THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Họ là họ, mình là mình

LÊ MINH QUỐC: Họ là họ, mình là mình

holahominhla-minh-1r

 

Ngày tôi còn đi học, cô giáo trường làng có kể mẩu chuyện ngụ ngôn: Xuân sang nắng ấm, trong ao có chị ếch đang ngồi sưởi nắng trên tấm lá sen. Nhìn thấy chú bò đang tha thẩn gặm cỏ trên bờ, ếch ta nghĩ thầm, so với chú bò kia, vóc dáng của mình quá khiêm tốn, chỉ bằng một quả trứng bé tẹo. Lòng ghen tị nổi lên, ếch ước sao trở thành to lớn như con bò kia… Thế là ếch bèn “Ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương”, cố gắng hết cỡ nhưng vẫn còn kém xa. Cuối cùng, “Tức mình chị nhái oắt ta/ Lại phồng bụng quá vỡ ra chết liền”. Một cái chết lảng xẹt, không đáng, nếu tự lượng sức mình, đâu đến nổi “tanh bành xác pháo”. Mẩu chuyện này, nhà thơ La Fontaine có lời bình: “Ở đời lắm kẻ thật điên/ Sức hèn lại muốn tranh tiên với người/ Dại thay những thói đua đòi/ Vinh gì cuộc rượu trận cười mà ganh/ Để cho cơ nghiệp tan tành” (Nguyễn Văn Vĩnh dịch).

Cái gì của mình, ắt của mình, bằng không, chẳng thể nào mình có thể với tay tới. Muốn với tới ắt phải nỗ lực bằng sức lao động, trí tuệ chứ không thể lấy bừa của một ai đó.

Những ngày này, trên cách phương tiện truyền thông, thiên hạ đàm tiếu, chế giễu, chê cười một vài cá nhân đã “cầm nhầm” thành quả sáng tạo của người khác. Bài thơ nọ được phổ nhạc, bỗng dưng vào một ngày đẹp trời, có người la toáng lên là thơ của mình, dù chẳng đưa ra một chứng cứ gì rõ rệt. Lại nữa, tập thơ kia vừa được một hội văn học nghệ thuật trao giải thưởng, bất ngờ, có người phát hiện tác giả đã “thuổng” thơ trắng trợn.

Để làm gì vậy?

Ít ra cá nhân mình được nhiều người biết tới hơn, nổi tiếng hơn, tên tuổi vang xa hơn và tất nhiên cũng được ngưỡng mộ hơn. Họ nghĩ rằng, một khi được bàn dân thiên hạ biết đến thì vẫn oách, vẫn “sang trọng” hơn. Những chuyện nhố nhăng này cho thấy rằng, được nổi danh vẫn là thèm muốn của nhiều người. Thèm muốn ấy chẳng có gì sai, miễn là họ tự bước đi bằng đôi chân của mình trên con đường rầm rộ tiếng vỗ tay, hoan nghênh.

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nổi tiếng quá cũng không phải sướng đâu. Tôi có anh bạn đang là ngôi sao sáng trên vòm trời showbiz, nhất cử nhất động của anh đều “được” giới truyền thông “canh me”, săm soi “vạch lá tìm sâu”. Với một người bình thường, nếu làm việc đó, có thể không sao nhưng với anh lắm lúc bị “ném đá” tơi bời. Lần nọ, bước vào quán ăn, sau khi tính tiền xong, anh buộc miệng: “Trời, quán gì mà bán mắc quá!”. Lời than vãn ấy, bình thường nhưng  lập tức, người ganh kẻ ghét nhao nhao châm chọc anh nổi tiếng mà keo kiệt, bủn xỉn, tính từng xu…

Nhiều lúc, muốn tạt vào góc phố ngồi vỉa hè ăn những món ưa thích, lập tức người ái mộ vây quanh xin chữ ký, chụp hình chung vì thế, anh đâm ra ngại, khó có thể…đi đứng như người bình thường! Có lần anh tâm sự: “Ai nói nổi tiếng thì hãnh diện, sung sướng chứ nói thật, tớ cảm thấy mất tự do lắm”. Đúng thế, chắc nhiều người còn nhớ vụ gia đình diễn viên Jolie Angelina Jolie sang thăm Việt Nam?

