NGÔ VĂN BAN: CHUYỆN MÈO NĂM MÃO

NGÔ VĂN BAN: CHUYỆN MÈO NĂM MÃO
ngo_van_ban_chuyen_meo_nam_mao
Lịch theo 12 con giáp của ta là theo lịch của Trung Quốc. Nhưng lịch ở Trung Quốc, năm MÃO gọi là THỐ, cầm tinh CON THỎ, không phải cầm tinh CON MÈO như trong lịch ta.

Theo các nhà nghiên cứu, con mèo được thuần dưỡng thành vật nuôi trong nhà trước tiên tại Ai Cập, khoảng 2.000 năm trước Công Nguyên. Nhưng ở Trung Quốc, bắt đầu từ đời nhà Đường (618-907), con mèo mới được người Ba Tư đưa vào nuôi theo con đường tơ lụa. Việc nuôi mèo phổ biến vào cuối đời Đường, đầu Bắc Tống (960-1127). Đến lúc này thì lịch 12 con giáp đã sử dụng từ trước đó rồi. Vì vậy hình ảnh con mèo không có mặt trong 12 con giáp mà là con thỏ.

Khi lịch 12 con giáp truyền sang Việt Nam, người Việt ta lấy CON MÈO tượng trưng cho NĂM MÃO, không lấy con thỏ như lịch ở Trung Quốc. Việc thay thế hình ảnh con thỏ sang hình ảnh con mèo trong lịch của ta, chứng tỏ người Việt ta tiếp thu có chọn lọc, phù hợp với cuộc sống dân tộc ta. Con mèo dù gì cũng gần gũi với người Việt ta hơn con thỏ.

Về ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu cho rằng âm đọc của chữ MÃO 卯trong tiếng Hán gần giống với MÈO cho nên người Việt đã lấy luôn CON MÈO làm con giáp đại diện cho NĂM MÃO.

NĂM MÃO cũng GỌI LÀ NĂM MẸO, theo học giả An Chi, sở dĩ năm Mão cũng còn gọi là năm Mẹo là vì MẸO là âm Hán-Việt xưa của chữ MÃO 卯.

Người sinh NĂM MÃO là cầm tinh CON MÈO. Không hiểu như thế nào mà trong bài Vè 12 con giáp của dân gian đã nhận định: Tuổi Mẹo là con mèo ngao/ Hay quấu hay quào ăn vụng quá tinh. Tuy thế dân gian cũng có nhận định: Tuổi Mẹo đã khéo lại khôn.

Người nuôi mèo trong nhà chủ yếu là để bắt chuột, có nhà còn nuôi để làm cảnh. Ở nước ta, các nhà khảo cổ đã xác nhận loài mèo có mặt rất sớm, sống với cộng đồng người Việt cổ sơ vài trăm năm trước Công Nguyên, thể hiện trong các di chỉ đã được khai quật. Mèo được nuôi nấng trong nhà là loài mèo đã được thuần hóa từ loài MÈO RỪNG, loài mèo lớn con và rất dữ tợn.

Tùy theo màu sắc lông, con mèo được đặt nhiều tên: mèo mướp (lông xám tro, đôi khi có vằn đen như câu mèo vằn chó vện), mèo mun (lông đen tuyền), mèo vá (lông trắng đen xen kẽ như miếng vá, có câu: Con mèo không rách sao kêu mèo vá ?), mèo nhị thể (lông hai màu), mèo tam thể (lông ba màu), mèo trắng, mèo vàng, mèo xám, mèo xiêm (lông trắng, chót chân và chót đuôi hơi sạm đen, có người bảo loài mèo nước Xiêm (Thái Lan) nhập sang)…

MÈO ĐEN có bộ lông đen tuyền hay còn gọi là LINH MIÊU từng khiến nhiều người lo sợ về sự xui xẻo mà chúng mang đến. Nghe đồn rằng nếu một con linh miêu nhảy qua xác người chết thì xác người sẽ ngồi bật dậy rồi bước đi, gây ra hiện tượng quỷ nhập tràng. Dĩ nhiên chỉ là lời đồn về loài mèo đen chứ chưa thấy ai khẳng định rằng họ đã chứng kiến tận mắt cảnh kinh dị này. Theo truyền thuyết dân gian, linh miêu là một loại mèo ma, sinh ra từ cuộc hôn phối giữa con mèo cái đen tuyền với một con rắn hổ chuyên ăn thịt cóc.

Đặc điểm của linh miêu là rất thích ăn trứng gà sống, thích rình bắt và cắn cổ gà cho đến chết rồi nhai xương luôn. Nó lớn lên nhanh hơn nhiều so với đồng loại, càng lớn móng vuốt của càng dài, càng bén nhọn như dao, đặc biệt đôi mắt thường toát lên những tia nhìn dữ tợn, đầy ma lực. Người ta cho rằng linh miêu là một loài mèo đen, song, hiện nay, theo các nhà nghiên cứu, trên thế giới có 4 loại linh miêu, chẳng thấy loài nào có màu đặc thù là đen, và càng không có chuyện mèo giao phối với rắn hổ rồi sinh con là mèo ma.

Mèo không nuôi trong nhà là mèo hoang, thuộc loại mèo mả gà đồng, mèo đàng chó điếm, ...

Mèo đàng, mèo mả là những con mèo bỏ nhà chủ đi hoang sống ở bãi tha ma. Người ta dùng những lối nói này để ám chỉ hạng người không có nơi cư trú nhất định, sống lang thang nay đây mai đó. Nhưng loại mèo này đã được người đời mượn hình ảnh gán cho những kẻ không được giáo dục, những kẻ lưu manh, bịp bợm, lẳng lơ như trong Truyện Kiều tác giả Nguyễn Du đã miêu tả: Con này chẳng phải thiện nhân/ Chẳng phường trốn chúa cũng quân lộn chồng/ Ra tuồng mèo mả gà đồng. Đó là chưa kể mèo hoang lại gặp chó hoang thì lại ... kết bè tựu đảng với nhau lại xảy ra lắm chuyện nữa!

Loại mèo nói trên khác với loại mèo lành, mèo lành ai nỡ cắt tai. Mèo lành đây là mèo nhà, được chủ chăm sóc, không phải đi hoang. Có người cho rằng mèo lành chẳng ở mả và ví von với người đàn bà, con gái như trong câu: gái lành chẳng ở hàng cơm là có ý phê phán con gái, người đàn bà ngày hai bữa cứ mãi ăn cơm hàng cháo chợ, không lo mua bán, cơm nước cho gia đình và người xưa cho đó là tính xấu, tính hư, người đàn bà, con gái nên tránh.

Mèo mà bị cắt tai  thì tiu nghỉu như mèo cụt tai, coi như thất vọng, buồn rầu, không muốn gì cả. Còn có loại mèo cụt đuôi . Loại mèo này được loại mèo dài đuôi khen, dân gian có câu: Mèo dài đuôi khen mèo cụt đuôi, thật sự cũng cùng là loài mèo khen nhau cả! Dân gian đặt ra câu này là có ý gán cho những người thường luôn tự đề cao mình, rằng cái gì mình có, mình làm ra là khéo, là hay, là nhất… nhưng chẳng ai khen cả, nên tự khen lấy mình vậy!

Loại mèo cụt đuôi  đôi khi cũng có ... giá, vì đã được đem ra làm lễ vật thách cưới trong hôn nhân xưa: Còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh cưới ... con mèo cụt đuôi. Nhưng con mèo cụt đuôi  đây không phải là … con mèo đâu nhé!

Mèo cụt đuôi cũng rất thú vị khi nó nằm trong câu nói lái: Mèo đuôi cụt nằm mục đuôi kèo, hay: Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo. Từ đó, dân gian có bài ca dao đầy cảnh giác:

Con mèo đuôi cụt nằm ở nhà bên

Biết mẹ đi mua cá, nó leo lên … mút đuôi kèo

Mẹ xách con cá đối, nó nhìn theo

Thấy để trên cối đá nó khều liền tay

Lần sau nhớ lấy lần này

Thấy mẹ mua cá đem ngay cất liền.

Theo quá trình tiến hóa, mèo con lớn lên sống lâu thành mèo già. Ai cũng cho mèo già sống lâu, như con người, người già có thể đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu truyền cho con cháu đời sau. Tuy nhiên, mèo càng già trở nên tinh ma, ranh mãnh, gian giảo như loài chồn cáo mà dân gian đã từng nhận xét: Mèo già hóa cáo. Ví dụ như khi mèo già ăn vụng thì mèo con phải đòn, hay mèo con phải vạ. Và khi thấy mèo già khóc chuột  thì thật là giả dối rồi! Nhưng khi mèo già sức tàn lực kiệt, không còn gan góc như xưa thì thế nào cũng thua gan chuột nhắt và mèo già không bắt gà hàng xóm, vì không còn sức đâu mà bắt!

Trong lời ăn tiếng nói dân gian, từ MÈO còn được dùng để biểu tỏ những ý niệm, những con vật, cây cỏ, những hành động khác nhau. Như để gọi một loài chim, chim cú mèo ; trèo leo chúm chân như mèo, gọi là trèo mèo ; trói cả tay chân khoanh như mèo, gọi là trói mèo ; nhảy lộn như mèo, gọi lộn mèo. Lộn mèo cũng còn để chỉ những việc rối rắm cả lên, lộn tùng phèo. Còn nằm mèo xó bếp là nằm queo ở nhà, chẳng đi đâu, chẳng xông pha, như mèo suốt ngày đêm nằm bếp chẳng siêng đi bắt chuột gì cả.

LỘN MÈO   TRÁI MÓC MÈO

Từ MÈO còn sử dụng để gọi tên một số cây cỏ, trong đó có tên cây thuốc dân gian như cây râu mèo, điệp mắt mèo, cây nhớt mèo (cây bời lời), cây lưỡi mèo, nấm tai mèo, cây ruột mèo, cây đậu mèo, cây nghệ mèo, cây lúa miêu, cây gai mèo, cây táo mèo, … Ngoài ra có trái móc mèo đụng vào rất ngứa, ngứa như trái móc mèo.

CÂY RAU MÈO             ĐIỆP MẮT MÈO       CÂY NHỚT MÈO
CÂY LƯỠI MÈO          CỎ LƯỠI MÈO                NẤM TAI MÈO

Đặc biệt, từ MÈO còn chỉ việc trai gái nhân tình nên có việc o mèo, có mèo, liếc mèo, mèo chuột, mèo mỡ ...

