Trước khi trở thành nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng, Trần Văn Thọ, bút danh V.Thọ là một họa sĩ biếm nổi tiếng trong làng biếm họa cả nước.
Xuất thân từ một nhà giáo của huyện Điện Bàn, xứ Quảng, hiền lành, mô phạm, nhưng với cây bút vẽ ngọ nguậy đã thể hiện những bức họa châm biếm vừa hóm hỉnh hài hước vừa phê phán những trái tai gai mắt của xã hội, nhất là những hiện tượng tiêu cực hàng ngày, gây hiệu ứng xã hội rất cao. Trái với các tập thơ anh đã xuất bản, viết về quê hương, gia đình, bè bạn, thầy trò... thật hiền hòa cảm xúc giàu chất nhân văn, những bức biếm họa của anh có tính phê phán khi nhẹ nhàng thâm thúy, lúc trực diện với cái xấu, cái ác, cái lệch lạc, lệch chuẩn xã hội.
Tôi quen biết họa sĩ V. Thọ vào những năm 90 của thế kỷ trước, lúc anh là giáo viên dạy bộ môn toán THCS thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; còn tôi lúc đó là giáo viên dạy môn văn tại Trường PTTH Nguyễn Duy Hiệu, cùng huyện với thầy giáo Trần Văn Thọ. Đó là một thầy giáo hiền lành, nhiệt tình và rất vui tính. Về sau, anh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, huyện Điện Bàn. Khoảng năm 1994, anh khoe với tôi vài bức biếm họa đầu tiên của anh được đăng trên báo Đà Nẵng, báo Lao Động Chủ Nhật, Nhi Đồng, Làng Cười.
Bức tranh đầu tiên của anh trên báo Lao động Chủ Nhật vẽ một vòng hoa tang, nhưng vòng hoa không phải kết bằng hoa mà bằng hình ảnh những con virut HIV; cái giá đỡ "vòng hoa" ấy là 2 cây kim tiêm. Bức tranh cảnh báo về tệ nạn tiêm chích ma túy có thể dẫn tới lây nhiễm HIV và gây ra những cái chết được báo trước. Tôi thật sự ngạc nhiên, không nghĩ là anh lại có năng khiếu vẽ biếm họa. Anh kể từ nhỏ đã rất đam mê vẽ tranh. Đỗ Tú tài, anh dự định theo học ngành Mỹ thuật, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể đi học xa nên anh chọn học ngành sư phạm. Vì thế, anh tự học vẽ.
Thời ấy, anh vẽ tranh trên giấy đề can, rồi gửi đến các báo bằng đường bưu điện. Anh sử dụng màu nước hoặc màu sáp cho những bức biếm họa của mình.
Sau năm 2000, biếm họa của anh xuất hiện đều đặn trên các mặt báo từ báo trung ương đến báo địa phương. Báo Quảng Nam đặt hàng anh vẽ 2 tranh mỗi tuần cho số báo cuối tuần.
Từ khi có intrenet, có phần mềm photoshop trên máy tính, công việc vẽ tranh và gửi tranh cho các báo tiện lợi và đỡ vất vả hơn. Anh thường phác họa tranh trên giấy, rồi sử dụng đồ họa để vẽ tranh hoàn chỉnh, sắc nét, màu đẹp hơn. Ngay cả việc sử dụng phần mềm photoshop để hỗ trợ, anh cũng mày mò tự học.
Từ năm 2010, biếm họa của Văn Thọ được chọn tham gia các cuộc triển lãm ở Hà Nội do Hội Mỹ thuật Việt Nam và các báo như Văn hóa Thể thao - Thông tấn xã Việt Nam tổ chức. Đó là các cuộc triển lãm "Văn hóa giao thông thời hội nhập- Cúp Rồng tre 2010; “Trao nhau nụ cười - Cúp Rồng tre lần thứ 4 năm 2014”; “Văn hóa ứng xử, xã hội văn minh – Cúp Rồng tre lần thứ 5 năm 2018”. Ngoài ra, một số tranh của ông cũng được triển lãm tại “Biếm họa hướng về biển Đông” năm 2014 do Hội Mỹ thuật VN tổ chức tại Hà Nội; “Biếm họa về phòng chống tham nhũng” năm 2018 do Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch tổ chức tại Hà Nội tháng 11 năm 2018.
