi. Với con số này, nhiều nhà tổ chức văn chương dẫu có nằm mơ cũng không thấy nổi.
2.
Ở đây hoàn toàn không có bộ phận sơ khảo trước, sàng lọc, “kiểm duyệt” mà người dự thi hoàn toàn được dành quyền chủ động. Họ chủ động thời gian, số lượng thơ khi post lên trang Facebook Lời tỏ tình đầu tiên. Qua đó, họ tự chịu trách nhiệm về bản quyền, nội dung theo đúng thể lệ mà chúng tôi đã nêu ra. Được đọc hàng ngàn bài thơ dự thi, chắc chắn các bạn đồng tình rằng, thơ hay hoặc chưa hay còn bàn sau chứ không có một bài thơ nào đi chệch chủ đề.
Rõ ràng, khi tham gia cộng đồng mạng, ít ra từ cuộc thi này, các bạn “chơi” facebook rất có ý thức về trách nhiệm công dân.
Nếu một bài thơ công bố theo phương thức truyền thống, dù tâm đắc đến cỡ nào, bạn đọc cũng khó có thể lập tức bày tỏ ý kiến, cảm xúc đến tác giả. Thế nhưng khi công bố trên facebook, do nhờ phương tiện kỹ thuật với các chức năng hỗ trợ, ngay sau lúc đọc bài thơ đó, người đọc đã tạo được sự tương tác, giao lưu giữa “tác giả - tác phẩm - bạn đọc” bởi những comement, những linke… tạo ra sự phản hồi chỉ trong nháy mắt.
Điều này khiến chúng tôi suy nghĩ rằng, “hạt giống thơ hôm nay phải được “gieo” bằng một hình thức khác. Có như thế, sức lan tỏa của thơ mới rộng hơn, sâu hơn và đến với công chúng nhiều hơn. Sở dĩ Cuộc thi thơ đầu tiên trên facebook gặt hái được một mùa thơ rực rỡ, được hàng ngàn “tín đồ thơ” quan tâm, theo dõi và nồng nhiệt cổ vũ chính là do đã đáp ứng được yếu tố trên.
3.
Khoa học kỹ thuật có giúp cho thơ “tiến thêm một bước” trong thi pháp thơ hay không?
Người sử dụng mạng xã hội, nếu có một cuộc khảo sát, thống kê, tôi tin là giới trẻ chiếm khoảng trên 80%. Vậy mà, đọc các bài thơ dự thi, tôi nhận ra rằng, thể loại truyền thống thơ với sự quy định chỉnh chu, gò bó trong câu chữ, từng nhịp điệu vẫn được các bạn sử dụng nhiều nhất.
Bên cạnh những vần thơ lục bát mượt mà, chân phương còn có cả thể thơ bảy chữ, tám chữ, ngũ ngôn… mang âm hưởng từ thời Thơ mới (1932-1945). Ngay cả thể thơ Đường chuẩn mực, nghiêm cẩn theo phép đối xứng của từng câu, từng chữ - những tưởng thời đại này không ai đủ thời gian “gọt chữ” thế mà vẫn có. Tất nhiên, những bài thơ tự do, thơ văn xuôi vẫn chiếm một số lượng đáng kể, nhưng vẫn ít hơn.
Rõ ràng, sự thể nghiệm, cách tân thuộc về vai trò của những nhà thơ chuyên nghiệp, còn người yêu thơ thì họ không màng đến điều đó. Họ chỉ viết theo sự thôi thúc của cảm xúc, thể hiện dưới hình thức nào cũng được miễn là phản ánh được nội dung. Hiểu như thế, để thấy rằng, dù công bố trên một phương tiện kỹ thuật hiện đại nhưng thơ vẫn có cách “đi” của riêng nó. Cách “đi” ấy tùy thuộc vào tài năng, sở thích của người làm thơ, chứ không nhất thiết hình thức thơ phải “hiện đại” phù hợp với kỹ thuật hiện đại.
Nhằm phản ánh đúng tinh thần của cuộc thi đã diễn ra, tập thơ này tuyển chọn nhiều thể loại thơ khác nhau - từ truyền thống đến đại.
4.
Đến với Cuộc thi thơ lần này, ngoài lực lượng yêu thơ, thích trình bày cảm xúc bằng thơ còn có nhiều nhà thơ chuyên nghiệp. Các bài thơ ấy, nghiêm khắc nhận xét là chất lượng không nổi trội hơn hơn thơ của những cây bút chưa mấy tên tuổi. Phải chăng, do đánh giá chủ quan, cuộc thi này chỉ dành cho giới “nghiệp dư” nên các nhà thơ không đưa ra “át chủ bài” chăng? Họ chỉ gửi những bài “thường thường bậc trung” và chưa cần phải tung hết “thần công lực”.
Có thể do chủ quan nên trong cuộc chạy marathon, nhiều tên tuổi quen thuộc đã tỏ ra đuối sức.
5.
Ban giám khảo chúng tôi đã cân nhắc chu đáo khi chọn ra những bài thơ hay nhất để trao giải với tham vọng phát hiện được cây bút thơ mới. Tuy nhiên, những tác giả này có đi tiếp với thơ, có thể khẳng định được tên tuổi từ “bệ phóng” này hay không là còn thuộc vào nội lực, tài năng và đam mê của chính họ.
Cuộc thi thơ Lời tỏ tình đầu tiên đã kết thúc bằng tập thơ này. Một tập thơ được chọn lọc từ hàng ngàn bài thơ trên facebook và đã trở thành một dấu ấn trong đời sống văn học. Tôi tin rằng, chất lượng của tập thơ sẽ khiến người đọc hài lòng. Mà sự hài lòng lớn nhất, theo tôi, là có khá nhiều cây bút mới song hành cùng các nhà thơ tên tuổi trên vạn dặm đường dài thăm thẳm của thơ ca…
LÊ MINH QUỐC
Thành viên ban Giám khảo
(nguồn: Thơ hay facebook - NXB Trẻ - 2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|