Sách Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ có giải thích từ o mèo : Gò mèo, tán tỉnh đàn bà con gái để bắt làm tình nhân: Diện cho bảnh đặng đi o mèo.

Trong sách Phương ngữ Nam Bộ, Ghi chép và Chú giải, tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên cũng đã có chú giải  từ o mèo : cố tỏ ra vẻ nâng niu, chiều chuộng để tán tỉnh một cô gái. Ca dao : – Ai mà bày đặt dị kì/ Áo bà ba may hai túi đựng giống gì hở anh ? – Ba má bày đặt cho anh/ Áo bà ba may hai túi đựng dầu chanh (để anh đi) o mèo.

Ca dao còn có câu: Anh muốn thương em, anh mần giấy giao kèo/ Ngày nay mới chắc em là CON MÈO của anh.

Có cô gái hỏi chàng trai: Con thú bốn chân anh gọi CON MÈO thì phải ! Còn anh với em tình ngãi, sao anh cũng gọi CON MÈO ? Thế là chàng trai chẳng biết trả lời sao, chỉ biết khục khặc kiểu như mèo hóc xương cá.

Trong việc hôn nhân có trắc trở, vì như lời cô gái than thở: Thương anh đâu quản hiểm nghèo/ Ngặt vì một nỗi, anh có CON MÈO theo sau. Như vậy, CON MÈO đây chính là NGƯỜI TÌNH của chàng rồi!

Có những anh chồng mải mê theo con mèo nhân tình, lại còn nhắn với vợ ở nhà: Hiền thê ơi! Em ở lại nhà/ Anh về chốn cũ kẻo con mèo nhớ thương !  Việc này, dân gian luôn có phê phán, chê trách: Anh đi đâu giục ngựa, buông cương?/ Mải mê con mèo mới mà quên vợ thương ở nhà !

Theo học giả An Chi, sở dĩ không gọi việc nam giới đi ve gái là o chó, o heo, o gà hay o thỏ, v.v..., thì chỉ đơn giản vì mèo trong o mèo ở đây không phải vốn là một danh từ chỉ thú vật như chó, heo, gà, thỏ, v.v... , mà mèo trong o mèo bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 媌, mà âm Hán-Việt hiện đại là mao/mão, có nghĩa gốc là kỹ nữ. Sự chuyển dịch từ “kỹ nữ” sang “mèo” là chuyện thực sự dễ hiểu và bình thường về ngữ nghĩa học. Về vần (-ao ~ -eo) thì ta có nhiều thí dụ để chứng minh, mà thí dụ quen thuộc nhất là chi thứ tư của thập nhị chi, chi Mão, cũng có âm xưa là Mẹo.

“Kỹ nữ”, theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh chú giải 2 nghĩa: - con gái làm nghề bán phấn buôn son - ả đào, con hát.

Như vậy, người xưa có người bỏ vợ theo con hát , theo các đào nương, hay những cô bán phấn buôn son nào đó, tức là theo con mèo như dân gian vẫn gọi. Vậy người đi o mèo  cũng là người đi o gái  theo như Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín đã chú giải: “O gái : Theo đuổi tán tỉnh, chăm sóc chiều chuộng, chăm sóc bạn gái để lấy lòng, kết tình”.
Trong Từ điển, ngoài có từ o mèo theo nghĩa trên còn có từ o nghệ :“o gái, o mèo, quan tâm, chăm sóc, chiều chuộng tình nhân” .

Loài người nuôi mèo chủ yếu là để bắt chuột, phòng chuột cắn phá đồ đạc trong nhà, thức ăn, đồ thờ cũng bị chúng lôi, tha đi vương vãi khắp nhà... nhất là nhà có trữ nhiều lúa. Mèo diệt chuột cũng là cách phòng ngừa bệnh dịch hạnh, súc miêu phòng thử  (nuôi mèo phòng chuột) là thế, cũng như nuôi chó giữ nhà. Con người sống trong xã hội, ai cũng được phân công theo nghề nghiệp chuyên môn của mình, người nào việc nấy.

Loài mèo thích ăn thịt chuột vì đó là thiên tính, gen di truyền, cũng vì … thực hiện nhiệm vụ được giao và chuột không phải là món ăn chính, chỉ khi nào không có gì ăn mới bắt chuột ăn.

Khi còn là mèo hoang, mèo rừng nổi tiếng, chúng là loài vật săn mồi tích cực. Chúng đi săn suốt cả ngày và làm điều đó ngay cả khi không đói. Bản năng tự nhiên này không hoàn toàn mất đi khi mèo được thuần hóa thành mèo nhà.

Trong nhiều trường hợp, chúng chỉ săn bắt và chơi đùa với con mồi để thỏa mãn đam mê mà thôi. Mèo nhà thường được chủ nhân cung cấp thức ăn hàng ngày, nhưng bản năng săn mồi tự nhiên trong chúng vẫn còn rất mạnh mẽ, nên việc săn bắt chuột là việc tự nhiên của mèo.

Loài chuột bị mèo sát hại nhiều nên bao giờ chuột cũng mong giết một con mèo vì như thế có thể cứu được vạn con chuột. Đó là con người nghĩ thế, nói thế với nhiều ẩn ý khi con người sống trong một xã hội có nhiều điều đối xử với nhau như mèo với chuột.

Tuy thế, loài chuột vẫn coi CON NGƯỜI là kẻ thù chính, kẻ thù ghê gớm nhất. Vì con người không những dùng đủ mọi cách để diệt chuột, bắt chuột làm thí nghiệm trong y học, dùng thịt chuột làm thức … nhậu, mà còn “độc ác” hơn, đem tên, đem tính cách, hình dáng của chuột ra để ví von, ám chỉ, so sánh nhằm phê phán, chỉ trích một bộ phận con người không tốt đẹp gì trong cộng đồng xã hội loài người.

Dân gian cho rằng giữa chuột và mèo hình như có mối thù truyền kiếp, nên họ lý giải bằng câu chuyện dân gian cho rằng khi Thượng đế tuyển chọn 12 con vật cầm tinh cho 12 tháng trong năm, mèo nhờ chuột ghi danh hộ. Khi tuyển chọn, mèo đến muộn vì chuột  quên (hay cố tình quên) ghi danh, nên khi xếp thứ tự, mèo đứng thứ tư trong 12 con giáp và nhất là thấy chuột đứng đầu. Từ đó, mèo chuột kết thành thù hận nên thấy chuột ở đâu là mèo không tha, phải rình, vồ cho được. Truyện dân gian như thế, nhưng có lẽ thịt chuột là món ăn… khoái khẩu của loài mèo nên loài chuột phải chịu làm mồi thôi!

MÈO RÌNH CHUỘT

Nhưng mèo bắt được chuột không phải dễ, vì mèo muốn ăn thịt chuột phải leo xà nhà. Và nếu vồ con chuột nhỏ nhảy lên xà nhà thì thật là uổng công sức, nên mèo phải tìm cơ hội tìm chuột to, mập, béo… hơn. Vì thế nó phải kiên nhẫn RÌNH, phải siêng năng rình cho đến khi bắt được chuột mới thôi, rình như mèo rình chuột là thế! Con người cho rằng mèo rình chuột là nói đến ý chí và sự kiên nhẫn, siêng năng khi thực hiện công việc, nhưng cũng có nghĩa là chê bai ai đó tò mò, xăm soi chuyện người khác.

Có bài đồng dao cho trẻ con nói về việc rình chuột này: Con mẻo con mèo/ Mày trèo cây duối/ Mày nấp vô bụi/ Mày lủi lên trên/ Mày ngó sang bên/ Mày co cái cẳng/ Mày ngoằng cái đuôi/ Mày chộp cái mồi/ Chết cha con chuột !

Con mèo rình chuột để bắt chuột, nhưng không phải lúc nào mèo rình chuột cũng bắt được chuột. Mèo tinh quái, nhưng chuột cũng không kém phần tinh ranh. Chúng thấy mèo là trốn chạy rất nhanh, nên mèo khen mèo dài đuôi, chuột cũng khoe rằng mình nhỏ mình dễ chạy, như cảnh chuột sa chĩnh gạo/ Chẳng biết đường ra/ Chuột kêu chí chóe/ Mèo nghe thấy thế/ Vội đến nấp rình/ Nhưng mắt chuột tinh/ Chuột bò lẫn mất…
Đôi khi, còn có những con chuột quá tinh ranh, nằm lăn quay giả chết, mèo chê bỏ đi, thế là chuột thoát chết, phóng nhanh.

Tuy thế, mắt chuột có tinh cũng thua mắt mèo. Mắt
của loài mèo có cấu tạo đặc biệt, đồng tử có thể giãn nở to nên trong đêm tối mèo nhìn rõ mọi vật. Mắt mèo có màu xanh như dân gian nói: xanh như mắt mèo, có mãnh lực thôi miên được chuột, như mắt con cọp. Loại mèo có mắt tinh như thế nên ban đêm thường đi rình chuột, vì chuột ban đêm thường rời ổ đi kiếm ăn. Cho nên lũ chuột dù có căm thù mèo, nhưng vẫn ca tụng mèo: Mắt mi xanh sáng như sao/ Móng mi bén ngót, tiếng ngao dậy trời. Dân gian người Việt ta cũng có nhận xét như thế: Con mèo mắt sáng về đêm/ Nằm trong bóng tối nhìn trông dịu hiền/ Chuột kia vừa mới hiện lên/ Nghe hơi của nó… láo liên chạy dài.

Ngoài ra, mèo còn có bộ răng rất bén nhất là răng nanh. Vuốt của nó cũng sắc, có tác dụng vồ và giữ chặt con mồi. Thêm khứu giác, thính giác rất nhạy, đánh hơi được từ xa và dù tiếng động rất nhỏ mèo cũng nghe được…

Khi bắt được chuột, trước khi thưởng thức món ngon hợp khẩu, mèo có thú là vờn con mồi, lúc thì buông ra, lúc thì vồ chụp lấy… làm cho con mồi hốt hoảng, mệt nhoài, vờn như mèo vờn chuột là thế! Con người, trong tình yêu giữa đôi trai gái cũng có kẻ chơi trò mèo vờn chuột giống như thế.

