Nghĩ lại đi, ai lại không có lúc sẩy tay làm vỡ một vật dụng ở trong nhà? Ai lại không có lúc phân vân, lựa chọn ngành học lúc sắp bước vào đời? Lúc ấy, mình sẽ xử trí ra làm sao? Có những lúc phạm việc làm sai trái, ta vừa muốn thú thật; vừa muốn nói dối. Nó thật thì ta sợ đòn của ba mẹ; nói dối ắt xấu hổ. Vậy chọn lấy cách nào? Có những tình huống xẩy ra, đối với đứa trẻ lên 5, lên 10 đành rằng là khó nhưng với những bậc phụ huynh cũng không dễ dàng.
Nói dài dòng môt chút, vì tôi muốn đề cập đến bài viết vừa post trên mạng internet. Dù chỉ ghi “Sưu tầm” nhưng bạn đọc cực kỳ quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau.
Một thanh niên tâm sự: “Khi con được 8 tuổi, con muốn tự mình giặt tất, mẹ đã sợ con giặt không sạch; con muốn rửa bát, mẹ sợ con làm vỡ; con muốn tự mình xới cơm, mẹ sợ con bị bỏng. Mẹ đã cho con thấy, trong cuộc sống này, hóa ra có rất nhiều khó khăn và nguy hiểm mà con không thể đối diện. Nhưng con đã không hiểu rằng, mẹ chỉ không muốn mất công thu dọn và làm các việc do con có thể sơ ý gây ra”.
Trong khi đó, một chàng trai khác lại cho biết: “Khi con được 8 tuổi, con muốn tự mình giặt tất, mẹ dạy con làm thế nào để giặt cho sạch; con muốn rửa bát, mẹ dạy con phải cẩn thận để bát không bị vỡ; con muốn tự mình xới cơm, mẹ dạy con xới cơm cẩn thận để không bị bỏng. Mẹ đã dạy cho con biết phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình”.
Thêm tình huống này nữa. Một thanh niên tâm sự: “Khi con được 13 tuổi, con đá bóng, do sơ ý đã làm vỡ của kính của nhà hàng xóm, mẹ dùng tiền để bồi thường và dắt con đi xin lỗi họ. Mẹ cho con biết rằng, khi gây ra chuyện chỉ cần nói “xin lỗi” là xong, nhưng con đã không biết, mẹ đang oán trách nhà hàng xóm đã đòi mình bồi thường quá nhiều tiền”.
Trong khi đó, một chàng trai khác lại cho biết: “Khi con được 13 tuổi, con đá bóng, do sơ ý đã làm vỡ của kính của nhà hàng xóm. Mẹ đưa con đến cửa hàng để mua kính, sơn và đinh, sau đó mẹ bảo con giúp mẹ cùng lắp lại cửa kính cho họ. Sau đó còn trừ tiền tiêu vặt của con vào tháng sau. Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước những sai lầm của bản thân”.
Câu chuyện đang lý thú quá phải không? Có lẽ nhiều bạn gật gù đồng tình, vì thế, cho phép tôi đưa ra thêm tình huống này nữa. Một thanh niên tâm sự: “Năm 19 tuổi, con chuẩn bị thi vào đại học, mẹ nói rằng, làm luật sư không những có nhiều tiền mà còn có địa vị trong xã hội, và nhất định muốn con học ngành luật. Mẹ đã cho con thấy rằng, chỉ cần con đi theo những gì mẹ sắp đặt là được. Nhưng con không biết rằng, mẹ chỉ muốn thông qua con để thực hiện giấc mơ mà trước đây mẹ đã không làm được”.
Trong khi đó, một chàng trai khác lại cho biết: “Năm con 19 tuổi, con chuẩn bị thi vào đại học, mẹ đã giúp cùng con phân tích những chuyên ngành mà con yêu thích, và để cho con tự quyết định chuyên ngành mà mình muốn theo đuổi. Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm cho tương lai của bản thân”.
Qua các tình huống như trên, có lẽ, chúng ta đều có thể đoán biết trước số phận của mỗi người sau này. Trong 2 người đó, trên đường đời thì ai sẽ là thành công? Ai sẽ là người thất bại?