Họa sĩ Văn Thọ thường xuyên bám sát tình hình xã hội diễn ra trên cả nước nên tranh của anh có tính thời sự cao. Những vấn đề nóng của xã hội tại từng thời điểm đi vào tranh của anh với góc nhìn hóm hỉnh, nhưng cũng mang tính giáo dục hoặc phê phán cao.
Còn nhớ năm 2015, khi tôi với anh ngồi uống cafe, có đề cập đến một thông tin nóng hổi đang dậy sóng lúc bấy giờ. Đó là thông tin tỉnh Quảng Nam vừa bổ nhiệm một người vào chức giám đốc một sở của tỉnh. Anh này mới 30 tuổi, là con trai của vị chủ tịch tỉnh. Báo chí có nhiều bài viết nói về vụ "bổ nhiệm thần tốc" này. Thế là hôm sau, họa sĩ V. Thọ cho tôi xem bức biếm họa về đề tài này. Bức biếm họa vẽ một cái bập bênh; một đầu là một vị quan chức từ trên chiếc ghế cao nhảy xuống, được gắn chữ "cha"; đầu bên kia của cầu bập bênh nẩy lên cao là hình ảnh một quan chức trẻ, bay lên chiếc ghế cao phía trên, được gắn chữ "con"; ở giữa tranh vẽ một cô gái, tay chỉ anh quan trẻ và câu thoại "Tôi thấy anh này bay quá siêu!".
Câu thoại trong tranh được họa sĩ nhái lại từ một bộ phim ăn khách đang phát hành lúc bấy giờ; bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Bức tranh được đặt tên là "Đúng quy trình". Họa sĩ V. Thọ gửi tranh này cho tờ báo mà anh đang cộng tác. Nhưng cô phụ trách mảng này đã gửi email hồi âm: "Sự việc này ở tỉnh ta đang rất nhạy cảm, bọn em không dám đăng tranh này đâu anh". Họa sĩ Văn Thọ bèn gửi tranh này cho báo Tuổi trẻ Cười - được chọn đăng vào mục "Biếm họa dự thi" (dù họa sĩ gửi tranh không nhằm mục đích tranh giải). Điều thú vị là, cuối năm 2015, báo Tuổi trẻ Cười đã trao giải Nhất cuộc thi biếm họa cho bức tranh "Đúng quy trình" này. Một niềm vui nho nhỏ ghi nhận tài năng của họa sĩ.
Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển nước ta, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Thông Tấn xã Việt Nam phát động vẽ biếm họa đề tài “Biếm họa về biển Đông”. Họa sĩ Văn Thọ gửi một số tranh tham gia, trong đó có bức tranh “Rắn độc biển Đông”. Bức tranh vẽ một con rắn nhoi lên từ biển Đông, đầu rắn là chân dung một nhân vật thè lưỡi đỏ hướng về bản đồ Việt Nam. Họa sĩ Lý Trực Dũng, thành viên ban tổ chức cuộc triển lãm cho biết: Ban tổ chức rất cân nhắc khi chọn bức tranh này. Và để được chọn triển lãm, ban tổ chức yêu cầu tác giả chỉnh sửa khuôn mặt nhân vật sao cho khác một chút. Bức tranh này sau triển lãm được các báo đồng loạt đăng trên trang chính.
Ngoài giải Nhất cuộc thi biếm họa của báo Tuổi trẻ Cười năm 2015 thì trước đó năm 1992, anh cũng đạt giải cuộc thi biếm họa về đề tài “Dân số và kế hoạch hóa gia đình” do thành phố Đà Nẵng tổ chức với giải thưởng là… một cái bình thủy nước. Năm 2018, anh đạt giải Khuyến khích cuộc thi về đề tài “Phòng chống tham nhũng” do Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch tổ chức với bức tranh “Siêu nhân mới”. Bức tranh vẽ một vị quan chức bụng phệ, mồm há to nuốt được các thứ từ nhà lầu, ô tô đến sắt thép, tiền bạc; bên cạnh là nhân vật siêu nhân trong bộ phim hoạt hình. Nhân vật hoạt hình siêu nhân chắp tay với câu nói “Ngài là đại… siêu ăn. Siêu nhân tôi xin bái phục!”