Mèo vờn chuột vì mèo khi tiếp cận ăn con mồi không muốn gặp nguy hiểm nên phải làm cho con mồi mệt mỏi trước khi thực hiện cú đớp chí mạng cuối cùng. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ mèo bị thương trong lúc giết con mồi, vì chuột là loại gặm nhắm, răng chuột rất sắc bén và trước cái chết, con vật nào cũng có những phản ứng dữ dội. Vì thế, mèo phòng ngừa bằng cách vờn chuột là như thế!

Lại có khi, mèo vất vả rình mồi, bắt được chuột rồi, nhưng lại làm sẩy mất chuột (dân gian gọi là sổ chuột), khiến mèo ta thẫn thờ, ngơ ngác như con người, tỏ ra tiếc rẻ, ngơ ngơ ngác ngác khi đã làm lỡ một một dịp may hiếm có, lôi thôi như mèo sổ chuột là thế!

Nhìn mèo bắt chuột, ta thấy mèo nhỏ bắt chuột con là vừa sức, chứ mèo nhỏ bắt chuột to, cỡ chuột cống thì chẳng khác gì mèo tha dưa cải  hay sào sậy chống bè lim, thật quá sức! Vì vậy, biết liệu sức mình mà đảm đương công việc. Tài hèn sức mọn mà ham đảm trách việc lớn thì chỉ chuốc lấy thất bại. Tuy nhiên, cũng trường hợp mèo con bắt chuột cống, giống như con người trẻ tuổi tài cao, làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi.

Mèo có nhiệm vụ bắt chuột, nhưng không phải mèo nào cũng siêng bắt chuột, những con mèo lười, thuộc loại bắt chuột không hay, hay ỉa bếp hay chưa biết bắt chuột đã biết ỉa bếp … Có mèo lười đến độ … rình bồ lúa vênh râu, thấy con chuột chạy ngóc đầu … kêu ngao !, hay con mèo nằm bếp dính râu, thấy con chuột chạy … lắc đầu, kêu ngao !, hay Mèo nằm máng nước vênh râu/ Chuột chạy không bắt, lắc đầu nghêu ngao !

Khi mèo không vồ bắt chuột, thấy chuột thì lắc đầu kêu ngao thì ai cũng cho rằng mèo lười, nhưng biết đâu, mèo đồng lõa với chuột? Nếu thế thì chỉ có … chuột biết, mèo biết, trời biết, vì người xưa cũng có câu: miêu thử đồng miên, nghĩa là mèo chuột ngủ với nhau, ý nói có sự đồng tình, liên kết, móc ngoặc, không sát hại nhau …

Thật sự, mèo có bắt chuột không? Câu chuyện dân gian sau đây để thấy mèo chuột đồng tình với nhau như thế nào:

Ngày xưa có một vị quan được giao nhiệm vụ trông coi kho lương thực cho nhà vua. Quan coi kho lương rất mẫn cán và thanh liêm. Nhưng không may đến một năm nọ, không hiểu sao lũ chuột lại sinh sản bùng phát rất nhiều. Kết quả là dù vị quan đã rất cố gắng gìn giữ, kho lương thực của nhà vua cứ bị hao hụt mỗi ngày.

Nghe lời thuộc hạ, vị quan nuôi hơn hai mươi con mèo đem thả vào kho. Lúc đầu kết quả khá khả quan. Lượng lương thực thất thoát mỗi ngày đã giảm hơn một nửa. Ông quyết định nuôi thêm hai mươi con mèo nữa. Nhưng cũng thật bất ngờ, không hiểu sao lượng lương thực hao hụt mỗi ngày lần này không hề giảm sút mà lại có chiều hướng muốn tăng lên!

Vị quan vô cùng lo lắng vì sắp đến kỳ hạn quan khâm sai đại thần đến kiểm tra kho lương. Tình trạng mất mát lương thực kiểu này nếu cứ tiếp diễn chắc chắn ông không giữ được cái đầu trên cổ. Vị quan liền treo bảng trước cổng cần mua mèo quí gấp để trừng trị lũ chuột trong kho. Vừa treo bảng buổi sáng thì buổi trưa đã có một lão đạo sĩ đến gỡ bảng và xin vào yết kiến. Viên quan mừng lắm liền mời vào. Lão đạo sĩ chào vị quan xong liền hỏi:- Thượng quan cần mua mèo quí để làm gì?

- Ta cần mua mèo quí để bắt chuột.

- Thượng quan lầm rồi. Bắt chuột hay không không phải là do mèo quí hay không quí. Loài mèo từ thuở xa xưa con nào cũng biết bắt chuột. Nhưng từ khi ở chung với loài người. Nhiều con mèo đã nhiễm tật xấu từ chủ nuôi như ăn vụng, hoặc tệ hơn là móc nối với loài chuột để hưởng lợi cho mình!

- Có loại mèo biết móc nối với chuột ư? Ta chưa từng nghe!
- Thượng quan có đọc nhiều sách không?

- Từ nhỏ Tứ thư Ngũ kinh ta đều thuộc làu cả.

- Thượng quan có thường đọc sử, đọc thơ không? Có xem tranh nhiều không?

- Đạo sĩ khinh thường ta quá. Ta đã đọc trọn bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên, thơ của thi tiên Lý Bạch bài nào ta cũng thuộc, tranh của Tô Đông Pha hầu hết ta cũng đã từng xem qua…

- Thượng quan tỏ ra rất am hiểu văn hóa và học thuật của… nước ngoài! Lão chỉ xin thượng quan đến làng tranh Đông Hồ của nước ta để tìm mua bức tranh ĐÁM CƯỚI CHUỘT về xem. Lúc ấy thượng quan sẽ hiểu ngài cần phải làm gì...

Nói xong lão đạo sĩ liền cười ngất và biến mất. Viên quan coi kho bỗng giật mình, toàn thân mồ hôi ướt đẫm. Ông liền vội sai thuộc hạ đến làng tranh Đông Hồ gấp. Khi bức tranh ĐÁM CƯỚI CHUỘT được trình lên, nhìn lũ chuột dâng quà cho mèo trong tranh viên quan hoàn toàn tỉnh ngộ.

Cuối cùng qua điều tra viên quan coi kho cũng đã điều tra và phát hiện được có hai trong hai mươi con mèo nuôi tăng cường lần sau, đã dung dưỡng cho họ hàng nhà chuột và giúp cho lũ chuột có điều kiện ăn xén ăn bớt lương thực trong kho. Trị tội hai con mèo này xong nạn chuột trong kho từ đó xem như mất hẳn.Sau này viên quan đã rút ra một kinh nghiệm quí báu để truyền lại cho các quan coi kho thế hệ sau: Không cần có mèo quí mới bắt được chuột và không phải con mèo nào cũng có sở thích bắt chuột! 
Đây, nói về bức tranh dân gian Đông Hồ, có hai bức tranh, một mang tên TRẠNG CHUỘT VINH QUY và một mang tên ĐÁM CƯỚI CHUỘT. Nội dung bức tranh cho ta thấy sự miêu thử đồng miên rất rõ.

TRANH DÂN GIAN: TRẠNG CHUỘT VINH QUY VÀ ĐÁM CƯỚI CHUỘT

Trong bức tranh dân gianTrạng Chuột vinh quy, vẽ hàng chuột ở hàng dưới thể hiện đám rước quan Trạng vinh quy về làng, còn hàng trên vẽ các con chuột đi lễ con mèo. Phải đi lễ mèo thì chuột mới an thân đi lại được.

Trong tranh, ta thấy lễ vật là con cá chép nặng ký, là món mèo rất ưa thích, do một con chuột xách trên tay, nhưng phải có kèn kêu sáo thổi cho phải lễ, cho nghiêm túc do hai chuột phụ trách, một đánh trống, một thổi kèn đi sau, kẻo mèo nổi giận thì không cầu cạnh gì được. Con chuột dâng lễ vật lên mèo tỏ vẻ sợ sệt, khúm núm vì phải tiếp cận với mèo, không biết lúc nào mèo vồ.

Và choán cả góc trên bức tranh là con mèo được phóng đại lên, không những to hơn các con chuột mà còn to hơn cả con ngựa Trạng Chuột đang cưỡi, to hơn cỗ kiệu vợ Trạng đang ngồi. Như thế để thấy uy quyền, sức mạnh của con vật nắm quyền sinh sát trong tay.

Mèo ta ngồi với tư thế vểnh râu, trợn mắt, một chân trước đưa lên hướng về các con chuột dâng lễ vật, nghệ nhân vẽ mèo lột tả được tâm địa độc ác của con mèo. Giữa mèo và đàn chuột dâng lễ có ba chữ Hán MIÊU THỦ LỄ nghĩa là mèo đang đợi nhận lễ vật.

Đỗ đạt rồi, phải tính chuyện lấy vợ. Người xưa gọi đỗ đạt là ĐẠI ĐĂNG KHOA, sau đó đi cưới vợ là TIỂU ĐĂNG KHOA. Do đó, có tranh ĐÁM CƯỚI CHUỘT, chuột lấy vợ sau khi thi đậu.

Bức tranh dân gian cho ta thấy chàng rể Chuột rước vợ về nhà mình và cũng muốn an thân rước dâu, họ hàng nhà chuột cũng phải kèn sáo, mang lễ vật cá chim đến đút lót ông Mèo thì mới an thân mà tổ chức đám cưới được.

Ở tranh này, hàng trên có đến hai con chuột mang lễ vật, một con hai tay cầm con chim bồ câu dâng trước miệng mèo, tiếp cận với mèo nên rất sợ, đuôi cụp lại.

Dưới lễ vật có hai chữ Hán TỐNG LỄ nghĩa là tặng biếu lễ vật. Một con chuột đi sau tay xách con cá chép to bự cũng rất sợ hãi, hai tay run run sắp rơi con cá chép. Đi sau hai con chuột mang lễ vật này là hai con chuột đang thổi kèn. Trên cùng là một hàng bốn chữ Hán LÃO THỬ THỦ THÂN, nghĩa là chuột già phải giữ thân mệnh mới được an lành.

Hình ảnh con mèo trong bức tranh này cũng giống hình ảnh con mèo trong bức tranh trên.

