“THIẾU” - DƯ ÂM CỦA NỖI NHỚ CỦA VÕ THỊ NHƯ MAI
(Đọc bài thơ “Thiếu” của Võ Thị Như Mai)
Lời bình của Phạm Văn Hoanh - Hội VHNT Quảng Ngãi
***
Dẫu thế nào anh cũng là dòng sông
Mang theo phù sa, giữ đáy bùn thăm thẳm
Dẫu thế nào giữa trưa, em lặng ngắm
Giấc mơ gập ghềnh như thế mới là anh
***
Như thế mới là anh, dòng sông vẫn chảy
Cho chúng mình nghe sóng hát ngoài khơi
Như thế mới là anh, mùi hương và tiếng gọi
Thời gian mãi cuốn trôi, chỉ ký ức quay về
***
Anh lưu giữ một dòng mạch thấm sâu
Nơi lần đầu biết yêu, e dè và mắc cỡ
Anh lưu giữ từng uốn lượn bãi bờ
Trân trọng nơi mình qua
Mặc kệ biển lớn chờ
***
Dẫu thế nào sông chẳng trở về nguồn
Nhưng nguồn trong lòng sông
Đó là điều dễ hiểu
Xa anh một ngày đã dường như thiếu
Thiếu gì, em nói nhỏ anh nghe.
VÕ THỊ NHƯ MAI
***
Tôi đã đọc thơ Võ Thị Như Mai rất nhiều. Tôi nhận thấy thơ chị thường chứa đựng những cảm xúc tha thiết, chân thành và giàu chất suy tư, triết lí. “Thiếu” là một trong số bài thơ như thế. Trong bài thơ này, Võ Thị Như Mai đã hóa thân thành người thanh nữ đang đối thoại với chính nỗi trống vắng trong lòng mình. Nó không chỉ là tiếng lòng của người thanh nữ khi yêu, mà còn là bản tình ca dịu dàng về những mối tình không thành nhưng chưa bao giờ nguôi quên. Có thể nói đây là một bản tình ca đặc sắc của chị.
Mở đầu bài thơ là lời khẳng định vừa dịu dàng, vừa da diết.
Dẫu thế nào anh cũng là dòng sông
Mang theo phù sa, giữ đáy bùn thăm thẳm
Hai câu thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc nhờ thủ pháp ẩn dụ tinh tế. Hình ảnh “dòng sông” là biểu tượng cho kí ức và cả hành trình tình cảm của người con trai. “Dòng sông” ấy mang “phù sa” (những điều tốt đẹp, ngọt ngào), nhưng đồng thời cũng “giữ đáy bùn thăm thẳm” (những tổn thương, lỗi lầm hay góc khuất khó gọi thành tên). Chính thủ pháp ẩn dụ này đã gợi lên trong lòng người đọc hình ảnh một người anh rất thật, rất đời, tuy không hoàn hảo nhưng đáng được cảm thông. Phải nói rằng Võ Thị Như Mai rất tài hoa trong cách dùng thủ pháp nghệ thuật. Chỉ hai câu thơ với 17 chữ mà kết hợp nhuần nhuyễn ba thủ pháp: so sánh, ẩn dụ, phép đối. Đặc biệt phép đối (“mang theo phù sa”>< “giữ đáy bùn”) khiến câu thơ trở nên sống động, có hồn, đồng thời thể hiện cái nhìn bao dung, thủy chung của người con gái đang yêu: Dẫu thế nào, anh vẫn là một phần không thể thiếu trong trái tim em.
Dẫu thế nào giữa trưa, em lặng ngắm
Giấc mơ gập ghềnh như thế mới là anh
Bằng thủ pháp điệp ngữ, ẩn dụ và giọng thơ dịu dàng, Võ Thị Như Mai đã diễn tả một cuộc tình không bằng phẳng, nhiều khúc khuỷu, chông chênh. Thế nhưng, người con gái trong bài thơ không oán trách, mà lặng lẽ đón nhận bằng ánh nhìn bao dung và thấu hiểu. Trong khoảnh khắc “giữa trưa”, thời điểm của yên tĩnh và suy tư, cô gái lặng ngắm những điều chưa hoàn hảo nơi người mình thương và nhận ra rằng chính những điều đó mới tạo nên một “anh” rất thật, rất người, rất riêng.
