THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC:NGƯỜI VIỆT CƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

LÊ MINH QUỐC:NGƯỜI VIỆT CƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

 

nguoivietcuoinhu-the-nao

 

Tháng 5.1971 tại Sài Gòn, tạp chí văn Văn Học số 128 thực hiện chủ đề Hài hước trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, nhà phê bình nổi tiếng Tam Ích (1915-1972) quả quyết: “Mỗi khi dân tộc Việt Nam cười trong ca dao là cái cười có hai tác dụng: một là quên đi cái đau xót của đời sống; hai là cười để giấu đi cái khóc”. Tôi muốn bổ sung thêm, không chỉ có thế, đôi khi người ta cười, đơn giản chỉ vì thích cười, muốn được cười thư giản lúc lao động trên đồng cạn dưới đồng sâu, giã gạo đêm trăng, chèo đò… Qua đó, cũng là dịp họ có cớ trao duyên, đùa nghịch, châm chọc nhằm có dịp cười phá lên vui vẻ quên đi mệt nhọc. Thôi thì, dù có thế nào đi nữa, cũng cười lên một tiếng cho vui.

Thủ pháp tạo ra tiếng cười hầu hết vẫn sử dụng theo thể thơ lục bát, do đó, có nhiều câu đi vào kho tàng ca dao của dân tộc, không thể biết ai là tác giả. Chuyện này, không quan trọng bởi hát hò đối đáp xong, người ta quên đi, ai có nhớ thì có quyền vận dụng lại trong tình huống khác, có thể thêm bớt vài chữ cho hợp lý hợp tình, chẳng ai… thưa kiện bản quyền theo công ước Berne! Vì lẽ đó, đó cũng là một trong những lý do ca dao có nhiều dị bản. Có thể nói, khi nam nữ hát hò một trong những thủ pháp mà họ thường sử dụng nhằm tạo ra tiếng cười vẫn là cách nói úp úp mở mở về “cái ấy/ chuyện ấy”. Đừng nghĩ đó là sự thô tục, dễ dãi mà chính là nghệ thuật buộc “đối phương” phải vận dụng tài trí khéo léo, tinh tế trả lời lại, nếu không muốn chê là lỗ mãng, thất học, ít chữ.

Ai lên đón gió hỏi mây

Có khuôn đúc trẻ cho đây mượn cùng

“Khuôn đúc trẻ”, khéo quá, cụm từ này thanh nhã lắm. Bị dồn vào thế bí, không chịu thua, bên nữ trả lời ngay tắp lự:

Anh kia ăn nói lạ lùng

Khuôn ai nấy đúc, mượn cùng ai cho

Dạ, đúng chưa ạ? Chưa à. Thì đây:

Hỡi người gánh nước vô lu

Lại đây anh gửi thằng cu, anh về

Nói sỗ sàng thế mà cũng nói được? Về nguyên tắc hò đối đáp, người ta đưa ra câu hỏi, dù khó, dù ba que xỏ lá, trêu ghẹo nhưng chớ nổi nóng buông lời nặng nhẹ, phải đáp lại thật đau cho bỏ cái tật cà chớn cà cháo nhưng cũng phải… du dương vần điệu, ấy mới cao cơ:

Em đây gánh nước tưới cà

Sao anh lại gửi trốc cha anh vào?

Trốc là đầu. Thế là anh chàng kia, “knock-out” tối mắt tối mũi, chuồn gấp! Lại có người hát hò trêu chọc bên nữ: “Nghe em có giếng giang hồ/ Cho anh thả cá tràu vô với nào”. Câu này có gì cà khịa? Xin thưa, không rõ có phải do hình tượng của cá tràu/ cá quả/ cá lóc hay không mà cả ba miền đều mượn nó dùng trong sự ám chí “cái ấy” cho tế nhị? Ở Quảng Nam có câu: “Thiếp tới chàng dọn một dĩa rau/ Hai bên là hai củ hành tàu/ Ở giữa có một con cá tràu nằm ngang/ Ăn vô thấu bụng thấu tràng/ Bữa nay thiếp mới biết của chàng thật ngon”. Biết ẩn ý ở con cá tràu đó, bên nữ nào kém chi: “Giếng giang hồ em có đã lâu/ Để anh vuốt mặt rửa đầu cho trơn”. Câu trả lời độc địa quá đi mất. Tiếng cười của người Việt, nếu cần cũng thâm trầm kín đáo, thừa sức “đá giò léo” một cách tuyệt chiêu.