Từ xưa đến nay, các nhà nghiên cứu tranh dân gian đều cho rằng hai bức tranh dân gian trên đều có ý nghĩa cho rằng con người vẫn có những sự việc như thế diễn ra trong đời sống, trong xã hội…

Dân gian còn có câu ca dao nói chuyện chuột… nịnh nọt mèo được truyền tụng: Con mèo trèo lên cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đàng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo. Cũng thật là lạ, vì mèo có bao giờ trèo lên cây cau… thăm chuột, mèo trèo lên cây cau bắt chuột thì có! Còn chú chuột đi vắng nhà vì bận đi chợ mua mắm mua muối về chuẩn bị giỗ cha chú mèo (chứ không phải làm giỗ cha chú chuột). Chuột cúc cung tận tụy mèo như thế, nhưng chuột đâu có biết rằng khi mèo vồ được thì có tha chết đâu?

Tuy sắc nanh chuột không dễ cắn được cổ mèo, nhưng làm sao có chuyện chuột gặm chân mèo, chuột gặm đầu mèo, chuột cắn dây buộc mèo, mèo nằm cho chuột đến vồ … chỉ có trong Vè nói ngược mà thôi, chứ thật như thế thì … loạn cả lên. Vì chuột gặm chân mèo, chuột gặm đầu mèo đó là một việc rất nguy hiểm, rất liều lĩnh, có thể hại đến tính mạng. Còn việc chuột cắn dây buộc mèo thì chuột không dám làm và cũng không dại gì cứu kẻ hung dữ, luôn muốn hại mình thoát… dây cột đâu!

Về việc mèo bắt chuột, có câu chuyện ngụ ngôn Mèo đeo chuông được truyền tụng như sau:

Tự xưa đến giờ, mèo cứ bắt chuột ăn, nên chuột mới đẻ ra là đã sợ mèo rồi. Nhưng, kẻ dù sức yếu phận hèn đến đâu, nếu bị đè nén quá lắm, sẽ có lúc vùng dậy chống trả. Chuột cũng vậy, nên một hôm, mới tổ chức hội họp đàn chuột lại tại một làng chuột, bàn cách chống mèo. Buổi họp đầy đủ các mặt: nào anh Chù với mùi hôi đến nỗi đi vào ca dao, tục ngữ con người: hôi như chuột chù ; nào chú Nhắt, có tính nhí nhắt đã được ví nhí nhắt như chuột nhắt ; nào là chuột ông Cống, rung rinh béo tốt.

Sở dĩ gọi chuột ông Cống vì xưa kia, trong trường thi Hương, sĩ tử ngồi làm bài thi trong các chòi, các vị chánh chủ khảo, giám khảo, lính lệ cũng đều ở trong các nhà xây tạm trên cánh đồng rộng đầy những hang chuột. Bài thi do giám khảo tập trung lại chấm, chuột thường hay chui vào các quyển thí sinh đựng bài thi gặm nát cả. Ban lãnh đạo trường thi sợ có tội nên không dám gọi loài chuột bằng CHUỘT mà gọi là ÔNG CỐNG (người đỗ CỬ NHÂN, trên cả Tú Tài), phong cho loài chuột như người thi đậu …. đặc cách để ông khỏi phải phá hoại bài thi. Từ đó, Ông Cống (thực ra là loài chuột sống ở cống rãnh, to con, béo phì) được loài chuột phong làm “lãnh đạo” loài chuột.

Khi loài chuột đã tề tựu đông đủ, ông Cống mới lên giọng rằng: – Cái giống quái kia, sở dĩ nó chụp được anh em mình chỉ vì trời phú cho nó cái tài rình mò và khéo bắt lén mà thôi. Bây giờ ta nên mua một cái chuông (cái lục lạc) buộc vào cổ nó, để khi nào nó đến, nghe tiếng chuông kêu, ta biết đường chạy trước, thì nó còn làm gì nổi ta nữa!

Cái chuông đây là cái lục lạc, cái chuông đồng là vật liệu kim loại đúc bằng đồng theo hình cầu, rỗng ruột, bên trong có bỏ vài hột bằng đồng, khi rung lên thì các hột đồng va vào thành lục lạc, phát ra âm thanh. Lục lạc thường đeo ở cổ con ngựa, khi ngựa chạy, lục lạc rung lên, không những báo cho người đi đường tránh né mà nghe âm thanh lục lạc vang lên cũng thật vui tai.

Cả làng chuột nghe ông Cống nói, dẩu mõm, quật đuôi, đều lấy làm phục cái kế chí lí của ông Cống và đồng thanh ưng thuận.

Khi chuông đã kiếm được rồi, hội đồng chuột lại họp. Con nào con nấy lao xao hớn hở, bảo nhau đã sắp tới ngày thoát được cái ách ông Miu tàn ác này rồi. Nhưng lúc chủ trì hội đồng hỏi ai thực hiện việc đeo chuông vào cổ mèo, thì cả hội đồng im phăng phắc, không một cái tai nào nhích, một cái răng nào nhe cả.

Không biết cử ai vào việc đại sự ấy, vì chuột nào dám đến gần mèo để đeo chuông, đó là việc rất nguy hiểm, thế nào cũng mất mạng, nên chẳng ai dám… hy sinh cả! Bất đắc dĩ hội đồng nhất trí đề cử ông Cống phải đi đeo chuông cho mèo, vì chính ông Cống đã xướng lên cái thuyết đeo chuông cho mèo, thì giờ ông phải thực hiện thôi!.

Thật là mới khốn khổ cho ông Cống! Nhưng Cống ta trong lòng tuy lo sợ, mà ngoài mặt làm ra bộ tự nhiên của kẻ cả, cất tiếng nói: – Tôi đây, chẳng gì, nhờ vào ân đức của tổ tiên cũng được vào bậc ông Cống, ông Nghè, ăn trên ngồi trốc trong làng, có đâu làng lại cắt tôi đi làm cái việc tầm thường ấy được! Trong làng ta nào có thiếu chi người! Tôi xin cử anh Nhắt, anh ấy nhanh nhảu chắc làm được việc.

Nhưng Nhắt ta trở mặt láu cá, cãi lí rằng: – Làng cắt tôi đi, tôi cũng xin vâng, không dám chối từ. Nhưng tôi, dù bé vậy, mà cũng còn ở chiếu trên, chưa đến nỗi nào. Ông Cống không đi là phải, tôi đây không đi, cũng phải. Tôi xin đề cử anh Chù, anh ấy tuy chậm, nhưng chắc chắn, làng không lo hỏng việc.

Chù ta thật thà, không biết cãi sao, đành nói rằng: – Tôi là đầy tớ làng, làng sai tôi đi là phải lắm. Nhưng tôi chỉ sợ, nếu tôi đến gần mèo mà mèo thịt tôi đi, thì rồi lấy ai thay tôi mà đeo chuông cho mèo được nữa?

Ông Cống nhanh miệng bảo: – Mèo nó có vờn là vờn và bắt chúng tao, hay vờn cái anh Nhắt kia, chớ chú mày hôi hám như thế, nó không ăn thì nó bắt mà làm gì. Thôi cứ nhận đi ngay đi, không được nói lôi thôi gì nữa.

Chuột Chù đành phải nhận nhiệm vụ đầy khó khăn này, mang chuông ra đi tìm mèo thật. Nhưng khi trông thấy mèo, nghe tiếng mèo kêu ngao, Chù đã sợ run cả mình, không dám tiến lên. Nhưng sợ lệ làng phạt vạ, Chù đành lấy hết can đảm lại gần, thì thấy mèo quả nhiên không thèm quơ chân bắt, vì mèo không bắt và ăn chuột chù, nó hôi quá, thịt không ngon. Song, mèo cũng nhe nanh, giương vuốt làm oai, làm cho Chù quá sợ hãi, cắm đầu, vác cái thân ì ạch chạy khốn chạy khổ, bỏ cái chuông lăn lóc, về báo cho làng hay.

Cả làng nghe báo cũng sợ, bỏ chạy tán loạn, chẳng ai hỏi đến cái chuông, nó giờ ở đâu.

Thành ra từ đó, ý tưởng ông Cống không thực hiện được, chuột vốn sợ mèo, vẫn hoàn sợ mèo mãi mãi và mèo vẫn cứ vồ được chuột là ăn thịt ngay, không tha chú nào cả.

Và dân gian lại nẩy sinh cụm từ HỘI ĐỒNG CHUỘT để nói lên một hội đồng của con người, có rất nhiều người trong hội đồng mà chẳng ai làm được việc gì cả, chỉ biết NÓI thôi, nói thì dễ, nhưng làm thì không những rất khó khăn mà còn không ai dám làm cả!

Hơn nữa, đeo chuông cho Mèo cứ ngỡ là một sáng kiến hay, hợp lý, nhưng chỉ là một ý đồ viễn vông, không thực tế, bất khả thi, vì đám chuột không có con chuột nào đủ can đảm khi đến gần con mèo hung dữ và không con chuột nào muốn chết khi làm công việc nguy hiểm đó. Từ đó, mới thấy những sáng kiến phải mang tính khả thi mới có giá trị.

Chuyện MÈO CHUỘT xung khắc kịch liệt với nhau, đã được nhân cách hóa thành những nhân vật trong nhiều câu chuyện cổ tích, chuyện vui dân gian người Việt. Thông qua hai con vật này, dân gian đã sáng tạo nên những câu chuyện giải trí nhẹ nhàng nhưng vẫn chứa đựng nhiều triết lý sống rất có ý nghĩa, là những bài học quý cho con người. Như các câu chuyện dưới đây mà chúng tôi sưu tầm được:

1. Mèo và chuột cùng triết lý

Một con chuột tinh khôn sót lại của đàn, bị mèo liên tục săn đuổi. Chuột sống trong cái hang nhỏ, mèo không chui vào được, một hôm lần ra đi kiếm ăn liền bị mèo phát hiện. Không kịp chui lại hang, chuột chạy trối chết ra phía cánh đồng, đến đúng chỗ con trâu đang gặm cỏ. Chuột van nài trâu:
- Xin bác cứu tôi với. Tôi đang bị mèo đuổi bắt, nó giết tôi chết mất!

Trâu thương tình, bảo:

- Đứng ra đằng sau tôi mà trốn.

Chuột liền nấp sau đít trâu. Trâu ỉa một bãi phân to trùm lên che chuột. Mèo tới, không thấy chuột, lẩm bẩm: “Quái lạ, vừa thấy nó đây, sao biến đâu rồi?”. Chuột nằm trong đống phân mới thải ra, chúi mũi xuống đất thở, thấy ấm áp và khoan khoái. Bỗng “roạt” một tiếng, mèo cắn chặt đuôi chuột, tung lên cao rồi đợi rơi xuống đất, mèo vồ lấy cắn cho chuột đau tê tái. Mèo chưa ăn thịt ngay, theo thói quen, còn vờn cho chuột rã rời, nằm im như đống giẻ rồi mới ăn.

