THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tết, tìm về mùi quê hương…

LÊ MINH QUỐC: Tết, tìm về mùi quê hương…


IMG0115-Custom

1.

“Hương gây mùi nhớ”.

Kỳ diệu thay tiếng Việt, chỉ bốn từ đơn giản, dễ hiểu, thế nhưng đại thi hào Nguyễn Du đã dựng lên một không gian bát ngát từ tâm tưởng, từ ký ức về một nỗi xao xuyến không cùng. Thế nào là mùi nhớ? Nhớ, bản thân nó đã thuộc về dĩ vãng, về những gì đã qua, đã xa khuất, vậy mà với cảm giác hoặc tình cờ hoặc cố ý nhận ra mùi hương quen thuộc đã từng tận hưởng, lập tức người ta lại nhớ, nhớ lại sự vật/ sự việc nào đó đã diễn ra.

Tùy vào mùi hương để nhắc lại mùi nhớ.

Hóa ra, mùi hương quan trọng với con người đến thế ư? Ngẫm lại thấy đúng. Điều này, có nghĩa là một khi dẫu cái gì đó cụ thể không còn hiện hữu, không nhìn thấy nhưng chỉ cần cảm nhận lại mùi hương của nó, lập tức cả một chuỗi dài dằng dặc từ quá khứ lại quay về.

“Mùi nhớ” bản thân nó đã cho thấy nhớ là một khái niệm chung, trong nhớ có nhiều sắc thái khác nhau, khác thế nào còn tùy thuộc vào hương.

Mà này bạn mình ơi, có phải mùi Tết Việt, chỉ đến những ngày gần Tết? Tôi tin là thế bởi những ngày cuối năm Âm lịch, rất tự nhiên, rất bản năng là con người ta lại nhớ đến Tết. Nhớ quay quắt. Nhớ nôn nao. Nhớ cồn cào. Nỗi nhớ này thiêng liêng còn ở chỗ: “Về quê ăn Tết”. Khó có thể lý giải một cách rành rạch, dẫu những ai đó không còn ở độ tuổi ngong ngóng chờ đợi Tết như thời hoa niên “ăn chưa no lo chưa tới” nhưng tại sao hễ vào dịp này lại cứ nôn nao?

Trong khi đó, một năm có 365 ngày, lạ thay, lại có một mùi thỉnh thoảng lại bật dậy trong lòng, cựa quậy trong mạch máu dẫu mùi ấy đã chìm sâu trong tâm tưởng. Dẫu đôi lúc lãng quên theo nhịp sống hằng ngày với nỗi âu lo “cơm áo gạo tiền” canh cánh bên lòng nhưng hễ có dịp lại nhớ đến. Rồi len lén thở dài.

Mùi gì thế?

Dạ thưa, mùi quê hương.

Đã lục thập hoa giáp nhưng chẳng bao giờ tôi nghĩ mình đã già, vì rằng, già tức lúc ấy con người ta bắt đầu sống bằng và sống với hoài niệm. Tôi đang trẻ, vì trẻ nên mới cắc cớ hỏi rằng thế nào là mùi quê hương? Ơ hay, quê hương, nói như nhân vật trong sách Quốc văn giáo khoa thư thì chỗ ấy, chốn ấy vẫn là “nơi đẹp hơn cả”. Thế nào là đẹp? Có gì là đẹp? Thì đây, “trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được”. Sự liệt kê này chỉ mới đôi nét, có như thế hoặc nhiều hơn thế đi nữa, trong chừng mực nào đó, dẫu không còn sống ở quê hương thì con người ta vẫn thể tái hiện lại được kia mà? Vâng, vẫn tái hiện lại giống y chang, y khuôn nhưng rồi khi quan sát, nhìn lấy mỗi ngày trong lòng vẫn không “gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan”.

Tại sao kỳ lạ thế?

Đơn giản thôi. Chỉ vì cái mà người ta nhớ đến, khao khát tìm đến nhưng vẫn không thể có: mùi đất. Đất của quê nhà. Nói cách khác, mùi quê hương chính là mùi đất.

2.