Như thế mới là anh, dòng sông vẫn chảy
Cho chúng mình nghe sóng hát ngoài khơi
Với giọng thơ nhẹ nhàng, ngôn ngữ giàu sức gợi, hình ảnh ẩn dụ tinh tế, hai câu thơ ngân vang như một khúc hát dịu dàng về cuộc tình đã đi qua những gập ghềnh, va vấp mà vẫn giữ được nguyên vẹn. Câu thơ “Như thế mới là anh” vang lên như một lời thấu hiểu, bao dung: Anh không cần phải trở nên hoàn hảo, chỉ cần là chính anh, biết đi qua dông gió mà không đánh mất bản chất dịu dàng. Và rồi, cuộc tình ấy, sau bao chênh vênh vẫn mở ra không gian của thanh âm êm đềm: “sóng hát ngoài khơi” như tiếng lòng hạnh phúc, vọng về từ biển lớn, nơi hai con người đồng cảm đang cùng nhau lắng nghe.
Như thế mới là anh, mùi hương và tiếng gọi
Thời gian mãi cuốn trôi, chỉ ký ức quay về
Với thủ pháp liệt kê “mùi hương và tiếng gọi” đã tạo nên một hình ảnh đa chiều về những yếu tố tạo nên bản sắc của anh. Sự kết hợp giữa hình ảnh cụ thể (“mùi hương”, “tiếng gọi”) và khái niệm trừu tượng (“thời gian”, “ký ức”) đã khơi gợi nhiều liên tưởng sâu xa trong lòng người đọc. Đặc biệt, sự tương phản giữa “thời gian mãi cuốn trôi” và “chỉ ký ức quay về” tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ, làm nổi bật sức mạnh bất diệt của kí ức so với sự vô tình của thời gian. Nhịp điệu của hai câu thơ này cũng khá hài hòa, với cách ngắt nhịp tự nhiên, mang đến người đọc một chút bâng khuâng, hoài niệm về những điều đã qua.
Anh lưu giữ một dòng mạch thấm sâu
Nơi lần đầu biết yêu, e dè và mắc cỡ
Anh lưu giữ từng uốn lượn bãi bờ
Trân trọng nơi mình qua
Mặc kệ biển lớn chờ
Đoạn thơ sử dụng hình ảnh gần gũi, kết hợp với lối diễn đạt nhẹ nhàng, uyển chuyển và giọng điệu trầm lắng, đầy cảm xúc đã thể hiện một cách tinh tế những hoài niệm của nhân vật trữ tình về mối tình đầu, một tình cảm ngây ngô, “e dè và mắc cỡ”, nhưng lại khắc sâu trong tâm hồn như “một dòng mạch thấm sâu”. Không chỉ lưu giữ cảm xúc, anh còn ghi nhớ cả không gian kỉ niệm “từng uốn lượn bãi bờ” như một biểu tượng của quá khứ đáng trân trọng. “Trân trọng nơi mình qua/ Mặc kệ biển lớn chờ”. Từ “Mặc kệ” kết hợp với hình ảnh ẩn dụ “biển lớn” đã bộc lộ rõ nét vẻ đẹp của một tâm hồn thủy chung, biết trân quý kí ức và tình cảm đã qua. Anh sẵn sàng buông bỏ tất cả để giữ lại trong lòng một miền kí ức nguyên vẹn như đã từng hiện hữu.
Dẫu thế nào sông chẳng trở về nguồn
Nhưng nguồn trong lòng sông
Đó là điều dễ hiểu
Sông không trở về nguồn như một lời chấp nhận rằng tình yêu ấy đã xa, không thể quay lại. Nhưng “nguồn trong lòng sông” là lời khẳng định: Tình yêu xưa vẫn sống, vẫn chảy trong kí ức, trong sâu thẳm tâm hồn. Đây là triết lí đầy nhân văn: Dù xa nhau, nhưng người ta vẫn lưu giữ nhau bằng kí ức, bằng trái tim.
Khép lại bài thơ là hai câu thơ như điểm nhấn quan trọng:
Xa anh một ngày đã dường như thiếu
Thiếu gì, em nói nhỏ anh nghe.
Hai câu kết khẽ khàng như một tiếng thở dài, không nói rõ là thiếu điều gì, bởi nỗi thiếu đó không thể gọi tên. Đó có thể là một ánh mắt, một giọng nói, hay đơn giản là một sự hiện diện đã từng rất thân thuộc. Người con gái không quỵ lụy, nhưng cũng không thể nguôi ngoai. Đó là nỗi nhớ sâu, rất nữ tính, rất đời thường.
Bằng những hình ảnh mang tính biểu tượng như dòng sông, phù sa, nguồn chảy… bài thơ “Thiếu” của Võ Thị Như Mai đã diễn tả một tình yêu đã qua nhưng vẫn còn mãi trong tim. Với cảm xúc chân thành và lối diễn đạt nhẹ nhàng mà tinh tế, bài thơ đã chạm đến trái tim người đọc, nhất là những ai từng yêu, từng nhớ, và từng cảm thấy “thiếu” một người trong đời.
PHẠM VĂN HOANH
< Lùi | Tiếp theo > |
---|