THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: TIẾP CHO NHAU “NĂNG LƯỢNG” CỦA SỰ LẠC QUAN

LÊ MINH QUỐC: TIẾP CHO NHAU “NĂNG LƯỢNG” CỦA SỰ LẠC QUAN

 

tiep-cho-nhau-nang-luong-lac-quan

“Thân này, trách thân này, thân tui chớ sao lận đận này, mình này, trách mình này, số phận chớ sao hẫm hiu, chớ bởi thân tui, tui cực khổ, tui eo nghèo nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo cái nẫu rùi”. Nếu nghe kỹ bài dân ca, ta sẽ phát hiện ra một điều đáng buồn cười ở người đàn ông trong đang Than thân trách phận. Sở dĩ, cô vợ bỏ đi theo người khác, anh ta lý giải chỉ tại “tui cực khổ, tui eo nghèo”, chứ mình không có lỗi gì cả. Do nghĩ chủ quan vậy nên anh ta cứ than trời trách đất, đổ vấy nguyên cớ sang cô vợ.

Nào có riêng gì anh chàng này, nhiều người khác cũng tương tự. Lần nọ, trong một lần gặp nhau, tôi nghe người bạn hỏi: “Nè, vợ của ông chuyển qua “công ty than” từ dạo nào vậy?”. Vừa gặp mặt, chưa hỏi han gì, cô bạn học thời phổ thông đã “chận họng” bằng một câu nghe lùng bùng lỗ tai, tôi ngạc nhiên: “Bạn nói cái gì? Bà xã tớ vẫn đang dạy học. Ngày nào cũng đều đặn đến lớp, chứ có chuyển ngành nghề gì đâu? Ủa, ai lại đồn nhảm vậy ta?”. Cô bạn phá lên cười như nắc nẻ. Mãi một lúc sau, tôi mới biết, cô đang “xỏ ngọt” về cái tính hay than vãn kể khó kể khổ, than thân trách phận của bà xã tôi.

Thật vậy, có nhiều người lúc gặp nhau, chưa kịp mở miệng cười, chào hỏi thì cái lưỡi đã vận dụng hết công suất để than trời trách đất. Mà những chuyện đó, đôi khi chẳng có một tầm “vi mô”, “vĩ mô” gì sất nhưng lại “nâng quan điểm” nhằm “quan trọng hóa vấn đề”.

Vừa đi công tác xa về nhà, chồng con ríu rít ra chào đón, hỏi han, chị nọ vui lắm. Nhưng niềm vui ấy chỉ thoáng qua đúng vài giây vì ngay sau đó, người chồng bắt đầu ca cẩm: “Em biết không, những ngày em vắng nhà, cái Tún, cu Tèo nhớ em quá nên đêm nào cũng khóc lè nhè, anh mất ngủ cả đêm. Chưa hết, có lần chúng ốm sốt, chỉ một tay anh quán xuyến hết mọi thứ. Anh vừa đi làm, vừa đưa con đi bác sĩ, vừa lo cơm nước, vừa giặt giũ quần áo…”.

Những câu ca thán này, nếu chỉ vợ chồng nghe với nhau, còn có thể châm chước vì đó là chuyện nội bộ. Thế nhưng có người đi đến đâu cũng cẳn nhẳn cằn nhằn. Bạn bè gặp nhau, vừa mới tay bắt mặt mừng, cô nọ đã tuôn một hơi dài: “Thời buổi này kiếm đồng tiền cũng trầy vi tróc vẩy. Thu nhập không bằng một phần mười năm ngoái nên tớ muốn đổi chỗ làm quá. Có biết nơi nào “ngon ăn”, các bạn giới thiệu giúp nghen?”. Người chồng của cô đứng sượng trân, thừa biết tỏng sự tình đâu đã đến nổi. Mà dẫu có thế, liệu có cần phải la toáng cho “làng trên xóm dưới” đều biết?

Có người cho rằng, khi thở than ắt sẽ nhận được sự cảm thông, thương hại của mọi người. Thật ra không hẳn. Mỗi người một hoàn cảnh, “Giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo”. Hơn nữa, trong quan hệ xã hội chẳng ai muốn nghe những lời sầu não, ca thán của người khác, dẫu có nghe đi nữa thì cũng tai này lọt qua tai kia. Vậy hà cớ gì ta lúc nào mở miệng ra cũng kèm theo tiếng thở dài sườn sượt?

Ngay cả quan hệ vợ chồng, dẫu gắn bó như môi với răng, có thể tâm tình chia sẻ mọi chuyện nhưng ai có thể chịu đựng mãi được những lời thở vắn than dài? Các câu nói ấy chẳng khác gì cuộn băng cứ “tua” đi “tua” lại nhiều lần đến phát nhàm. Điều quan trọng của sự chung sống là tiếp cho nhau “năng lượng” của sự lạc quan, đem lại niềm vui sống, sự hy vọng dù hoàn cảnh chưa thật sự như ý muốn.

