Khi nhìn một người phụ nữ đẹp, dẫu tôi là Thúc Sinh - sợ vợ một phép nhưng cũng ngầm liên tưởng đến… các món ăn được chế biến từ bột. Mỗi vùng miền đều có những món ăn đặc trưng riêng biệt. Dù cũng chất liệu ấy, nhưng qua bàn tay chế biến của bà nội trợ, hương vị của nó đã khác. Từ chuyện ăn, ta thử “đá giò lái” so sánh phụ nữ của ba miền. Đây là việc làm không dễ dàng, bởi mọi sự so sánh nào cũng đều khập khiểng.
Với người đẹp sông Hồng, tôi thường nghĩ đến cái ngon của bánh đúc. Ngon bởi sự mịn màng của bột đã nhuyễn đến độ cổ điển (!) trở thành “khuôn vàng thước ngọc”. Tôi còn nghĩ thêm đến một ma lực quyến rũ nữa. Là nước chấm của bánh đúc đậm mà thanh. Hương thơm thoang thoảng, dễ nhớ nhưng khó quên. Phụ nữ miền Bắc là mẫu người đẹp lạ lùng và gần gũi như thế. Đứng trước họ, tôi đã đã thấy một sự hoàn chỉnh, cân đối từ vóc dáng đến giọng nói. Nhìn vào trong tính cách của họ, tôi cũng không nghĩ khác. Lúc hân hoan tình ái, lúc giận hờn bén lửa nhưng biểu hiện bên ngoài của họ cũng nhẹ nhàng như không. “Con mắt em liếc như là dao cau”. Chỉ mới liếc, thế mà lũ đàn ông lớ ngớ thấy trong trái tim mình đầy vết xước, dù nàng có chưa hề thốt một lời nào. Đấy là cái Đẹp của một sự hoàn chỉnh từ lời ăn đến tiếng nói, từ vóc đi đến dáng đứng.Với nhan sắc sông Hương, tôi luôn nghĩ đến sự tảo tần một nắng hai sương. Hình ảnh gợi nhớ đến cái ngon thâm trầm, kín đáo của bánh bèo. Sự pha chế tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại ngon ở “nhưn”, ở nước chấm thiên biến vạn hóa. Sự pha chế ấy kỳ ảo đến độ nào là do bàn tay của người nội trợ. Thoạt nhìn chiếc bánh bèo ta thấy đơn giản, chế biến không cầu kỳ nhưng khi đã ăn thì sẽ đêm thương ngày nhớ. Cô gái miền Trung cũng hấp dẫn bởi những nét tương đồng như thế. Họ không se sua, không cầu kỳ chỉ đơn giản, thô mộc nhưng lại có sức hấp dẫn không khác gái Bắc, gái Nam. Có thể thoạt nhìn ai đó sẽ không bận tâm, nhưng nếu có “mắt xanh” sẽ phát hiện từ cái sự dân dã, quê mùa ấy một sự quyến rũ lạ thường. Nhưng dù nhìn ở góc độ nào thì tôi vẫn thấy bên trong của nhan sắc ấy là sự quyết liệt, thậm chí ương ngạnh, từ tính cách.
Với người đẹp sông Cửu Long, trong tôi lại liên tưởng đến cái ngon của bánh xèo. Cũng là bột, nhưng ở đây đã có thêm sự nồng nàn của rau tươi và xanh, của vị ngon lúc bột đã được qua liu riu của ngọn lửa nóng. Vì thế, cái bánh vừa mềm lại vừa giòn. Có thể nhai ngâu ngấu phàm phu tục tử, cũng có thể nhâm nhi một cách từ tốn. Ở người phụ nữ miền Nam có khác gì không? Sự hiếu khách, mở lòng, đôn đả của người phụ nữ ở vùng đất “dưới sông cá lội, trên rừng cọp um” khác nào sự có mặt rau xanh trợ giúp cho cái bánh xèo trở nên “bắt mắt” hơn. Hấp dẫn trong tính cách của người phụ nữ miền Nam cũng vậy.
Nhìn chung trong thức ăn của người Việt có nhiều chất bột. Nhưng từng vùng miền đã có chế biến khác nhau để phù hợp với khẩu vị ẩm thực. Thế thì, vẫn là phụ nữ Việt Nam nhưng ba miền lại có những tính cách khác nhau là một lẽ tất nhiên. Dù khác nhau thế nào nhưng họ đều cùng có một mẫu số chung ngàn đời bất biến “đã yêu thì yêu cho chắc”. Không nửa vời. Mà rất quyết liệt để giữ lấy người mình yêu. Rất quyết liệt như hàng triệu triệu phụ nữ trên trái đất này là luôn bền lòng thủy chung. Không thay lòng đổi dạ. Chính vì thế, ở người phụ nữ dù sinh ra ở vùng miền nào ta cũng luôn thấy họ có một sự bí ẩn và hấp dẫn đến lạ thường.
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Tạp chí Duyên dáng Việt Nam)
< Lùi |
---|