Có lẽ nhà văn đau đáu nhiều nhất với mùi đất vẫn chính là Bình Nguyên Lộc. Mùi đất thế nào khiến con người ta suốt đời mang theo trong hành trang của tâm tưởng? “Mùi hay lắm. Mùi đất xông lên, sau đám mưa đầu mùa nè, mùi bông bưởi, bông sao nè, mùi củi cây rù rì nè, mùi lúa chín nè, mùi rơm khô nè, mùi phân chuồng nè, mùi rau, đậu tươi nè”. Còn gì nữa không? “Đất có mùi thật sự, nhứt là đất mới xới, một mùi rất đặc biệt mà mũi họ quen ngửi cho đến ghiền, thiếu thì họ nghe thèm. Họ thấy rằng họ hạnh phúc vì họ được thỏa mãn tình cảm. Tình nhớ xứ, nhớ nhà gồm nhiều yếu tố, mà nỗi thèm mùi đất là một yếu tố quan trọng. Nỗi thèm nầy có khi mãnh liệt như nỗi thèm mùi khói thuốc phiện của những con thằn lằn, những con chuột lắt sống trong buồng của những kẻ hút thuốc phiện, họ thèm và nhớ mùi đất y như là đào hát thèm và nhớ sân khấu, vũ nữ thèm và nhớ đèn màu, và y như là cá thèm và nhớ nước…”.

Văn chương đấy à?

Không đâu, đó là tiếng lòng bật ra, không ỏng ẹo, làm dáng, bẹo dạng bẹo hình, nghĩ sao nói vậy nên chân thật quá đỗi. Rằng, có câu chuyện người phụ nữ Việt lấy chồng Pháp, sang Pháp định cư và nhập quốc tịch Pháp. Ngày kia, bà đâm ra sầu não, lặng thầm như cái bóng trôi dật dờ theo ngày tháng, người chồng phải cầu cứu đến bác sĩ nhưng không tìm ra bệnh, phải chuyển bà qua bệnh viên La Timone - một nhà thương điên to nhất nước Pháp. Nơi này, người ta cũng bó tay. Ngày kia, bà tâm sự với chồng là nhớ quê hương quá, người chồng ngạc nhiên vì nghĩ một khi đồng ý sang đây tức là vợ mình đã có sự lựa chọn dứt khoát thì còn nhớ với nhung gì nữa? Then chốt của tâm bệnh chính là chỗ này. Bình Nguyên Lộc lý giải: “Trí và lòng chúng khó lòng mà đi đôi với nhau được vì yếu tố chánh của tình yêu quê hương, không phải là ý thức vì dòng máu, mà là tình gắn bó vào thuở thiếu thời với những chân trời quen thuộc, với màu sắc, mùi vị, âm thanh mà tuổi thơ quen thấy, quen nếm, quen nghe”.

Vậy, nhớ gì ở quê hương?

Có thể chỉ là nhớ đến ngọn lửa trong bếp. Chà, đã lửa thì lừa nào cũng là lửa chứ, vẽ vời gì lắm thế? Thời buổi này, muốn lửa thì có dầu lửa/ dầu hôi, bếp gas thay thế có được không? Được, vâng được, nào ai dám nói gì nhưng nếu là thế, làm sao ta có thể nhớ mãi đến mùi khói của bếp lửa đêm Giao thừa, mùi khói củi của bữa cơm ngày xưa mẹ nấu? Nhân vật của nhà văn Bình Nguyên Lộc thủ thỉ: “Nè, củi mỗi thứ mỗi khác đó nhé. Củi bắp phơi khô để làm củi, thì ngọn lửa xanh như lửa đèn cồn. Vỏ măng cụt phơi khô, chụm nó nổ lách tách y như than Cà Mau. Củi nhánh sao chết rụng trên vệ đường, nó cháy rụi tỏa ra cái mùi của thời tiết gió bấc về”.

Vậy, nhớ gì ở quê hương?

“- Đất…

- Ừ, đất, đất bạn mà tao chạy nhảy trên đó hồi còn thơ ấu, tao thương nó lắm. Tao ghiền hửi mùi đất xông lên sau mấy trận mưa đầu mùa, tao ghiền hửi mùi lúa chín, tao ghiền mùi phân chuồng. Tao muốn hưởng mùi đất vài năm trước khi theo về với ông bà”. Khi cô con gái làm ăn thất bat, giục mẹ bán đi mảnh đất hương hỏa, rồi đi Sài Gòn, nơi đó vui lắm, bà dỗi: “Tao không ham vui. Tao chỉ thương mến quê hương thôi. Đi, tao nhớ gốc cây đa đằng miếu, tao nhớ con rạch sau nhà, tao nhớ... tao nhớ đến cái mùi đất ở đây... Không, tao không đi đâu hết. Tao cũng không bán nhà được. Tao có thể bán để cho tụi bây tiền, rồi cất chòi tranh mà ở nhưng tao thương nhà nầy lắm. Quen mắt quá đi rồi, cái thềm rêu phủ cũng quen, tấm vách bổ kho mọt gậm cũng quen, tao nghe như là cha mầy còn vô ra đâu đây. Không…”.

