“Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”, cứ theo như nhận xét của ông bà ta, cầm chầu đích thị là… cái ngu thứ tư. Ngày xưa ở rạp hát, trống chầu được kê ở hàng đầu chỗ ngồi của khán giả. Muốn được cầm roi chầu, người đó không chỉ có vai vế mà còn am hiểu nghệ thuật tuồng, có nhiệm vụ phê bình sân khấu, khen chê đúng mực, thưởng phạt phân minh, giúp người xem hiểu tài năng diễn viên, giá trị văn chương, tất cả đều thông qua roi trống đánh vào mặt trống hay tang trống.
Tuy nhiên, éo le thay, có những người dù ất ơ nhưng vẫn muốn lên mặt cầm chầu, vì thế, mới dẫn đến những chuyện tức cười. Cười về cái ngu này, hay ho ở chỗ diễn viên phản ứng lại trên sàn diễn, ngay trước khán giả chứ không thèm cằn nhằng cắn nhắng sau khi kết thúc, tức là họ “đá giò lái” ngay vào mặt người đó, không vì tiếng trống loạn xạ mà ảnh hưởng đến vở diển.
Ngày kia, các diễn viên đang tung hứng trên sân khấu, đang thu hút người xem nhưng khổ nổi, người cầm chầu cứ nện ầm ầm, lấp cả lời hát, chẳng ra thể thống gì cả. Lập tức, hai anh hề “cương” ngoài kịch bản: “A: Mi ơi trời sắp mưa rồi nè”. B: “Trời quang mây tạnh, mưa chi mà mưa?”. A (làm ra vẻ đang lắng tai nghe): “Bộ mi không nghe tiếng sấm ầm ầm đó à. Sấm nổ đùng đùng, sấm sét lung tung, sấm đánh trúng miệng mi, sấm đánh trúng miệng tau. Đau điếng”. Khổ nổi, nghe câu nói mỉa ấy, người cầm chầu vẫn tỉnh rụi, cứ cao hứng nện trống, thế là hai anh hề bèn chuyển qua hát Lý con quạ:
Tổ cha con quạ trên đầu
Lâu lâu lại mổ da trâu cái thùng!
Lối đánh trống “thùng thùng thùng” vô trật tự, cà chớn này, dân trong nghề gọi là đánh “tắc khẩu” (bịt miệng người diễn). Lại có trường hợp tương tự, diễn viên nọ đang hát cực hay, diễn cực khéo nhưng khổ nổi cứ vừa xong một câu thoại là tay cầm chầu lại thúc trống linh tinh, gây huyên náo ầm ĩ, khiến khán giả không thể nghe được câu tiếp.
Vậy, phải sử lý ra làm sao?
Ngay lúc đó đến màn chạy trốn giặc, thay vì chỉ núp một chốc rồi đứng dậy diễn tiếp, diễn viên này cứ ngồi lì một chỗ. Thấy lạ quá, hai anh hề bèn bước tới gần như nhắc nhở tích tuồng: “Bẩm ông, chúng con đến hầu ông đây ạ”. Gọi đến mấy lần nhưng anh ta cứ ngồi rên hừ hừ, không thèm nhúc nhích, đợi khi tiếng trống im đi mới đứng phắt dậy: “Đội hầu hả chúng bây?”. Hai tên hề đồng thanh: “Dạ, bẩm ông, chúng con đây”. Chỉ đợi có thế, anh ta ca rõ mồn một từng chữ: “Thôi các chú ơi, tui biết các chú có nhiệm vụ đánh trống, cầm roi chầu nhưng phải biết đánh có hồi, có chặp, chứ các chú cứ nhè trong họng tôi mà dộng trống thì làm sao tôi nói được?”. Khán giả cười rần rần.
Không chỉ giỏi về nghệ thuật, có vai vế máu mặt thì người cấm chầu còn phải sộp nữa, hễ tới đoạn nào hay thì móc tiền túi quăng lên sân khấu như một cách thưởng cho diễn viên để họ thêm hào hứng “cháy” hết mình phục vụ công chúng. Đêm diễn đó, người cầm chầu ăn mặc bảnh tỏn nhưng keo kiệt quá, diễn viên chờ mãi vẫn không thấy một xu tiến thưởng của ông ta. Vậy, phải làm sao, nếu không toi công?
Đào kép vừa lui vào cánh gà, lập túc hai anh hề bước ra. A: “Nè, anh ơi, bữa ni tui mừng hết biết”. Nhìn cái mặt anh A đang buồn xo, anh B hỏi: “Nè, mừng cái chi mà tui thấy cái mặt của anh cứ ngờ cứ nghệch ra rứa? Mừng cái chi rứa hè?”. B: “Rứa mới có chuyện để kể anh nghe chớ. Trong lúc khó khăn, chạy ăn từng bữa, sáng ni tui gặp được người đàn ông sang trọng mang tới nhà tặng cho một mớ thùng thiệt đẹp”. B: “Mà thùng chi mới được chớ?”. A: “Tui nỏ biết thùng chi, cứ thấy thùng đẹp là mừng rồi, chắc mẫm phen nàu trúng lớn, ai ngờ lúc mở ra thì….”. B: “Thì răng? Thì răng?”. A: “Thì rứa đó! Thùng không! Thùng không! Thùng không!”.
Khi nghe nghe diễn viên hài nhại lại tiếng trống là người cầm chầu đã biết ám chỉ chuyện gì rồi. Lại nữa, muốn cầm chầu người đó còn phải đức độ, khiêm tốn, đồng hành cùng diễn viên trong suốt vở diễn, chứ không ỉ thế lên mặt, quát nạt, coi khinh họ. Rằng, có gánh hát về làng nọ diễn, ngay lúc mới chân ướt chân ráo dựng giàn, dựng rạp, ông Hương cả đã răn đe: “Hát hay, tao thưởng, hát dở, tao đánh đòn. Biết tao là ai không? Tao là tiên sinh ở làng này! Tiên sinh của ngành tuồng chúng mày đó”. Nghe câu nói khoác lác, dị hợm đó, diễn viên vừa ghét vừa sợ vì biết chắc tiên sinh sẽ là người cầm chầu.
Khổ nỗi, tiên sinh cầm chầu lôi thôi quá, chẳng trúng trật vào đâu, vở diễn có nguy cơ phá sản, cứ cái đà này ắt phải cuốn gói đi nơi khác. Bấy giờ, trên sân khấu chỉ có anh hề A, từ cánh gà, anh hề B chạy ra đâm sầm vào, cả hai té cái đụi! B: “Đi đâu mà vội mà vàng, Mà vấp phải đá mà quàng phải dây! Anh tông tôi một phát đau điếng nè”. A: “Mừng quá anh ơi! Vợ tui mới đẻ nè”. B: “Chị nhà mới đẻ à? Sinh trai hay gái”. A: “Con trai mà gay lắm anh ơi”. B: “Gay cái chi?”. A: “Ai cũng biết sinh con trai là mừng nhưng sinh kiểu ni thì gay quá”. B sửng sốt: “Sinh ngược à?”. A: “Không”. B hỏi gặng: “Sinh thuận à?”. A: “Không anh ơi. Sách có câu Thuận giả tiên sinh thủ, nghịch giả tiên sinh túc, đàng này vợ tui đẻ con cu ra trước mới gay chớ anh”. B cười toáng lên: “A, thế là vợ mày… tiên sinh con cu”.
Mẫu đối thoại đích đáng này, khiến tiên sinh cầm chầu bỏ roi chầu, đi luôn một mạch!
T.N
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười - ngày 15.11.2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|