Để tránh sự săn tin “quá hớp” của cánh nhà báo, họ phải giữ kín mít lịch sinh hoạt, bằng không khó có thể vui chơi, ăn uống, mua sắm theo ý thích. Mà những những người này, thật sự có tài năng, cống hiến cho xã hội nên được công chúng bày tỏ sự mến mộ cũng phải thôi. Tuy nhiên, có những người tài năng chỉ bằng “con ếch” nhưng lại muốn to bằng “con bò” nên mới sinh ra lắm chuyện phiền toái cho chính họ.

Biết đủ là đủ. Bốn chữ ấy, hầu như ai cũng biết, cũng thuộc nằm lòng nhưng rồi… quên. Quên đi rằng, một trong những lựa chọn để sống vui, sống khỏe nhất vẫn là “tri túc, đãi túc, hà thời túc/ tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn? (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ/ Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?). Về cái danh cũng vậy, ông trời đã cho ta chừng đó, bởi tài năng của ta chỉ đến thế. Bằng lòng với cái danh đã có, ta cảm thấy nhẹ nhàng, hài lòng. Nếu muốn nổi danh hơn nữa, ắt phải cố gắng, phải nỗ lực nhiều hơn chứ không thể “chôm” thành quả lao động của người khác.

Họ là họ, mình là mình. Dù mình nhỏ nhoi hơn, thấp kém hơn nhưng ai cũng có giá trị riêng biệt, khó có thể so sánh. Năm ngón tay, ngón ngắn ngón dài, bé nhất vẫn là ngón út. Đừng tưởng nó “tầm thường” nhá, thử hỏi, một khi lỗ tai bị ngứa có cần đến nó không?

Trong xã hội, có những người bình thường, không gì nổi bật nhưng người nổi danh phải cần đến họ. Lúc diễn một tuồng hát, người nghệ sĩ danh tiếng nổi như cồn bước ra sân khấu với hào quang ánh sáng, tiếng vỗ tay dạt dào như sóng vỗ. Đừng quên góp phần làm nên hình ảnh đó, còn có người hóa trang, người kéo rạp, người nhắc tuồng… Mỗi người một phận sự, khó có thể nói ai hơn ai. Khổ nổi, có những người đảm đương nhiệm vụ sau cánh gà lại muốn trở thành kép độc, đào thương, kép chính… không những gánh hát đó “sập tiệm” mà kẻ ham hố kia cũng chẳng làm nên trò trống gì!

Họ là họ, mình là mình. Mình không là họ, nhưng họ muốn là mình cũng không dễ. Một câu chuyện ngụ ngôn của Ê-Dốp, chắc nhiều người còn nhớ: Trong cánh rừng nọ, vạn vật đều sợ oai linh của con sư tử, biết thế, con lừa bèn đội lốt sư tử. Tưởng thật, cả người lẫn vật đều sợ khiếp vía. Rồi, ngày kia có trận gió lớn thổi tung bộ da khoác của con lừa. Nhìn thấy nó trần trụi, biết đích thị con lừa hợm hĩnh, mọi người chạy đến nện cho một trận nên thân!

Trở lại vụ “đạo thơ” đang ồn ào dư luận, ta càng nhận ra rằng, cái gì không phải của mình, chớ dại vơ vào. Đến một lúc thiên hạ phát giác ra sự việc tồi tệ đó, cái mặt của mình biết giấu vào đâu?

Đi ra đường gặp đồng nghiệp có còn tự tin như trước, hay chỉ cụp mặt  xấu hổ, lảng sang chỗ khác?

Tôi sực nhớ đến sự kết thúc thảm hại trong bài thơ “Vịnh cái pháo” của Nguyễn Hữu Chỉnh (1741 - 1788): “Xác không vốn những cậy tay người/ Bao nả công trình, tạch cái thôi/ Kêu lắm lại càng tan tác lắm/ Thế nào cũng một tiếng mà thôi”.

“Một tiếng” nhưng lại là âm thanh của sự xú danh.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 418 ngày 24.10.2015)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com