THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Lời thề Hippocrate

LÊ MINH QUỐC: Lời thề Hippocrate

HippocrateR


 

Lúc có bệnh, buộc phải nói ra câu trước nhất, có phải người ta lập tức há miệng: “Đến bác sĩ xem sao?/Ý kiến thầy thuốc thế nào?”. Lúc ấy, vị cứu tinh có thật trên đời chính là những tấm lòng “lương y như từ mẫu”. Người bệnh trông ngóng, chờ đợi và tin rằng, bác sĩ có vô vàn phép màu nhiệm đem lại điều cần thiết nhất trong khoảnh khắc đó: sức khỏe.

Vâng, khi đang thở không ai ý thức được sự sống rất đỗi tự nhiên ấy, nhưng chỉ cần thiếu không khí trong vài phút, thậm chí vài giây, người ta mới sực nhớ đến. Bác sĩ cũng thế. Lúc khỏe mạnh, dung dăng dung dẻ cùng tình nhân, sa đà bia bọt, bán trời không mời thiên lôi, có thể nhảy một phát là chạm vào tới trời xanh, lúc ấy chẳng hề có hình bóng ông/ bà thầy thuốc nào lãng vãng trong óc. Nhưng khi có bệnh, lập tức họ cầu cứu ngay thôi, không chậm một giây. Và rồi, trong cuộc sống hàng ngày người ta lại mong muốn “lương y bất đáo gia”. Thầy thuốc không để nhà, tức sức khỏe vẫn còn đang phơi phới xuân tình.

Ngẫm nghĩ lại, tự dưng thấy làm nghề thầy thuốc sao mà dễ… “tủi thân”: Lúc cần, người ta cần “hết cỡ thợ mộc” nhưng sau đó, lại chẳng hề cần, chẳng muốn phải nhờ cậy thêm lần nữa! Có phải là sự “nghịch lý” trong đối nhân xử thế đó không? Dù không phải là nhà nghiên cứu về hành trạng, công đức, sự nghiệp của các vị thầy thuốc nhưng với những gì đã đọc, tôi nghiệm ra rằng, các lương y có lương tâm chính là các vị Bồ Tát của đời thường. Có quá lời chăng? Không hề. Sở dĩ, đời trước, đời nay và ngàn vạn đời sau vẫn kính trọng nghề thuốc bởi lẽ chính họ là hiện thân của một tư tưởng bác ái: “Cứu nhân độ thế”. Làm thuốc là để cứu đời, cứu người chứ không vì một sự trục lợi nào khác.

Đã từ lâu, chúng ta nhớ đến Lời thề Hippocrate - danh y nổi tiếng thế giới, người Hy Lạp, sinh và mất tại đảo Cos khoảng năm 460-375 trước công nguyên. Tôi tâm đắc với một trong những lời thề: “Tôi sẽ suốt đời hành nghề trong sự vô tư và chân chất”. Tưởng là dễ, ai làm cũng được nhưng thật ra cực kỳ khó khăn, nếu không có cái tâm của người mẹ chăm sóc bệnh nhân như con của mình. Trên đời, còn có tình thương yêu nào bao la, mãnh liệt như tình mẫu tử?

Ít ai biết rằng, danh y nước Việt là cụ Hải Thượng Lãn Ông cũng để lại đời sau những lời vàng ý ngọc mà ít ai biết đến. Cho phép tôi được nhắc lại bởi nghĩ rằng, lời dạy của tiền nhân bây giờ và sau này vẫn còn “ý nghĩ thời sự”:

“1. Học thuốc phải thấu hiểu cả nho lý, rỗi nên xem những sách thuốc của các bậc lương y thời trước, để gặp bệnh biết thông biến, mới khỏi sai lầm.

2. Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng nhẹ mà đi xem, chớ thấy người phú quý mà đi trước, nhà bần tiện mà đi sau.

3. Xem mạch cho đàn bà, con gái, nhất là gái goá và các ni cô, phải bảo một người đứng bên cạnh để tránh sự hiềm nghi.

4. Đã là nhà làm thuốc phải để ý giúp người, mà không nên vắng nhà luôn, nhất là đi hành lạc.

5, Gặp chừng bệnh ngặt, muốn hết sức cứu vãn, nhưng nói cho người nhà có bệnh biết trước là bệnh khó chữa, rồi hãy cắt thuốc.

6. Thuốc phải chọn vị tốt và bào chế đúng phép, chứ không được cẩu thả.

7. Gặp người đồng nghiệp, người học hơn mình thời thờ làm thầy, người cao hơn mình thì kính cẩn, người kém mình nên khuyên bảo thêm, dù gặp người kiêu ngạo cũng nên khiêm nhường.

8. Chữa bệnh cho người nghèo và quan quả cô độc, ta càng thêm lưu ý, nhất là người con hiếu, vợ hiền hay nghèo mà bị bệnh, thời ngoài sự cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm, nếu không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật.

9. Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tùy ý vì làm thuốc là thuật thanh cao, thời phải có tiết thanh cao.

10. Tôi xét, làm thuốc là nhân thuật giữ tính mạng cho người, vậy không nên mưu lợi. Ngạn ngữ có câu: “Ba đời làm thuốc hay tất đời sau có người làm nên khanh tướng”. Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân cha mẹ người bệnh ốm ngặt, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chữa được, thế là lập tâm bất lương, hơn nữa đối với người cao cấp thì ân cần để tính lợi, đối với người nghèo túng thời lạnh nhạt coi thường, cho việc làm thuốc như nghề buôn bán, thời không đáng kể. Cổ nhân có nói: “Không làm quan giỏi cũng làm thầy thuốc giỏi” vậy tôi chỉ nghĩ sao cho không hổ với lương tâm, nên bệnh nào không thể chữa được, thời báo trước cho nhà có bệnh biết. Nếu gặp những người tiếc của coi thường tính mệnh, hay là không đủ ăn mặc, thời tôi lại chu cấp thêm”.

Này bạn ơi! Bạn đọc xong lời răn dạy của Thánh y Việt Nam đã thấy gì? Riêng tôi, người “ngoài nghề” rất tâm đắc khi cụ Hải Thượng Lãn Ông định nghĩa về nghề thầy thuốc ngắn gọn mà cực kỳ xúc tích, chính xác: “thuật thanh cao, thời phải có tiết thanh cao”. Phải có một tâm hồn, khí tiết thanh cao, mới có thể theo một nghề rất thanh cao.

Nghĩ cho cùng, cuộc sống này đáng yêu quá vì dù bệnh hoặc không, mỗi chúng ta cũng đều có thể gặp gỡ, tin cậy, nhờ cậy ở những con người thanh cao. Chỉ nghĩ thế, há chẳng phải là niềm vui sống ở đời đó sao?

L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số TÂN NIÊN 392 ngày 28.2.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com