Tranh của Trần Văn Thọ thường phản ảnh những vấn đề thời sự, văn hóa, xã hội diễn ra tại từng thời điểm với góc nhìn hài hước, châm biếm, mong muốn góp phần định hướng đến những điều tốt đẹp. Với bộ sưu tập hơn 600 tranh biếm của mình, theo họa sĩ Văn Thọ, có thể chia thành các nhóm chủ đề như Quan tham; Văn hóa xã hội; Giáo dục và y tế; Thể thao; Đại dịch Covid 19; tranh biếm họa về Tết. Hiện nay, anh là họa sĩ có nhiều tranh đăng liên tục trên các báo bên cạnh các họa sĩ biếm hàng đầu trong làng biếm họa Việt Nam như Lý Trực Dũng, Lap, DAD, NOP, N9, Hữu Lộc, Tâm, Hà Huy Chương…
Bên cạnh mảng biếm họa, Trần Văn Thọ một thời nổi tiếng với nhiều tiểu phẩm châm biếm được đăng trên các báo từ Trung ương đến địa phương với bút danh Rựa Cùn, Thọ Xương. Anh cũng đạt một số giải thưởng về tiểu phẩm của báo Tuổi trẻ Cười và Long An cuối tuần. Tác phẩm “Hoan hô suy dinh dưỡng” của anh được đạo diễn Thế Ngữ chuyển thể thành hài kịch, phát trong chương trình “Trong nhà ngoài phố” trên Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1986.
Dù là một thầy giáo dạy toán, nhưng Trần Văn Thọ lại có năng khiếu văn chương. Anh viết nhiều thơ về tình yêu đôi lứa, về cha mẹ, về quê hương với nhiều cảm xúc chân thật. Thơ anh được đăng rải rác trên các báo và tạp chí trong nước. Anh đã xuất bản được hai tập thơ Về bến sông đêm và tập thơ 4 câu Giọt mặn. Thơ anh cũng được một số nhạc sĩ phổ thành ca khúc; đặc biệt trong đó có bài thơ Cha tôi được nhạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng - tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Chị tôi”, “Hà Nội đêm trở gió”, phổ thành ca khúc. Số tiền bán hai tập thơ trên, anh sử dụng vào việc làm từ thiện, giúp đỡ cho các em học sinh nghèo của các trường ở thị xã Điện Bàn, nơi anh đã từng công tác.
Đón xuân Quý Mão 2023, họa sĩ Văn Thọ đã sử dụng một số câu thơ hay trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để đưa vào biếm họa của mình trong tình hình mới. Anh lấy câu thơ:
Một mình lưỡng lự canh chầy
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh
Hai câu thơ được gắn trong bức tranh vẽ một người đang đi xe máy, phía sau chở một chậu hoa tết; đang đi trên con đường mà phía trước là cái “lô cốt” và xe múc đang đào đường. Bức tranh phản ánh tình trạng đào đường vào cuối năm, gây biết bao phiền toái cho người tham gia giao thông dịp xuân về. Hay một câu thơ Kiều khác:
Biết thân chẳng tránh khỏi trời
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh
Hai câu thơ này được gắn cho bức biếm họa vẽ nữ doanh nhân trong đại án gian lận đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và công ty AIC (vụ án đang được xét xử). Tranh vẽ nữ doanh nhân này tay ôm hồ sơ AIC, ngồi trên cánh máy bay; một tay vung tiền hối lộ cho chủ tịch tỉnh. Bà này đã chạy trốn ra nước ngoài. Dù bà ta có chạy ra nước ngoài thì cũng “chạy trời không khỏi nắng” như câu Kiều đã đề cập. Một câu Kiều khác:
Món ngon kề đến tận nơi
Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham
Là bức tranh vẽ một ông quan tham, ngồi trên ghế sa lông, một tay ôm một đống phong bì vào lòng, một tay đưa ra nhận một phong bì khác; bên cạnh là một đống quà cáp đã được xích lại bằng sợi dây xích to.
Nói về ước mơ của mình, họa sĩ - nhà thơ Trần Văn Thọ cho biết: Anh mong khỏe mạnh để tiếp tục vẽ tranh và làm thơ. Anh mong những bức tranh biếm của anh góp phần nho nhỏ đem lại tiếng cười thư giãn cho mọi người và góp phần hướng thiện xã hội. Anh cũng mong biếm họa Việt Nam được coi trọng hơn vì hiện nay rất nhiều tờ báo không có mục biếm họa hoặc nếu có thì chỉ dành một chỗ rất khiêm tốn trên mặt báo.
Vui Xuân mới, chúng ta chúc anh thật nhiều sức khỏe để thực hiện ước mơ của mình.
L.A.D
(nguồn: Giai phẩm An Ninh Thế Giới số giữa tháng và cuối tháng - XUÂN 2023)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|