HỒI SƠN: Nơi gặp gỡ của tình yêu tiếng Việt

492705237_24107905188812100_2745375237761925726_n

NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt tủ sách Tiếng nước ta, lần lượt giới thiệu những ấn phẩm dày công nghiên cứu về ngôn ngữ Việt Nam. Tình yêu dành cho tiếng Việt cũng được gieo từ đó.

Không mang nặng tính hàn lâm

Tiếp nối các cuốn sách Tiếng Việt cắc cớ cũng cứng cựa (Lê Minh Quốc) và Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam bộ (Nam Chi Bùi Thanh Kiên), NXB Tổng hợp TPHCM vừa giới thiệu ấn phẩm Tiếng Việt chữ nghĩa hồn vía dân gian của PGS-TS Phạm Văn Tình. Sách tập hợp những bài viết mới của tác giả trong vòng 5 năm gần đây, được phân chia thành 2 mảng chủ đề chính: Thành ngữ, tục ngữ và Chữ nghĩa trong Truyện Kiều. Các bài viết thường không dài, đi sâu vào luận bàn về ngữ nghĩa trong các câu thành ngữ, tục ngữ theo một cách dễ hiểu.

 

Theo ông Trần Đình Ba, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, bên cạnh mảng văn hóa lịch sử thì lâu nay, NXB còn dành sự quan tâm đến mảng sách nghiên cứu, nhất là về ngôn ngữ, nhưng chưa được tổ chức một cách hệ thống. Tủ sách Tiếng nước ta được xây dựng nhằm giúp bạn đọc tiếp cận có hệ thống trong việc tìm hiểu tiếng Việt theo hướng không đặt nặng vấn đề hàn lâm mà đơn giản dễ hiểu để tiếp cận độc giả phổ thông.

“Các tác giả thường nghiên cứu tiếng Việt thông qua những bình diện như ngữ nghĩa, ca dao tục ngữ, thành ngữ, hay sự đối sánh biến thiên của ngôn ngữ xưa và nay. Văn phong khi tiếp cận cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể, bớt ngôn ngữ hàn lâm để độc giả khi đọc cảm giác có thể cảm thụ tác phẩm một cách nhẹ nhàng. Bởi vì lĩnh vực ngôn ngữ học để đào sâu cần có chuyên môn và cũng có phần khô khan”, ông Trần Đình Ba cho biết.

Trước NXB Tổng hợp TPHCM, NXB Trẻ cũng có tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp ra đời đã hơn 20 năm, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành và tác giả uy tín về ngôn ngữ. Là người tham gia trong cả hai tủ sách, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, có những vấn đề, lĩnh vực chuyên môn khi tham gia tìm hiểu, đến một lúc nào đó ta sẽ dừng lại, vì cảm thấy đầy đủ, nhưng với tiếng Việt lại khác.

“Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, người ta đã học và tiếng Việt cũng như mọi ngôn ngữ toàn cầu, các vốn từ ấy theo năm tháng còn “sinh nở” thêm và nhiều hơn. Vì thế, để hiểu lấy nó, dù là người Việt, vẫn cần tiếp tục học nữa. Bởi vậy, khi có thêm tủ sách chuyên sâu về tiếng Việt là điều đáng mừng và đáng quý”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.

Hướng đến những độc giả trẻ

Ngoài 2 tủ sách Tiếng nước ta và Tiếng Việt giàu và đẹp, gần đây một số tác giả trẻ 8X và 9X như Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Thùy Dung… cũng tham gia viết sách về tiếng Việt, qua đó truyền tình yêu tiếng Việt đến bạn đọc, nhất là giới trẻ. Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, điều này có ý nghĩa rất lớn khi chúng ta đã chứng minh được tiếng Việt trong sáng, giàu đẹp và hoàn toàn có đủ vốn từ để diễn đạt mọi lĩnh vực, mọi vấn đề, mọi cảm xúc.

“Điều mà tôi luôn mong mỏi là ngày càng có thêm nhiều người quan tâm đến tiếng Việt. Sự quan tâm ấy thể hiện dù ở góc độ nào cũng trân trọng, đáng quý như nhau. Xét về bản chất của tiếng Việt, ta thấy ngoài tiếng phổ thông còn có cả tiếng địa phương vùng miền nữa. Vì thế, đây là một lĩnh vực “bình đẳng” của mọi người, chứ không của riêng một ai”, nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết.

Sau 3 ấn phẩm đã xuất bản, sắp tới, tủ sách Tiếng nước ta sẽ có thêm các tác phẩm của PGS-TS Phạm Văn Tình và nhà nghiên cứu Huỳnh Công Tín. Ngoài ra, theo ông Trần Đình Ba, NXB Tổng hợp TPHCM sẽ mở rộng thêm ở một số tác giả khác, những người ít nhiều cũng có sự quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu về tiếng Việt.

Ông Trần Đình Ba cho biết: “Tủ sách Tiếng nước ta không chỉ nghiên cứu về ngôn ngữ mà còn chú ý cả về vấn đề phương ngữ. Phương ngữ là một loại hình đặc trưng rất riêng của mỗi địa phương, vùng miền, tạo nên sự đa dạng về ngôn ngữ tiếng Việt của mình. Chúng tôi cũng mong muốn tủ sách sẽ tiếp cận đến với những độc giả trẻ nên văn phong, hình ảnh và đội ngũ viết sách cũng phải có sự mở rộng hơn ngoài những tác giả quen thuộc đã định hình. Bởi vì không ai hiểu các bạn trẻ bằng chính những người cùng trang lứa với các bạn”.

“Cá nhân tôi luôn hướng tới ý thức, một khi tiếng Việt đã có vốn từ để diễn đạt vấn đề nào đó, chúng ta hãy sử dụng bằng tiếng Việt, chứ không nhất thiết chạy theo thời thượng là chêm ngoại ngữ vào như một cách “làm sang”. Tủ sách về tiếng Việt hiện nay đang làm rất tốt việc này khi dẫn chứng cho bạn đọc thấy được gia tài giàu có rất đa dạng, phong phú trong vốn từ của người Việt xưa nay”, nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ.

HỒ SƠN

(nguồn: Báo SGGP ngày ngày 21.4.2025).

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com