Ít ai biết, thân phụ của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cũng là một nhà giáo - cụ Nguyễn An Khương (1860-1931), nay tại Hóc Môn (TP.HCM) có trường trung học cở sở mang tên cụ. Điều thú vị là cụ có viết sách giáo khoa dành cho dành cho học trò Nam kỳ. Sách in năm 1910, đó là quyển Mông học thê giai. Trong tập sách này, tôi rất thích mẩu chuyện Thằng Vàng. Mời các bạn cùng thưởng thức một bài tập đọc lớp tiểu học cách đây đã 117 năm:
“Thằng Vàng làm rớt cái bầu, thất kinh đứng nhìn sửng sốt, lại thấy con mèo chạy ngang đó, mẹ nó lật đật chạy tới thấy cớ như vậy thì hỏi rằng: “Mèo đập bể cái bầu rồi sao?”. Thằng Vàng ngẫm nghĩ giây lát rồi đáp rằng: “Thưa mẹ, tại tôi xáng bể, kế liền con mèo chạy ngang qua đó, chớ không phải nó đập bể”.
Mẹ nó nghe nói như vậy thì khen thầm rằng: “Thường thường con nít người ta, hễ làm điều chi lầm lỗi thì hay kiếm chuyện chữa cho mình và chối cho khỏi tội. Nay con mình sẵn cớ con mèo chạy ngang đó, mình cũng ngỡ là con mèo đập bể mà hỏi như vậy, té ra nó lại không chịu nói dối, cứ thiệt khai ngay. Tánh con nít mà đặng như vậy, dẫu cái bầu ấy có đáng trăm đồng bạc đi nữa, cũng nên tha lỗi cho nó”.
Nghĩ như vậy, bèn bước lại ôm con mà rằng: “Thôi thôi con đừng sợ nữa, đã biết đập bể cái bầu là lỗi, song con chịu điều lỗi của mình, mà không đổ lỗi cho con mèo thì cũng trừ đặng lỗi ấy”. Thằng Vàng lạy mẹ mà tạ ơn”.
Trong mẩu chuyện này, thằng Vàng đáng khen vì biết nhận lỗi, không đổ thừa, đổ vấy cho con mèo để né tội nhưng mẹ nó càng đáng khen hơn. Khi thấy con làm việc tốt, các bậc phụ huynh không hà tiện lời khen ắt là lời động viên, khuyến kích con cái phát huy tính tốt. Sự giáo dục ngay từ gia đình, từ ba mẹ rất có ảnh hưởng đến nhân cách của đứa trẻ. Nói như thế, hoàn toàn không phải “sách vở”, “lên gân” đâu.
Những ai đã từng thần tượng văn hào Léon Tolstoy (1828- 910), nếu biết thêm chuyện này, chắc chắn lại càng yêu mến ông hơn.
Vào một ngày tuyết rơi tràn ngập khắp nẻo đường, ngoài trời lạnh buốt. Giá rét như cắt vào xương thịt. Thức dậy sớm, nhà văn Tolstoy ngồi bên lò sưởi và bắt đầu suy tư về tác phẩm sẽ viết. Vừa viết được đôi dòng, bỗng ông nghe có tiếng gõ cửa. Ai lại quấy rày vào lúc này? Dù vậy, ông vẫn đứng dậy mở cửa. Trước mặt ông là cậu bé lên mười đang co ro, môi tím tái vì rét. Chìa ra cái đĩa đặt trên lòng bàn tay đã có lót vải dày phía dưới, nó run lập cập: “Thưa ông, cho cháu xin một ít lửa”.
Nhà văn Tolstoy gắp những cục than hồng bỏ vào trong đĩa cho đứa bé. Nhìn những cục than hồng đỏ rừng rực, nó sung sướng, hài lòng bởi hơi ấm đang tỏa lên dần. Nhận xong, đứa bé vội vàng quay gót bước ra khỏi cửa. Đang bước đi với niềm hào hứng, bỗng nó nghe có tiếng nói vọng theo: “Này, cháu vừa nói với ta câu gì nhỉ?”. Đứa bé ngạc nhiên, quay lại và hỏi: “Thưa ông, cháu không có nói câu gì ạ”. Nhà văn Tolstoy độ lượng mỉm cười: “Vậy mà ta nghe cháu vừa thốt ra lời cám ơn”.
Câu nói của nhà văn lừng danh thế giới nhẹ nhàng mà uyên thâm, sâu sắc biết chừng nào. Tôi tin rằng, câu nói ấy mãi mãi khắc sâu vào lòng đứa trẻ về lòng biết ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Bài học nhỏ này, biết đâu lại góp phần hình thành lên số phận của một con người? Tại sao không? Nếu còn phân vân, ta hãy xem lại cách phép ứng xử của hai bà mẹ mà hai chàng trai trong những tình huống vừa nêu trên.
L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 466 ngày 11.3.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|