Trên mảnh đất đó, còn là cây trồng nữa. Một khi đã xa nơi chôn nhau cắt rốn vì ly do gì đó, họ làm sao có thể quên được vườn cây mà ông bà cha mẹ đã trồng, che rợp mát tháng ngày niên thiếu? Làm sao có thể quên? Nhân vật của Bình Nguyên Lộc kể về vợ mình từ miệt vườn lên Sài Gòn: “Chợt một bữa kia không biết nhờ gì gợi ý bà nhà tôi đi mua chậu, đi tìm đất, ra đặt mấy cái chậu đất ấy ở sân trong, giữa nhà trên và nhà bếp. Bà nhà tôi trồng rau răm, rau tần dài, hành hương, ớt, không mấy tháng mà sân trong không còn chỗ để chơn nữa vì chậu cứ được sắm thêm hoài, thật là bất tiện. Thuở ấy rau cỏ có bao nhiêu tiền đâu, đi chợ mua hai xu, cả nhà ăn cả ngày không hết mà hai xu chỉ bằng hai đồng bạc ngày nay. Bà ấy lại không còn thì giờ nghỉ ngơi nữa, hễ sáng, vừa bét mắt thì lo săn sóc ba chậu rau không đáng giá đó, trưa cũng vậy, chiều cũng vậy. Vậy, mà kể từ ngày ấy, bà nhà tôi vui vẻ trở lại như hồi vợ chồng tôi mới cưới nhau”. Tôi nghĩ sở dĩ vui, bởi bà đã tìm lại được ký ức tuởng chừng đã thất lạc. Ký ức đó vẫn mới. Không hề cũ.

Nhìn rộng ra, đất đã có từ hơn bốn ngàn năm của thời dựng nước và giữ nước có bao giờ là cũ đâu. Đất bao giờ cũng mới. Mới một sức sống mới tràn trề hy vọng và gắn bó. Phải giữ gìn lấy nó. “Đất nước chỉ tồn tại được nhờ những kẻ nhớ thương nó, bám víu vào nó thôi” - câu văn của Bình Nguyên Lộc. Rồi, đất ấy, gặp lúc thủy hỏa đạo tặc thì mình cằn nhằn: “Đất nước gì mà kỳ cục quá, cái xứ này…” chăng? “Nói bậy nữa đi. Đất của mình, nước của mình mà bà dám nguyền rủa hả? Hồi nào cúng vái, bà nói phục ông bà đất nước lằm mà…” - câu văn của Sơn Nam.

Sở dĩ trích dẫn, nào phải tầm chương trích cú bởi tôi còn muốn ngụ ý rằng, văn chương không chỉ là câu chữ mà ở đó, còn gửi gắm về một điều gì canh cánh trong lòng. Trong văn học miền Nam trước 1975, chưa bao giờ Bình Nguyên Lộc hoặc Sơn Nam được ca ngợi, tôn vinh là “nhà văn thời thượng”, tung hô ồn ào trên báo chí. Thế nhưng một khi sống và viết trong tâm thế “cuống rốn chưa lìa”, quay về thời quá vãng của “hương rừng Cà Mau”, về nơi mình đã sinh ra và trưởng thành, nhờ vậy, trang viết của họ không lỗi thời với nhịp sống trong thời đại thế giới phẳng. Làm sao có thể mất đi mùi đất trong mùi nhớ của đời người? Một bài học cho tôi - kẻ cầm bút đã ăn cơm của Tổ nghề đến mòn răng…

3.

Vâng, mùi quê hương chính là mùi đất.

Người nhớ đất, đã đành nhưng ngay cả con cá sống tại đó cũng nhớ nữa. Khi lưu dân vùng Ngũ Quảng vào đến miền Nam từ vài ba trăm năm trước, từ quan sát, chính họ đã đặt tên cho một loại cá là “cá lạc mạ”. Mạ là mẹ. Khi vào mùa mưa cuối mùa, nước dâng lênh láng sông rạch, cá phải “chạy” theo dòng nước xiết, bị cuốn đi, thế nhưng vẫn có một mớ cá cố lội ngược dòng, quyết bám trụ dù có thể nay mai sẽ chết khô khi ao vũng cạn hết nước. Loại “cá lạc mạ” này ngu quá chăng? Sau đây là đối đáp của nhân vật Bình Nguyên Lộc:

- Ở lại để làm gì?

- Không biết để làm gì. Chỉ thương là ở lại thôi.

- Đói chết.

- Đói cũng được, miễn là toại lòng thương.

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM XUÂN 2021)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com