Hẵn ta còn nhớ giai thoại liên quan đến nữ văn nhân Đoàn Thị Điểm. Rằng, khi sứ Tàu sang nước Nam ta, để dạy cho chúng bài học về tài trí thông minh của người Việt, không dễ bắt nạt, nhà vua sai bà ra ven sông Hồng ngồi bán nước chè. Bà láu lỉnh cố tình vén cái váy lên cao một chút, cực kỳ hớ hênh như trêu như chọc. Quả nhiên, quan Tàu sa bẫy, nhìn thấy bèn há họng miệt thị: An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh” (An Nam có một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày). Kể ra, tay quan này cũng đáo để lắm, hắn ta thừa biết người nước Nam hay ám chỉ tếu táo “nhất thốn” tức “chỗ ấy”; “canh” là cày mà cày là ám chỉ “động tác ấy”. Xin dừng một chút để thấy “nhất thốn” trong hát đối Việt Nam. Rằng, có cô gái hò trêu chọc, cực kỳ tréo ngoe:

Thiếp đưa chàng một nắm bắp rang

Chàng kiếm nơi mô tỉa được, thiếp với chàng trao duyên

Chàng trai đáp:

Bên em có miếng đất hoang

Ba năm không có nước

Hạn sáu tháng không khô

Em sẵn lòng trao cho anh trỉa, trỉa vô mọc liền

Đất hoang ấy, “nhất thốn” ấy đích thực là “chỗ ấy”. Đối đáp éo le này, còn có dị bản như:

Đưa chàng mấy hột ngô rang

Đúc vô mô mà mọc, thiếp đốt nhang mời về

Đúc vô mô - tiếng địa phương có nghĩa là đút, gieo vào chỗ nào. Mà ngô đã rang thì làm sao gieo cho mọc được hở trời? Đố như thế quả là hiểm hóc. Không ngờ, có người lên tiếng rổn rảng đối lại rất... thú vị: “Nơi mô mà nắng không khô/ Mà mưa không ướt... đúc vô mọc liền!”. Nơi mô? Ai biết nơi mô?

Trở lại với bà Đoàn Thị Điểm. Thừa biết tay quan Tàu láu cá, miệt thị, rẻ rúng thân phận người phụ nữ nói chung, bà điềm nhiên: “Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất” (Các đại phu nước phương Bắc, đều do từ chỗ ấy mà ra). Phái đoàn phương Bắc nghe xong, thế nào? Chỉ có thể kết luận chắc nịch: “Đau hơn hoạn”. Bị thiến đấy, nhưng nào dám kêu, chỉ còn ngậm miệng cút xéo cho đỡ nhục.

Tiếng cười của người Việt đấy!

Cuộc hò đối đáp vẫn vui, vẫn cứ tiếp tục, bên nữ hò tiếp:

Bóng ai thấp thoáng ngoài đường

Thì vô ẩn múi cho nường quay tơ

“Ẩn múi” nói lái của “ủi mấn”, theo tiếng xứ Nghệ, ủi là đẩy, đào, bới; mấn là váy. Thế thì còn gì mặt mũi của đấng nam nhi? Rồi, họ còn hò với câu đố thiệt khó:

Con rồng kia phải bệnh ngáp dài

Hỏi chàng quân tử uống bài thuốc chi?

Bị hỏi dồn tới tấp, anh chàng bèn chọn cách khôn ngoan là đánh trống lảng, lái qua chuyện ba trợn ba trạo:

Hai củ nhân sâm, một củ hoàng kỳ

Ăn vô nó khỏi, uống thì nó thôi

Hiểu ra thì cười, chứ nào ai dám bắt bẻ chi. Được trớn, bên nam bèn lấn tới: “Em ơi, anh hỏi em này/ Hai cái chi bụm bịm mỗi ngày mỗi to?”. Thừa biết tỏng, biết hỏi cái gì rồi, bên nữ đáp cũng lém lỉnh: “Anh hỏi thì em xin thưa/ Cây bù trước cửa, có hai quả đu đưa tròn tròn”. Bù là bầu. Hai từ “đu đưa” thật ấn tượng. Bằng chứng là còn có câu hò: “Gặp anh Ba đây mới khiến hỏi anh Ba/ Làm ăn lâu nay vẫn khấm khá hay vẫn sát da như bọn mình?”. Từ câu hỏi nghiêm túc, sát da tức da bọc xương do thiếu ăn, nào ngờ câu trả lời thật tiếu lâm, bỡn cợt một cách kín đáo mà… lộ liễu: “Thời buổi bây chừ công việc sớt sưa/ Dư không dư, thiếu không thiếu, vẫn đu đưa như mọi ngày”. Cái gì đu đưa? Cũng như mẩu chuyện này, kể lại nghe chơi vì có liên quan đến câu hò trên. Rằng, đầu thế kỷ XX, thời Pháp thuộc, có viên Thừa phái và quan Thiếu bảo trong huyện Kiến Xương (Thái Bình) thích hát cô đầu, nhưng keo kiệt nên thường quên tiền “bo”. Để “sửa lưng” khách, một hôm cô đầu trẻ xin hát tặng một bài hát nói. Khi khách vừa gõ tiếng trống chầu rôm rã, cô đầu cất giọng “mưỡu” ngọt ngào:

