“Ăn theo thuở, ở theo thời”. Cái đẹp trong quan niệm chung, theo thời gian đã có sự thay đổi nhiều lắm. Rất nhiều. Hình ảnh “men” nhất của đấng mày râu có thể nhìn thấy qua thành ngữ tiếng Việt như: “Tóc củ hành, đàn anh thiên hạ”. Tóc phải búi tó củ hành, mới là đẹp trai, oai phong lẫm liệt khiến đàn bà, con gái phải mê tít.
Lại thêm một chứng cứ nữa, qua đó, ta cũng thấy được cách ăn mặc của một thời. Với giới yểu điệu thục nữ, sau khi đã lập gia đình: “Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân xiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc”. Còn đàn ông thì sao? Hãy nghe nhà thơ Yên Đỗ miêu tả tiếp: “Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm?”.
Dấu tích của một thời hiện rõ nét trong câu đối khóc vợ, nay đọc lại, có thể nhiều người không thể hình dung ra nổi. Những “thời trang” đó, hiện nay chỉ có thể tìm kiếm trong… viện bảo tàng.
Đàn ông bây giờ khác lắm rồi.
Nếu thú vui ngày trước “gật gù tay đũa tay chén”, chỉ đọc thoáng qua, ta đã nghe thấy sộc lên mũi cái mùi men rượu chưng cất theo kiểu truyền thống. Đàn ông người Việt thời nào cũng khoái rượu. Xưa cũng thế, nay cũng thể. Bằng chúng mới đây thôi, một tổ chức quốc tế đã thống kê người Việt “ngốn” hết 3 tỷ lít bia trong một năm thì mới thấy phát khiếp. Tuy nhiên, đã xuất hiện một lớp người mới, họ không thèm hoặc biết hạn chế bia bọt chẳng phải sợ tốn kém, thủng túi tiền, vợ cằn nhằn mà chính là vì mục tiêu làm đẹp. Một anh bạn của y nói rằng: “Nè, cậu có biết bia rượu, thuốc lá tàn phá dung nhan ra sao không?”.
Ơ hay, lâu nay, vẫn cứ tưởng chỉ có phụ nữ mới có nhu cầu mãnh liệt được sở hữu “mặt hoa, da phấn” thôi chứ? Chẳng lẽ, đàn ông mà cũng vậy à? Vâng, các quý vị, quý ngài như Chí Phèo, anh Pha, Kép Tư Bền, thầy giáo Thứ, lão Hạc thời nay… cũng có nhu cầu đó. Đơn giản chỉ vì trong giao tiếp, muốn tìm được việc làm, muốn tạo ra thiện cảm với người đối diện thì ít ra cái hình thức bề ngoài cũng chiếm phần quan trọng. Rất quan trọng.
Anh bạn của y là giám đốc công ty kinh doanh bất động sản, khi tuyển nhân viên, anh cho biết trước hết phải nhắm vào hình hài, chiều cao, cân nặng… của người đi xin việc. Một người dù tốt nghiệp đại học, nói tiếng Anh, tiếng u như gió nhưng ăn mặc lùi xùi, tóc tai như ổ quạ, quần áo bốc mùi, khi quan hệ với khách hàng liệu có ma nào thèm tin? Rõ ràng, vì sự tiến thân, muốn thành công trong công ăn việc làm nên nhiều nam giới ngày càng ý thức phải biết cách tự làm đẹp nhiều hơn trước.
Cứ quan sát giới văn nghệ sĩ thì rõ. Trong quan niệm về cái đẹp của nam tính ngày trước thì râu ria um tùm, cứ để nó như cỏ dại mọc tự do trên gương mặt mà con mắt sâu hoắm vì mất ngủ; tóc tai ra sao cũng mặc, thậm chí nhiều ngày không cần đến dầu gội đầu cũng chẳng sao; quần áo xốc xếch, nhầu nhĩ; mồm mép phì phà thuốc lá như khói tàu xe lửa v.v… Có thế, mới đích thực là văn nghệ sĩ thứ thiệt.
Chà, đàn ông bây giờ khác lắm rồi.
Trong nhóm bạn bè của y, hầu hết đều biết chưng diện lúc bước ra đường. Áo quần không chỉ thẳng thớm mà còn phải là “hàng hiệu”, may đúng cỡ người; thân thể thoang thoảng chút nước hoa quyến rũ, trữ tình. Đối với đàn ông một trong những cách làm đẹp, nếu cần phải sử dụng đến “dao kéo” thì có lẽ họ vẫn muốn khắc phục nhược điểm trên gương mặt.
Anh bạn của y là văn nghệ sĩ kiêm doanh nhân thành đạt, có xe hơi, có nhà cao cửa rộng nhưng việc tìm kiếm người bạn đời sao khó khăn quá. Chỉ vì, ngay trên gương mặt của anh, ngay phía dưới sóng mũi là cái nốt ruồi to như đầu đũa. Nhiều cô cũng khoái anh, cũng thích sự giàu có ấy nhưng một khi anh đặt vấn đề nghiêm túc, họ lại “bỏ của chạy lấy người”. Hỏi ra, cứ theo như lời phán tàm xàm của mấy gã thầy bói gà mờ đó chính là “nốt ruồi trích lệ”. Chẳng rõ đúng sai ra sao, nhưng khi soi gương thấy chẳng đẹp chút tẹo tèo teo nào, thế là anh vào thẩm mỹ viện cắt phéng cho nó lành.
Đừng tưởng chỉ có phụ nữ mới cần vào spa, massage, xông hơn, detoux giảm cân đấy nhé. Đàn ông cũng cần nốt.
Họ cần xuất hiện trước đám đông là một mẫu người của sự thành đạt, sành điệu, sang trọng. Thật vậy, nếu ngày trước qua ăn mặc, chưng diện có thể phân biệt người đàn ông đó thuộc giới nào, nghề nghiệp gì, nay lại khó có thể phân biệt. Bước vào đám đông, hầu như ai cũng trang phục như nhau, nghĩa là cố gắng tạo ra một hình ảnh chung về cái đẹp đã được cộng đồng thừa nhận. Vì hình ảnh đó, buộc lòng họ phải có sự “trang bị” chỉnh chu hơn trên thân thể của mình. Vậy nên câu thành ngữ “tốt khoe xấu che” thời buổi này lại càng được vận dụng. Họ muốn cho người đối diện nhìn thấy một dung nhan trẻ trung, tươi mới. Vì thế, tại sao không lột da mặt, nhuộm tóc, chọn mùi nước hoa v.v… và v.v…?
Mà nghĩ cho cùng, một khi người đàn ông đã có ý thức làm đẹp thì trước nhất có lợi cho ai? Xin thưa rằng, người được lợi trước nhất chính là… phụ nữ. Thế giới làm đẹp của Eva từ đây không còn là sự “độc quyền” nữa, bên cạnh đó, còn có các Adam nữa đấy chứ. Nhìn một người đàn ông biết làm đẹp, y dám nói rằng, bất kỳ người phụ nữ nào cũng cảm thấy dễ chịu, có nhiều thiện cảm hơn?
Vì lẽ đó, người đàn ông phải tự ý thức điều chỉnh từ trong việc ăn uống, tập thể dục, bảo vệ da, hạn chế bia bọt… thì mới có thể sở hữu một thân hình đẹp. Bằng không, cứ cho rằng, đàn ông cần quái gì hình thức bề ngoài, chỉ cần có tài, có tiền là đủ thì sức mấy phụ nữ thời nay thèm ghé mắt đến.
Đúng không nào?
L.M.Q
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 20.4.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|