Biết mình tận số, chuột thều thào với mèo:- Tôi sắp chết rồi. Mong ông cho biết sao tôi trốn kín thế mà ông vẫn tìm ra?
Mèo cười, thủng thẳng: - Được, tao cho mày câu triết lý: “Đã trốn trong cứt rồi thì đừng đắc chí!”. Mày đắc chí nên cái đuôi mày ngo ngoe, thì tao mới thấy chứ!
Chuột càng xuống nước: - Vâng, thật chí lý. Xin ông cho tôi ân huệ cuối. Hãy cho tôi đi rửa cho hết cứt trên người tôi rồi hãy ăn. Ông không bị mang tiếng ăn bẩn, mà tôi chết cũng mát mẻ, sạch sẽ.
Mèo gật gù, nghĩ cũng phải. Nó chợt nhớ tới bình rượu táo mèo trong bếp của nhà chủ, liền bảo: - Tao sẽ cho mày tắm bằng rượu táo mèo, càng thơm tho, mát mẻ nhé!
Mèo tha chuột về nhà chủ, thả chuột vào bình rượu táo mèo. Chuột ngụp lặn trong rượu, uống phải rượu, say bí tỉ. Mèo vớt chuột ra, thả nằm trên đất. Chuột rũ rượi, mềm oặt, nằm yên như chết. Mèo ngẩng mặt lên cười ha hả, rất khoái chí, rồi dùng chân trước vuốt nhẹ râu mép, chuẩn bị chén món chuột tẩm rượu táo mèo. Chuột chỉ chờ những giây phút lơ đãng của mèo, vụt chồm dậy chạy lao đi, chui tọt vào trong hang.
Mèo tức tối ngồi trước cửa hang nhòm vào. Tiếng chuột vọng ra:
- Tôi xin trả lại ông một câu triết lý khác: “Đừng tưởng bị ngập trong rượu, uống rượu, thì kẻ nào cũng bị say, nhé!”.
2. Hợp tác cùng thù địch
Sau một quá trình săn đuổi chuột, mèo thấy mệt mỏi, bèn đề nghị vơi chuột: - Thôi, bây giờ ta hòa bình, cùng sống, cùng hợp tác với nhau nhé!

Chuột đã quá sợ hãi và kiệt sức, lại thấy mèo cam kết là hợp tác bình đẳng, tôn trọng đôi bên, hướng tới lâu dài, nên bỏ qua những nghi ngại mà đồng ý. Chuột về sống cùng mèo trong một góc bếp kín đáo, phân công nhau đi kiếm thức ăn về cùng ăn.

Lần ấy, cả hai phát hiện ra cái âu đựng đầy tóp mỡ thơm lựng, béo  bở ở nhà hàng xóm, và cùng nhau khiêng về. Mèo lấy ra hai miếng chia cho chuột và mình cùng thưởng thức. Đang ăn, mèo nhìn ra ngoài, tư lự: - Sắp mùa đông rồi, thời đói kém này, phải dự phòng thức ăn. Giờ đang làm ăn được thì đi kiếm ăn tiếp. Âu tóp mỡ này để dành, khi nào thiếu thốn quá, không có gì ăn mới dùng.

Chuột nghe có lý, dù chưa hết băn khoăn: - Nhưng ta để ở đâu cho an toàn, chứ nhiều kẻ nhòm ngó lắm.

Mèo bảo: - Cất dưới tủ thờ, chỗ ấy linh thiêng, không ai dám bén mảng.

Thế là cùng đồng ý cất âu tóp mỡ, rồi lại mèo chuột chia nhau đi kiếm ăn. Chuột chăm chỉ, nghiêm túc, còn mèo thì đi kiếm thức ăn lấy lệ, thường hay về nhà sớm. Khi về nhà, không thấy chuột, mèo lẳng lặng đi vào dưới tủ thờ, lấy tóp mỡ ra chén, rồi nằm khểnh vuốt râu, tỏ ra rất khoái trá! Mùa đông rét mướt kéo đến, việc kiếm ăn thật khó khăn, lúc đó chuột bảo mèo lấy tóp mỡ ra ăn. Hỡi ôi! Chuột nhìn cái âu tóp mỡ không còn tóp mỡ nào cả chỉ còn vương mấy sợi lông mèo. Chuột kêu lên phẫn nộ: - Hóa ra anh lừa tôi! Bao nhiêu của ngon, một mình anh chén sạch!

Mèo cười giả lả: - Thôi đừng kêu la nữa, bao lâu nay tao hạ cố hợp tác với mày còn gì…

Chuột càng tức giận, la mắng:- Đồ đểu, đồ lừa đảo!

Mèo nổi giận, chộp lấy chuột đập cho một nhát chí tử, rồi gầm lên:- Tao đang đói đây, tao phải ăn thịt mày.

Chuột vùng chạy chí chết. Thoát khỏi vuốt mèo rồi, nó tự xỉ vả: “Không ai ngu si như mình, bỗng dưng lại tin cậy và hợp tác với kẻ vừa mạnh vừa đểu giả là con mèo kia”.

3. Cú gõ tiếp theo

Mèo bắt và gom được một lũ chuột nhốt trong lồng. Một hôm buồn tình, nó nghĩ ra một trò tiêu khiển: “Ta sẽ thử từng con chuột một, con nào ghét thì ta giết, chỉ để con nào không đáng ghét lại thôi”. Mèo sắm một cái búa đinh nhọn, ngồi trước bàn, tuyên bố trước khi lấy từng con chuột ra khỏi lồng, rồi phán:- Tao cho mỗi đứa một câu hỏi, trả lời đúng thì sống, trả lời sai thì chết.

Con chuột đầu tiên được đưa ra, mèo hỏi: - Một cộng một bằng mấy? Con chuột nhanh nhảu trả lời: - Thưa anh, bằng hai ạ!

- Mày biết quá nhiều! - Nói xong, mèo gõ búa vào đầu con chuột. chuột lăn quay ra chết tươi.

Con chuột thứ hai được đưa ra. Vẫn câu hỏi cũ. Con chuột run rẩy: - Thưa anh, em không biết ạ!. Mèo phán: - Mày dốt nát quá! Phải chết! Cây búa gõ vào đầu chuột vang lên.

Con chuột tiếp theo. Vẫn câu hỏi cũ. Con chuột sợ hãi, hỏi lại mèo:

- Dạ, em biết thì sao? Không biết thì sao?. Mèo nghe, nổi cơn: - Mày là loại nguy hiểm! Càng phải chết! Tiếng búa vang lên.

Thêm con chuột nữa. Vẫn câu hỏi cũ. Con chuột hoảng loạn, lắp bắp: - Biết mà trả lời đúng là bị giết, không biết để trả lời cũng bị giết, hỏi lại để trả lời càng bị giết, bây giờ em biết phải làm sao đây? Mèo nói: - Mày nói nhiều quá! Phải chết thôi”. Tiếng búa tiếp tục vang lên.

Thêm con chuột nữa được đưa ra. Lại vẫn câu hỏi cũ. Con chuột nhẹ nhàng trả lời: - Dạ, câu hỏi này, với trí thông minh cực kỳ của người như anh, anh muốn nó bằng bao nhiêu thì nó là bằng đấy ạ.

Con mèo ngồi thẳng người dậy. Nó xếp gọn cây búa, rồi nói khoan thai: - Chỉ có mày là kẻ đáng được sống thôi. Tao sẽ chọn mày làm trợ lý! .