Bước vào mâm cơm, vừa cầm đũa lên có người cảm thấy no ngang cổ họng vì chồng/vợ thở dài cái sượt: “Ối! Mớ rau loằng ngoằng mấy cọng, vài con cá bé tẹo ấy mà đã bạc trăm bạc ngàn rồi đấy! Thời buổi này vật giá cứ leo thang vùn vụt, vậy mà mấy năm rồi chẳng thấy tăng lương”. Miếng ăn có còn ngon không hở trời? Tất nhiên là không. Đắng nghét cái cuống họng. Ăn gì nổi.

Tôi liên tưởng đến một câu trong Truyện Kiều: “Một lời là một vận vào khó nghe”, có thể hiểu rằng một khi nói mãi về những điều xấu, buồn thảm, bi quan thì có lúc nó cũng “vận” vào người. Không chỉ người đó khó có thể có niềm vui sống mỗi ngày mà còn đem lại sự bực mình cho người khác nữa.

Trước đây, nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê có dịch tác phẩm Chấp nhận cuộc đời của Luise Rinser và ông cho biết tác giả: “Chịu nhiều khủng hoảng về tinh thần, nên đã có dịp suy tư về cuộc sống mà tìm ra một nhân sinh quan không bi mà cũng không lạc một cách dễ dãi nhưng can đảm, nhân từ và thông minh”. Trong quyển sách này, Luise Rinser có kể câu chyện: “Một người nọ một hôm gặp một con rắn lớn vô cùng muốn tấn công mình. Trước nguy cơ đó, do bản năng tự vệ, anh ta chiến đấu với con quái vật, nhưng không thắng nổi nó, đâm dầu chạy. Con rắn đuổi kịp, anh ta phải quay lại chiến đấu với nó. Rồi lại chạy. Cứ đánh rồi chạy, như vậy mấy lần, không được nghỉ một phút, phải dốc hết toàn lực mà chẳng làm được gì khác”.

Cuối cùng, anh ta làm thế nào để thoát khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã đó? Ta hãy đọc nốt câu chuyện, một hôm có nhà hiền triết bảo: “Đừng chạy trốn nữa mà cũng đừng chiến đấu nữa”. Anh ta đáp: “Nó sẽ nuốt mất tôi còn gì!”. Nhà hiền triết bảo: “Nghe lời tôi khuyên đây, sẽ được yên ổn. Lại gần con rắn đi, nằm dài bên cạnh nó, uốn mình theo những khúc cong của nó thì sẽ thoát, nó sẽ không tấn công nữa đâu”. Anh ta làm theo lời khuyên đó và quả nhiên được yên ổn”.

Có lẽ nhiều người vẫn không tin đó là giải pháp hữu hiệu chăng? Thôi thì, ta hãy nghe lời lý giải của Luise Rinser: “Như vậy nghĩa làm sao? Phải bỏ cái ý làm chủ số phận của mình ư? Cứ khoanh tay mà an phận chăng? Không phải vậy. “Nằm dài bên cạnh con rắn” có nghĩa là: hòa giải với nó, tin nó, coi nó như bạn đồng hành, chấp nhận nó như một sự tất yếu, nhưng là một sự tất yếu hợp ý ta, hoàn toàn do ta định. Tóm lại, “Nằm dài bênh cạnh con rắn” tức là chấp nhận số phận. Vì ta chỉ có hai thái độ đối với số phận: chấp nhận hay phủ nhận.

Phủ nhận là thái độ hảo huyền, vì không phải hễ từ chối số phận của mình là ta sẽ nhận một số phận khác. Người nào ngày ngày đều than thân trách phận thì sẽ thấy số phận không khác con rắn nó muốn nuốt mình. Nhưng người nào bình tĩnh chấp nhận số phận, không phải chấp nhận một lần là đủ, phải chấp nhận mỗi ngày, thì sẽ thấy rằng số phận có khổ sở tới mức nào (bị một chứng nan y hay lỡ vướng vào một cuộc hôn nhân tai hại) cũng sẽ lần lần bớt khắt khe đi. Ta tự thích ứng với số phận thì số phận sẽ tự thích ứng với ta”.

Có lẽ nhiều người đồng tình: số phận không giống nhau, nhưng hơn nhau ở chỗ là biết chấp nhận nó bằng thái độ nào. Nếu nhìn nhận ở góc độ tiêu cực, u ám thì chẳng khác gì tự mình chuốc lấy sự hậm hực, buồn bực; ngược lại, nếu xem bình thường và tích cực tìm cách tháo gỡ thì mọi chuyện lại khác.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 467 ngày 18.3.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com