THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Hai đồng bạc kẽm - kỷ vật của mẹ

LÊ MINH QUỐC: Hai đồng bạc kẽm - kỷ vật của mẹ

HAI-DONG-BAC-KEM

Ký ức bao giờ cũng là nơi lưu giữ hình ảnh thân thương, dấu vết êm đềm nhất của tháng ngày xưa cũ. Dù đã qua, đã xa nhưng rồi mỗi lần  nhớ lại bao giờ người ta cũng bồi hồi, xúc động và có chút gì thật xao xuyến. Trong đời của bất kỳ ai cũng có ký ức khó quên ấy.


Trong trí nhớ lơ mơ của tôi, có nhiều thứ đã quên, nhạt nhòa theo năm tháng. Tuy nhiên, những gì gắn bó sâu đậm nhất thì không thể không mất đi, vẫn tồn tại như một phần đời của mình. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in trên bàn thờ nhà mình, ngoài lư hương nhang đèn còn có hai đồng bạc kẽm đặt trong cái dĩa nhỏ. Đồng tiền kẽm ngày xưa, ở giữa có lỗ tròn, sắc màu đã xám xịt không đáng giá gì, thế nhưng nó lại gắn liền trong ký ức.

Phải cất giữ nó trong nhà, còn là phòng lúc trái gió trở trời chẳng may cảm cúm, nóng lạnh thất thường… Ngày xa xưa đó, đã một lần, nhiều lần bị ồm sốt thì y như rằng, mẹ tôi biểu tôi nằm dài trên cái phản, mặt úp xuống gối, xoa dầu Nhị Thiên Đường trên lưng rồi dùng đồng bạc kẽm đó “đánh gió” - theo quan niêm dân gian là một cách lấy “gió độc” trong người ra, có như thế mới mau lành bệnh.

Mà, cách đánh gió đúng catalogue là đầu tiên, người ta cầm đồng bạc đó kéo nhẹ nhàng từ cổ xuống tận lưng, sau đó, từ giữa lưng lại kéo ngang qua vai, lần lượt kéo qua hai bên cánh lưng. Tuyệt đối không được kéo đồng bạc kẽm từ thắt lưng ngược lên vai. Nhẹ nhàng làm nhiều lần, sẽ thấy trên lưng hằn lên những vệt đỏ bầm. Xong, người bệnh được ăn cháo, thường là thịt bò bằm, nhiều hành tiêu, có thêm quả trứng gà được bỏ chung lúc tô cháo còn đang nóng. Nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Ăn xong, mồ hôi ra đầm đìa. Nằm trong phòng kín gió, đắp mềm. Có thể chợp mắt ngủ một chút lấy lại sức.

Lại có lúc, mẹ tôi cho luộc quả trứng gà, bóc vỏ và lăn trên lưng tôi. Nhiều lần tò mò, tôi bẻ đôi cái trứng ấy ra, thấy lòng đỏ có những vệt đen, mẹ tôi bảo: “Gió độc đó con”. Nếu ốm nhì nhằng mấy ngày không khỏi, còn có cách khác nữa là nấu một nồi nước xông. Có khó gì đâu, chỉ cần ra sau nhà hái một mớ “cây nhà lá vườn” như lá tre, lá sả, lá bưởi, ngải cứu, hương nhu, bạc hà, tía tô… rửa sạch, bỏ vào nồi, đặt lên bếp, nấu sôi sùng sục là được. Lúc đó, mẹ tôi bưng nồi nước xông đã đậy nắp vung, đặt giữa nhà và bao tôi ngồi xuống bên cạnh, trùm mềm lại. Trong bóng tối lờ mờ, tôi dùng chiếc đũa cả nhích dần nắp vung ra, hơi nóng tuôn lên. Mồ hôi ra đến đâu, lấy khăn lau đến đó. Cách trị bệnh đơn giản nhưng hiệu quả. Tôi đã “đi qua” những lần cảm sốt bằng những cách chữa này.