Mèo thích ăn chuột nhưng mèo cũng khoái ăn mỡ nữa. Dân gian có câu: Mèo nào chẳng ăn vụng mỡ, mèo nào có từ mỡ  và mấy đời chó đói chê xương, mèo chê mỡ bếp, cọp nhường mồi ngon. Mỡ hấp dẫn mèo đến độ có những sự thèm thuồng quá cỡ, nên có câu: Như mèo thấy mỡ  để nói lên sự hấp dẫn khó chối từ.
Mèo khoái ăn mỡ như thế nên khi thấy mèo nằm bếp liếm, nhai cục … than thì đừng có ngạc nhiên, vì mèo nào mèo lại ăn than, bởi chưng có mỡ đổ tràn lên trên đó thôi!
Do đó, con người hớ hênh để mỡ trước miệng mèo có ngày không còn, rồi sinh ra bực tức, bảo mổ mèo đòi mỡ như đã từng đòi mổ lợn đòi bèo, toàn là những việc không bao giờ thực hiện được, chỉ có nước… “thịt” nó thôi!
Vì vậy, người xưa có lời khuyên: Đừng mang mỡ đến trước miệng mèo, tức là đừng bày ra những gì khêu gợi trước mặt kẻ xấu, cũng như con người, trai nào thấy gái chẳng tham sắc nàng. Cũng như: Thấy mỡ mèo nổi máu tham/ Thấy tiền nhiều vị làm quan… hít hà!
Tuy thế, chứ: Mèo tha miếng thịt (còn hơn miếng mỡ) thì dân tình xôn xao cả lên, hay mèo tha thịt mỡ thì la, vừa la vừa chạy đuổi bắt cố lấy lại miếng mỡ, bắt được thì đánh đập..., nhưng khi con kễnh (con cọp) tha con lợn thì cả nhà im hơi, để thấy thế lực của kẻ mạnh, kẻ có quyền như thế nào: Hùm tha con lợn không sao/ Mèo tha miếng thịt, giễu vào giễu ra.
Còn có câu: Hùm (cọp) mất hươu hơn mèo mất thịt, có ẩn ý nói cái mất của người có địa vị cao thì càng đau khổ hơn cái mất của người ở địa vị thấp.
Món cá thì mèo cũng không chê. Mèo mà vớ được cá thì nhất, nhưng mèo mù vớ được cá  thì nhất nữa và mèo mù vớ được cá rán thì là trúng số, được món ăn rất béo bở, cũng như người khổ, đang túng thiếu thì gặp vận may đến. Hay người khờ khạo, dại dột gặp may mắn mà đạt được cái hoàn toàn ngoài khả năng của mình thì không gì sung sướng bằng..
Do đó, những bà nội trợ luôn cảnh giác: Chó treo mèo đậy để bậy nó ăn, thức ăn phải treo lên cao, ngày xưa dùng gióng, đặt thức ăn trong rổ, đậy kỹ, treo lên trên cao để chó không với tới được, và thức ăn để trên bàn cũng phải đậy kỹ, đè vật nặng lên tránh mèo ăn vụng, vì mèo sức yếu không thể dùng chân đẩy vật đậy được, nhưng đồ ăn treo trên cao cũng phải phòng mèo, vì mèo leo trèo cũng giỏi.
Sau này, có cái cũi hay cái chạn bằng gỗ, đặt thức ăn vào đó, gài cửa lại, chó mèo chuột chẳng làm gì được, thật an toàn, tiện lợi. Ở đời cũng vậy, luôn phải cảnh giác với những kẻ xấu, có lòng tham, tránh mất mát của cải, tài sản.
Do đó, cơm hay cá treo thì mèo phải nhịn đói  thôi, mèo muốn no thì phải lo bắt chuột mà ăn. Nói thế chứ loài mèo ăn chậm và ăn ít, dân gian thường nói ăn nhỏ nhẻ như mèo, ăn như mèo ngửi,... là ăn từ tốn, từng miếng một hay ăn ít. Phụ nữ ăn nhỏ nhẻ được khen là có nết. Nhưng đàn ông ăn như mèo thì bị chê bai, cho là tật xấu. Từ đó, có so sánh: nam thực như hổ, nữ thực như miêu. Nhận định đó, hiện nay chưa chắc đúng như thế!.
Mèo ăn ít rồi mà còn có chuyện ăn cướp cơm chó, ăn tranh cơm mèo thì thật là lòng tham vô đáy!
Mèo ít ăn nên mới ít lo, ít làm cả ngày con mèo nằm bếp co ro là thế! Có khi con mèo nằm bếp cháy đuôi để thấy sự lười lĩnh luôn đưa đến những hậu quả rất xấu. Mèo cũng hay ăn vụng, im ỉm như mèo ăn vụng,  ăn lén ăn lút khi con người vắng mặt hay không để ý đến. Khi nói mèo ăn vụng còn là để ám chỉ con người, có những kẻ cố tình che giấu tội lỗi bằng cách im lặng tuyệt đối, hoặc những kẻ hễ thấy lợi là giấu giếm hưởng một mình, không cho ai hay biết.
Chuyện ăn vụng của mèo cũng được ví von với con người: Lửa gần rơm không cháy cũng tròm trèm/ Mèo không ăn vụng, đi đêm làm gì? Thôi thì lỡ ăn vụng dại, đổ quanh cho mèo. Thế là con mèo “lãnh đủ” tai họa. Con mèo lại còn “lãnh đủ trong chuyện này nữa:
Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi cho khéo, kẻo đụng giường má hay
Má hay má hỏi đi đâu ?
Con đi bắt chuột cho mèo con ăn.
Còn có câu tục ngữ về mèo nói về việc ăn: Có ăn nhạt mới thương tới mèo. Mèo thường ăn nhạt, ăn lạt, không mắm muối gì cả. Con người nếu có lúc phải ăn nhạt không có nước chấm thì thấy thức ăn vô vị, mất ngon, không muốn ăn. Lúc ấy, mới nghĩ thương con mèo suốt đời phải ăn nhạt, mình có nếm qua sự thiếu thốn nghèo khổ, thì mới biết thương người nghèo khổ thiếu thốn.
Có những con mèo bị mù mắt, mèo mù, nó không bắt được chuột, phải khó khăn tìm đường ra cống rãnh móc rác rưới đọng trong cống, tìm xương cá hay những gì có thể ăn được, mèo mù móc ống cống là như thế!  Con người, khi không còn phương kế nào để làm ăn, sinh sống rất khó khăn, thường xuyên đói khát... thì cũng cố … moi móc để mà sống.
Đó là nói về cái ăn của mèo, còn cái uống thì loài mèo uống nước bể chẳng bao giờ cạn. Như vậy, loài mèo ăn cũng ít  mà uống cũng ít.

Việc ăn uống như thế, việc “đi ngoài” của mèo thì cũng rất ... kỹ. Trước khi thải chất bẩn ra ngoài, bao giờ mèo cũng đào một lỗ nhỏ rồi thải vào đó, thải xong, quơ chân lấp đất lên. Giấu như mèo giấu cứt là như thế! Phân mèo rất hôi, nếu nó không giấu thì người nuôi không chịu nổi. Tuy nhiên: Giấu phân mùi vẫn bốc ra, cũng như con người tội thì rõ thế sao mà giấu đi !

Dân gian còn có câu: mèo dồn con là mèo thường tha con vào chỗ kín đáo, vì sợ mất con, nên dân gian có câu: Chim tha mồi, mèo tha con là như thế! Từ những chuyện đó, con người ví von: trong cuộc sống, có người cũng giấu nhẹm những chuyện của mình thật là kỹ, không muốn cho ai biết, như con mèo giấu phân, giấu con của nó vậy, nhưng làm sao giấu được, vì cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra.

Và khi mèo mửa thì cái gì nó mửa ra có mùi chua, mùi hôi không chịu nổi. Từ đó, có chàng trai mỉa mai cô gái, trong 10 điều “yêu” cô gái, “lời nói” của cô được xếp vào thứ tự số bảy trong các thứ tự những điều “chàng yêu” : ... Bảy yêu lời nói có duyên… Nhưng: Chua như mèo mửa, xỏ xiên cả Trời !

Còn khi nói công việc làm như mèo mửa là nói khi thực hiện công việc thì lười nhác, bỏ dở, làm không đến nơi đến chốn, không thể chấp nhận được.

Mèo có tài leo trèo, phóng tuốt lên ngọn cây một cách dễ dàng: Con mèo trèo lên cây vông/ Con chó đứng dưới ngó mong con mèo. Ngoài tài leo trèo, loài mèo còn có “thế võ” có tên là quào, mèo quào như dân gian thường nói chó cắn, mèo quào, nhưng cái thế “quào” của mèo không xuể phên đất, mèo quào không xẻ vách vôi ..., như thế, thế võ của mèo chỉ là những thế không nguy hiểm, thể hiện tài nhỏ, sức mọn mà thôi, không biết tự lượng sức mình, cố gắng cũng vô ích.

Tuy nhiên, những động tác của mèo cũng là nguồn cảm hứng võ thuật của những võ sư.

“Mèo cũng là động vật đem lại cảm hứng cho võ thuật với dáng đi uyển chuyển, không tiếng động, êm như mèo, giỏi leo trèo, có khả năng nhảy vọt là nguồn cảm hứng môn khinh công. Mèo có những cú cào, cú tát với hai bộ móng sắc ra đòn nhanh như chớp. Võ mèo hay miêu quyền cũng là một trong những môn võ độc, hay, lạ… Những động tác mô phỏng của mèo có thể chuyển hóa, phổ quát thành các bài võ, đòn thế tự vệ, chiến đấu hữu hiệu. Võ mèo ở nước ta xuất hiện rất sớm và bài Miêu tẩy diện (mèo rửa mặt) là một trong những bài võ mèo tồn tại lâu đời với khoảng 32 động tác.

Ngoài ra còn có một số bài võ mèo tiêu biểu như Linh miêu độc chiến và Bạch miêu quyền  .

Không những hình ảnh, động tác của mèo là nguồn cảm hứng võ thuật, mèo còn là nguồn cảm hứng bất tận và xuyên suốt từ thời kỳ cổ đại cho tới đương đại của các bộ môn nghệ thuật, như điện ảnh, hội hoa, nhiếp ảnh, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc, cấu tạo các vật dụng dùng hằng ngày, các hình xăm trên thân thể người…, trong các tranh quảng cáo, cả trong các phẩm kịch, truyện tranh, văn học viết, văn học truyền miệng…


Mèo chỉ biểu tỏ sức mạnh với chuột, nhưng đối
với chó thì mèo có những mối quan hệ khác. Mèo với chó như hai lực lượng đối kháng nhau, mâu thuẫn nhau, gấu ó như chó với mèo , đó là sự ăn ở, đối xử nhau không thuận hòa, đầy xung khắc.

Nói đến nguyên nhân chó mèo gấu ó nhau thì phải bắt đầu từ tổ tiên của loài chó mèo. Tổ tiên của chó và mèo đều là những loài ăn thịt sơ khai sống cách đây hàng chục triệu năm, đều là động vật săn mồi, thú săn mồi muốn tồn tại chúng thường đánh nhau tranh giành thức ăn. Tuy sau này chó và mèo đã được con người thuần hóa, nhưng sự thù địch này vẫn tiềm ẩn trong lòng, vì vậy chó và mèo gấu ó nhau mãi thế!

Dân tộc Thái cũng có chuyện giải thích chuyện chó mèo gấu ó nhau:

Xưa kia, chó và mèo vốn chơi thân với nhau. Tính chó thời luộm thuộm, bạ đâu nằm ngủ đấy. Còn tính mèo thì ưa sạch sẽ, lúc nào cũng nằm trên chiếu.

Thế rồi, chó sinh con đúng vào mùa đông trời buốt lạnh. Thương đàn con của chó rét mướt, nên mèo liền nhường chiếu (“chiếu” tiếng dân tộc Thái là phụ) cho đàn con của chó nằm. Nhờ thế, mà đàn con của chó sống sót qua được mùa đông rét đó.

Thế rồi một ngày kia, chó và mèo cùng về ở sống chung với con người. Thấy mèo có vẻ hiền lành, lại biết bắt chuột, nên người rất quý, cho mèo nằm ngủ chung chăn, cho ăn cơm trộn nhiều miếng ngon. Còn với chó thì người cho ăn cơm thừa canh cặn, bắt nằm ngủ ở dưới sàn, dưới đất.

Vì người đối xử không công bằng, nên chó nảy sinh ra ghen tỵ. Cứ nhìn thấy mèo ở đâu là chó đuổi theo tìm cách cắn. Mỗi lần bị chó đuổi là mèo lại phồng miệng lên kêu “phụ, phụ” (tức là “chiếu”), để nhắc lại cái ơn của mình đã cho chó mượn chiếu trước đây. Nhưng chó bỏ qua, vẫn cố đuổi cắn mèo cho bằng được.