Người ta đều gọi ông Thừa

Mà em nhìn mãi chẳng thừa cái chi

Cái thừa là cái chi chi

Vứt đi là hết còn chi là thừa

“Tom chát tom...” vút lên như khen, như khích lệ giọng ca. Cô đầu chuyển qua “hát nói”:

Ông thừa gì thế?

Bấy lâu nay ôm bế tiếng ông Thừa

Em nhìn xem mặt mũi đều vừa

Mà nhìn kỹ cái thừa đâu chẳng thấy

Có phải cái thừa là “cái ấy”

Thì đây này “cái thiếu” của em đây!

Đem thừa kia bù với thiếu này

Cho khít khịt từ nay vừa vặn cả

Chỉ mới nghe đến đây, khách hứng chí “tom chát tom” và cười sảng khoái. Đã có “cái ấy”, phải thêm “cái này” cho “hòa hợp âm dương” vậy. Cô đầu bình tĩnh hát tiếp:

Ông Thừa vì vét tiền thiên hạ

Cụ Thiếu càng ham của thế gian

Thiếu, Thừa âu cũng là quan!

Câu hát vừa dứt. Mặt khách đỏ bừng bừng nhưng cũng cố... nhoẻn một nụ cười! Nếu cứ giả vờ nghiêm nghị, lên mặt đạo đức (giả) e rằng khó có thể cảm nhận tiếng cười tươi trẻ, phóng khoáng, đầy sức sống trong nghệ thuật cười Việt. Thí dụ, ngày kia, giữa lúc mọi người đang hát hò, có chàng trai trẻ đến sau, trợt chân té ngã sóng soài lấm lem, thế là các cô chộp ngay cơ hội trêu chọc: “Đến đây đàn hát vui xuân/ Khấu đầu bái tạ trước sân làm gì?”. Trường hợp này, tương truyền nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã từng chống chế: “Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng do xem đất vắn dài”. Còn ở đây, dù quê cơ/ quê độ nhưng chàng trai láu lỉnh biện bạch: “Đất đâu có đất lạ lùng/ Đứng thì không được, nằm cùng thì cho”. Quả là khôn khéo. Mà cái sự “nằm cùng” này nhiều nghĩa lắm.

Dù quê thì quê, nhột thì nhột nhưng chẳng lẽ chịu thua? Bên nam hò tiếp: “Ra đây anh hượt một sào/ Lạch này coi thử chỗ nào cạn sâu?”. Cái sào xuất hiện trong ngữ cảnh này, hoàn toàn không ngẫu nhiên, có chủ đích rõ ràng. Ta lại nhớ đến câu hò khác đầy ẩn ý của bên nữ: “Hai bên cỏ mọc xanh rì/ Ở giữa có khe nước chảy hỏi anh đi đường nào?”. Dường như chỉ chờ có thế, bên nam đáp ngay: “Hai tay anh bu lấy cội đào/  Ở giữa có khe nước chảy anh chống sào anh qua”. Thế thì, trong trường hợp trên khi nghe đến cái sào đầy ngụ ý, bên nữ cứ tỉnh bơ như không: “Lạch này chỗ cạn chỗ sâu/ Sa chân cũng dễ ngập đầu anh ơi?”. Thử hỏi còn câu cà khịa nào đau hơn nữa không?

Qua những dẫn chứng này, ta thấy cách nói úp mà mở, mở mà úp cũng chính là nghệ thuật cười Việt. Câu hát ví vừa dứt, mọi người cất tiếng cười ầm, khoái trá. Cười thế mới là cười đứt đuôi con nòng nọc . Thôi thì, dù có thế nào đi nữa, cũng cười lên một tiếng cho vui.

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 230 tháng 10.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com