Bây giờ, nhớ đến mẹ, kỷ niệm ngày xưa cũ lại ùa về qua những cách trị bệnh như thế đó. Nhưng rồi, nỗi nhớ đậm nét nhất vẫn là hai đồng bạc kẽm. Hẳn nhiều người còn nhớ hai đồng bạc kẽm này, một mặt được bôi vôi. Để làm gì? Một cách làm quy định sấp - ngửa, tức làm dấu âm - dương khi xin keo. Khi trong nhà có chuyện gì đó, chưa biết ất giáp thế nào, lành hay dữ, thông thường gia chủ sử dụng hai đồng bạc đó nhằm bói xem một quẻ ra làm sao. Ngày tôi vào Sài Gòn thi đại học, trước giờ ra nhà ga đi xe lửa, mẹ tôi gọi tôi lên đứng trước bàn thờ ông bà tổ tiên. Sau khi thắp nhang, mẹ tôi cầm lấy hai đồng bạc kẽm ấy đặt trong lòng bàn tay lắc nhẹ dăm lần, miệng khấn vái thì thầm rồi xòe tay thả vào cái dĩa nhỏ. Nếu hai đồng bạc kẽm đó xuất hiện một mặt có bôi vôi và một mặt không thì xem như lời cầu nguyện diễn ra hanh thông; nếu cả hai đều bôi vôi hoặc không thì ta có thể xin lại, không quá ba lần. Đại khái cách xin keo là vậy. Bây giờ, xét ra có phải “mê tín” quá chăng? Tôi không dám bình luận, chỉ nghĩ rằng, trong tâm thức của người Việt nói chung, xin keo cũng một trong những cách đoán xem chuyện tương lai, hậu vận…

Vậy nên, trong nhiều nhà thường có hai đồng bạc kẽm là thế. Không những thế, nó còn gắn với kỷ niệm êm đềm thời trẻ nít nữa. Tôi vẫn nhớ như in vào những chiều nắng tốt, gió mát, sau buổi chợ về, mẹ tôi ngồi ngoài sân hóng gió. Bấy giờ, lũ nhóc chúng tôi luôn “dụ khị” mẹ cho nhổ tóc ngứa / tóc sâu của mẹ, vì rằng, theo “quy định bất thành văn” hễ một sợi nhổ ra  được quy thành một xu. Mà, không phải dễ nhổ đâu nhé. Sợi tóc bạc ấy nằm len lỏi trong mớ tóc đen, phải mày mò tìm từng sợi nhưng lúc dùng ngón trỏ và ngón cái chập vào đặng nhổ lên thì nó lại tuột ra ngoài. Khó ghê. Mẹ tôi bày dùng hai đồng bạc kẽm đó thay cho cái nhíp, tức là tìm cách cho sợi tóc nằm vào giữa hai đồng bạc kẽm, cầm chắc lại rồi nhẹ nhàng kéo lên thì chắc nụi như bắp rang.

Chao ơi, ngày xa xưa đó, tôi thích lắm, ước gì tóc mẹ mình bạc càng nhiều để được nhổ càng nhiều. Rồi khi lớn lên, nhìn thấy mái tóc mẹ bạc phơ, tuổi già của mẹ đã đến dần từng ngày, bất giác tôi rưng rưng nhớ về năm tháng hoa niên của cái thuở tóc mẹ còn đen nhánh. Trước đây, tôi viết câu thơ: “Yêu thương trong mỗi gia đình/ Mọi người chung bóng chung hình của nhau”, nghĩ rằng các thành viên trong một nhà đều chan hòa trở thành một. Nhưng vẫn chưa đủ, ngay cả vật dụng thân thuộc trong nhà, một khi đã trở thành ký ức khó quên thì chính nó cũng là một phần kỷ niệm gắn bó của đời mình. Với tôi, còn có cả hai đồng bạc kẽm xám xịt nữa - kỷ vật để lại của mẹ. Mỗi làn nhìn thấy nó, lại nhớ mẹ. Ngày tháng ấy đã xa. Hai đồng bạc kẽm vẫn còn nhưng mẹ đã về cõi hư không mây trắng...

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 31.8.2020)


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com