Mèo tức chó vô ơn, nên kiện lên vua Then ở Mường Bun, nhờ vua Then phân xử lấy lại công bằng. Khi được vua Then hỏi đến, chó bèn thưa:

– Tại con người đối xử bất công. Mèo chỉ giúp người được mỗi việc bắt chuột thì lại được ăn ngon, ngủ chăn. Còn con làm giúp người bao nhiêu việc, như canh nhà trông trộm, đuổi trâu đuổi gà khi chúng phá vườn, đi săn bắt thú cho người ăn… Vậy mà lại toàn phải ăn của thừa, của ôi thiu vứt đi, khi ngủ thì phải nằm đất. Cho nên tức quá con mới đuổi cắn mèo.

Vua Then nghe thấy có lý nên phán:

– Vậy từ nay, chó và mèo nếu muốn sống chung ở trong một nhà, thì mèo phải lạy chó xin cho được ở cùng.

Thế là từ đấy, nhà nào muốn bắt mèo về nuôi thì khi bắt mèo về phải bế mèo lạy chó ba lạy. Như thế, chó sẽ để cho mèo ở cùng và không đuổi bắt nữa.

Một số con mèo cũng có thể hòa thuận với chó. Chỉ cần chủ vật nuôi giáo dục chúng tốt.

Mèo – chó cũng có lúc “đồng điệu”: Mèo hoang lại gặp chó hoang/ Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai.

Trong chuyện chó mèo gấu ó với nhau, có chuyện con mèo xán vỡ nồi rang, con chó chạy lại nó mang lấy đòn. Làm cho chó ngồi chó khóc nỉ non và than thở: Mèo kia đập bể để đòn cho tôi. Hay khi chó già ăn vụng cá khô, ông chủ không thấy đổ hô cho mèo ! Thế thì mèo bị đòn, không ... thù nhau sao được! Đó là chưa kể khi chó đi đâu đó, chủ đã sai mèo làm cái việc mà chó thường làm, không chó bắt mèo ăn cứt. Nói về con người, đó là cách dùng người trong một tình huống bất đắc dĩ, không đúng với sở trường, khả năng của người đó và như thế rất tai hại.

Tuy con mèo con chó có lông, nhưng chó lại chê mèo lắm lông làm như chó ít lông hơn mèo vậy, cãi qua cãi lại như thế mãi. Mèo chó nào lại không có lông: Con mèo con chó có lông/ Cây tre có mắt, nồi đồng có quai,  đó là điều hiển nhiên, thế mà chó mèo cứ gấu ó nhau, không “biết mình biết người”, chỉ cho mình là tốt, là nhất!

Dân gian lại còn có câu: Chó ghét đứa gặm xương/ Mèo thương người hay nhử. Xương là thứ chó rất thích gặm, nên ghét chó khác đến tranh phần để gặm. Mèo thích vờn mồi nên thích người hay nhử mồi. Như thế để nói rằng, con người thường nẩy sinh lòng thù ghét khi ai đó tranh giành quyền lợi của mình, nhưng cũng rất thích ai đó mơn trớn mình, ca tụng mình, nịnh nọt mình… , tâm lý người đời phức tạp như thế!

Con người, trong giao tiếp có lúc cũng chẳng ưa gì nhau như mèo với chó. Khi tức giận nhau, lợi dụng hình ảnh mèo chó mẫu thuẫn nhau  để chửi mắng vu vơ những người mình không ưa, như chửi mèo mắng chó, hay bực mình người khác nhưng lại trút bực tức qua những con vật nuôi trong nhà, như kiểu đá mèo quèo chó, đá mèo khèo rế, đánh chó chửi mèo…

Trong nhà, con người sống không ngăn nắp, bày ra bừa bãi, lộn xộn… dân gian cũng đem chó mèo ra để so sánh: chó tha đi, mèo tha lại, có khi, con người còn đổ thừa cho chó mèo gây ra sự bừa bãi đó, thế là chó mèo phải bị đòn oan. Câu tục ngữ trên còn có ngụ ý chỉ những vật vô giá trị bỏ lăn lóc chẳng ai thèm lấy, nên để tự do cho chó tha đi, mèo tha lại…

Người đời cho rằng mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang, hay: Mèo ở đậu (ở nhờ) thì khó, Chó ở đậu thì sang… Có phải tiếng kêu “meo meo” của mèo gần với âm “nghèo”, tiếng chó sủa “gâu gâu” của chó gần với âm “giàu” chăng?

Trong đời sống, con người thường mượn hình ảnh, tính cách của các con vật, như mượn hình ảnh, tích cách của con chó con mèo để gởi gắm những kinh nghiệm, đúc kết những triết lý sống ở đời và phê phán, đả kích những hành vi, lối sống của một bộ phận trong xã hội… Tất cả đã được thể hiện qua những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao, truyện ngụ ngôn, truyện cười… mà dân gian đã sáng tác ra và được lưu truyền qua thời gian. Đó là những bài học, những lời khuyên rất bổ ích cho thế hệ sau trong việc rèn luyện nhân cách và trong việc xử thế. Như:

Để ca tụng chó mèo, dân gian có câu: Mèo không chê chủ khó/ Chó không chê chủ nghèo.

Những người mang tiếng buộc cổ mèo, treo cổ chó  là những người có tính hà tiện, bủn xỉn, đến nổi mèo chó nuôi cũng không cho ăn.

Còn câu: chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào, “mỉu” do tiếng “miu” là mèo đọc chệch ra, có ý nghĩa là mỗi người đều có sở trường riêng của người ấy, chưa chắc ai đã hơn ai.

Một số người cũng bị phê phán: Đánh giặc mà đánh tay không/ Thà về xó bếp giương cung bắn mèo. Hay phê phán những người làm ăn chẳng ra gì: ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa. Có người bị chê là chó chê mèo mửa thì đó là nói về con người chẳng làm nên trò trống gì. Hay câu: Rửa mặt như mèo là câu để người đời chê tính cẩu thả, hời hợt, làm việc ẩu, không đến nơi đến chốn của một số người.

Lại còn có những kẻ ưa bịa chuyện, sai sự thật là những kẻ nói chuyện mèo đẻ ra trứng. Hay có những kẻ bịa chuyên nói láo, nói khoát như: Nhà tôi có một con mèo/ Khi mô hết thịt lên đèo kiếm nai. Chó chưa chắc kiếm nai  được, huống gì mèo.

Mèo vật đụn rơm cũng là câu tục ngữ chỉ kẻ tài thô trí thiển, làm việc không có ý nghĩa. Cũng như câu: Lèo nhèo như mèo vật đống rơm là phê phán kẻ nói dai, nói đi nói lại để nài xin ai một việc gì đó.

Dù ai cũng biết chó sủa mèo ngao nhưng ai khen ta hát như mèo ngao, hát như mèo cái gào đực trong lúc mèo động tình thì ta có nước ... độn thổ. Đó là chưa kể khi ta bị chê: Lôi thôi như mèo sổ chuột; Lôi thôi như mèo vật đống rơm; Lượt bượt như con mèo ướt; Lừ đừ như mèo ngái ngủ; Viết chữ như mèo quào ... thì ta chẳng vui gì.

Trẻ con cũng đem hình ảnh con mèo ra để ca hát: Mèo mẻo mèo meo/ Mèo đừng ghẹo trẻ/ Ta tra vào đây/ Ta quảy mèo đi ...

Trong câu hát giao duyên giữa chàng trai cô gái có sự đố nhau: ... Đố chi đố ngặt, đố nghèo/ Đố chi lại đố con mèo mấy lông/ Bậu về tát cạn biển Đông/ Thì ta sẽ đếm hết lông con mèo. Có người lại đố: Con mèo lành sao kêu con mèo vá ? Con cá không thờ sao gọi cá linh ?...,thì cũng thật là khó trả lời.

Hình ảnh con mèo không những được con người mượn để phê phán, chê bai một số người có lối sống không được tốt đẹp mà còn đưa hình ảnh nó vào đời sống tình cảm của con người nữa.

Có những mối thảm sầu của con người không biết bao giờ chấm dứt, vì bao giờ chuột đến với mèo/ Cóc theo bắt bướm, vịt trèo ngọn cau/ Thì ta đây mới hết thảm sầu.

Trong việc tìm vợ: Anh đi năm bảy dặm đèo/ Mà cưới con vợ như mèo mắc mưa. Mèo gặp mùa mưa lạnh dễ bị cảm lạnh, chảy nước mũi…, đem so sánh với người vợ, cho rằng người vợ ốm yếu, bệnh hoạn, không làm được việc gì giúp chồng, chăm lo việc gia đình. Đây để nói về người con trai khó tính, kén chọn khi chọn vợ, đi khắp nơi, tìm khắp nơi, kết cuộc chọn người vợ ốm yếu như thế!

Anh em trong gia đình cũng có lúc: Anh em bất nghĩa chi khèo/ Anh dữ như mèo, tôi lại như trâu. Anh em cột chèo (anh em bạn rể) cũng có khi gấu ó với nhau: Anh em cột chèo như mèo với chó. Chuyện đối xử giữa vợ chồng với nhau: vợ quá chiều, ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt, nuông chiều vợ quá thì vợ lờn mặt, lâu ngày sẽ lấn áp chồng. Nhưng khi người vợ bị chồng rẫy, chồng bỏ, chồng chê vì hư đốn thì người vợ phải rẫy, tiu ngỉu như mèo lành mất tai. Nhưng mèo lành thì không ai nỡ cắt tai cả, nhưng người vợ bị chồng bỏ thay vì chỉ còn biết âm thầm sống đến già, không mong được ai cưới hỏi nữa, nhưng lại khoa trương nọ kia để củng cố danh giá mình, gái kia chồng rẫy khoe tài làm chi ?

Ông Tơ bà Nguyệt trong hôn nhân xưa cũng có lúc bị đả kích do không xe duyên mối chỉ hồng cho anh chàng, dù anh chàng cúng bái nhiều lần, lễ vật đầy đù, nhưng anh chàng mãi không cô gái nào theo, đến nỗi anh chàng nổi giận: Bắt ông Tơ đánh sơ vài chục/ Bắt bà Nguyệt nếm mấy mươi hèo/ Người ta năm bảy vợ theo/ Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi.

Nhưng cũng có những anh chồng bị các bà vợ than thở suốt: Chồng người vác giáo săn heo/ Chồng em cầm đũa đuổi mèo quanh năm, tức là dùng đũa nhậu thịt mèo quanh năm đó! Hay: Chồng người đi ngược về xuôi/ Chồng tôi nằm bếp sờ đuôi con mèo…

Trong hôn nhân ngày xưa, tục thách cưới, nộp cheo cũng bị phê phán và hình ảnh con mèo cũng dự phần vào sự phê phán đó: Anh về anh bảo mẹ cha/ Bắt lợn để cưới, bắt gà để cheo/ Đầu lợn lớn hơn đầu mèo/ Làng ăn không hết làng treo cột đình/ Ông xã đánh trống thình thình/ Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo !

Tục làm rể của xã hội xưa cũng lắm nhọc nhằn: Công anh làm rể đã lâu/ Chỉ ăn cơm hớt với đầu cá rô/ Bao giờ anh lấy được cô/ Cơm hớt phần chó, đầu rô phần mèo. “Com hớt” là phần trên của nồi cơm đầy tro bụi do nấu lửa củi. Phần này người ngồi nồi hớt ra để riêng. Cơm này gọi là cơm hớt. Chỉ bới cơm sạch cho những người ngồi ăn. Phần “cơm hớt” này lại dành cho anh chàng đến nhà vợ làm rể, làm anh chàng phải thở than hoài, hy vọng một ngày nào đó thoát ra.

Quan niệm việc hôn nhân là do duyên số, hình ảnh con mèo cũng được đưa và để ví von: Còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh cưới … con mèo cụt đuôi. Và trong cuộc sống có những đôi vợ chồng chẳng được hòa hợp, hạnh phúc là do tính tính của hai người, được dân gian ví như … mèo với chó: Đôi ta như chó với mèo/ Như gà với cáo, như kèo đục vênh.

Về mặt ẩm thực, THỊT MEO các tay nhậu cũng khoái lắm, cho là món TIỂU HỔ, thịt cọp con. Dân nhậu khoái khẩu cứ ca tụng mãi thịt này:

- Thịt mèo trắng hơn thịt gà/ Ngọt thơm chất vị, đậm đà tình dân/ Ruột mèo nấu nộm rau cần/ Nhai giòn không chán, một lần khó quên/  Giả cầy hoặc luộc đều nên/ Học Tàu cho thuốc tự nhiên thơm bùi.

- Thịt mèo đem hấp nồi rang/ La ổi lót dưới lại càng ngọt thơm.

- Tái mèo nhắm rượu nếp mùa/ Rau thơm, húng ngổ…, dân, vua khát thèm.

- Thịt mèo mà nấu giả cầy/ Mắm tôm, mỡ, mẻ, riềng… càng thêm ngon.

- Thịt mèo làm giả tái dê/ Vừa ngon vừa bổ, ai chê thịt mèo ?

- Ninh Bình nhiều quán thịt mèo/ Tái mèo ngon lắm, anh theo em về.

Dân nhậu khoái nhậu thịt mèo chỉ có loài chuột hoan hô thôi, thêm những hả hê bội thu của những tay kinh doanh mèo. Vì thế ở các nơi, một số quán nhậu tiểu hổ mọc lên để phục vụ và sẵn sàng thu mua loại tiểu hổ này.

Ngày xưa, bên Trung Quốc có Võ Tòng đánh chết hổ, còn ở ta, các tay đi săn tiểu hổ cũng được gán cho tên Võ Tòng. Các tay Võ Tòng này chuyên môn đi bắt mèo hoang hay mèo nuôi lỡ ra khỏi nhà. Dụng cụ bắt tiểu hổ là chiếc roi bằng thép dẻo có độ đàn hồi cao. Có Võ tòng dùng cây đinh ba và cây đèn pin cực sáng, lợi dụng đặc tính “bắt đèn” của mắt mèo khi bị ròi đèn pin, mắt chúng đang tập trung vào nguồn sáng có cường độ mạnh dùng cây đinh ba để đâm chúng.
Có Võ Tòng nhử mèo sập bẫy như mấy tay đi nhử chim cu. Đợi đến mùa mèo động đực, các tay Võ Tòng này bắt một con mèo cái nhốt vào lồng, đặt trước lồng vài cái bẫy chuột. Thế là các mèo đực bắt được hơi nhào đến bu quanh, chưa làm được gì thì bị bẫy cạp chân, Võ Tòng chỉ việc lượm bỏ vào bị. Mèo ham thịt mỡ, thấy có miếng thịt mỡ trước mặt là đớp liền. Đớp xong miếng mồi, mèo mới biết bị lưỡi câu móc vào miệng. Đó cũng là một cách thu gom mèo cho các quán nhậu.

Các quán nhậu, nếu mua được mèo còn sống thì các tay đồ tể ra tay “ thịt ” mèo một cách không thương tiếc. Có nhìn được các tay đồ tể này làm thịt mèo mới thấy được sự dã man, độc ác và cũng thật rùng rợn.

Thịt mèo lúc này được các tay đầu bếp đem hấp, luộc hay xào. Thịt mèo thái mỏng xào lăn với sả ớt. Chân đuôi và một số thịt ở sườn hay lưng (để cả xương) chặt miếng nấu giả cầy. Xương mèo đem nấu cháo. Mật mèo, nhất là mật mèo đen rất là hiếm đem pha rượu, được các đệ tử lưu linh đánh giá khá cao rượu ngâm này vì nó có tính chất cường dương. Ăn thịt mèo, các tay nhậu đòi hỏi phải có rau má, cũng như ăn thịt chó phải có lá mơ. Các tay nhậu cho rằng rau má làm thịt mèo ngọt hơn, hợp với mùi vị. Rau má ăn như rau sống hay đem xay nhuyễn ngâm thịt mèo vào.

Các tay nhậu còn dẫn chứng các nhà Đông y đã liệt thịt mèo vào hàng bổ dưỡng, như danh y Tuệ Tĩnh cho rằng thịt mèo có vị ngọt, chua, tính âm, không độc, chữa được bệnh lao, trĩ, động kinh và một số bệnh khác. Thịt mèo còn làm thức ăn cho những người suy tổn khí huyết, kinh nguyệt không đều, phòng chữa bệnh cho người già yếu. Thịt mèo rừng còn trị được bệnh sốt rét, trị thần kinh suy nhược, phụ nữ sau khi sanh chóng phục hồi thể lực. Các bộ phận của mèo như xương mèo (nấu cao), mật mèo, máu mèo, gan mèo cũng là những vị thuốc chữa được một số bệnh. Ngay phân mèo, tiếng Hán Việt là miêu phẩn và cũng được gọi là phân Ngũ tướng quân dùng để trị bệnh hiểm nghèo.

Lông mèo ngày xưa các cụ thường dùng làm bút lông chấm mực Tàu viết chữ Hán. Cụ Phan Văn Trị làm thơ vịnh con mèo, có câu ca tụng: Trăm tuổi, hồn dầu về chín suối/ Nắm lông để lại giúp trò nghèo. Do đó, có cụm từ mút lông mèo là để chê học trò không làm được bài, ngồi cắn bút, như ngày nay ta nói.

Nói gì thì nói, loài mèo được sinh ra là để bắt chuột. Số lượng chuột sinh ra không biết bao nhiêu mà kể. Chúng phá hoại mùa màng, cắn phá trong nhà, sinh ra đại dịch (dịch hạch) là nỗi khổ của người dân. Thế mà cứ bắt mèo làm thịt cho dân nhậu khoái khẩu, để họ cứ ca tụng loại mãi thịt này. Có năm nào đó, chính quyền ta ra lệnh cấm cửa mở quán nhậu thịt mèo ... Tất cả là cũng để bảo vệ loài mèo cho giống chuột không thể tự do hoành hành.

“Mèo là con vật nhỏ bé dễ thương, các dân tộc trên thế giới đâu cũng yêu quý. Hầu như ở thành thị hay nông thôn đều nuôi mèo. Có tiếng mèo, chuột thôi không rúc rích quấy phá. Có những con mèo tam thể nuôi làm cảnh (…). Bé gái bế mèo như bế em, bé trai nghịch ngợm kéo đuôi (…). Ấy thế mà có người lại nghĩ tới việc ăn thịt mèo. Họ lắm tiền thấy gì lạ là ăn, đua nhau ăn nhậu “đặc sản“, ăn chó ăn mèo, ăn chuột đủ cả. (…). Cái nhóm người ăn uống ô trọc bởi tính hiếu kỳ chứ đâu phải thịt mèo là ngon hơn tất cả các loại thịt thường ăn. Vả lại nguồn thực phẩm thịt mèo có được là bao, nhiều sao bằng gia súc gia cầm, ấy thế mà người ta vẫn cứ mê cứ ăn thịt mèo để phá vỡ cân bằng sinh thái tự ngàn xưa…" (Mai Khôi, Hương bốn mùa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1998, tr.136-137).

CHUYỆN MÈO NĂM MÃO nếu kể ra cho nhiều thì ... mèo vẫn hoàn mèo như trong truyện cười dân gian sau đây :

Ngày xưa có một người nuôi một con mèo. Nghĩ con mèo của mình khôn ngoan, tài giỏi không có loài nào hơn nữa, mới đặt tên cho nó là “Trời”.

Một hôm, có một ông khách đến chơi, thấy sự lạ mới hỏi rằng: – Sao ông lại dám gọi nó là con “Trời”?
Chủ nhà đáp: – Con mèo của tôi quý hóa có một không hai. Gọi nó là con “Mèo” thì không được. Phải gọi là con “Trời” mới xứng đáng, vì không ai hơn được “Trời”.

Ông khách hỏi: – Thế mây chẳng che được trời là gì?

Chủ nhà bảo: – Thế thì tôi gọi nó là con “Mây”.

Khách lại hỏi:  – Thế nhưng gió lại đuổi được mây!

Chủ nhà lại bảo : – Thế thì gọi nó là con “Gió”.

Khách lại nói : – Thế nhưng thành lại cản được gió!

Chủ nhà bảo : – Thế thì tôi gọi nó là con “Thành”.

Khách lại nói : – Thế nhưng chuột lại khoét được thành!

Chủ nhà bảo : – Thì tôi gọi nó là con “Chuột”.

Khách lại nói : – Thế nhưng mèo lại bắt được chuột!

Chủ nhà nghĩ ngợi rồi bảo:

– Thì tôi lại cứ gọi nó là con “Mèo” như hôm trước vậy.

Ông khách vỗ tay cười:
– Thế có phải là:
“Mèo lại hoàn mèo” như câu tục ngữ ta vẫn thường nói không?  

N.V.B

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com